Sự trở lại của giao diện phẳng

Tổng hợpThứ Tư, 02/10/2013 10:59:00 +07:00

Điều này được hiểu là một xu hướng nào đó xuất hiện, phát triển, thoái trào nhường chỗ cho một xu hướng mới rồi lại xuất hiện vào một thời điểm sau này.

Khi nói về thời trang nhiều chuyên gia cho rằng phong cách thiết kế luôn có một sự lặp lại mang tính kế thừa. Điều này được hiểu là một xu hướng nào đó xuất hiện, phát triển, thoái trào nhường chỗ cho một xu hướng mới rồi lại xuất hiện vào một thời điểm sau này. Trong thế giới công nghệ thì sự lặp lại này dường như cũng được coi là một quy luật, và điều này đã mang phong cách thiết kế phẳng trở lại với các hệ điều hành trên máy tính và các thiết bị di động.

 

Thiết kế phẳng là gì?
Thiết kế phẳng hay còn được gọi là flat design được coi là một triết lý thiết kế theo chủ nghĩa tối giản, tức mọi thành phần đồ họa được làm cho đơn giản nhất với những đặc tính như màu sắc rõ ràng, góc cạnh, không gian mở và tất cả được thể hiện dưới dạng hai chiều. Bản thân cái tên "phẳng" của kiểu thiết kế này cũng đã bao hàm ý nghĩa không chứa những yếu tố 3D. Phong cách thiết kế phẳng đi ngược lại hoàn toàn so với triết lý thiết kế mô phỏng đề cao cái đẹp và đồ họa phức tạp vốn thịnh hành trước đây.
Thiết kế phẳng xuất hiện vào thời điểm đầu của các hệ điều hành sơ khai khi các yếu tố liên quan đến kĩ thuật và đồ họa còn hạn chế. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của công nghệ thì phong cách thiết kế này nhanh chóng bị thay thế bởi kiểu thiết kế mô phỏng.
 Nếu bạn đã từng sử dụng các hệ điều hành như Window 98, XP, Vista hay Window 7 hẳn bạn dễ dàng nhận ra các thành phần của hệ điều hành đang tái tạo ngày một thật hơn những vật ngoài đời từ biểu tượng My computer đến icon của thùng rác. Điều này còn được thể hiện rõ hơn trên các thiết bị sử dụng hệ điều hành IOS của Apple từ những năm 2012 trở về trước. Lần đầu khi tôi sử dụng Iphone thì điều đầu tiên khiến tôi cảm thấy thích thú chính là sự gần gũi trong giao diện sử dụng. Ứng dụng tính toán trông không khác gì một chiếc máy tính cầm tay hay hình ảnh kệ sách tượng trưng cho phần mềm đọc sách. 
Trong quá khứ, việc thiết kế mô phỏng ra đời và thay thế thiết kế phẳng được coi là yêu cầu tất yếu nhằm đem máy tính lại gần với người sử dụng hơn. Những năm 1984 khi Apple giới thiệu giao diện đồ họa người dùng đầu tiên thì thiết kế mô phỏng bắt đầu được ứng dụng nhiều để giúp người dùng quen với các khái niệm lạ lẫm trên máy tính. Tuy nhiên hiện nay nhiều nhà thiết kế cho rằng khi máy tính đã quá phổ biến thì người ta không cần tới những mô phỏng để hiểu chức năng của một biểu tượng hay một nút nào đó và thiết kế mô phỏng bắt đầu trở nên lỗi thời và nhàm chán.

 

Sự thất thế của thiết kế mô phỏng
 Thiết kế mô phỏng không chỉ đem đến sự gần gũi cho người dùng mà nó còn tạo cảm giác bóng bẩy. Tuy nhiên thiết kế mô phỏng cũng có những khuyết điểm nhất định của nó.
Đầu tiên là giao diện đôi khi khó quan sát. Một ví dụ khá điển hình đó biểu tượng chiếc đồng hồ mà Apple sử dụng ở hệ điều hành IOS 6 trở về trước. Rõ ràng khi xem hình ảnh chiếc đồng hồ như thế chúng ta sẽ mất thời gian hơn hẳn so với loại đồng hồ số chỉ có giờ và phút. 
Điểm yếu thứ 2 của thiết kế mô phỏng đó chính là cách thức mô phỏng đôi khi gây khó nhà phát triển. Việc tìm ra cũng như tạo dựng hình ảnh trong phong cách thiết kế mô phỏng gây ra không ít khó khăn cho các nhà thiết kế, đặc biệt đối với các nội dung không có vật dụng trong thực tế. Điều này cũng góp phần hạn chế sự sáng tạo bởi các nhà thiết kế không cần phải tưởng tượng nhiều về thứ mà mình định làm ra mà chỉ nghĩ cách làm sao cho giống nhất có thể. Và khả năng cao là sẽ có nhiều "ý tưởng lớn gặp nhau" với một chút khác biệt nhỏ.
 Thiết kế mô phỏng cũng làm tốn nhiều không gian màn hình thiết bị di động cho các trang trí không cần thiết: Đây là một thực tế của thiết kế mô phỏng vốn đặt nặng tính hình ảnh với các trang trí bắt mắt. Chẳng hạn như ảnh thiết kế của giao diện lịch người dùng thường chỉ muốn biết hôm nay là ngày bao nhiêu, thứ mấy. Không nhất thiết phải hiển thị cả một tháng như một tấm lịch thực sự.
Và một trong những hạn chế mà các nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng không thích chính là tốn nhiều tài nguyên phần cứng: Việc áp dụng nhiều hiệu ứng trong thiết kế mô phỏng khiến các thiết bị di động vốn yếu ớt về sức mạnh phần cứng, ít ỏi về thời lượng pin sẽ phải dồn sức để thể hiện trên màn hình.
Thiết kế phẳng với đặc tính đơn giản có khả năng khắc phục những hạn chế trên của thiết kế mô phỏng, có lẽ chính điều này khiến các hãng công nghệ quay lại với thiết kế phẳng. Cũng có nhiều chuyên gia ra cho rằng với 33 năm phục vụ thì bây giờ cũng là lúc thiết kế mô phỏng nhường chỗ cho thiết kế phẳng, đã đến lúc người tiêu dùng cần có một sự thay đổi triệt để.

 

Từ lặng lẽ đến chiếm lĩnh
Có thể nói sự trở lại của xu hướng thiết kế phẳng là cả một quá trình lâu dài và Tập đoàn công nghệ Microsoft được coi như những người tiên phong. Ngay khi thiết kế mô phỏng đang chiếm lĩnh hầu hết các giao diện thì hãng phần mềm Mỹ đã bắt đầu đưa thiết kế phẳng trở lại trên sản phẩm máy nghe nhạc Zune của mình. Tuy nhiên do doanh số thấp nên sản phẩm này sớm rơi vào quên lãng. Tuy nhiên, Micrsoft vẫn kiên trì với giao diện phẳng bằng dự án Window Phone 7 (WP7) sau này là Window Phone 8. Những ô gạch vuông đầy mầu sắc của Microsoft chính là một dạng thiết kế phẳng. Với sự phát triển khả quan của WP7 thì Microsoft đã mạnh dạn đưa đứa con cưng của mình là hệ điều hành Windows đến với thiết kế phẳng, hãng gọi giao diện mới này là Modern UI. Không chỉ các sản phẩm mà logo của Microsoft cũng được thiết kế phẳng lại với 4 ô cửa sổ trắng, điều này cho thấy hướng phát triển nhất quán mà hãng theo đuổi. 
Tuy nhiên sẽ khó có thể gọi là xu hướng nếu như mới chỉ một hãng áp dụng. Năm 2013 đã đánh dấu bước ngoặt trong phong cách thiết kế khi những hình ảnh rò rỉ của IOS 7 được đăng lên báo. Apple một trong những hãng công nghệ có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới cũng đã trở lại với phong cách thiết kế phẳng. Ngày 11/6/2013 CEO Tim Cook đã giới thiệu đến công chúng thay đổi lớn nhất của IOS đó chính là đem tính “phẳng” vào hệ điều hành này. Sau sự kiện này nhiều chuyên gia đã tự tin khẳng định rằng: thời của thiết kế phẳng đã đến.
Giờ đây nhiều người đang hướng con mắt đến Google - hãng sở hữu hệ điều hành di động Android, người ta băn khoăn bao giờ Google sẽ đem thiết kế phẳng đến với người dùng. Điều này được dự đoán sẽ sớm trở thành hiện thực khi mới đấy Google map đã được chuyển sang giao diện phẳng.

Tạm kết
Thật ngẫu nhiễn khi viết bài này thì người đồng nghiệp bên cạnh tôi đang sử dụng chiếc Iphone 5 mới nâng cấp lên IOS 7 để đọc cuốn “Thế giới phẳng” của Thomas Friedman, điều này khiến tôi tự hỏi phải chăng mọi thứ đang “phẳng”?

Đức Diệp

Bình luận
vtcnews.vn