Sự thật về những bức ảnh chụp vong ở Việt Nam (kỳ 2)

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 21/02/2012 05:35:00 +07:00

Những nhà nghiên cứu Việt Nam không nên nghiên cứu thêm về nó nữa mà hãy giành cho những việc khác, có ý nghĩa hơn.

Trên thực tế, đã có rất nhiều người bắt đầu tin vào những bức ảnh chụp vong đó. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, lại có rất nhiều chuyên gia ở những lĩnh vực khác nhau đã cùng lên tiếng cho rằng, đó thực ra chỉ là sự ngẫu nhiên chứ không có vong, hồn nào xuất hiện cả. Những lý giải của họ cũng rất đáng để chúng ta suy nghĩ.


Trí não con người có thể bị “đánh lừa”!

Để tìm hiểu về những vòng tròn sáng xuất hiện trên những bức ảnh, chúng tôi tìm gặp Th.s Nguyễn Mạnh Quân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển sức khỏe Thể – Tâm – Trí. Ông Quân khẳng định: “Ở nhiều nước trên thế giới, các nhà khoa học đã nghiên cứu làm rõ những vòng tròn sáng từ lâu rồi.

Nhiều nhà khoa học đã lần lượt loại những vòng tròn trắng sáng ra khỏi chương trình nghiên cứu của họ. Đó hoàn toàn không phải là hình ảnh của người âm. Thế nên, nếu nói về những vòng tròn ấy, tôi cho rằng những nhà nghiên cứu Việt Nam không nên nghiên cứu thêm về nó nữa mà hãy giành cho những việc khác, có ý nghĩa hơn.

Đó là sự phản quang trong quá trình chụp ảnh có dùng đèn flash máy ảnh. Có thể chỉ một hạt bụi li li trong không gian, một giọt nước mưa, giọt sương khi gặp ánh sáng flash sẽ phản quang để ra những vòng tròn với muôn hình muôn vẻ.

Người phụ nữ bí ẩn sau song sắt trong bức ảnh của Chris-topher Aitchison

Nói về những bức ảnh có hình người mờ ảo mà nhiều người cho đó là vong, những nhà khoa học Đức đã tập hợp hàng vạn tấm ảnh kiểu này. Sau khi phân loại, bỏ đi những tấm ảnh dàn dựng, chỉnh sửa bởi phần mềm máy tính, họ chọn ra được một vài tấm “nguyên gốc”, người chụp vô tình chụp được.

Nổi tiếng bậc nhất phải kể đến tấm ảnh người phụ nữ sau song cửa lâu đài Tantallon của nhiếp ảnh gia Christopher Aitchison. Tantallon là một lâu đài cổ ở Scotland đã đổ nát. Năm 2008, Christopher Aitchison đến đây và chụp được một bức ảnh lạ để rồi năm 2009, nó được bầu là bức ảnh ma có sức thuyết phục nhất thế giới.

Khi rửa ảnh, nhiếp ảnh gia Christopher Aitchison bàng hoàng nhận thấy ở sau song sắt cửa sổ lâu đài – nơi mà ông nhớ rõ không hề có ai khi bấm máy, khoảng 15 giờ – hiện diện một phụ nữ cao tuổi bận trang phục cổ xưa, đang nhìn ra ngoài.

Dĩ nhiên, bức ảnh được “săm soi” rất kỹ để tìm kiếm dấu hiệu giả mạo, nhưng các chuyên gia khẳng định không hề có yếu tố kỹ xảo nào. Những người không tin vào ma quỷ lý giải rằng, hình ảnh người phụ nữ kia được tạo ra do hiệu ứng của ánh sáng giữa tường và song sắt.

Tuy nhiên, một tháng sau đó, bức ảnh ma thứ hai được công bố cũng tại lâu đài này. Nghe bàn tán về ảnh của Christopher Aitchison, gia đình Lamb (người Scotland) quyết định đưa ra bức ảnh hồn ma họ chụp được cũng ở chính lâu đài Tantallon, cũng vị trí này hơn 30 năm trước. Bà Grace Lamb chụp ảnh lưu niệm cho chồng cùng hai con, Paul và Kelly. Trong ảnh hiện lên hình dáng một phụ nữ, cũng ăn vận theo lối cổ xưa, cũng đứng ở song sắt cửa sổ nhìn ra ngoài.

Một tấm ảnh ma khác cũng nổi tiếng không kém là bức ảnh người đàn bà áo sậm màu ở lâu đài Raynham. Lai lịch của bức ảnh được kể lại như sau: Ngay từ đầu thế kỷ XVIII, lâu đài Raynham (được xây từ thế kỷ XVII tại Anh) đã được cho là bị ma ám.

Rất nhiều người khẳng định đã nhìn thấy một thiếu phụ mặc váy áo màu nâu trong lâu đài, vì thế bóng ma này được gọi là Brown Lady. Người ta cho rằng, đó chính là linh hồn của Dorothy Walpole, nữ chủ nhân của lâu đài, do ngoại tình nên đã bị chồng là lãnh chúa Viscount Townshend nhốt trong một căn phòng kín, tách biệt khỏi con cái.

Nhiều người cho rằng, bà đã bị chồng đẩy ngã xuống cầu thang và gãy cổ, dù thông báo chính thức là bà chết vì bệnh đậu mùa. Họ cho rằng, sau khi chết, linh hồn uất hận của Dorothy không siêu thoát được mà vẫn vất vưởng ở đây, không ít lần trêu ghẹo người sống.

Rất nhiều người “có vai vế” khẳng định từng nhìn thấy Brown Lady. Người đầu tiên là bà Robert Walpole, vợ của ông chủ lâu đài Viscount Townsend, thấy hồn ma này năm 1713. Tương truyền, chính vua Anh George IV cũng đã bị Brown Lady quấy rối khi nghỉ ngơi tại lâu đài này. Đang ngủ, nhà vua giật mình tỉnh dậy thấy người đàn bà áo nâu đang nhìn mình chằm chằm nên đã kinh hoàng bỏ đi ngay trong đêm.

Dịp giáng sinh năm 1835, hai người bạn của chủ lâu đài là Đại tá Loftus và Hawkins đến chơi và ngủ lại. Khi sắp đi ngủ, họ thấy hồn ma đứng ngay cạnh giường. Đêm sau, đại tá lại nhìn thấy hồn ma lần nữa. Ông mô tả hồn ma này vận đồ nâu, mắt không có tròng.

Một năm sau, Đại úy Marryat cùng hai người khách khi đến ở đây cũng “chạm trán” Brown Lady. Đại úy đang nói đùa với hai người kia rằng, họ nên mang súng đề phòng khi hồn ma quấy rối thì giật bắn mình khi thấy Brown Lady cầm nến lướt đến phía mình. Ông đã phản ứng với nỗi kinh hoàng theo lối nhà binh: vớ lấy súng bắn vào bóng ma. Dấu vết để lại đến ngày nay là những vết đạn in trên tường.

Chuyện về Brown Lady “lên cơn sốt” khi bức ảnh chụp ma ở đây được công bố. Nhà nhiếp ảnh Captain Provand đang chuẩn bị chụp bộ ảnh kiến trúc lâu đài tại tầng trệt thì Shira đột nhiên nhìn thấy một vầng sương mù dày đặc cuộn lại thành hình một phụ nữ mặc váy ở cầu thang. Shira vội vã gọi Captain đem máy đến chụp lại. Họ tin rằng, đây chính là bóng ma của tòa lâu đài.

Dĩ nhiên, những câu chuyện như thế này ở Việt Nam cũng có rất nhiều và thường xuyên được kể đi kể lại với nhau, được thêu dệt lên nhiều phần cho rùng rợn.

Nói về những bức hình này, Th.s Nguyễn Mạnh Quân cho rằng: Nếu chụp ảnh với những máy ảnh du lịch hay bằng điện thoại, để ý bạn sẽ thấy những hình ảnh thoáng qua khung hình vẫn được giữ lại cho bức ảnh. Đặc biệt là những máy ảnh tự động, khi bấm máy, đèn flash sáng lên nhưng lúc đó sự thật là máy ảnh chưa ghi hình ảnh, chỉ cần bóng người đi thoáng qua hoặc người được chụp chạy khỏi vị trí chụp thì sẽ tạo ra những bóng người mờ ảo?!

Với những bức ảnh dạng như bức ảnh của nhiếp ảnh gia Christopher Aitchison, Th.s Quân cho rằng, có thể trí não và thị giác chúng ta đang bị “đánh lừa”. Ví dụ khi chúng ta nhìn hình một đám mây, chúng ta có thể tưởng tượng ra rất nhiều hình ảnh khác nhau, có thể là mái tóc một cô gái, hình một con bò hay gương mặt của một bà lão.

Tất cả là do khi chúng ta mặc định đám mây đó là hình gì, trí não chúng ta sắp xếp, huy động những hình ảnh đó để tưởng tượng nên. Điều này rất rõ ràng khi chúng ta phóng to hình những vòng tròn sáng được cho là vong để tưởng tượng ra đó hình như là một khuôn mặt người.

“Cá nhân tôi không phủ nhận hoàn toàn vấn đề tâm linh thể hiện qua một số tấm ảnh. Tuy nhiên, nếu đó chỉ là những vòng tròn sáng thì tôi khẳng định, chẳng có vong hồn nào ở đó hết. Các nhà nghiên cứu ở Việt Nam nếu vẫn còn mất thời gian quan tâm đến những vòng tròn ấy thì tôi thành thật khuyên các vị nên dừng lại, dành thời gian nghiên cứu những thứ có ích hơn” – Th.s Quân khẳng định.

Thực nghiệm trên máy ảnh

Trở lại vấn đề với những vòng tròn sáng, như để rõ ràng hơn nữa cho việc phủ định: những vòng tròn trắng sáng không phải là người âm, chuyên gia máy ảnh Mai Sỹ Xuân Lâm đã tiến hành một cuộc thực nghiệm ngay trên máy ảnh của anh.

Trước hết, anh Lâm khẳng định những vòng tròn sáng trắng có nhiều ý kiến cho rằng đó là do bụi là sai. Sự thật về những đốm sáng chẳng qua là một hiện tượng quang học rất bình thường khi có đủ 3 yếu tố: Nước, sương (giọt nước li ti từ cực nhỏ đến lớn như hạt mưa); kính (gương) hoặc thấu kính; ánh sáng.

Anh Lâm đã có một thời gian dài nghiên cứu về hiện tượng này và theo anh thì đến nay anh đã có rất nhiều kết luận để chứng minh về hiện tượng quang học này. Anh Hải khẳng định: 100% những đốm sáng trên không phải là linh hồn người âm.

Bức ảnh gây sốt về Brown Lady.

Theo anh Lâm, để tái hiện lại những vòng tròn sáng trên, trước tiên, cần có những giọt nước bám trên bề mặt kính (hoặc thấu kính máy chụp hình), có ánh sáng hắt ra từ phía xa. Khi điều chỉnh ống kính máy ảnh ra xa khỏi cảm biến ảnh (điều chỉnh tiêu cự), ở góc độ nào đó ta sẽ làm nhòe giọt nước thành một đốm sáng nhỏ mờ ảo. Tiếp tục chỉnh tiêu cự, những đốm sáng dần bị phóng to lên rất tròn và đều đặn.

Tùy vào góc độ của máy ảnh với giọt nước sẽ cho ra các hiệu ứng ánh sáng khác nhau và độ nhòe của giọt nước cũng khác nhau. Những đốm sáng to màu trắng và màu vàng là một hình phản chiếu của 1 giọt nước khác trong không trung bị đèn xe, hoặc đèn quảng cáo phản chiếu vào gương, đi qua thấu kính và đến cảm biến ảnh của máy chụp hình.

Cũng làm tương tự như thế, chúng ta có nhiều đốm sáng khác nhau với nhiều màu sắc khác nhau do phản chiếu của nhiều ánh đèn màu khác nhau.

Khi trời mưa bụi, các giọt nước mưa đã phản chiếu ánh sáng đèn đường, đèn flash vào hệ thấu kính của máy chụp hình và đến cảm biến ảnh. Các giọt nước mưa đã bị nhòe đi cứ như là các bông tuyết. Và khi chụp những tấm ảnh như thế, rất nhiều người cho rằng đốm sáng đó là linh hồn người âm.

Theo anh Lâm thì sự thật đây chỉ là những đốm sáng nhỏ, vậy để phóng to những đốm sáng này lên thì ta phải làm sao? Đó là thay đổi khoảng cách từ thấu kính đến cảm biến ảnh. Khi đó các chấm sáng này sẽ nhòe rộng ra và sẽ rất giống với mô tả linh hồn người âm. Vẻ kỳ ảo của những giọt nước với hiệu ứng ánh sáng đặc biệt đã khiến cho một số người tin đó là những linh hồn và tưởng tượng ra linh hồn ấy có cả mắt mũi và miệng.

Thậm chí, với nhiều người hình chụp cái mạng nhện lóa sáng bởi ánh đèn flash, cũng cho là “linh hồn” giăng ngang, dọc. Những ai đi dưới mưa, nước mưa rơi đầy kính thuốc, nếu đi đường buổi tối bất chợt bị đèn xe phía trước chói sáng vào mắt, ánh sáng xuyên qua giọt nước đến mắt. Khi đó chúng ta cũng thấy được những đốm sáng. Khi xem các phim quay cảnh buổi tối, trời mưa, nếu quan sát kỹ ta sẽ thấy rất nhiều đốm sáng này xuất hiện trong phim (dính trên kính xe hơi, phản chiếu qua gương chiếu hậu…).

Anh Lâm kết luận: Hiện tượng đốm sáng này dễ quan sát nhất khi trời chập tối đã sáng đèn đường hoặc có nhiều trăng sao, kính bị dính nước, hoặc trời mưa. Kết hợp với ánh sáng của trăng, sao, ánh đèn đủ màu sắc đã làm cho các đốm sáng có nhiều màu khác nhau.

Những vòng tròn sáng có những hình dạng khác nhau có thể do ánh sáng của trăng, sao có màu trắng, đèn cúng, đèn trang trí màu xanh, màu vàng thì các đốm sáng ấy cũng có màu tương tự. Khi các đốm sáng quá mờ bởi zoom ống kính máy ảnh lớn thì nó lại có màu xám chỉ vì… thiếu sáng. Còn khi chụp với flash, các đốm sáng ấy sẽ xuất hiện thường xuyên hơn và nhiều hơn, cũng chỉ do phản xạ ánh sáng vào giọt nước mà thôi. Đôi khi vô tình chụp vào những giọt sương li ti đọng trên lá cây thì hiệu ứng ánh sáng này cũng sẽ xảy ra.

Trong trường hợp có đốm sáng vào ban ngày, chẳng qua đó là do ánh sáng phản chiếu sáng hơn nguồn sáng môi trường nên tạo ra hiện tượng này. Anh Lâm cho rằng, anh đã ứng dụng hiệu ứng ánh sáng này để khám phá ra rất nhiều điều kỳ thú. Anh đã biến một giọt nước, biến một cái kính lúp thường trở thành 1 loại kính hiển vi, webcam thành kính hiển vi điện tử.

Trở lại với những bức ảnh chụp ma, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải khẳng định khi chúng tôi hỏi về mục đích của đề tài ông đang theo đuổi: Chúng tôi chẳng có mục đích nào khác ngoài mục đích muốn chứng minh rằng, thế giới tâm linh tồn tại ở một dạng thức nào đó. Thế giới tâm linh không phải điều gì đó quá xa vời mà con người không chạm tới được. Và có thể, mọi người sẽ sống tốt hơn, lương thiện hơn.

Thực tế, cuộc tranh cãi có hay không sự tồn tại linh hồn sau cái chết sẽ còn kéo dài nữa mà chưa có câu trả lời rõ ràng. Tuy nhiên, cần quan tâm và cảnh giác với những người quá cuồng tín vào thế giới tâm linh mà trở nên dại dột, mù quáng.

Vũ Minh Tiến - NLM
Bình luận
vtcnews.vn