Sự thật về "cá thần" có tên... Đồng Ngộ ở Hội An

Thời sựThứ Năm, 04/03/2010 11:15:00 +07:00

Sáng 2/3, chúng tôi tìm đến chùa Minh Giác với mục đích được tận mắt chứng kiến con cá “linh thiêng” như lời đồn đại mấy ngày qua...

Gần 20 ngày qua, từ tết Nguyên đán Canh Dần đến nay, mỗi ngày có hàng trăm lượt người từ nhiều địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam... kéo nhau về chùa Minh Giác, tại khối phố 4, P. Thanh Hà, TP Hội An, Quảng Nam để tận mắt được xem con cá “thần”, "biết nói, biết nghe tiếng người", cùng bao câu chuyện ly kỳ về con cá này. Tình trạng trên đã có nguy cơ gây mất ANTTXH tại khu vực chùa và địa phương sở tại, gây mê tín dị đoan trong nhân dân...

Mục kích cá "thần"

Sáng 2/3, chúng tôi tìm đến chùa Minh Giác với mục đích được tận mắt chứng kiến con cá “linh thiêng” như lời đồn đại mấy ngày qua. Mới 9 giờ, nhưng trước cổng chùa Minh Giác đã có đến gần trăm chiếc xe máy các loại dựng chật kín, tại khu vực tượng Phật Bà Quan Âm ngay bên cạnh sân chính diện nhà chùa, cả trăm người đang vây quanh hồ cá nhỏ được xây dưới chân tượng Phật Bà. Chúng tôi cũng theo mọi người nhòm ngó xuống hồ nước nhỏ, nhưng chẳng thấy con cá nào cả.

Mấy người đàn ông đứng gần giải thích: “Hôm qua cá còn ra để mọi người “chiêm ngưỡng”, “ông” lớn lắm, tới mười mấy ký lận. Hôm nay “ông” vô trong nghỉ, chỉ có các thầy trong chùa mới gọi “ông” ra được thôi, mà phải có “duyên” ông mới cho chiêm ngưỡng”.

Chúng tôi quan sát, nơi “ông" nghỉ là phần hồ cá cảnh nằm dưới gầm bệ của chân đế tượng Phật Bà Quan Âm. Phần gầm này rộng khoảng 1m, dài khoảng 3m, lại thấp, phải cúi đầu xuống qua thành hồ cá mới ngó vào được, nhưng tối om nên chẳng nhìn rõ.

Thấy chúng tôi lấy máy ảnh ra, một phụ nữ chừng 35-40 tuổi sấn tới với vẻ mặt tức giận: “Ông” không thích chụp ảnh đâu, có mấy người định chụp ảnh “ông” bằng điện thoại, "ông" tránh ngay liền!”. Một thanh niên lại đế thêm: “Mấy anh đừng chụp ảnh nghe, để mọi người chờ “ông” ra cùng xem, tụi tôi chờ từ sáng sớm tới chừ rồi đó”. Rồi anh ta cúi sát mặt nước gọi: “Đồng Ngộ ơi, Đồng Ngộ ơi ra đây với tụi tôi nào”.

Mọi người giải thích, “Đồng Ngộ” là pháp danh của “ông” cá, do sư trụ trì chùa đặt. Cứ thế, mọi người nhốn nháo, chạy qua chạy lại để chờ cho “ông” cá chui ra khỏi gầm bệ để “chiêm ngưỡng”.

Một người đàn ông kể: "Ông” cá này là do một gia đình ở khối 6, Thanh Hà nuôi, mùa lụt vừa qua (năm 2009), vớt lên tính làm lẩu để nhậu, ai ngờ vừa nhốt cá vào chậu, lúc quay ra, cá đi đâu mất. Hết mùa lụt, một hôm lại thấy cá xuất hiện ở hồ cá nhà mình đã nuôi, mặc dù mấy hôm trước, nước lụt ngập dâng lên cả mấy mét. Con cá này biết nghe tiếng người, đặc biệt đầu nó dài, miệng nó giống con rắn, chắc chắn sau này nó sẽ biến thành con rắn “hổ tràu”, lúc đó thì càng linh thiêng.

Cá “linh thiêng” tại chùa Minh Giác chỉ là con cá lóc nặng hơn 3kg, được nhà chùa nuôi làm cảnh. 

Trước Tết, người chủ nuôi cá đã đem con cá tặng cho nhà chùa vì nó quá “linh thiêng, hiểu được tiếng người”. Ông ta nói nhiều lắm, nhưng tôi nghe chủ yếu vẫn thấy ông xoáy vào chuyện linh thiêng, ly kỳ của con cá, đến nỗi ông và mấy người nữa còn dặn chúng tôi, đừng nói to, ồn ào kẻo làm “ông” giận? Nhiều người khẳng định, muốn xem “ông” cá, chỉ có các thầy trong chùa là “gọi” cá ra được mà thôi.

Để tìm hiểu thực hư, tôi vào chùa tìm gặp sư trụ trì hoặc một thầy chùa nào đó để hỏi sự việc, nhưng một phụ nữ giúp việc cho nhà chùa bảo, sư trụ trì đã đi vắng, còn chuyện người ta đồn thổi về con cá làm gì có thật. Con cá này do một Phật tử của chùa tặng, để chùa nuôi làm cảnh thôi chứ có gì đâu, không hiểu người nào đồn thổi lung tung làm từ Tết đến giờ nhiều người hiếu kỳ kéo đến xem làm mất trật tự quá. Có hôm còn có cả ô-tô chở mấy chục người đến xem nữa, thật là phức tạp. Rồi người phụ nữ giới thiệu cho chúng tôi địa chỉ mà người nuôi con cá trước đây đã tặng cho nhà chùa.

Chỉ là con cá lóc bình thường

Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến nhà cụ Nguyễn Lành (79 tuổi, trú khối 5, P. Thanh Hà, TP Hội An). Khi chúng tôi đặt vấn đề về con cá, cụ Lành cười và bảo: “Đây chỉ là con cá lóc bình thường. Cách đây 5 năm, cháu nội ông (con của ông Nguyễn Đó) câu được ngoài ruộng, mang về thả trong bể nước nhỏ ở nhà. Qua thời gian, con cá lớn và nặng tới hơn 3kg. Mùa lũ năm 2009, anh Đó vớt con cá lên, bỏ vào chậu để trên phản trong nhà, hết cơn lũ lại thả xuống bể nuôi chứ làm gì có chuyện cá tự chạy đi rồi quay trở lại như lời đồn đại.

Rất đông người kéo về chùa Minh Giác để chờ xem cá “linh thiêng”. 

Đầu tháng 1/2010, cụ Lành bảo con cháu đem con cá vào chùa Minh Giác, tặng cho nhà chùa để nhà chùa nuôi làm cảnh. Nhà chùa đã nhận con cá, đưa vào hồ nước dưới chân tượng Phật Bà Quan Âm để nuôi và đặt cho nó pháp danh là Đồng Ngộ. Chuyện về con cá chỉ có thế thôi, vậy mà từ hôm đưa con cá về chùa, nhiều người biết chuyện, thêu dệt, đồn thổi ra đủ thứ chuyện huyễn hoặc, ly kỳ đầy màu sắc mê tín dị đoan, làm hàng nghìn người hiếu kỳ lũ lượt kéo tới để xem.

Đã quá trưa, rời nhà cụ Lành, chúng tôi quay lại chùa Minh Giác vẫn thấy hàng chục người đang tụ tập để chờ xem cá. Tôi nhặt một hòn sỏi nhỏ, thả xuống gần nơi con cá đang lượn lờ, thấy động, nó vội lao ra đớp mồi, rồi bơi thẳng ra ngoài gầm bể nước. Tôi vội đưa máy ảnh chụp mấy kiểu, mọi người thấy vậy xúm lại tranh nhau xem con cá làm nó hoảng sợ lại chui vào gầm hồ nước.

Trao đổi cùng chúng tôi, thượng úy Võ Tiến Trung - Phó CAP Thanh Hà cho biết, trước tình hình nhiều người hiếu kỳ kéo đến để xem con cá theo lời đồn thổi của một số người, CAP sẽ phối hợp cùng chính quyền địa phương và nhà chùa có biện pháp nhắc nhở người dân, đồng thời sẽ có biện pháp theo dõi, phát hiện những đối tượng tung tin đồn nhảm để xử lý theo quy định pháp luật.

Theo Công an Đà Nẵng

Bình luận
vtcnews.vn