Sự thật nhí nhố về cao ngựa bạch bán đầy thị trường

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 21/10/2010 06:00:00 +07:00

Cả nước ta chỉ có độ 400-500 con ngựa bạch, nhưng khắp nơi rao bán loại cao ngựa này. Có lẽ, phải đến 99% lượng cao ngựa bạch bán ở thị trường là đồ giả.

Hội Thú y Việt Nam đã từng cùng với Trại ngựa Bá Vân hợp tác bảo tồn, duy trì nòi giống, tỉ lệ đẻ của ngựa bạch chỉ khoảng 20-25% tổng số lượng ngựa cái sinh sản đủ thấy đây là việc không đơn giản chút nào. Hiện nay, Hội Thú y Việt Nam đang kết hợp với một cá nhân xây dựng một trại ngựa bạch lớn nhất Việt Nam với quy mô ngót trăm con tại xã Yên Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội.


Đó là những giống ngựa của Tây Tạng, Trung Quốc nhập mua về để nhân giống. Ngoại hình những con ngựa ngoại nổi bật to cao gấp rưỡi ngựa bạch nòi của ta. Bước đầu theo dõi của các chuyên viên kỹ thuật ở trại, ngựa bạch Tây Tạng có tỉ lệ sinh sản rất cao. Tất tật ngựa bạch nội lẫn ngoại khi đưa về trại đều được kiểm tra bệnh tật, tiêm phòng các bệnh, trong đó có bệnh tụ huyết trùng nuôi cách ly theo dõi rồi cỡ một tháng mới cho nhập đàn.

Nuôi ngựa bạch ở Thái Nguyên. 

Để chăm sóc cho lũ ngựa của một đống tiền này, một bác sĩ của Hội Thú y phải thường xuyên cắm trại tại đây, chăm sóc từng liều vắc xin, kiểm tra từng lọn cỏ trong máng. Mấy năm trôi qua trong sự hồi hộp của chủ nhân, đàn ngựa bạch bốn phương tụ hội về giờ đã tương đối thuần chủng và sinh sản tốt. Ngựa con mới sinh được đội ngũ chăm sóc cho uống thêm sữa bò để lấy sức, còn ngựa mẹ cũng được chú ý từng ly, từng tí bổ sung thêm những khoáng chất, vi chất trong khẩu phần ăn. Ngay việc cai sữa cho ngựa con cũng gian nan chẳng kém gì trẻ thành phố cai sữa mẹ. Chúng luôn được nhân viên chăm sóc, vuốt ve, xoa dịu nỗi nhớ mẹ để rồi chẳng mấy chốc, ngựa mẹ lại nổi hứng thèm... tình.

Lúc trời nóng nực, chiều nào đàn ngựa cũng được tắm táp vẫy vùng trong hồ nước mênh mông của trang trại, rồi điềm nhiên nằm dạng cẳng hóng mát dưới những tán cây. Bóng ngựa trắng muốt như những đụn mây nằm rải rác ven triền đê xanh mướt mát cỏ non cứ ngỡ như ở thảo nguyên nào đó xa xôi lộng gió chứ không phải giữa nơi tàu xe tấp nập, bụi bặm mù trời. Thấm thoắt thoi đưa, mấy năm rồi trên mảnh đất hoang vốn chỉ toàn lau với sậy ken đặc, giờ ngày ngày vang lên tiếng hí của hàng trăm con ngựa bạch đã chứng tỏ sự liều lĩnh của nữ chủ nhân không bị chệch hướng, lạc đường.

"Tên tôi là Trần Thị Th., sinh năm 1960, địa chỉ ở số nhà X, phường Y, quận Z, qua quý báo, tôi xin gửi lời chân thành cám ơn nhà sản xuất cao VT. Trước tôi bị bệnh suy tim, chữa chạy ở nhiều nơi bằng đủ các biện pháp tây, đông y nhưng không đỡ, nay dùng 2 lạng cao VT mà bệnh tình đã khỏi hẳn, dành lại được sức khỏe, sống cuộc sống vui vẻ có ích". Hay những bài viết "vô tình" trên báo chí kể lại chuyện liệt giường thối chiếu, á khẩu không nói được vì não nhũn, hiếm muộn vô sinh... vậy mà chỉ uống vài lạng cao ngựa bạch là như người bình thường. Những lời quảng cáo trá hình rất mị dân này xuất hiện ở khá nhiều trang báo. Những lô gô cổ xúy cho cao ngựa bạch dán đầy xe buýt, những slogan đọc choang choang trong những giờ vàng của các đài phát thanh, truyền hình đủ để cho một lớp người sôi lên vì một thứ "tiên dược bách bệnh".

Cao ngựa hay cao trâu? 

Theo Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, cả cao ngựa bạch lẫn cao ngựa thường cũng có những tác dụng chữa đau nhức xương khớp, mạnh gân, cường cơ, phòng chống loãng xương, bồi bổ cơ thể, trẻ em suy dinh dưỡng, phụ nữ sau khi sinh, người lao động nặng nhọc, độc hại, người già kém ăn mất ngủ... Tuy nhiên, theo y lý truyền thống của các ông lang, sử dụng cao ngựa bạch có tác dụng tốt hơn hẳn ngựa thường. Đó rất có thể là do cấu trúc thành phần vi chất, khoáng chất trong xương ngựa bạch khác xương ngựa thường. Điều đó hoàn toàn là có cơ sở bởi đến cả thịt ngựa bạch cũng được giới sành ăn khoái khẩu do vị ngọt, mùi thơm hơn hẳn thịt ngựa thường. Dù thế nhưng cao ngựa vẫn chỉ là loại thực phẩm chức năng không thay thế được thuốc chữa bệnh.

Vì độ hiếm có, khó tìm (theo một số tài liệu công bố, số lượng ngựa bạch của cả Việt Nam không nhiều, chỉ khoảng 400-500 con, tập trung nhiều nhất ở Hữu Kiên, Chi Lăng, Lạng Sơn) khiến nạn cao giả nổi lên nhiều như rươi vào vụ. Ngựa bạch đắt gấp dăm bảy lần ngựa thường nhưng nấu cao ra rất khó phân biệt nên người mua dễ bị lừa...

Để tránh mua phải cao ngựa thường hay cao phối trộn cần phải có kinh nghiệm mà tốt nhất là phải... tự tay nấu hay chung nồi nấu. Cách nấu được coi là chuẩn mực, phổ biến là lấy xương ngựa đun sôi với nước trong 30 phút, rồi róc hết thịt, gân và mỡ còn dính ở xương, rửa thật sạch. Phơi xương cho trắng và hết tanh trong nắng to hoặc sấy ở nhiệt độ 50-60oC cho khô. Đập vỡ xương và nạo sạch tủy, rồi ngâm với nước gừng cùng rượu trắng trong 1-2 giờ. Cho xương vào thùng nấu với nước (có thể kèm thêm nửa lít mật ong rừng, vài vị thuốc thảo dược dân tộc) luôn giữ nước ngập xương. Lấy nước chiết lần thứ nhất đem lọc, cô riêng. Tiếp tục nấu để được hai nước chiết nữa. Dồn các nước chiết lại, cô nhỏ lửa và đánh đều đến khi được cao đặc. Thời gian nấu khoảng 7 ngày đêm.

Đổ dung dịch cao đặc vào khay đã bôi dầu lạc hoặc mỡ lợn. Để nguội, cắt thành bánh, gói giấy nilông, để ở nơi khô và mát. Bình thường một bộ xương ngựa có thể nấu được 5-6 kg cao, cá biệt có những con to cho tới 7 kg. Hiện nay cao ngựa bạch được bán với giá chừng 1-1,2 triệu đồng/lạng nhưng chính vì thật giả khó lường nên dễ mua lầm cao pha xương trâu, xương lợn, xương... đủ thứ đã thối rữa. Cách nhận biết cao thật là có màu cánh gián (sẫm hay nhạt là do cách nấu của từng cơ sở) nếu miếng cao trong suốt thì không phải cao nguyên chất, thành phần chủ yếu là sáp ong, loại cao có nhiều hạt trắng là do người nấu chạy theo lợi nhuận nghiền bã xương đã nấu trộn vào cao. Nói chung màu của cao là màu cánh gián, mặt hơi mịn, hơi bóng, cao càng khô độ bóng sẽ giảm.

Ở Việt Nam chỉ có vài trăm con ngựa bạch. 

Tuy nhiên, đó là cao ngựa thật chứ không thể phân biệt được giữa cao ngựa bạch và cao ngựa thường, ngay cả khi chưa đóng gói có gí mũi vào ngửi, lè lưỡi ra nếm, họa chăng nếu có "thiên nhãn" của “Tề thiên đại thánh” mới may ra phân biệt nổi. Hay dạo này, do ngựa bạch hiếm quá, đắt quá, nhiều lò cao đành phải nấu ngựa kim - sản phẩm lai F1 của ngựa bạch và ngựa màu. Ngựa kim vốn không được đánh giá cao về khía cạnh làm cao chữa bệnh do các chất trong xương ngựa kim không thể bằng xương ngựa bạch, nhưng không hiểu sao một số nơi lại “thổi” lên rằng cao xương ngựa kim là tốt nhất để bán với giá còn cao hơn ngựa bạch.

Theo khảo sát của chúng tôi, phố Thuốc Bắc (Hà Nội) -"thiên đường của các loại cao" cũng bày đầy rẫy cao ngựa. Thực sự không có một phân định rõ ràng cho người tiêu dùng khi phố này có tới mấy loại, đóng nhãn na ná nhau là cao xương ngựa bạch và cao xương thịt ngựa. Có lẽ chỉ có ông trời mới biết được thực sự trong những gói nâu nâu, mềm mềm, dinh dính giá vài trăm ngàn đến cả triệu đồng một lạng ấy là từ con vật gì. Đó là những dạng cao lậu, cao tép riu, cao không tên tuổi nhưng ngay cả đại gia về cao vẫn còn “dính chấu” như thường.

Còn nhớ cách đây ít lâu, người dân cả nước không khỏi siêu lòng trước những thông điệp rất ngọt của Công ty cao VC ra rả trên các phương tiện thông tin, chình ình trên cả trang web: "Với mong muốn đưa cao xương ngựa thành một loại "thực phẩm chức năng của thời đại", Công ty VC đã mạnh dạn tiên phong khi đưa cao xương ngựa vào chuẩn sản xuất với nhiều công đoạn công phu và đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), dinh dưỡng. Với những thế mạnh là nhà máy lớn, thiết bị chuyên biệt đúng quy định, quy chuẩn để sản xuất cao nên các sản phẩm thành phẩm được sản xuất theo quy mô chuẩn mực, giám sát chặt từ nguồn nguyên liệu đầu vào với đầy đủ hóa đơn của cơ quan thuế, kiểm dịch thú y cho đến khi đã ra thành phẩm. Tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn ISO 22.000:2005, nhân viên trước khi vào sản xuất đều phải khử trùng bằng cồn 720 và phải mặc áo blouse, nón bảo hộ, ủng. Sản phẩm được chế biến từ những nguyên liệu "tự nhiên thuần khiết", được chắt lọc khắt khe và trải qua một quy trình kiểm tra nghiêm ngặt. Xương ngựa sau khi được kiểm dịch thú y đạt yêu cầu, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh ATTP sẽ được pha lóc, bảo quản ở kho cấp đông...”.

Đây quả là một bước chuẩn bị đầy công phu và có thể gọi là có tầm nhìn "đi trước thời đại!". Nhưng chẳng bao lâu sau những quảng bá rất rầm rộ ngỡ tưởng đầy chứng cứ khoa học ấy, chính Thanh tra Bộ Y tế tại thời điểm thanh tra đã kết luận Công ty VC chưa thực hiện đúng quy định về điều kiện Vệ sinh ATTP đối với bao bì sản phẩm. Cả 3 sản phẩm của công ty có ghi nhãn thiếu nội dung thành phần của sản phẩm. Hóa đơn nguyên liệu không ghi rõ nguyên liệu đầu vào, nhưng thành phẩm lại có 3 loại với 3 tên gọi khác nhau là cao ngựa màu, cao ngựa bạch và cao ngựa kim.

Qua xét nghiệm, hàm lượng đạm trong sản phẩm cao ngựa màu không đạt so với tiêu chuẩn sản phẩm. Không chỉ dừng lại ở hàm lượng đạm không đạt chuẩn, nguồn gốc của những lạng "thần dược bá bệnh" này theo chính hóa đơn chứng từ nguyên liệu, của công ty trình cho thanh tra, chúng được mua xương ngựa của một cơ sở ở Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Tây cũ.
 Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UH gửi về số 1405 của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã đóng góp 10.000 đồng để cứu trợ đồng bào miền Trung.

Truy tiếp nguồn gốc của đơn vị này cũng thực sự rất mông lung, không biết rõ chúng có phải là xương ngựa, lại càng ít ai dám khẳng định là xương ngựa bạch. Sau khi tinh chế, cao xương được đóng gói tại TP HCM và chia ra làm 3 loại: cao ngựa bạch, cao ngựa kim và cao ngựa màu. Mỗi loại có giá bán khác nhau, theo mỗi gói 100 gram, giá 1-2 triệu đồng. Trong khi đó, thực chất đầu vào nếu sòng phẳng ra cao ngựa bình thường chỉ 300-400 nghìn đồng một lạng.

Hơn thế Công ty VC này cũng đóng gói như nhau các sản phẩm nên khó phân biệt đâu là ngựa bạch, ngựa màu hay ngựa kim. Tổng cộng mức phạt dành cho doanh nghiệp cao này là 20 triệu đồng, tuy nhiên nó cũng chỉ nhẹ tựa lông hồng vì nguồn lợi rất lớn từ khoản buôn bán một vốn bốn lời.

Đó là dạng "cao láo nháo", còn cao ngựa thứ thiệt dân gian khuyến cáo khi đã dùng phải kiêng những thứ sau mới có kết quả. Kiêng các chất tanh như tôm, cua, cá,... kiêng uống nước chè đặc; không ăn đậu xanh, các loại măng, rau muống; không ăn chất cay, tỏi, ớt, hạt tiêu... chứ không thể thấy cứ uống rồi ăn những thứ phản cao ngựa thật lực vào dạ dày được. Vì cả yếu tố vệ sinh khi nấu cao không đảm bảo hay thậm chí cao ngựa bạch xịn vẫn có trường hợp người uống bị ngộ độc hoặc có những phản ứng phụ do hệ thống cảnh báo sớm của cơ địa coi cao là một dạng... chất độc nên nhất quyết bài thải ra ngoài cơ thể... Thế nên quý như cao hổ cốt mà không phải ai cũng dùng được, tuổi nào cũng dùng được, bệnh nào cũng dùng được chứ đừng nói là cao ngựa bạch

"Cao xương ngựa bạch rất giàu muối canxi, là nguồn bổ sung chất vôi cho cơ thể; chất keratin cùng với gelatin khi thủy phân cho nhiều axit amin cần thiết giúp duy trì và phát triển tế bào. Do đó, dược liệu được dùng chữa cơ thể suy nhược ở người mới ốm dậy, người cao tuổi, phụ nữ sau khi sinh, trẻ em còi xương, xanh xao, biếng ăn. Cao còn chữa loãng xương, đau nhức gân xương, kinh nguyệt không đều, táo bón, viêm tá tràng, tiêu chảy, kiết lị" - Theo tạp chí Cây thuốc quý.

TheoXứ Đoài - Cand
Bình luận
vtcnews.vn