Sự thật chưa từng biết đến về “Vua thuốc phiện” Khun Sa

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 07/07/2010 01:24:00 +07:00

mặc dù là “Vua thuốc phiện” gieo rắc “cái chết trắng” đi khắp thế giới, nhưng Khun Sa lại ghét cay ghét đắng việc hút thuốc phiện hoặc sử dụng các loại ma túy.

Những lời kể của bà Ing cộng với những tư liệu khác mà tôi có được thì mặc dù là “Vua thuốc phiện”, gieo rắc “cái chết trắng” đi khắp thế giới, nhưng Khun Sa lại ghét cay ghét đắng việc hút thuốc phiện hoặc sử dụng các loại ma túy khác. Khun Sa đặt ra luật lệ trừng phạt người nghiện hút rất hà khắc. Ai nghiện sẽ bị lao động khổ sai một năm. Chính nhờ những biện pháp cứng rắn, cho nên ở “Vương quốc Shan” do Khun Sa cai quản, hầu như không có người nghiện.


Tại khu “tổng hành dinh” của Khun Sa, tôi thực sự ngỡ ngàng bởi mọi thứ ở đây - đặc biệt là tại phòng ngủ của ông ta - quá đơn giản và nghèo nàn. Bà Ing, người nấu bếp của Khun Sa cho hay rằng căn phòng đó được giữ nguyên như ngày xưa. Nếu vậy, thì không hiểu ông “vua thuốc phiện” này giấu tiền ở đâu?

Cũng đã có một số tờ báo nói rằng Khun Sa từng xây cho mình một cung điện nom như tòa Bạch ốc của Mỹ tại đây, và tại thung lũng Ho Mong bên đất Myanmar... Tuy nhiên, chắc chắn điều ấy chỉ là sự tưởng tượng của thiên hạ và của nhà báo, bởi lẽ, ông ta phải sống trong hoàn cảnh bị săn đuổi quyết liệt như vậy thì xây một căn nhà to quá mức bình thường, chẳng phải là “lạy ông tôi ở bụi này” hay sao.
Tượng Phật ở làng Khun Sa. 

Ngay “tổng hành dinh” của Khun Sa ở Mae Sai này, với cách chọn vị trí kín đáo và dựa lưng vào vách núi như thế này, muốn phát hiện ra dấu vết đã khó chứ chưa nói đến sử dụng lực lượng quân sự tấn công. Khu bếp của Khun Sa đủ sức phục vụ cho gần 200 suất ăn mỗi bữa, nhưng sau này, ba lò bếp đó được người ta “thổi” lên đó là “lò nấu thuốc phiện”.

Khi tôi hỏi bà Ing về điều này, bà cười khinh bỉ: “Chả lẽ ông Khun Sa lại ngu đến mức chế biến thuốc phiện ngay cạnh nhà ở của mình. Sau này tôi mới biết người ta đã nói đủ chuyện xấu xa về ông ấy! Nhưng với chúng tôi ông ấy rất tốt. Chưa bao giờ ông ấy quát mắng, đánh đập những người ở gần. Một lần tôi bị rắn độc cắn, mặc dù ở đây có bác sĩ, nhưng ông ấy đã tự tay rạch vết cắn cho rộng ra, nặn máu độc. Và tôi đã lạy ông ấy khi ông định dùng miệng hút máu. Không có ông ấy, liệu người Wa chúng tôi có được như thế này không?”.

Tôi hỏi bà về gia đình Khun Sa, bà Ing cho biết là ông có 2 vợ và 8 người con, trong đó có 5 cô con gái và 3 con trai. Hai người con lớn thì một thời gian dài là lính trong quân đội của Khun Sa. Dù là con Khun Sa, nhưng họ cũng phải chiến đấu và không có một sự ưu ái nào cả. Có một lần bà chứng kiến Khun Sa tự tay đánh người con lớn tên là Chang gần chết chỉ vì có người tố cáo anh ta hút thử thuốc phiện.

Những lời kể của bà Ing cộng với những tư liệu khác mà tôi có được thì mặc dù là “Vua thuốc phiện”, gieo rắc “cái chết trắng” đi khắp thế giới, nhưng Khun Sa lại ghét cay ghét đắng việc hút thuốc phiện hoặc sử dụng các loại ma túy khác. Khun Sa đặt ra luật lệ trừng phạt người nghiện hút rất hà khắc. Ai nghiện sẽ bị lao động khổ sai một năm.

Thời gian đầu, để “giúp” cho người nghiện cắt cơn, Khun Sa ra lệnh cho lính tống người nghiện xuống một cái hố cá nhân sâu khoảng 2m và anh ta phải ăn, ngủ, vệ sinh tại chỗ... và bất biết là trời nắng hay mưa. Sau ba ngày tra tấn như vậy, nếu người nghiện chết thì “coi như đã xong”, gia đình sẽ được một khoản trợ cấp bằng... thuốc phiện. Còn nếu anh ta sống, thì phải đi lao động trong đội khổ sai dưới sự giám sát chặt chẽ của lính.
PV ANTG hỏi chuyện bà Ing, người nấu bếp của Khun Sa. 

Chính nhờ những biện pháp cứng rắn, cho nên ở “Vương quốc Shan” do Khun Sa cai quản, hầu như không có người nghiện. Cũng một điều lạ là ở các tỉnh Bắc Lào, số người nghiện hút rất ít. Tỉnh nào nhiều thì chỉ hơn... 100; có nơi như ở Xiêng Khoảng, vùng xưa kia trồng thuốc phiện nổi tiếng, vậy mà chỉ có chưa đầy... 40 con nghiện. Hiện nay ở Lào, việc hút thuốc lá ở các nơi công cộng bị cấm tiệt. Tôi vào Bộ An ninh Lào, hầu như không thấy có người hút thuốc lá. Thi thoảng mới thấy có một người đứng hút ngoài góc sân...

Trong “nhà bảo tàng” về Khun Sa, dưới bức chân dung Khun Sa được vẽ bằng sơn dầu, có một “tấm bia”, trên đó ghi rõ các mốc thời gian quan trọng của cuộc đời ông ta và được tính theo Phật lịch.Tạm dịch như sau: “Bị bắt ngày 20 tháng 2 năm 2512 (tức năm 1968 ), tại Tong Chi. Vào tù ngày 5 tháng 5. Ra tù ngày 7 tháng 2 năm 2517 (tức năm 1973). Tay chân của Khun Sa tan vỡ rồi trốn hết. Sau đó, chúng đã bắt một bác sĩ người Nga để đổi lấy Khun Sa. Trở về sống tại bản Hin Tẹc lần thứ 2. Ra khỏi lãnh thổ Thái Lan ngày 21 tháng 1 (không ghi năm nào). Năm 2529 (tức năm 1985) gia nhập quân đội Mong Tai. 2 năm sau tổ chức SUA ra khỏi Mong Tai. Năm 2539 ( tức năm 1995) , đưa tổ chức SUA ra hàng Chính phủ Myanmar”. Trong “tấm bia” này, không hề có ghi ngày sinh, tháng đẻ, cũng như ngày chết của Khun Sa.

Theo các nguồn tư liệu khác thì Khun Sa sinh ngày 17/2/1933 và có tên thật là Trương Cơ Phu trong một gia đình có cha là sĩ quan Quốc dân đảng còn mẹ là người dân tộc Shan ở Myanmar. Cha mất sớm, mẹ tái giá với một người Shan ở huyện Mong Hpin, nằm sát biên giới Myanmar - Trung Quốc. Khi về nhà bố dượng, Trương Cơ Phu được đổi tên là Sa - có nghĩa là giàu có. Sau này khi Sa nổi danh và mưu đồ thành lập vương quốc Shan thì người ta mới gọi Sa là Khun Sa. (Tiếng Thái và tiếng Shan, Khun có nghĩa là ngài, chỉ người được kính trọng).
Tượng sáp và tranh chân dung của Khun Sa. 

Là người có tham vọng chính trị và bộc lộ ngay từ lúc còn thanh niên, lại được sự giúp đỡ của ông bố dượng, cho nên Khun Sa sớm trở thành người đứng đầu một bộ tộc thuộc cộng đồng người Shan. Cuối năm 1949, quân giải phóng Trung Hoa đánh tan quân Quốc dân đảng, Tưởng Giới Thạch phải chạy ra đảo Đài Loan. Nhưng còn rất nhiều cánh quân khác của Tưởng không thể chạy ra đảo được cho nên phải chuồn sang Myanmar, Lào và cả vùng tây bắc Việt Nam.

Tại Myanmar, gần 5.000 quân thuộc Sư đoàn 93 thuộc Quân đoàn 8 của Lý Mật và Lý Văn Thuấn đã chạy sang bang Shan, chiếm cứ một rẻo đất biên giới dài đến 200 km, đối diện với Xixoang Bana của Trung Quốc. Thế là bắt đầu từ năm 1950, các cuộc xung đột giữa tàn quân Quốc dân đảng với các bộ tộc người Shan, người Wa và quân Chính phủ Myanmar đã biến cả bang Shan - đặc biệt là vùng biên giới Myanmar - Trung Quốc trở nên hỗn loạn.

Để có tiền mua súng đạn và lương thực, đám tàn quân Quốc dân đảng đã tổ chức trồng thuốc phiện để bán, tất nhiên, khi thấy thu nhập từ thuốc phiện cao hơn trồng lúa nương, người Shan, người Wa cũng nô nức làm theo. Và thế là từ năm 1952, địa danh “Tam Giác Vàng” ra đời.

Với mưu đồ thành lập vương quốc Shan riêng cho mình, Khun Sa đưa bộ tộc của mình nhập với quân Quốc dân đảng để chống lại chính phủ. Nhưng đến năm 1962, nhận thấy đám tàn quân Quốc dân đảng này quá ô hợp, lại không có “lý tưởng chính trị” và chỉ biết bóc lột người nông dân trồng thuốc phiện, Khun Sa bèn bỏ Lý Mật và quay về đầu hàng chính phủ - với ý đồ “mai phục, chờ thời cơ”.

Chính phủ Myanmar thời đó đã tranh thủ Khun Sa và trang bị vũ khí cho đội quân này, với chủ ý là sử dụng chúng để đánh lại quân ly khai. Nhưng chỉ sau 2 năm, khi lực lượng đã có hơn 2.000 tay súng và đánh tan một số nhóm phản loạn ở bang Shan và Wa, giành được quyền kiểm soát gần 40 ngàn cây số vuông, Khun Sa trở mặt, chấm dứt hợp tác với chính phủ. Đến năm 1968, trong một trận đánh với quân chính phủ Khun Sa chẳng may bị bắt và bị mang về Yangon giam.

Từ đó đám quân của hắn cơ bản tan rã, nhưng một số chiến hữu thân cận của Khun Sa lại không chịu buông súng dễ dàng. Giữa năm 1973, bọn chúng tổ chức bắt cóc bác sĩ Liên Xô ở trong đoàn chuyên gia y tế sang giúp Myanmar và đòi trao đổi lấy Khun Sa. Biết rõ Khun Sa là kẻ cực kỳ nguy hiểm, cho nên Chính phủ Myanmar thẳng thừng từ chối. Tuy nhiên dưới áp lực của Liên Xô và cộng đồng quốc tế, cuối cùng Chính phủ Myanmar phải nhượng bộ.

Ngày 20/7/1973, Khun Sa được đưa ra khỏi nhà tù ở Yangon, nhưng vẫn bị quản chế tại gia. Hai tháng sau đích thân con trai lớn của Khun Sa là Chang và người chú tên là Jaiyen tổ chức một cuộc chạy trốn mà được coi là “vô tiền khoáng hậu”.

Tại tòa nhà Khun Sa bị giam lỏng, luôn đầy cảnh sát và lính dã chiến canh gác, bất kể ai ra vào cũng đều bị tra xét cẩn thận. Nhưng vấn đề ở chỗ là người thân và bạn bè của Khun Sa cũng vẫn được vào trò chuyện, thậm chí ở lại cả đêm.

Jaiyen đã tìm được một người có vóc dáng cao lớn như Khun Sa và đưa vào. Thế rồi, một giờ sau, Khun Sa (thật) đàng hoàng lên ôtô ra về, còn “Khun Sa giả” lui cui đi tỉa cành cây... Đến ngày hôm sau, “Khun Sa giả” xin phép cảnh sát cho về thì tất cả mới té ngửa ra là đã bị lừa.

Ngay lập tức, toàn bộ các ngả đường đi lên biên giới bị khóa chặt, nhưng tất cả đã muộn... Khun Sa trở về căn cứ cũ ở Mae Sai (Thái Lan). Hổ sau khi thoát bẫy càng trở nên hung dữ. Khun Sa tập hợp lực lượng tuyên bố sẽ tiến hành cuộc chiến đấu để giành độc lập cho “quốc gia Shan”. Được lời “hiệu triệu” của Khun Sa, nhiều bộ tộc người Shan và Wa ở vùng Tam Giác Vàng nô nức hưởng ứng, với hy vọng là sẽ có “quốc gia Shan” riêng.

Cũng phải nói thêm rằng từ xưa đến nay với một số dân tộc có ngôn ngữ riêng, văn hóa riêng thì việc muốn gây dựng cho mình một quốc gia thường là mong muốn để trải qua bao đời, và hơn nữa, họ muốn có “vua” của mình. Rất nhiều nước trên thế giới đã gặp phải rắc rối và bất ổn khi các dân tộc đòi ly khai khỏi chính quyền Trung ương hợp hiến.

Để gây dựng một “quốc gia”, việc đầu tiên là... tiền đâu! Và để có tiền mua vũ khí cho quân đội, Khun Sa chỉ còn mỗi cách mở rộng trồng thuốc phiện, đồng thời xây dựng hàng loạt lò điều chế hêrôin và nghiên cứu sản xuất ma túy tổng hợp Amphetamin và Ecstasy. Khun Sa cho thành lập quân đội Shan (SUA), quân số ban đầu là hơn 1.000 lính. Nhưng đến năm 1983 thì SUA đã có gần 10 ngàn tay súng.
Cảnh sát Thái Lan khám người từ “làng Khun Sa” đi ra. 

Đến năm 1985 cũng tại thời điểm này, tại bang Shan còn có một lực lượng ly khai khác khá mạnh là của Moh Heng. Heng bàn với Khun Sa thống nhất lực lượng thành lập quân đội Mong Tai. Khun Sa đồng ý và thế là năm 1985, quân đội Mong Tai của “quốc gia Shan” ra đời với trên 20 ngàn lính, được trang bị các loại vũ khí bộ binh khá tốt, trong đó có cả tên lửa phòng không vác vai và súng chống tăng.

Quá lo sợ bởi lực lượng này, Chính phủ Myanmar đã áp dụng chiến lược vừa tấn công quân sự, vừa ly gián. Kết quả là đến năm 1987, Khun Sa lại tách khỏi Mông Tai. Từ đó cho đến năm 1994 thì Khun Sa đã trở thành ông “Vua không ngai” thực sự ở vùng Tam Giác Vàng. Nhưng từ năm 1989, được sự giúp sức của Mỹ, Chính phủ Myanmar đã tiến hành thương thuyết, hòa giải với nhiều tổ chức ly khai và cô lập dần SUA của Khun Sa.

Vào năm 1993, gần 6.000 lính của Khun Sa ở phía đông bang Shan ra đầu hàng chính phủ thì thực lực của SUA giảm rõ rệt. Sau khi Khun Sa bị quây chặt và đơn độc, năm 1993, quân đội Myanmar được sự giúp sức về tình báo của Mỹ đã mở đợt tấn công lớn vào trung tâm Tam Giác Vàng. Phối hợp với chiến dịch này, Chính phủ Thái Lan và Lào cũng đưa quân đội phong tỏa các đường rút của Khun Sa sang bắc Lào và đông bắc Thái Lan. Cùng đường, Khun Sa phải cho người đến đàm phán với Chính phủ Myanmar với điều kiện duy nhất: Không dẫn độ hắn sang Mỹ.

Ngày 5/1/1996, Khun Sa tuyên bố hạ vũ khí và được đưa về Yangon. Hai tuần sau đó, toàn bộ quân đội SUA nộp vũ khí đầu hàng... Chính quyền Myanmar tổ chức một buổi phá hủy vũ khí khổng lồ với gần 6.000 khẩu súng bộ binh các loại...

Sau sự kiện này, vùng Tam Giác Vàng cơ bản trở lại yên tĩnh. Diện tích trồng cây thuốc phiện từ 163.110ha vào năm 1996 đã giảm xuống còn 27.000ha vào năm 2007 và sản lượng thuốc phiện từ 2.560 tấn (năm 1996) xuống chỉ còn 460 tấn (năm 2007)... Đế chế ma túy Khun Sa đã sụp đổ, nhưng hệ lụy của nó để lại cho nhân loại sẽ còn kéo dài, rất dài, đặc biệt là bây giờ, khi các loại ma túy tổng hợp đang mặc sức tung hành trong giới trẻ.



Còn tiếp...

Theo Nguyễn Như Phong (cand)

Bình luận
vtcnews.vn