Sự phân thân của Nhà báo

Tổng hợpThứ Bảy, 11/06/2011 06:15:00 +07:00

( Nhân đọc tập truyện ngắn “NGÀY MAI RỒI SẼ RA SAO” của KHIẾU QUANG BẢO - Nxb Hà Nội – 2011)

( Nhân đọc tập truyện ngắn  “NGÀY MAI RỒI SẼ RA SAO” của KHIẾU QUANG BẢO - Nxb  Hà Nội – 2011)

         Nhà báo, nhà văn Khiếu Quang Bảo đến với Tạp chí Truyền hình số VTC muộn. Nhưng để rồi sau đó ông cộng tác với Tạp chí đều đặn và nhiệt tình trong mỗi số.

 
      Tác phẩm đầu tiên ông gửi cho Tạp chí in đúng dịp này năm ngoái, số mừng ngày “Báo chí Cách mạng Việt Nam”, với tiêu đề “Hai tay hai – ba –  bốn…súng”. Dưới cách nhìn của ông, nhà báo thời công nghệ số được trang bị các phương tiện hành nghề công nghệ cao mà ông coi là “súng” của các nhà báo: Tác nghiệp báo chí độc lập, công nghệ tiên tiến, cực nhanh nhạy, cứ như… “Điệp viên 007” làm xiếc với “súng” của điện ảnh Hollywood vậy. Khi ấy, chúng tôi hình dung cộng tác viên này là một nhà báo còn trẻ trung. Tới tòa soạn thăm, vỡ lẽ, ông không còn ở cái tuổi như chúng tôi ngỡ. Nhưng chuyện trò cùng nhau vài chục phút, cử chỉ ông biểu đạt, tinh thần ông diễn cảm, đặc biệt là đề tài ông đề cập, lại có cảm nhận tâm hồn ông còn rất trẻ. Càng về sau này, qua những tác phẩm ông gửi và cường độ ông viết cho Tạp chí, thì chúng tôi – những phóng viên trẻ trong tòa soạn – trộm vía ông - nói vụng với nhau rằng “Ông có bút lực khủng hơn cả Teen”.

      Ông vừa gửi tặng chúng tôi tập truyện ngắn “Ngày mai rồi sẽ ra sao” ấn hành quý II năm 2011. Mười chín truyện ngắn trong tập sách gần như Khiếu Quang Bảo lấy tình yêu làm chủ đạo cho mỗi câu truyện. Có những tình yêu còn đang đi tìm. Có những tình yêu đã đơm hoa kết trái. Có những tình yêu mới manh nha hé lộ. Và cũng có cả tình yêu thiêng liêng không lệ tục của tuổi già. Ông lần giở tình yêu tựa như những khúc thơ tình của nữ sĩ Xuân Quỳnh:

                            Mưa bắt đầu từ mây

                            Mây bắt đầu từ gió

                            Gió bắt đầu từ đâu

                            Em cũng không biết nữa

                            Khi nào ta yêu nhau

      Thực tế cuộc sống hiện đại đã đem lại cho Khiếu Quang Bảo nhiều vị trí và góc độ quan sát kiểu “3D”, nên ông đã thu được hình ảnh cộng hưởng từ những lát cắt để xây dựng cốt truyện điển hình của tình yêu từ nhiều hoàn cảnh nhưng là hoàn cảnh của nhóm đối tượng có học vấn. Hình như ông chọn đối tượng này là để nhân vật có chiều sâu tư duy, nhưng nó cũng thử thách cây bút ông trước diễn biến phức tạp của nhân vật.

      Có một cô gái mù trong “Mở cửa ra là bầu trời”, nghe những  người phụ nữ mắt sáng tới nơi cô massage “kể tội” hôn nhân làm cho cô chỉ dám kỳ vọng một tình yêu trong “tranh tối tranh sáng” để phụng thờ, bởi “có cái để thương để nhớ còn đẹp hơn cái ta có trong tay”.

      Ông đồng cảm với một thế hệ sinh viên bây giờ thật gian nan, vào được đại học rồi nay phải đi làm thuê bán thời lấy tiền học tập thực hiện mơ ước của mình. Giống như một cuộc leo núi cao, vượt thác ghềnh, không phải là không thành công nhưng mà đầy hiểm nguy rình rập. Có một cô sinh viên trong “Ôsin thiên thần”, một cô sinh viên nữa trong “Chuyện này chỉ có ba người biết”, lại có một cô sinh viên nữa trong “Tạ tội với tình yêu”, họ từng đối mặt với thử thách tưởng chừng khó vượt qua.

 
      Đề tài tái hôn và hôn nhân “lỏng lẻo” cũng được Khiếu Quang Bảo quan tâm với cấu trúc truyện đầy tình huống bất ngờ trong “Mưa chiều”, “Không có gì là không thể”, “Ngày mai rồi sẽ ra sao” cho ta định giá những quan niệm mới về hôn nhân không theo khuôn mẫu truyền thống, nhưng bền vững từ lý trí, không mặc định. Và ông cũng trân trọng tình yêu của lứa tuổi xế chiều trong “Mưa bóng mây”, “Sinh nhật không có bánh ga-tô”, như ông tâm sự, “sẽ cảm thấy có lỗi nếu như ta không thấu hiểu sẻ chia nỗi lòng của lớp người thuộc thế hệ cha mẹ và ông bà ta, cũng khát khao những tiếng “Anh ơi em đây!” như lứa tuổi trẻ”. Tình yêu không có tuổi!

      Thủ pháp xây dựng cốt truyện của Khiếu Quang Bảo thường không dữ dằn, căng cấn, chỉ như thủ thỉ tâm tình với những tình huống rối mềm như khi gỡ sợi. Cũng tựa như uống bia có say nhưng không hành xử quá lời. Ngôn ngữ ông dùng pha chút hoạt kê đủ gây ấn tượng. Một chút từ vựng phong cách 8X. Một chút gợi cảm nhưng tao nhã. Thơm thoảng mà không nồng. Trong truyện ngắn “Gia đình bé nhỏ” ông táo bạo đưa hai nhân vật là hai người đàn bà góa (mẹ chồng và con dâu) tái hôn được lý giải một cách rất thuyết phục: “Họ quyết định không thể cứ âm thầm dặm lợp lại mái dột tâm hồn mà truyền cảm hứng cho nhau vươn lên làm mới lại cuộc đời. Con sư tử bị thương vẫn muốn gầm gào đấy thôi!” “Ta không thể đổi lại những quân bài đã chia. Nhưng chúng ta có thể đổi cách chơi những quân bài đó!”

      Đọc “Ngày mai rồi sẽ ra sao”, có cảm giác Khiếu Quang Bảo thiên về “Chủ nghĩa có hậu”. Nhưng sau rồi nghĩ lại, bỗng thấy hiểu ông, nhân văn mà, bởi ông từng viết “Tôi sùng bái tư duy tích cực như một đạo”. Và ở tập truyện ngắn này, chúng ta cảm nhận thông điệp của ông gửi tới độc giả: “Tình yêu. Và chỉ có tình yêu mới đem lại những phẩm chất tốt đẹp cho con người, biết sống tử tế và nhân hậu”.

      Nhà báo có điều kiện đi nhiều biết nhiều. Trong nhiều chục năm làm báo, “Những nơi tôi qua – Những người tôi gặp”, ông sắp xuất bản một tập bút ký có tên như thế, với trách nhiệm của người làm báo, ông đã cập nhật -  cập thời những vấn đề cần thông tin trên phương tiện truyền thông của mình. Để rồi không xóa. Không “delete” trong “bộ nhớ”. Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Với ông, hình như những con người ấy không gian ấy phải được găm giữ trong tâm trí và trái tim ông mãi mãi với cảm xúc sâu sắc, hình ảnh ấn tượng, yêu thương hết lòng, để lúc này đây ông khái quát dựng lại sống động những nhân vật trong mỗi cốt truyện, mỗi nhân vật có số phận riêng, có cuộc đời riêng, có tình yêu riêng, trong một cuộc sống vận hành đa chiều thời @ mà chúng ta đang sống, với phương pháp tư duy hình tượng của văn học, một sự “phân thân” với tư duy logic của báo chí.

      Vậy là trong nhà báo còn có thể “ẩn danh” một nhà văn nếu như nhà báo làm được việc này. Tất nhiên là không dễ dàng gì.

      Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21 tháng 6, Tạp chí Truyền Hình Số VTC trân trọng giới thiệu với độc giả “Sách của Nhà báo”.

Thu Hoài

Bình luận
vtcnews.vn