Sự khác biệt giữa Tam Á và "Thành phố Tam Sa"

Thế giớiThứ Năm, 02/08/2012 07:54:00 +07:00

(VTC News)- Hai cái tên Tam Á và Tam Sa dễ gây nhầm lẫn, trên thực tế, đây là hai nơi hoàn toàn khác nhau.

(VTC News) – Có lẽ nhiều người vẫn nhầm tưởng thành phố Tam Á và cái gọi là “Thành phố Tam Sa” của Trung Quốc là một. Dưới đây là đôi nét khác nhau về thành phố Tam Á và “Thành phố Tam Sa”.

Thành phố Tam Á là thành phố cực nam của đảo Hải Nam, Trung Quốc. Nó có tổng diện tích đất liền là 1919.58 km2 và diện tích nước biển là 6000 km2, dân số là 685.000.
 


Đây là thành phố lớn thứ hai (sau thành phố Hải Khẩu) trên đảo này. Tam Á là là một thành phố du lịch ven biển ở phía Nam Trung Quốc.

Thành phố Tam Á là thành phố trung tâm và là khu trung tâm thông tin liên lạc ở phía Nam tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.

Đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, đá bị biến thành trung tâm hành chính của thành phố cấp địa khu "Tam Sa", phục vụ mưu đồ bành trướng và hợp thức hóa chủ trương lấn chiếm Biển Đông của Bắc Kinh 

Báo chí Trung Quốc mô tả, Tám Á thuộc vùng nhiệt đới, nhiệt độ bình quân năm 23 độ, bốn mùa khí hậu mát mẻ.

Phía bắc Tam Á là một dãy núi cao, phía nam là biển, có đường bờ biển dài hơn 200 km, đã tạo thành 19 vịnh lớn nhỏ khác nhau. Nổi tiếng nhất là vịnh Á Long, nó còn được biết tới với cái tên "Vịnh đệ nhất Tam Á".


Cuộc thi Hoa hậu thế giới 2010 đã được tổ chức tại Nhà hát Vương miện sắc đẹp của thành phố Tam Á, Trung Quốc.

Trong khi đó, “Thành phố Tam Sa” được Trung Quốc thành lập trái phép vào 21/6/2012 và là một thành phố cấp địa khu, chịu trách nhiệm quản lý quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Nam Sa (Trường Sa). Trụ sở chính quyền "Tam Sa" đặt tại đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng), đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa.

Tòa nhà mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm, thuộc huyện đảo Hoàng Sa, thuộc quyền quản lý của thành phố Đà Nẵng, Việt Nam 

"Tam Sa" gồm khoảng 260 đảo, đá, đá ngầm, bãi cát trên biển Đông với tổng diện tích đất liền là 13 km². Theo báo chí Trung Quốc, "Tam Sa" có diện tích đất liền nhỏ nhất, tổng diện tích lớn nhất và có dân số ít nhất tại Trung Quốc.  Độ sâu trung bình của "vùng biển Tam Sa" là 1.200 m.

Sau khi được Trung Quốc tuyên bố thành lập, Tam Sa được chính quyền nước này coi là thành phố cấp địa khu thứ 285 và là đơn vị cấp địa khu thứ 333 của nước này. 

Ngày 21/7/2012, chính quyền Trung Quốc đã tổ chức cuộc bầu cử trái phép Hội đồng nhân dân thành phố Tam Sa, hơn 1.100 cử tri thuộc 15 khu vực bầu cử ở Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa đã đi bỏ phiếu bầu Hội đồng Nhân dân thành phố Tam Sa khóa 1.

Theo chính phủ Trung Quốc, "việc thành lập thành phố Tam Sa sẽ giúp tăng cường hơn nữa khả năng quản lý, khả năng phát triển và kiến thiết với những hòn đảo và các vùng nước xung quanh các quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, bảo vệ môi trường biển trong vùng biển Đông".

Tổ chức bỏ phiếu phi pháp bầu bộ máy chính quyền "Tam Sa"

Việt Nam và Philippines cho rằng việc lập thành phố này là vi phạm chủ quyền của họ trên các lãnh thổ đang tranh chấp và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ quyết định này.

Ngày 24/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và triển khai các hoạt động bầu cử, cắm mốc, … đã vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và là vô giá trị”.

Mỹ cũng lên tiếng quan ngại về các hành động đơn phương của Trung Quốc khi thành lập thành phố Tam Sa, và cho rằng Trung Quốc cố gây ra một "sự đã rồi" trong vấn đề đang tranh chấp cần phải giải quyết thông qua đàm phán ngoại giao đa phương (giữa tất cả các bên tranh chấp).

Hành động đơn phương thành lập “Thành phố Tam Sa” nằm trong chiến lược bành trướng mới, dùng Hoàng Sa làm căn cứ tại Biển Đông để kiểm soát Biển Đông. Đây là một bước nhằm hợp thức hóa việc khống chế Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Đỗ Hường

Bình luận
vtcnews.vn