Su-24 bị bắn hạ: Nga lộ điểm yếu không quân

Thế giớiThứ Năm, 26/11/2015 08:39:00 +07:00

Hoạt động đơn độc khi tác chiến là điểm yếu quan trọng nhất khiến các máy bay Nga trong chiến dịch ở Trung Đông có nguy cơ bị bắn hạ.

Hoạt động đơn độc khi tác chiến là điểm yếu quan trọng nhất khiến các máy bay Nga trong chiến dịch ở Trung Đông có nguy cơ bị bắn hạ.

Từ cuối tháng 9, Nga bắt đầu chiến dịch không kích tiêu diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria. Sau gần 3 tháng, nước này đã gặp phải trường hợp thương vong đầu tiên vào đầu tuần này, khi chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom Su-24 của Nga.
Một máy bay ném bom Su-24 của Nga. Ảnh: Reuters
Su-24 là loại máy bay do Nga sản xuất từ thời Chiến tranh Lạnh và bắt đầu hoạt động khoảng thập niên 1970. Do vậy, nó không phải là đối thủ đối với những máy bay đánh chặn do Mỹ sản xuất như F-16.


Khi được triển khai đến Syria, giới quan sát phương Tây cho rằng nhiệm vụ thực sự của Su-24 là đánh bom nhằm vào các đội quân nổi dậy ở Syria tại mặt đất, qua đó giúp bảo vệ quân đội trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc họp báo đêm 25/11 nói rằng, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là "sự cố ý và đã lên kế hoạch trước". Viên phi công sống sót trên chiếc Su-24 tuyên bố máy bay của anh không xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như không nhận được lời cảnh báo nào.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định phi công trên F-16 đã cảnh báo 10 lần qua vô tuyến trong khoảng 5 phút rồi mới phóng tên lửa.

Hãng tin TASS cho biết, Nga hiện đang có phi đội gồm 50 máy bay và trực thăng ở Syria, con số rất mỏng so với gần 860 máy bay chiến đấu và trực thăng của không quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo lời giải thích của Bộ Quốc phòng Nga về vụ tai nạn, chiếc Su-24 đang hoạt động ở độ cao 20.000 feet (hơn 6.000 m) thì trúng tên lửa của F-16. Độ cao này hoàn toàn nằm trong tầm bắn của những tên lửa đất đối không mà phiến quân IS hoặc lực lượng nổi dậy Syria sở hữu.

Khi làm nhiệm vụ, Su-24 cũng không có tiêm kích hộ tống. Những điều này cho thấy, Nga không hề lường trước về một vụ đụng độ trên không.

"Chiến lược của Nga có những lỗ hổng nghiêm trọng", Christopher Harmer, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Washington), nói với Wall Street Journal. "Người Nga bắt đầu chiến dịch rất rầm rộ. Tôi nghĩ họ thực sự đã vài lần xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Do vậy, khi Ankara phản ứng thì Nga không có sự chuẩn bị".
Sau vụ bắn hạ máy bay, Nga thông báo tăng cường quân sự ở Syria bằng việc điều tàu chiến và hệ thống phòng không hiện đại S-400. Chúng đều có khả năng tiêu diệt những mục tiêu đe dọa các hoạt động của Nga tại đây. Ngày 25/11, Nga đã nối lại việc không kích ở Syria, tại vùng gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Một số chuyên gia lo ngại, động thái quân sự này có thể khiến xung đột xảy ra nhiều hơn ở bầu trời Trung Đông vốn đã dày đặc máy bay các nước.

"Nếu Nga muốn, họ có thể di chuyển các bệ phóng tên lửa đất đối không đến sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và cảnh báo rằng: 'Các anh mà xâm phạm bầu trời Syria thì chúng tôi sẽ bắn ngay'. Thổ Nhĩ Kỳ không thể có hành động nào khác hơn", ông Harmer nhận định.

Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng, hoạt động của Nga ở Syria không kết hợp các máy bay do thám và giám sát như Mỹ để nắm rõ hơn về tình hình các vùng không phận và chiến trường mặt đất.

Ông Steve Zaloga, nhà phân tích cao cấp tại công ty tư vấn quốc phòng Teal Group (Mỹ), nói: "Các máy bay Mỹ không hoạt động đơn độc. Những máy bay xung quanh và hệ thống mặt đất luôn cập nhật thông tin về các mối đe dọa tới phi công. Các hoạt động của Mỹ diễn ra trong mạng lưới, thông tin sẽ đến thẳng phi công chứ ít khi thông qua hệ thống máy bay".

Sau khi Su-24 bị bắn rơi, một trực thăng cứu nạn Mi-8 của Nga tiếp tục trúng đạn cối của lực lượng mặt đất. Theo các chuyên gia, quân đội Nga không tập trung hiệu quả vào đào tạo tìm kiếm, cứu nạn như quân đội các nước phương Tây.

"Đào tạo cứu hộ theo nhóm rất quan trọng. Tuy nhiên, đào tạo tập trung vào từng phi công để họ thực hiện chiến dịch thành công là một yếu tố then chốt", Tiến sĩ Can Kasapoglu (Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại và Kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ), nói.


Nguồn: Zing
Bình luận
vtcnews.vn