Sống với người đã khuất

Tổng hợpThứ Bảy, 23/07/2011 12:36:00 +07:00

...Người đã khuất ấy còn được khắc tên vào bia tưởng niệm liệt sĩ của dòng họ Nguyễn Huy ở làng Sủi - Phú Thị - Gia Lâm...

Người đã khuất ấy được ghi danh trên tấm bia tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là con em của phường Hàng Bông Hà Nội, số thứ tự 70 trong tổng số 94 liệt sĩ.

Người đã khuất ấy còn được khắc tên vào bia tưởng niệm liệt sĩ của dòng họ Nguyễn Huy ở làng Sủi - Phú Thị - Gia Lâm.

 
Người đã khuất ấy mang tên Nguyễn Huy Bảo - em vợ tôi. Khi tôi lấy chị cậu, thì cậu đã là liệt sĩ rồi.

Ngày 27 - 7 năm nào tôi cũng đến nhà tưởng niệm liệt sĩ đặt ở khuôn viên số nhà 120 Hàng Bông, đặt một bó hoa, hoa mầu trắng, vì cậu còn tinh khiết tuổi 20, và thắp một nén nhang cho cậu cùng các đồng đội của cậu.

Vợ tôi kể: Nhập ngũ ở Khu đội Hoàn Kiếm, sau 3 tháng huấn luyện ở một huyện miền núi, cậu đi B. Được tin, vợ tôi xin nghỉ phép, từ Quân khu Việt Bắc về, cùng bố, đến trung tâm huấn luyện tiễn cậu. Bên cạnh chiếc lán lợp lá gồi, bố vợ tôi, một người theo kháng chiến chống Pháp rất sớm, đưa bàn tay to bè lên, nắn lại ve áo cậu, vuốt nhẹ mấy cái vào tay áo và ngực áo cậu, như làm cho bộ quân phục cậu đang mặc trên mình phẳng phiu hơn. Và, ông nói chậm chạp, rành rẽ:

- Hãy can trường lên con nhé! Giờ đã là người chiến sĩ. Chết thì xanh cỏ. Sống phải đỏ ngực!

- Bố! Vợ tôi sững sờ thốt lên.

Ở tuổi 18, gương mặt thư sinh non choẹt, mép còn lông tơ, chẳng hiểu cậu có hiểu hết ý nghĩa lời dặn dò của cha, mạnh mẽ như một mệnh lệnh, một sự cam kết? Chỉ thấy cậu cúi thấp đầu, khẽ gật: “- Vâng ạ!”

Vợ tôi hơn cậu bốn tuổi, cũng chỉ hiểu mang máng, rằng, nếu có hy sinh cũng phải hy sinh cho vẻ vang, cỏ sẽ xanh ươm nơi mộ. Nếu còn sống trở về, về trong niềm kiêu hãnh của người lính, ngực đỏ Huân chương Chiến công.

Mẹ vợ tôi kể: Thế là cậu đi một lèo, không thư từ, không tin tức. Khoảng một năm rưỡi sau, có một lá thư. Nhìn bì thư nhàu nát, đôi chữ nước loang. Mẹ hiểu, bức thư đó đã trải qua nhiều chặng đường xa và qua tay nhiều người. Thư chỉ vỏn vẹn vài dòng: “Con khoẻ. Gia đình yên tâm. Con không phụ lòng tin yêu của bố và mẹ!”

 
Mẹ vợ tôi rướm nước mắt. Cậu là con thứ ba trong số sáu anh chị em. Cậu đẹp trai và thư sinh nhất nhà.Và mẹ vợ tôi cảm nhận như là cậu đã thay mặt cả gia đình vào chiến trường vậy.

Cô em gái liền kề cậu kể: Anh Bảo rất cưng chiều em. Có củ khoai nướng cũng bẻ đôi cho em một nửa. Hồi cả nhà sơ tán về chợ Chờ ấy.

Anh trai trên cậu kể: Bảo nó học giỏi. Luôn có tên trên bảng danh dự hằng tháng. Năm cuối phổ thông trung học, cậu ấy nổi đình đám với cây đàn ghi ta và giọng hát hay.

Thế rồi, giữa năm 1973, gia đình nhận được giấy báo tử. Cậu đã hy sinh ở mặt trận Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi.

Vợ tôi kể: Bàng hoàng qúa. Chưa đầy hai tuổi quân. Cả gia đình không ai cầm được nước mắt. Duy có bố, trên gương mặt vốn nghiêm khắc của ông, mắt không ướt nước, chỉ thấy hằn lên tia đỏ, cơ hàm căng ra giật giật như kìm nén nỗi đau. Ông nói có một câu: “Thằng Bảo đã hy sinh giành sự sống cho cả nhà!” Rồi ông leo lên gác xép, để lại nỗi bâng khuâng cho mọi người.

Sau đó là chuỗi những ngày dài dằng dặc. Từ mẹ vợ tôi cho tới các anh chị em, cứ trách câu dặn dò của bố là quá nghiêm khắc. Có phần ân hận, nhất là trước lúc cậu ấy đi xa. Tất nhiên là trách sau lưng ông.

Vợ tôi như muốn làm vơi đi nỗi ân hận của cả nhà, nói: “Chết thì xanh cỏ. Sống phải đỏ ngực”. Bố giao nhiệm vụ đó cho con mình là đúng, có gì sai đâu. Hồi đó có hiện tượng “B quay”. Con ông không được phép. Nhưng…

Nghe chuyện mà lòng tôi thấy nao nao. Mệnh lệnh của bố cũng là mệnh lệnh của Tổ quốc. Tôi làm báo những năm đó phải cập nhật tin chiến sự miền Nam. Có những đợt oanh kích dữ dội của địch tan nát một vùng. Người chiến sĩ có thể chết tan xác. Chuyện đó là lẽ thường. Và như vậy lấy đâu ra mộ mà có cỏ xanh? Còn đâu lồng ngực để đỏ Huân chương. Ngực đỏ Huân chương chỉ dành cho những người lính còn sống.

Những người lính ở chiến trường trở về đã kể với tôi, trường hợp địch oanh kích tàn khốc như vậy, họ phải đi thu gom từng mảnh thi hài đồng đội, chôn cất chung trong một ngôi mộ, và họ chính là những liệt sĩ vô danh.

Người anh trai trên cậu kể: Chính điều này đã canh cánh trong lòng những người đang sống. Sau ngày đất nước thống nhất, anh và em trai dưới cậu, gom được ít tiền của mấy anh chị em, ba lô lên đường cuộc hành trình tìm mộ cậu ở Đức Phổ, dưới sự chỉ dẫn của một nhà ngoại cảm. Nhà ngoại cảm đã chỉ tới một ngôi mộ trong nghĩa trang những liệt sĩ vô danh. Nhưng ông cũng cho biết ở dưới đó chỉ có một cái chân. Hai anh em rớt nước mắt quay trở về Hà Nội, và giấu kín chuyện với mọi người.

 
Mẹ vợ tôi kể: Một năm sau, có một anh thương binh đi nạng hỏi thăm đến nhà. Anh giới thiệu mình là đồng đội của Bảo. Anh bị thương gãy chân. Bảo đã cứu anh từ hố bom lên. Bom dội tiếp, Bảo bị nổ tung… Anh thì lại còn sống. Anh đã gom thi hài của Bảo, bọc lại trong tấm vải dù và chôn cất ở ven đường bên một cột cây số.

Vậy là hai anh em trên và dưới cậu lại mở tiếp cuộc hành trình tìm hài cốt cậu lần thứ hai. Lần này là nhờ chỉ dẫn của một nhà ngoại cảm khác. Hỏi và tìm. Tìm và hỏi. Ba ngày lang thang đào bới mà không tìm thấy một khúc xương. Hy vọng đã vô vọng. Nhưng nỗi lòng khao khát tìm mộ cậu vẫn khôn nguôi.

Tháng trước, cậu em út vợ tôi, phôn cho tôi cung cấp lại ảnh và ngày tháng năm sinh, ngày tháng năm cùng địa điểm cậu đã hy sinh. Nghe đâu, cậu em út này lại nhờ được một nhà ngoại cảm mới nổi tiếng hơn. Giờ vẫn chưa có hồi âm.

Vào ngày cậu hy sinh, năm nào mọi người trong gia đình cũng họp nhau làm giỗ. Những kỷ niệm của mỗi người với cậu lại được kể đi kể lại mà không biết chán. Những di vật của cậu lại được truyền tay nhau ngắm nhìn mắt rưng rưng. Bố vợ tôi phút lâm chung còn nhìn đau đáu vào bức ảnh cậu ông treo bên giường ngủ. Mẹ vợ tôi cũng vậy, hằng tháng lĩnh tiền ưu đãi liệt sĩ trên phường, tay cầm quyển sổ màu vàng như màu ngôi sao năm cánh của lá cờ Tổ quốc, mẹ bùi ngùi áy náy giờ vẫn chưa tìm thấy hài cốt  con.

Có một người con gái, nay đã đứng tuổi, làm tôi chú ý nhất. Từ năm cậu hy sinh, năm nào cũng thế, vào ngày giỗ cậu, cô cũng đến nhà bố mẹ vợ tôi, mang một bó hoa trắng đặt trên bàn thờ cậu, và thắp một nén nhang. Thoắt đến rồi thoắt đi. Anh vợ tôi cho biết đó là bạn gái của cậu thời học sinh nhà ở phố Hội Vũ. Vợ tôi cho hay là giờ cô ấy vẫn chưa lấy chồng. Không ai dám hỏi thăm chuyện này, biết đâu, nó chạm tới nỗi đau của cô. Lẽ nào có một người con gái nặng lòng với cậu đến thế.

Vào ngày giỗ cậu, vợ tôi thường nhắc lại một vài kỷ niệm với cậu cho các con nghe. Khi cậu là liệt sĩ, chúng còn chưa ra đời. Vậy mà lúc nhắc tới cậu Bảo, cứ như là chúng đã từng sống bên cậu. Vào ngày giỗ, các con tôi dẫn đàn con của chúng đứng xếp hàng ngang chắp tay trước bàn thờ có di ảnh cậu, và nói rằng: “Đây là liệt sĩ Nguyễn Huy Bảo. Các con phải gọi bằng ông!” Tuổi lên ba, lên bốn, không biết chúng có hiểu thế nào là liệt sĩ, chỉ biết chúng đồng thanh: “Vâng ạ!”. Mọi người tiếp tục sống với người đã khuất.

Hôm qua, một nữ phóng viên tôi quen làm việc cho Kênh 2 Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC gửi email cho tôi cung cấp địa chỉ một trang web có tên nhantimdongdoi.org, xem, liệu có giúp tôi được một chút hy vọng gì không. Tất nhiên là tốt rồi mặc dù kết quả có thể còn xa lắc. Bởi có những trận bom địch oanh tạc tan tác cả một trung đội, một đại đội. Bởi có trận những người còn sống phải đi gom nhặt từng mảnh thịt, khúc xương đồng đội mình để đặt vào nghĩa trang liệt sĩ…vô danh… Trang web này được gọi là Trung tâm Quản lý dữ liệu về liệt sĩ, đặt trụ sở ở Phòng 206 – Nhà A2 – Tập thể Bộ Công an (102 phố Nguyễn Huy Tưởng quận Thanh Xuân – Hà Nội). Vậy là máy chủ đặt tại nơi căn hộ của họ ở. Có thể ngay trong phòng ngủ. Những người sáng lập trang Thông tin Liệt sĩ này là ai? Họ là nhóm SWS, các cựu sinh viên A2-K44 Khoa Toán tin Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội. Mỗi người trong họ đã ra trường làm việc ở những cơ quan khác nhau. Tôi xúc động trào nước mắt khi đọc tâm sự của họ. Rằng chiến tranh đã qua đi, thời gian đã lùi sâu vào dĩ vãng nhưng những đau thương mất mát vẫn còn đó: Người mẹ già ngóng tin con trai nơi chiến trường xưa vẫn mãi chưa trở lại. Người vợ hiền vò võ trong căn nhà trống vắng khắc khoải mong tin chồng. Bao đồng đội vẫn ngày đêm trăn trở đi dọc Trường Sơn mong tìm được hài cốt của bạn. Họ làm việc này vì một nghĩa cả, rằng thế hệ họ sinh ra trong hòa bình chỉ biết sự tàn khốc của chiến tranh qua những trang sử, những thước phim tài liệu, cùng lời kể của ông bà, cha mẹ. Mà họ biết ơn sự hy sinh cao cả của thế hệ cha chú để có hôm nay họ được sống trong hòa bình, hạnh phúc, được học hành. Và khẩu hiệu của họ là “Hãy hành động để xoa dịu nỗi đau chiến tranh!” Tôi còn chưa biết họ đã đem lại được bao nhiêu niềm vui cho những con tim lúc nào cũng ngóng đợi trong những ngôi nhà như gia đình vợ tôi. Nhưng sẽ không bao giờ là đủ, chẳng khi nào là hết, và họ vẫn tiếp tục “Hành động để xoa dịu nỗi đau chiến tranh”, và tiếp tục sống với người đã khuất…

Ba mươi tám năm rồi, cậu Bảo trong tâm tưởng mọi người trong họ tộc vẫn là một cậu thư sinh 18 tuổi mép còn lông tơ. Cậu không già đi. Cậu sống mãi mãi tuổi hai mươi.

 Đêm 10 – 7 – 2011  

Ghi chép của Giang Lân

Bình luận
vtcnews.vn