Sóng dưới đáy sông

Thể thaoThứ Bảy, 30/07/2011 04:55:00 +07:00

(VTC News) – Cuộc sống hiện đại đôi khi bắt con người ta phải làm những thứ mà mình không thích…

(VTC News) – Cuộc sống hiện đại đôi khi bắt con người ta phải làm những thứ mà mình không thích…

1. Việt Nam vừa gặp một cú sốc lớn trong cuộc thi Olympic Toán quốc tế 2011 khi chỉ đứng thứ 31/90 đoàn tham dự. So với thành tích trước đó (thường đứng top 10) thì rõ ràng đây là một bước lùi lớn của đội tuyển vẫn được coi là “mỏ vàng” huy chương trong các cuộc thi quốc tế.

Trách nhiệm trong việc này thuộc về nhiều phía: từ những người dạy và học toán cho đến chính sách khuyến khích của Bộ. Nhưng nếu nói như vậy thì có phần chủ quan và quy chụp quá vì suy cho cùng “mưu sự tại nhân mà thành sự lại tại thiên”.

Vậy có nghĩa là cần phải “đổ lỗi” cho một yếu tố nào đó thật khách quan, hay nói một cách triết học là tồn tại độc lập với ý muốn chủ quan của con người.

Thật may nguyên nhân đó đã được tìm thấy, đó là vì “cuộc sống hiện đại”.

Người có công “phát hiện” ra điều ấy, đáng ngạc nhiên lại đang giữ một vị trí cao cấp trong chính phủ. Vị quan chức nọ giảng giải: “Làm toán học thì không phải ai cũng giỏi như Ngô Bảo Châu được. Đi dạy học, dạy toán thì cuộc sống cũng khó khăn lắm…”. Thậm chí ông còn mạnh miệng: “Tin học … đó là môn học chẳng có gì thú vị, nhưng vì nếu không có tin học thì người ta sẽ không sống được trong cuộc sống hiện đại, vì thế họ phải học”.

Như vậy chẳng phải vị đại biểu này đang ám chỉ: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”?

Có rất nhiều con sóng ngầm đang chảy dưới chân Mancini 

2. Nếu thật sự là thế thì quả là đáng lo.

Khi ấy phải chăng là nếu bắt được một gã móc túi vì động cơ “lương thiện” là “nhà em túng quá” thì phải cho qua? Hay như trước cảnh xe tải lật ở quốc lộ 1A mới đây, thay vì tránh xa để lực lượng chức năng làm việc, bà con ta lại cứ xúm vào “hốt của chùa”.

Trong thời buổi mà thế giới ngày càng phẳng, còn con người chỉ cần ngồi ở nhà cũng biết được chuyện thiên hạ thì mối quan hệ giữa người với người ngày càng lỏng lẻo hơn. Ai cũng chỉ nghĩ đến cái nồi cơm nhà mình, chứ chẳng thèm quan tâm trong đó chan bao nhiêu mồ hôi và nước mắt của những người sống xung quanh.

Cuộc sống hiện đại không “dạy” con người những điều đó.

Kompany, de Jong sẽ "nổi loạn" bất cứ lúc nào 

3. Đáng buồn là hiện thực chẳng lấy gì làm hay ho ấy vẫn diễn ra thường ngày. Nó càng đặc biệt trở nên nghiêm trọng khi các thành viên trong một tập thể xung đột lợi ích với nhau.

Manchester City là một ví dụ.

Đội bóng của ngài tỷ phú có cái tên dài ngoằng Sheikh Mansour bin Zayed Al Nahyan có nhiều tiền hệt như số chữ cái trong tên của ông vậy. Hàng năm họ “quẳng” ra thị trường chuyển nhượng hơn 100 triệu bảng mà chẳng cần để ý xem đồng vốn ấy sẽ sinh lời bao nhiêu. Họ cũng sẵn sàng đưa những anh chàng mới chập chững vào nghề lên hàng triệu phú nhờ những khoản “lobby” kếch xù.

Ngoại trừ Tevez và ngôi sao mới về Aguero, có lẽ chẳng ai dám “đưa tay” ra nhận lấy 200.000 bảng/tuần.

Ấy thế mà đám “loạn quân” chưa gì đã “nhao nhao” hết cả lên. Từ “ác thú” de Jong đến “măng non” Richards, hay “thợ cày” Kompany, tất cả đều lộ rõ vẻ bất mãn với những ưu ái cho các bản hợp đồng mới, dù bản thân họ cũng đang được lót tay tới 80.000 bảng/tuần (gần bằng Van Persie và gấp 3 lần Chicharito).

Nếu Roberto Mancini gạt bỏ mọi yêu sách, “những con sóng ngầm” này sẽ nhấn chìm mọi động lực thi đấu của bộ ba kể trên. Nếu ngược lại, ai dám chắc sẽ không có những “con sóng de Jong” mới đe dọa sự bình yên trong phòng thay đồ. Đấy là còn chưa kể Luật cân bằng tài chính của UEFA lúc nào cũng như mũi kiếm chĩa ngay yết hầu Man City.

Bởi vậy mới nói, bên dưới sự hào nhoáng của Etihad lúc nào cũng chực chờ những hiểm họa, hiểm họa đến từ những con sóng dưới đáy sông.

Tra cứu kết quả tuyển sinh Đại học – Cao đẳng 2011 nhanh nhất tại: http://diemthi.vtc.vn


Quân Hào

Bình luận
vtcnews.vn