Sông Đông êm đềm, một lần tôi đến

Thời sựThứ Hai, 07/11/2016 07:06:00 +07:00

Tôi đến sông Đông, khoả tay xuống dòng nước trong vắt, lạnh ngắt để cảm nhận phần nào số phận bi thương của những người Cô-dắc khi Cách mạng tháng Mười nổ ra.

Sông Đông những ngày này đang chuẩn bị thay áo mới. Lớp áo khoác vàng rực chẳng bao lâu nữa sẽ được choàng chiếc áo lông tuyết trắng phau tinh khiết. Sẽ khó nhận ra dòng sông hiền hoà, êm đềm trong những ngày đông giá buốt nếu không có ánh mặt trời chiếu xuống lớp băng lấp lánh.

Tôi là lữ khách đường xa tới thăm người, cảm nhận được phần nào cái “êm đềm” đã chảy qua số phận bao người nông dân Cô-dắc trong kiệt tác “Sông Đông êm đềm” của đại văn hào Mikhail Solokhov.

DSC04319

 Tác giả ở sông Đông

Mỏi mệt qua bao dặm đường, tôi cũng tới được sông Đông. Từ thành phố Voronezh, tôi đi xuống phía Nam, qua những thảo nguyên mênh mông, những cánh đồng Nga đất đen bát ngát, được xem là vựa lúa mì của nước Nga, cũng là nơi trung tâm đất đen của thế giới, trồng thứ gì cũng tốt, cũng năng suất.

Màu đen ngút ngàn đến tận chân trời xa lắc của đất vừa được cày để gieo hạt, đợi tuyết rơi, giữ ấm hạt. Mùa xuân tuyết tan sẽ là nguồn nước tưới quý giá để hạt nảy mầm.

Tôi thả bộ xuống sông Đông, khoả tay xuống làn nước trong vắt lạnh buốt, vốc lên mặt, hít hà mùi nước, mùi bùn sông Đông. Tôi cứ lẩn thẩn đi dọc bờ sông, ngó sang những nóc nhà mé đồi xa xa.

Phải không đó là cái làng hơn trăm năm trước là của người Cô-dắc có cơ ngơi nhà Melekhov ở ngay đầu thôn?

DSC04296

Phải không ở cách nơi tôi không xa trong cái tĩnh mịch của buổi chiều thu lạnh sắt se, dưới làn nước trong xanh kia, Grigori và Acxinhia đã đi giăng lưới lần đầu tiên vào một buổi tối mùa hè mưa tầm tã sấm chớp đầy trời? 

Phải không đó là nơi những con người nông dân tàn ác chỉ vì nghi vợ của Prokophi Melekhov là phù thuỷ mà kéo đến nhà Melekhov giết bà để rồi số phận nghiệt ngã, bi thảm của Grigori, nàng Acxinhia và Natalia bắt đầu từ đó?

Phải không ở cách nơi tôi đang đứng không xa trong cái tĩnh mịch của buổi chiều thu lạnh sắt se, dưới làn nước trong xanh kia, Grigori và Acxinhia đã đi giăng lưới lần đầu tiên vào một buổi tối mùa hè mưa tầm tã sấm chớp đầy trời?

Phải không quãng sông này đã in bao nhiêu dấu chân vó ngựa của Grigori mỗi lần chàng lên đường trong những cuộc chinh phạt dọc ngang, đã chứng kiến dòng đời xô đẩy chàng đến những khúc quanh co, lắt léo cùng cực của số phận con người?

DSC04339

Những người câu cá bên sông Đông 

Cách mạng tháng Mười nổ ra, Grigori- một cách vô thức- bị xô đẩy hết từ phía những người Bolshevic sang đến quân Bạch vệ phản cách mạng. Bể dâu thời cuộc đã xô anh, người nông dân Cô-dắc chất phác trong đầu chưa hề có khái niệm gì về quân cách mạng - phản cách mạng, hết từ bên đỏ sang bên trắng. Đứa con trai là tất cả những gì còn lại của anh sau bao tháng ngày chinh chiến đầy máu và nước mắt...

***

... Bỗng đâu tiếng “vút” thật mạnh cắt ngang dòng suy nghĩ miên man. Một người câu cá giật cần khi thấy cá cắn câu. Giờ mới để ý phía bờ bên kia cũng có vài người câu cá đậu ô tô sát mép nước.

Họ là hậu duệ của những người nông dân Cô-dắc hơn trăm năm trước ở ngôi làng mé đồi kia?

Có thể lắm chứ. Nhưng với dáng điệu nhàn tản, thư thái kia, nếu là người Cô-dắc, chắc chắn họ là những người Cô-dắc không cần đến nhà văn có bút lực phi thường như Mikhail Solokhov viết về số phận họ nữa.

Hải Hà
Bình luận
vtcnews.vn