Sông Đà lâm nạn: ‘Cát tặc’ lộng hành, tại sao?

Kinh tếThứ Năm, 29/09/2016 08:01:00 +07:00

Cát tặc lộng hành moi ruột lòng sông Đà ngay dưới chân đập thuỷ điện quan trọng bậc nhất Việt Nam, người dân đêm nào cũng thấy mà cơ quan chức năng thì không.

Tình trạng hút cát trái phép trên sông Đà đoạn giữa hai phường Yên Hoà và Thịnh Lang của thành phố Hoà Bình gần đây đã lên đến mức báo động. Cứ mỗi khi đêm xuống, hai tàu cuốc được trang bị máy móc hiện đại đến “tận chân răng” lại hối hả cào cấu rút ruột lòng sông.

Đáng nói, tình trạng này diễn ra đã lâu, song không hề bị ngăn chặn hoặc xử lý dứt điểm. Thậm chí, khi hỏi đến việc xử lý “cát tặc”, các lực lượng chức năng địa phương chỉ than khó rồi… mặc kệ nó.

Ngành Tài nguyên kêu khó, Công an bảo “chỉ phối hợp”

Sáng 14/9, trao đổi với PV VTC News, ông Bùi Quang Điệp (Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoà Bình) thừa nhận: “Các đối tượng khai thác cát lậu hoành hành trên sông Đà diễn ra ngày càng phức tạp”, đặc biệt ở các khu vực giáp ranh với huyện Thanh Thuỷ (Phú Thọ), huyện Ba Vì (Hà Nội), khu vực sông Mã giáp ranh Thanh Hoá, khu vực sông Bôi… Tuy nhiên, ông Điệp khẳng định, sự việc đang được “chỉ đạo xử lý dứt điểm”.

Ong Bui Quang Diep

Ông Bùi Quang Điệp (Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoà Bình) thừa nhận: “Các đối tượng khai thác cát lậu hoành hành trên sông Đà diễn ra ngày càng phức tạp”  nhưng lại ậm ờ khi phối hợp với PV bắt quả tang các đối tượng "cát tặc". Ảnh Lê Đức

“Chúng tôi làm hết sức quyết liệt, đã thành lập tổ công tác liên ngành do Sở Tài nguyên môi trường làm tổ trưởng”, ông Điệp nói.

Tuy nhiên, khi PV cung cấp thông tin liên quan đến sự việc hai tàu cuốc hút cát trái phép ngay trong khu vực thành phố Hoà Bình, chỉ cách chân đập thuỷ điện chừng 3km, ông Điệp tỏ ra bất ngờ và cho biết sẽ yêu cầu kiểm tra để xử lý.

Cũng theo ông Điệp, sở dĩ các đối tượng khai thác cát lậu hoành hành trên sông Đà diễn ra ngày càng manh động và đến thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại là do công tác ngăn chặn, xử lý hiện gặp nhiều khó khăn. “Trước hết là do địa bàn giáp ranh giữa nhiều tỉnh, khi bên này xử lý, nhóm khai thác cho tàu chạy sang bên kia, bên kia xử lý lại cho tàu chạy sang bên này…”, ông Điệp nói.

Ngoài ra, ông Điệp cho biết, về chức năng, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ yếu làm quản lý nhà nước, để ngăn chặn cần có sự tham gia của lực lượng công an.

Trả lời PV VTC News ngày 15/9, Đại tá Bùi Xuân Diệu (Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - PC49, Công an tỉnh Hòa Bình) thừa nhận có hiện tượng khai thác cát trái phép trên địa bàn sông Đà, nhất là đoạn giáp ranh với Phú Thọ.

Tau cuoc su dung may moc hien dai de hut cat

Các tàu cuốc sử dụng máy móc hiện đại hút lậu cát trên sông Đà nhiều đêm, với khối lượng lớn nhưng không bị xử lý. Ảnh Lê Đức

Ông Diệu cho hay, thời gian qua, lực lượng chức năng, đặc biệt là PC49 đã triển khai nhiều đợt thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, kinh doanh vận chuyển cát sỏi lòng sông nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi.

“Trên địa bàn hiện nay chỉ có 2 đơn vị được cấp phép hoạt động khai thác cát lòng sông Đà thuộc địa phận xã Hợp Thành và xã Hợp Thịnh của huyện Kỳ Sơn. Còn lại, chủ yếu là “nhảy dù”, ông Diệu nói.

Nguyên nhân tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra nhiều năm qua bất chấp nỗ lực phòng chống của các cơ quan chức năng, theo ông Diệu do nhiều yếu tố. “Phức tạp lắm, bắt giữ phương tiện không có, kinh phí hạn hẹp. Đối tượng hút cát lại chủ yếu hoạt động về đêm nên bắt giữ cũng hết sức nguy hiểm”, ông Diệu nói.

Trở ngại lớn nhất trong việc xử lý các đối tượng khai thác cát lậu hoành hành trên sông là do việc quản lý còn nhiều bất cập, chưa quy trách nhiệm rõ ràng. “Phải quy trách nhiệm, bao giờ quy hẳn trách nhiệm cho cảnh sát môi trường thì khi ấy, chúng tôi mới có đủ quyền hạn để xử lý, như hiện nay vẫn chỉ là lực lượng phối hợp”, ông Diệu nói thêm.

Liệu có bảo kê?

Trao đổi với chúng tôi hôm 15/9, anh Nguyễn Phúc T., một người dân địa phương, cho biết hoạt động hút cát ở đây diễn ra đã nhiều năm. “Việc hút cát lậu diễn ra công khai hằng đêm, một tàu hút cát có trang bị máy hút, vòi, sào... rất dễ nhận biết và phân biệt với các loại tàu khác. Tại sao chúng tôi thấy mà lực lượng chức năng thì không?”, anh T. đặt câu hỏi.

Khai thac cat lau nhon nhip vao dem 13.9

 Các tàu khai thác cát lậu ngang nhiên trong đêm 13/9/2016 mà PV VTC News ghi lại được. Ảnh Lê Đức

Bà Ngân (59 tuổi, Phường Yên Hoà) có một nương ngô ở khu vực bãi ven sông, chiều 14/9, nói chuyện với chúng tôi, bà Ngân cho biết: Từ nhiều năm nay đã thấy tàu hút cát ở đoạn sông này. “Trước thì khai thác ở đoạn trên kia, giờ chuyển về đây”, bà Ngân chỉ về hướng Phú Thọ. Hỏi về danh tính của chủ tàu, bà Ngân nói “không rõ, chỉ thấy đêm nào cũng thấy họ hút cát”.

“Họ làm luật cả rồi chứ, sao mà ngang nhiên hút cát sông để bán vậy được?”, bà Ngân nghi ngờ.

Sáng 14/9, trong lúc trao đổi với Đại tá Bùi Xuân Diệu, nhóm PV chúng tôi có đặt ra nghi vấn này, song ông Diệu gạt đi và cho rằng, không hề có chuyện lực lượng chức năng bảo kê “cát tặc”.

Sa lan hut cat

Sà lan mang số hiệu PT 1110 ngang nhiên chờ đến lượt "ăn cát lậu". Ảnh Lê Đức

Ông Diệu cho biết, việc bắt giữ các tàu hút cát là rất khó. PC49 không có tàu chuyên dụng đường sông. Mỗi khi muốn tuần tra, PC49 phải làm thủ tục thuê tàu của Cảnh sát giao thông, nhưng cũng không có người lái. Vì “PC49 không có ai có bằng lái tàu thủy loại này”.

Cũng theo ông Diệu, khi bắt được tàu thì phải tìm chỗ neo đậu ra sao, không khéo “nó đánh cho tàu sập thì phải đền oan”; hoặc khi bắt được rồi neo đậu, “nó lợi dụng xả cát ra sông thì còn đâu bằng chứng mà xử lý”…

Báo điện tử VTC News sẽ tiếp tục thông tin.

Đức Kế - Hoàng Hưng - Lê Đức (Còn nữa)
Bình luận
vtcnews.vn