Số phận 18 y, bác sỹ có nguy cơ phơi nhiễm HIV sẽ ra sao?

Sức khỏeThứ Sáu, 10/07/2015 06:43:00 +07:00

(VTC News) - Số phận 18 y, bác sỹ sẽ ra sao sau ca phẫu thuật đặc biệt, ông Bùi Đức Dương, Cục phó Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ nói rõ hơn về vấn đề này.

(VTC News) - Số phận 18 y, bác sỹ sẽ ra sao sau ca phẫu thuật đặc biệt, ông Bùi Đức Dương, Cục phó Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế sẽ nói rõ hơn về vấn đề này.


Sau khi phẫu thuật cho bệnh nhân HIV, 18 y, bác sĩ có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV. Và họ có thể bị nhiễm HIV hay không, nhiều người băn khoăn về việc này.

Ông Lê Nhân Tuấn, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội cho biết, hiện đã có kết quả xét nghiệm đối với các nhân viên y tế có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV.

Theo đó, các kết quả xét nghiệm đều âm tính với HIV. Tuy đã có kết quả xét nghiệm bước đầu, nhưng theo ông Tuấn, sau khoảng 20 ngày nữa, Bệnh viện và Trung tâm sẽ tiến hành xét nghiệm lại để khẳng định chính xác những nhân viên này có nhiễm HIV không.

Ông Tuấn cho rằng, nguy cơ nhiễm là rất thấp. Bản thân bác sỹ phẫu thuật trực tiếp cho bệnh nhân đều thực hiện đúng các quy định về khi tiếp xúc và phẫu thuật cho bệnh nhân.

“Hiện tại, tuy đã có kết quả xét nghiệm bước đầu là âm tính với HIV, nhưng các y bác sĩ vẫn tiếp tục được chỉ định uống thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV. 

Ông Bùi Đức Dương, Cục phó Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Trong thời điểm này chưa thể khẳng định về việc nhiễm hay không nhiễm HIV với 18 người này. Chỉ có thể khẳng định sau lần xét nghiệm 3 tháng tới và 6 tháng tới.

Chị H. tại viện Phụ sản Hà Nội 
Theo kinh nghiệm của ông Dương, khả năng bị nhiễm HIV của 18 y, bác sỹ là rất thấp. Bởi, sau khi sự việc diễn ra, viện đã cho các y, bác sĩ này xét nghiệm và có kết quả âm tính với HIV. Hơn nữa, 18 trường hợp này đã được điều trị dự phòng ngay trong 72 giờ đầu (cho uống thuốc dự phòng ARV).

Những người có nguy cơ nhiễm HIV cao trong trường hợp ca cấp cứu, phẫu thuật này là những người có vết trầy xước, nứt nẻ vùng da, tiếp xúc với máu, dịch bệnh (nhất là bàn tay) trong khi vận chuyển bệnh nhân, tiêm truyền, đặt nội khí quản….

Đặc biệt những người mổ, tiếp xúc trực tiếp với máu của bệnh nhân mà không có đầy đủ phương tiện bảo vệ đặc dụng cho bệnh nhân HIV như: găng tay, kính đeo mắt, đi ủng, đội mũ…. sẽ có nguy cơ cao.

Tuy nhiên, sau ca mổ đặc biệt, 18 y, bác sỹ vẫn tiếp tục làm việc, nhiều độc giả băn khoăn liệu có ảnh hưởng gì đến những bệnh nhân khác?

TS.BS. Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết 18 y, bác sĩ tham gia cấp cứu và phẫu thuật đã được bệnh viện xác định phơi nhiễm virus HIV. Ngay sau khi biết sự việc, bệnh viện đã động viên các bác sỹ tham gia kíp trực trên. Hiện tại, các bác sỹ vẫn đi làm bình thường. 18 y, bác sĩ này cũng đang được uống thuốc kháng virus dự phòng.

Bác sỹ tham gia phẫu thuật và chị H. 
Ông Dương chia sẻ, việc truyền nhiễm virus HIV từ 18 y, bác sĩ này sang những người bệnh nhân khác là vô cùng khó. Thời gian 18 y bác sĩ tiếp xúc rất ngắn, từ ngày 4/7 tới hiện tại mới có 5 ngày nên chưa đủ để virus nhân lên và phát triển trong cơ thể của mỗi người và chưa đủ khả năng để lây nhiễm sang những người xung quanh.

Mặt khác, các bác sỹ này đã được điều trị dự phòng sớm. Nên nếu giả sử, các y bác sĩ này bị virus HIV xâm nhập vào cơ thể thì virus sẽ phát triển chậm.

Để lây sang những người xung quanh, số lượng vi rút trong máu phải lớn: trên 10 ngàn virus/1ml máu. Hơn nữa, trong quá trình tiếp xúc với bệnh nhân, các y bác sỹ cũng đã có biện pháp dự phòng tổng thể nên có thể nhấn mạnh lại một lần nữa, việc truyền nhiễm virus HIV từ 18 y, bác sỹ này sang những người bệnh nhân khác là vô cùng khó.

Một phần việc này xảy ra do phía người bệnh, đã có sơ xuất khi không nói tình trạng bệnh của mình. TS.BS. Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nói: Cũng cần rút kinh nghiệm đối với bệnh viện và với nhiều phòng khám cấp cứu ở các viện Phụ sản khác đó là: Cần trang bị sẵn những bộ bảo hộ phẫu thuật phòng lẫy nhiễm HIV cho bác sỹ ngay tại phòng khám cấp cứu. Sẽ có những trường hợp như trường hợp bệnh nhân NTH. Thường, các BV chỉ để các bộ phòng hộ nhiễm HIV ở phòng phẫu thuật, chưa gặp trường hợp nào phải mổ ngay tại phòng khám.

Đối với phía gia đình bệnh nhân, nếu biết trước bệnh nhân mắc những bệnh truyền nhiễm, nên báo ngay cho thầy thuốc khi vào viện, mặc dù kết quả xét nghiệm cũng sẽ có nhưng sẽ chậm hơn. Nếu biết được sớm, người thầy thuốc sẽ có sự phòng vệ cao hơn trong quá trình phẫu thuật, tránh những sự đáng tiếc trầm trọng cho người thầy thuốc.

Còn ông Dương chia sẻ: Trong tình huống cụ thể này, chúng ta cũng chưa thể trách được người nhà bệnh nhân bởi khi đưa vào cấp cứu, người nhà đã rất bối rối, họ có thể không đủ sáng suốt để nghĩ tới việc thông báo. Trong khi đó, các nhân viên y tế thì phải lập tức cứu người bệnh nên không còn đủ thời gian để hỏi người nhà. Vì vậy, cả hai phía đều không có thời gian để trao đổi.

Mặt khác, chúng ta vẫn phải tôn trọng sự bảo mật đối với những người bị nhiễm HIV. Theo luật của Việt Nam hiện nay, đối với trường hợp cấp cứu dù là HIV hay HIV thì đều được hưởng quyền lợi cấp cứu như nhau. Pháp luật Việt Nam bảo vệ người bệnh, cho phép người bệnh có quyền không cung cấp thông tin này. Mặc dù chúng ta biết, đối tượng nhân viên y tế là đối tượng rất dễ bị nhiễm HIV trong lúc cấp cứu.

Tuy nhiên, theo tôi, phía người nhà bệnh nhân nếu biết thì cũng nên cung cấp thông tin để cán bộ y tế có biện pháp phù hợp hơn để phòng tránh nhiễm bệnh. Đây là lời khuyên không chỉ với trường hợp này mà đối với tất cả những ca bệnh khác.

» Sự thật về trứng gà tiêm máu nhiễm HIV
» Phát hiện mới giúp tránh nhiễm virus HIV
» Bé 8 tuổi nhiễm HIV, cả làng xua đuổi
» Những sự thật gây sốc về bệnh tình dục
» Kẻ đâm thanh sắt có virus HIV vào đùi hơn 40 học sinh

Thanh Nga

Bình luận
vtcnews.vn