Sở hữu 19 dự án với quỹ đất 1.000 ha, CEO Group đang vay ngân hàng cả ngàn tỷ

Kinh tếThứ Năm, 21/09/2017 18:10:00 +07:00

Giải quyết bài toán nguồn vốn để phát triển 19 dự án với quỹ đất 1.000 ha là vấn đề sống còn của CEO Group.

Nửa đầu năm 2017, CTCP Tập đoàn CEO Group ghi nhận doanh thu hợp nhất 757 tỷ đồng, tăng mạnh so với 605 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lãi sau thuế cũng theo đó bật lên 123,6 tỷ đồng, cao hơn 44,4% so hai quý đầu năm 2016.

Kết quả kinh doanh của CEO Group khởi sắc trong bối cảnh thị trường địa ốc nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng ấm dần lên.

ceo-group-dong-tien-hoat-dong

 CEO Group có tiềm năng phát triển với quỹ đất lớn.

Điều này giải thích tại sao ban lãnh đạo CEO Group vừa qua đã điều chỉnh phương án sử dụng vốn phát hành thêm.

Cụ thể, trong số gần 515 tỷ đồng tăng vốn, CEO Group đã quyết định sử dụng 195 tỷ đồng thành lập công ty con là CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vân Đồn nhằm triển khai dự án khu nghỉ dưỡng quy mô 100ha trên đảo Cái Rồng (Vân Đồn).

Đây sẽ là dự án thứ 19 của CEO Group, biến đơn vị này trở thành một trong những “ông trùm” có quỹ đất lớn nhất hiện nay, với tổng diện tích sở hữu lên tới hơn 1.000 ha.

Phát triển các dự án này yêu cầu một nguồn lực rất lớn, lên tới 20-30 nghìn tỷ đồng. Đây sẽ là bài toán không dễ giải đối với Chủ tịch HĐQT ông Đoàn Văn Bình cùng các cộng sự, khi mà bản thân CEO Group đang phải đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt từ dòng tiền hoạt động.

Mặc dù cả doanh thu và lợi nhuận hợp nhất đều tăng mạnh trong nửa đầu năm 2017, song đáng chú ý là lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của CEO Group lại ở mức âm 152 tỷ đồng.

Điều này có nghĩa rằng CEO Group dù ghi nhận doanh thu trên sổ sách, song thực tế không thu được tiền về.

Phải chờ thêm báo cáo tài chính hai quý cuối năm để làm rõ hơn nhận định trên (doanh thu của doanh nghiệp bất động sản thường rơi vào quý III, IV), song cần biết rằng “mô típ” này đã diễn ra suốt nhiều năm trở lại đây.

Ngoại trừ năm 2014 dương 55,8 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của CEO Group luôn ở mức âm: năm 2013 âm 34,9 tỷ đồng và tăng mạnh trong các năm 2015 (âm 215,8 tỷ đồng), năm 2016 (âm 91,5 tỷ đồng).

Để bù đắp, CEO Group liên tục phải tăng vốn. Với đợt phát hành vừa qua, vốn điều lệ của CEO Group hiện gấp 5 lần so với mức 343 tỷ đồng đầu năm 2014.

Dù vậy, tăng vốn chưa đủ, Tập đoàn của Chủ tịch Đoàn Văn Bình vẫn phải sử dụng đòn bẩy tài chính. Giai đoạn 2013-2016, CEO Group đã vay tổng cộng 2.436 tỷ đồng, trong khi chỉ trả nợ 1.366 tỷ đồng.

Với kết quả kinh doanh không quá nổi bật, CEO Group khó lòng tăng vốn mãi được. Trong khi đó, phụ thuộc lớn vào đòn bẩy tài chính là con dao hai lưỡi với tập đoàn này.

Video: Doanh nghiệp cầu cứu vì rò rỉ thông tin mật, nghi vấn từ hải quan

Một khi thị trường biến động, khả năng thanh khoản của và dòng tiền hoạt động của CEO Group sẽ là dấu hỏi lớn.

Lưu ý rằng hàng tồn kho của CEO Group tới cuối tháng 6/2017 tăng mạnh 300 tỷ so với đầu năm, lên mức 910 tỷ đồng, gấp 3,6 lần so với đầu năm 2015.

Vay chi nhánh ngân hàng 1.300 tỷ đồng

Tới cuối quý II/2017, số dư vay nợ tài chính của CEO Group là 1.285 tỷ đồng. Trừ một số khoản vay cá nhân, phần lớn nợ vay của CEO Group được tài trợ bởi Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Thanh Xuân.

BIDV Thanh Xuân cũng là đối tác chủ yếu đã “bơm” hàng nghỉn tỷ đồng cho CEO Group trong những năm trở lại (như đã phân tích ở trên). Quan hệ tín dụng giữa hai bên bắt đầu từ năm 2014, khi phía nhà băng tài trợ gần 400 tỷ đồng cho dự án Sunny Garden City ở Quốc Oai, Hà Nội. 

(Nguồn: Nhà Đầu Tư)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn