Sinh viên "sống ghép" thời tăng giá

Tổng hợpThứ Hai, 06/09/2010 06:28:00 +07:00

(VTC News) - Nhiều sinh đã lựa chọn phương châm sống “Thư viện là nhà, phòng trọ là ngủ, tiết kiệm cho đủ, tranh thủ bớt khoản chi tiêu càng nhiều càng tốt...

(VTC News) - Vào những ngày này, khi tân sinh viên đã  đến trường làm thủ tục và bắt đầu tìm chỗ ở,nhiều nhà trọ tại khu vực xung quanh các trường đại học ở Hà Nội như Mai Dịch, Cầu Giấy, Phùng Khoang  Triều Khúc, Mỹ Đình lại bắt đầu đồng loạt tăng giá nên sinh viên "thiết kế" ra những cách ứng phó rất... sinh viên.



Sinh viên Phạm Thúy Hằng trong nhà trọ của mình. 
Đến hẹn lại… “leo”

Theo khảo sát của chúng tôi, nếu như năm trước, một phòng trọ có diện tích 10 m2, vệ sinh chung chỉ có giá 650.000đ đến 700.00 đồng một tháng thì sang đến đầu năm học này, giá đã “leo” đến 850.000 đồng một tháng.

Ngay cả ở những khu từ trước đến nay vẫn được coi là khá “mềm” như Phùng Khoang, Phú Diễn, Yên Xã, Kim Giang… giá nhà cho thuê cũng tăng từ 500.000 đồng một tháng lên 700.000 đồng một tháng. Còn phòng khép kín khoảng 10m2 ở gần các trường học có giá 1.300.000đ đến 1.500.000đ. thậm chí 2.000.000đ tùy theo mức độ vị trí và chất lượng phòng.

Hoàng Nga, sinh viên Đại học Sư Phạm I, cho biết, một phòng trọ có diện tích 15 m2 sẽ có giá trung bình khoảng 1,8 triệu đồng một tháng.  Còn theo Nguyệt (cũng là SVĐHSP), vào thời điểm hiện tại, tìm được một nhà trọ có giá dưới một triệu đồng là điều “không tưởng”. “Nhà có giá dưới một triệu thì không thể ở được”, Nguyệt than vãn.

Không chỉ tăng giá thuê nhà, các mặt hàng khác trong phạm vi nhà cho thuê cũng "phi mã" ăn theo. Giá điện ở nhiều nhà trọ tăng từ 3.000 đồng một kW lên 3.700 đồng một KW, giá nước tăng từ 30.000 đồng lên 45.000 đồng mỗi người một tháng. Thanh Giang, sinh viên ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia HN, thuê nhà trọ ở khu vực đường Nguyễn Trãi hai năm nay. Sau đợt nghỉ hè, Giang quay lại thì được thông báo phải đóng thêm một khoản phí vệ sinh mới, khoản tiền “An ninh”! Khoản phí này trước đây được tính chung trong giá thuê nhà nhưng năm nay chủ nhà lại "bắt" mỗi người phải đóng thêm 20.000 đồng cho khoản thu này.

Một góc xóm trọ.  
Khi được hỏi tại sao giá lại tăng như vậy, chị Mai chủ nhà trọ khu vực Kim Giang cho biết: Sỡ dĩ tăng giá như vậy là bởi vì giá hàng hóa ngoài thị trường tăng nên giá phòng trọ phải tăng theo.

Ở ghép

Giá nhà trọ tăng nhưng sinh viên vẫn phải chấp nhận vì vào thời điểm hiện tại hầu như nhà trọ gần như  đã hết, không còn phòng cho thuê.

Trang vừa học xong năm đầu Đại học Luật Hà Nội, đợt vừa rồi  cô về quê nghỉ hè nên trả phòng bây giờ lên Hà Nội tìm nhà hơn một tuần nay mà vẫn không tìm được. Bởi phòng gần như đã kín, hoặc có phòng rộng với giá cao nên một mình không thể “chịu nhiệt” được, đành phải ở nhờ ở ghép. Còn Hảo, sinh năm cuối ĐHQGHN, ba năm học vừa qua em phải thay đổi nhà trọ tới năm lần nhưng cho tới  nay em vẫn chưa tìm được phòng bởi giá cao và còn ít phòng trống.

Hiện nay do giá phòng cao lại khó tìm nên nhiều bạn sinh viên phải chung phương án ở ghép. Để giảm tiền phòng nhiều sinh rủ nhau ở ba bốn người một phòng. Một phòng rộng 10m2 thường ở ba, bốn người, với điều kiện như vậy thì việc thuê phòng trọ chỉ để ngủ chứ làm gì có chỗ mà học. Bạn Kiều Hương sinh viên Đại học Ngoại Thương cho biết: Phòng em rộng chưa đầy 10m2 nhưng có tới ba người ở chật mà bí lắm không học được nên em cả ngày vật vờ ở thư viện trường tối chỉ về phòng chỉ để ăn với ngủ thôi.

Thấy giá nhà trọ cao nhiều bạn xin chủ nhà giảm tiền nước và tiền điện nhưng đều nhận chung câu trả lời “ Đây là giá chung, nếu không chịu được thì xin mời đi…”. Quả thật, vào thời điểm hiện tại để tìm được một căn phòng trọ “tạm được” giá cả phải chăng chẳng khác nào “mò kim đáy bể”. Ngọc Ánh, sinh viên Học viện Báo chí tuyên truyền, hơn một tháng nay đi khắp các khu cho thuê trọ ở Hà Nội, nhưng đến thời điểm này, Ánh vẫn chưa tìm được nhà. Theo bà Hoa một chủ nhà trọ trên đường  Vương Thừa Vũ, thời điểm này, các sinh viên đã quay trở lại trường học, các tân sinh viên cũng bắt đầu làm thủ tục nhập học nên các phòng trọ đều đã “vào guồng”, rất hiếm có phòng trống.

Nhu cầu nhà trọ tăng cao khiến nhiều nhà có đất ở Hà Nội bắt đầu xây dựng những khu nhà trọ mới để cho thuê. Một sinh viên trọ trong ngõ  Triều Khúc (Huyện Thanh Trì), cho biết, nhiều nhà trong ngõ, dù không có đất rộng, nhưng cũng xây nhiều tầng, để cho sinh viên thuê. Ông Định hiện có hai dãy nhà trọ cho sinh viên thuê cũng tiến hành xây dựng thêm một nhà 5 tầng nữa để “mở rộng kinh doanh”. Tuy nhiên nhà chưa xây xong nhưng nhiều người đã  đặt cọc trước để yên tâm có chỗ ở.

“Sống chung với lũ”

Bất lực trước cảnh tăng giá nhà trọ và các hàng hóa khác tăng cao, nhiều bạn sinh viên so sánh ví von phương án sống của mình giống như người dân ở đồng bằng sông Cửu Long sống chung với lũ. Nếu như ở đồng bằng sông Cửu Long cứ tới dịp nước sông dâng người dân phải sống chung với lũ  thì cũng giống như họ, sinh viên ở  Hà Nội sống trong cảnh vất vả “lao đao” của cảnh tăng giá nhà trọ và nhiều mặt hàng khác. Không còn cách náo khác sinh viên phải sống chung với việc tăng giá ấy. Để sống được với  giá cả như hiện nay nhiều sinh viên giảm khẩu phần ăn, giảm bữa ăn. Bạn Thùy Dung, sinh viên Đại học Thương Mại cho biết: Để sống tồn tại trong cảnh tăng giá như hiện nay, sinh viên không còn cách nào khác là phải giảm mọi thứ từ khẩu phần ăn, giảm bữa ăn, tới giảm đi chơi…

Các sinh viên trọ xung quanh quận Cầu Giấy cho biết nếu như trước kia khoảng hai hôm trong bữa ăn lại có món thịt, nhưng hiện nay thì khoảng cách đó lên bốn ngày. Món ăn chủ yếu trong bữa ăn chỉ rau và đậu phụ. Với khoản trợ cấp của gia đình từ 1.200.000đ/tháng thì sinh viên gần như chỉ đủ ăn và thuê nhà chứ không có tiền tiêu vặt. Để có tiền tiêu vặt nhiều người nhịn ăn bữa sáng, hoặc phải tranh thủ đi làm thêm kiếm tiền. Quả thật trước việc giá cả nhà trọ và các mặt hàng khác tăng nhanh như hiện nay thì cuộc sống sinh viên vốn đã khó khăn nay lại trở nên khó khăn bội phần. Trước hoàn cảnh như vậy nhiều sinh đã lựa chọn phương châm sống “Thư viện là nhà, phòng trọ là ngủ, tiết kiệm cho đủ, tranh thủ bớt khoản chi tiêu càng nhiều càng tốt, học không để dốt…”

Hiện nay kí túc xá ở các trường đại học chỉ đáp ứng khoảng 30% lượng sinh viên của trường  chủ yếu chỉ ưu tiên cho con  của  các gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn do vậy còn khoảng 70% còn lại phải tìm chỗ trọ ngoài.
Đức Tuấn


Bình luận
vtcnews.vn