Sinh viên làm hàng rào sống: Xin đừng ghen tị với tuổi trẻ của họ

Giáo dụcThứ Bảy, 04/07/2015 11:18:00 +07:00

Nói thật đi, các anh hùng bàn phím đang ghen tị với tuổi trẻ của các bạn sinh viên tình nguyện đúng không?

(VTC News) – Nói thật đi, các anh hùng bàn phím đang ghen tị với tuổi trẻ của các bạn sinh viên tình nguyện đúng không?

Các "anh hùng bàn phím" đang ghen tị đúng không?

Việc những sinh viên hy sinh cả mùa hè lẽ ra được về bên mẹ cha, để khoác lên mình chiếc áo xanh tình nguyện cao quý, đứng dưới cái nắng như thiêu như đốt hỗ trợ suốt cả mùa thi, hay xa hơn là đi đến những nơi xa xôi, thiếu thốn, mang chút sức lực nhỏ bé giúp đồng bào vơi bớt phần nào khó khăn, đã trở thành hình ảnh đẹp đẽ in sâu trong tiềm thức biết bao người.

Thậm chí, hình ảnh chiếc bản đồ Việt Nam được phủ xanh bởi màu áo tình nguyện, từ điểm đầu Hà Giang đến cuối mũi Cà Mau, từ nơi đất liền đến hải đảo xa xôi, đâu đâu cũng là nụ cười tươi rói của những bạn tình nguyện viên, trở thành niềm tự hào của bao thế hệ thanh niên.

Ấy vậy mà những ngày này, có những người nào đó, lại chui vào một nơi thật mát mẻ, trong một tòa nhà tiện nghi giữa thành phố, nhâm nhi cốc cafe hảo hạng với chiếc bánh cũng thượng hạng không kém, đôi bàn tay thoăn thoắt như múa trên bàn phím, để làm cái việc là quay mũi dùi chỉ trích vào những chiếc áo xanh ấy, rằng các bạn sinh viên đang ném công sức nuôi nấng của cha mẹ, dạy dỗ của thầy cô vào việc làm vô nghĩa, tốn sức.
sinh viên

hàng rào sống
Sinh viên làm hàng rào tại nhiều cụm thi
Những "anh hùng bàn phím" ấy nói rằng, việc sinh viên đứng nắm tay nhau, làm hàng rào sống đó là việc vô nghĩa. Thay bằng dùng sức người một cách thủ công, có thể dùng một chiếc dây căng ngang, vừa đơn giản, vừa tiện lợi, vừa giúp các bạn sinh viên đỡ mệt mỏi trong những ngày mà mặt đường nhựa còn chảy ra vì cái nắng thiêu đốt.

Những nghệ sỹ gõ phím ấy còn nói, tốn công bố mẹ nuôi nấng, thầy cô dạy dỗ để ra đứng ngoài đường, phơi mặt giữa cái nắng chang chang chẳng để làm gì.

Có thật các “anh hùng” đang lo lắng cho các bạn sinh viên? Nói thật đi, các bạn đang ghen tị với tuổi trẻ của họ đúng không?

Xin đừng ghen tị với tuổi trẻ của họ

Các anh "hùng bàn phím", có giỏi thì làm như họ, hoặc hơn họ đi?


Hay chính những kẻ núp bóng ấy đang ghen tị với tuổi trẻ của họ, những bạn sinh viên đã có một thời thanh xuân sống hết mình, cống hiến đầy nhiệt huyết?
hàng rào sống
Những hình ảnh đẹp trong mùa thi 
Có phải bạn ghen tị khi lướt trên newsfeed facebook, là ngập tràn hình ảnh màu áo xanh khắp nẻo đường góc phố, cùng ăn, cùng ở, cùng trắng đêm ôn bài với các bạn thí sinh vừa lặn lội từ quê xa lên thành phố.

Là hàng dài sinh viên nắm tay nhau, thành hàng rào thật chắc chắn, ngăn dòng xe cộ cuồn cuộn có thể khiến các bạn thí sinh chưa quen với nhịp sống đô thị bị va quệt; ngăn cả những sự ùn tắc không đáng có trong những ngày nhiệt độ mặt đường lên tới 50, 60 độ C, giúp người dân đi qua những cụm thi không còn quá chật vật?


Các bạn nói chỉ cần căng một chiếc dây? Hẳn chưa anh hùng bàn phím nào đi thi đại học?

Khi thí sinh lo lắng một, thì bố mẹ đứng ngoài lo lắng 100, 1000. Ai cũng cuống quýt ngóng đợi con em mình bước ra khỏi phòng thi xem các sĩ tử cười tươi hay lo lắng, thì một chiếc dây chứ đến một dãy bê tông ở đó, họ cũng sẵn sàng trèo qua.


Nhưng có các em sinh viên tình nguyện, đứng đó, nở nụ cười, nhẹ nhàng nhắc nhở, mọi chuyện sẽ khác. Bất cứ người đi đường nào, gặp những hàng rào sống như thế này, cũng tự thấy ý thức của mình cao hơn, để không còn cảnh chen lấn xô đẩy, văng tục chửi bậy khi phải nhích từng tí một trên đường.

Các nhà “chỉ trích học” ấy chắc cũng không biết, các bạn sinh viên chỉ làm hàng rào sống trong một khoảng thời gian rất ngắn, khi giờ cao điểm, khi chuẩn bị hết giờ làm bài của thí sinh hay khi thấy những dấu hiệu hỗn loạn giao thông tại các cụm thi. Chứ không phải đứng dưới cái nắng dữ dội từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều như kiểu “mực một nắng” các bạn thường tưởng tượng.

Cũng chẳng có "mục đích” theo kiểu ghi điểm trong mắt người khác hay làm đẹp lý lịch bằng vài hành động cao thượng tuổi trẻ đâu, thôi lý luận kiểu cùn ấy đi.

Các bạn sinh viên đủ tri thức, tỉnh táo để làm những gì họ cho là đúng, là có ích. Dù các bạn ấy chẳng có café hảo hạng đi cùng loại bánh quy thượng hạng nào đó ăn kèm, mà chỉ có cốc trà đá đựng trong một chiếc xô nhựa có khi còn vương cả khói bụi đặt ở góc đường.


Các bạn đang ghen tị thật à? Rõ ràng, trong khi các bạn vi vu du lịch khắp nơi hay 'check in' ở một nơi sang chảnh nào đó, thì các bạn sinh viên tình nguyện đã phải hy sinh tất cả đứng dưới cái nóng như chảo rang cơ mà.
sinh viên tình nguyện
Nụ cười mùa tình nguyện 
Đừng trơ lì cảm xúc

Thật vô tình, trong đề thi THPT môn ngữ văn năm nay, lại về cảm xúc, và hội chứng vô cảm của con người:

Hội chứng vô cảm hay nói cách khác là căn bệnh trơ cảm xúc trước niềm vui, nhất là nỗi đau của người khác, vốn là một mặt trong hai phương diện cấu trúc bản chất Con- Người của mỗi sinh thể người. Tính “con” và tính “người” luôn luôn hình thành, phát triển ở mỗi con người từ khi lọt lòng mẹ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.

Cái thiện và cái ác luôn luôn song hành theo từng bước đi, qua từng cử chỉ, hành vi của mỗi con người trong mối quan hệ với cộng đồng, với cha mẹ, anh chị em, bạn bè, bà con làng xóm, đồng bào, đồng loại. Trong cuộc hành trình lâu dài, gian khổ của một đời người, cái mất và cái được không phải đã được nhận ra một cách dễ dàng.

Mất một đồng xu, một miếng ăn, mất một phần cơ thể, mất một vật sở hữu, con người nhận biết ngay. Nhưng có những cái mất, cái được nhiều khi lại không dễ gì cảm nhận được ngay.

Nhường bước cho một bà già cao tuổi, nhường chỗ cho một bà mẹ có con nhỏ trên tàu xe chật chội, biếu một vài đồng cho hành khất,…có mất có được nhưng không phải ai cũng đã nhận ra cái gì mình đã thu được; có khi là sự thăng hoa trong tâm hồn từ thiện và nhân ái.

Nói như một nhà văn lớn, người ta chỉ lo túi tiền rỗng đi nhưng lại không biết lo tâm hồn mình đang vơi cạn, khô héo dần.

Tôi muốn đặt vấn đề là cùng với sự báo động những hiểm họa trông thấy, cấn bạo động cả hiểm họa khó trông thấy. Hiện nay đã có quá nhiều dấu hiệu và sự kiện trầm trọng của hiểm họa vô cảm trong xã hội ta nhất là trong tuổi trẻ.

Bạo lực đã xuất hiện dữ dằn những tháng ngày gần đây báo hiệu nguồn gốc sâu xa ở sự xuống cấp nghiêm trọng về nhân văn, về bệnh vô cảm.


(Trích Nguồn gốc sâu xa của hiểm họa, Bài tập Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr.36-37)

Những anh hùng bàn phím đã đọc đề thi này chưa? Những hành động đẹp đẽ của các bạn sinh viên tình nguyện đó, “có mất có được nhưng không phải ai cũng đã nhận ra cái gì mình đã thu được; có khi là sự thăng hoa trong tâm hồn từ thiện và nhân ái.”

Đừng tự biến mình thành gỗ đá, và trơ lì trước tất cả.

An Yên
Bình luận
vtcnews.vn