Sinh viên hoa tay múa chân với ngôn ngữ ký hiệu

Giáo dụcChủ Nhật, 18/09/2011 06:55:00 +07:00

(VTC News) - Sau những clip về cô gái hát bằng Ngôn ngữ ký hiệu được đăng tải trên báo chí, ngày càng nhiều các bạn trẻ quan tâm tới ngôn ngữ này.

(VTC News) - Sau những clip và bài báo viết về cô gái hát bằng Ngôn ngữ ký hiệu được đăng tải trên báo chí, ngày càng nhiều các bạn trẻ quan tâm tới ngôn ngữ ký hiệu và tìm học nó.

Đa phần là các bạn sinh viên với mong muốn không chỉ khám phá một cách giao tiếp mới mà còn để tham gia vào các hoạt động tình nguyện, giúp đỡ những trẻ em khiếm thính…

Từ tò mò đến yêu thích một ngôn ngữ mới

Bảng ngôn ngữ ký hiệu 
Đến với bất kì một ngôn ngữ nào điều cần thiết nhất phải là tình yêu và sự thích thú với nó. Những người theo học nó có thể xuất phát chỉ đơn giản là thích thú khi thấy một clip hát bằng ngôn ngữ kí hiệu, nhưng càng học thì càng yêu và càng kiên trì với mong muốn có thể sẽ giao tiếp với những người khiếm thính bằng ngôn ngữ này. 

My My, cô bạn sinh viên năm thứ nhất Khoa xuất bản, Học viện báo chí tuyên truyền đến với ngôn ngữ này đơn giản chỉ bởi vì thích chứ chưa một lần được nói chuyện cùng người khiếm thính. Cùng với hai người bạn thân cùng học THPT của mình, My đã bắt đầu khóa học ngôn ngữ kí hiệu của câu lạc bộ ngôn ngữ kí hiệu. Nhìn nụ cười rạng rỡ của họ khi ngồi học trong lớp, có thể tình cảm của họ với ngôn ngữ này không còn dừng lại ở chữ thích nữa.

Khác với My My, cô bạn Giang, sinh viên năm thứ 3 Đại học điện lực đã từng tiếp xúc nhiều với người khiếm thính khi tham gia tình nguyện ở làng trẻ Hữu Nghị. Giang chia sẻ: “ Mỗi lần nói chuyện với các em đều phải viết ra giấy hay nhờ phiên dịch mới hiểu các em nói gì, vì thế khi biết có lớp học ngôn ngữ kí hiệu mình đã đăng kí học ngay”. Giang cũng cho biết học ngôn ngữ này để có thể hiểu hơn về những người khiếm thính, từ cách nói chuyện đến cách tư duy và thể hiện tình cảm của họ cũng như để biết thêm một ngôn ngữ đặc biệt.

Bạn Thúy Hường, sinh viên năm cuối khoa xã hội học, Học viện báo chí quyết định học ngôn ngữ kí hiệu để có thể giao lưu khi tham gia các công việc xã hội. Hường chia sẻ: “công việc sau này của mình có thể sẽ có những đồng nghiệp là người khiếm thính, vì thế ngôn ngữ này biết đâu sẽ giúp ích cho công việc của mình trong tương lai”.

Dù xuất phát để theo học của có khác nhau nhưng  họ có chung một điều, đó là niềm đam mê và tình yêu đối với ngôn ngữ kì diệu này.

Ngôn ngữ ký hiệu – một ngôn ngữ thú vị

SV tham gia học lớp ngôn ngữ ký hiệu 

Hầu hết khi được hỏi các học viên của câu lạc bộ đều cho rằng Ngôn ngữ ký hiệu là một môn “ngoại ngữ” thú vị. Điều này có thể thấy ngay ở mỗi buổi học. Dù trời mưa lạnh, các bạn vẫn đến lớp khá đầy đủ. Lớp học chưa đầy chục người, nhưng không khí vui vẻ và thoải mái tràn ngập góc phòng. Lớp học thiếu tiếng nói, nhưng đầy ắp những tiếng cười của cả học viên và giáo viên vốn là người khiếm thính. “Mình rất thích những buổi học như này. Thầy giáo là một người rất vui tính” – Giang chia sẻ.

Đúng là phải tiếp xúc mới biết sự hóm hỉnh của một người khiếm thính là như thế nào. “Thầy thường “biểu diễn” lại một động tác sau của các bạn một cách hài hước, cũng là cách để bọn tớ nhớ lâu hơn những ký hiệu ấy”.

Cũng chỉ bằng những cử chỉ hành động mà có khi cả lớp học phải cười bò. “Đó là khi thầy kiểm tra lại “từ mới” vừa học mà chẳng ai trong lớp nhớ, thầy làm điệu bộ củng đầu từng đứa. Mới đầu ngớ người ra chẳng hiểu, rồi sau cả lớp cùng phá lên cười”, cô bạn học lớp Ngôn ngữ ký hiệu kể lại.

Ngoài việc hướng dẫn những từ ngữ, thầy giáo còn giúp các bạn học viên phân biệt những động tác dễ bị nhầm lẫn và cả những cách liên tưởng thú vị nhằm ghi nhớ dễ dàng nhất. Chẳng hạn, khi chỉ thời gian bằng phút người ta sử dụng ngón trỏ còn khi chỉ thời gian bằng giây, người ta lại phải sử dụng ngón út.

“Mình rất thích mỗi khi phát hiện ra một sự liên tưởng thú vị nào đó. Ví như khi diễn tả từ “chủ nhật”, người khiếm thính không sử dụng con số mà dùng “màu đỏ” để diễn tả, giống như sự khác biệt về màu của tờ lịch vậy”- My My cho biết.

Một buổi học ngôn ngữ ký hiệu cơ bản bao gồm hai phần: phần từ vựng giúp các bạn ghi nhớ các “từ mới” và phần hội thoại nhằm luyện tập khả năng giao tiếp. Cũng có những bài kiểm tra và bài tập rèn luyện, nhưng tất cả đều rất vui vẻ và thoải mái chứ không áp lực như môn học ngoại ngữ ở trường.

Học ngôn ngữ ký hiệu để hoạt động xã hội tốt hơn

... để làm cái hoạt động xã hội sôi nổi, ghi dấu thời sinh viên. 

Đa phần các bạn sinh viên đến với ngôn ngữ ký hiệu đều có chung mục đích được giúp sức mình cho những người khiếm thính, giúp họ tự tin hòa nhập với cộng đồng. Có rất nhiều bạn trẻ trên cả nước quan tâm tới ngôn ngữ này, nhưng không có điều kiện để tiếp cận.

Ở Hà Nội, Câu lạc bộ Ngôn ngữ ký hiệu đến nay đã hoạt động được gần 5 năm và thu hút được hàng trăm học viên và tình nguyện viên cho các chương hỗ trợ người khiếm thính. Câu lạc bộ vẫn tiếp tục mở các khóa học cơ bản dành cho học viên với mức học phí chỉ 150 nghìn/ khóa học trong vòng 1 tháng.

Ngoài ra, câu lạc bộ cũng thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, tình nguyện giúp đỡ các em nhỏ ở trường câm điếc như phát quà trung thu, quyên góp ủng hộ các em nhỏ khuyết tật. Đó thực sự là những hoạt động nhân đạo ý nghĩa mà nhiều bạn trẻ hiện nay lựa chọn. Cô tân sinh viên trường Báo chí tuyên truyền rụt rè chia sẻ: “Em tham gia mới đầu là do bạn bè rủ. Nhưng càng lúc em càng thấy thú vị và mong sao mình có thể giúp đỡ được các em nhỏ có hoàn cảnh tội nghiệp”.

Với bất kì một ngôn ngữ nào, đều cần sự kiên trì và học tập chăm chỉ. Ngôn ngữ kí hiệu không chỉ đòi hỏi điều đó mà còn cần ở bản thân mỗi người tình yêu và niềm mong mỏi được cống hiến. Ngôn ngữ ký hiệu thực sự là một thứ ngôn ngữ đặc biệt, không sử dụng âm thanh nhưng ẩn trong đó vẫn là sự kì diệu của tình cảm con người.

Mai Anh-Nguyễn Tâm Thùy

Bình luận
vtcnews.vn