Siêu thị khẳng định không biến động giá trong tháng 8,9

Kinh tếThứ Ba, 24/08/2010 06:37:00 +07:00

(VTC News) – Trong tháng 8 và tháng 9 tới, các siêu thị khẳng định sẽ không có biến động lớn về giá cả các mặt hàng.

(VTC News) – Trong thời gian tới, nếu doanh nghiệp nào được hỗ trợ vay tiền để bình ổn giá mà tăng giá 1 trong 9 mặt hàng bình ổn sẽ bị “sờ gáy”.  Cùng lúc đó, các siêu thị cũng khẳng định trong tháng 8 và 9 sẽ không có biến động lớn về giá cả hầu hết các mặt hàng.
 


Siêu thị khẳng định không tăng giá

Từ nay đến hết tháng 3/2011, trên địa bàn Hà Nội, 9  mặt hàng thiết  yếu gồm: Gạo trắng thường với 6.400 tấn; Thịt gia súc có 1.520 tấn; Thịt gia cầm 560 tấn; trứng gia cầm 12 triệu quả; Thực phẩm chế biến  1.280 tấn; Thủy, hải sản đông lạnh 800 tấn; Dầu ăn 240.000 lít; Đường RE 240 tấn; Rau, củ 4.000 tấn... sẽ được bình ổn giá.



Dầu ăn là mặt hàng bình ổn giá ở các siêu thị tham gia chương trình bình ổn giá.
Việc bình ổn giá cả có được do sự hỗ trợ vốn của UBND TP.Hà Nội, với lãi suất 0% để các doanh nghiệp trên địa bàn dự trữ các mặt hàng trên.

Tuy nhiên, gần đây trên báo chí có đưa tin về việc tại siêu thị Fivimart, giá dầu ăn sẽ tăng từ 2-6%. Đây là một trong 9 mặt hàng được bình ổn giá. Ngoài ra, một số mặt hàng khác cũng tăng giá trong tháng 8 như bánh kẹo, đồ may mặc…Thông tin này khiến người tiêu dùng lo lắng, liệu trong tháng 8 và tháng 9 có ngày lễ lớn là Quốc Khánh 2/9 và rằm Trung Thu, giá cả có bị đội lên?
Các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 107/2008/NĐ-CP ngày 22/9/2008 của Chính phủ về xử phạt hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại. 

Trong khi đó, theo phương án bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu đã được UBND TP.Hà Nội phê duyệt và ban hành tại Quyết định 2386/QĐ-UBND thì: "Doanh nghiệp kinh doanh thương mại tại Hà Nội được ưu đãi về vay vốn phải bán với giá thấp hơn 10% so với thị trường khi có biến động bất thường về giá".

Khi trao đổi với VTC News, ông Hồ Quốc Khánh - Trưởng phòng quản lý thương mại, Sở Công thương Hà Nội đã hỏi đích danh doanh nghiệp nào tham gia bình ổn mà lại tăng giá và khẳng định: "Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại doanh nghiệp vi phạm cam kết không tăng giá 9 mặt hàng".


Vậy liệu có thực sự trong tháng 8, một số mặt hàng trong đó có dầu ăn sẽ tăng giá tại hệ thống siêu thị Fivimart? Bà Vũ Thị Hậu - Phó tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam (với hệ thống siêu thị Fivimart - pv) - cho biết: “Chúng tôi tăng giá dầu ăn Tường An, tùy từng mã tăng 2%  - 6% vì hãng này cho biết thời gian trước không tăng giá nên giờ mới tăng. Còn các mặt hàng dầu ăn khác không tăng giá. Chúng tôi dự trữ những loại dầu có sức tiêu thụ lớn còn hàng nhỏ lẻ chỉ bán để có mặt hàng thôi”.

Ngoài ra, bà Hậu khẳng định, các mặt hàng thiết yếu trong danh sách bình ổn không có tăng giá trong tháng 8 và tháng 9. Hàng may mặc cũng không tăng.

Theo khảo sát của VTC News vào ngày 23/8, giá cả các mặt hàng thiết yếu tại Fivimart Nguyễn Chí Thanh không chênh lệch nhiều so với mua ngoài chợ. Cụ thể một số mặt hàng: Cà chua giá 9.000 đồng/túi 600gr (ngoài chợ giá 12.000 – 15.000 đồng/kg), cà tím 5.000 đồng/túi 500gr, cải ngọt 4.400 đồng/túi, đậu đũa 5.000 đồng/túi...

Các mặt hàng thiết yếu trong đó có cá cũng không hề tăng giá. 
Gạo tám Điện Biên giá 35.000 đồng/túi 2kg (so với giá ở ngoài chợ là 150.000 - 160.000 đồng/yến). Thịt lợn nạc vai 24.300 đồng/túi 3 lạng (65.000đồng/kg), thịt lợn chân giò 31.200 đồng/túi 4 lạng, thịt ba rọi 49.800 đồng/túi 6,3 lạng, sườn 31.500 đồng/túi 3,5 lạng. Thịt bò 26.200 đồng/túi 1,5 lạng. Cánh gà 32.000 đồng/túi 4 lạng (so với chợ ngoài 60.000 đồng/kg).
 
Dầu Simply hướng dương 1 lít giá 40.200 đồng, dầu Simply đậu nành 1 lít giá 35.900 đồng, loại 5 lít giá 165.900  đồng, 2 lít giá 71.200 đồng. Dầu Neptuyn 2 lít giá 68.900 đồng, 5 lít giá 157,6 ngàn đồng. Dầu Tường An 5 lít giá 165,4 ngàn đồng. Trứng gà công nghiệp 19.200 đồng/10 quả, gà ta 25.800 đồng/10 quả. Cá basa cắt khúc giá 24.400 đồng/túi 500 gr. Đường trắng 22.900 đồng/kg...


Tại Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), đơn vị tham gia cam kết bình ổn giá, các mặt hàng thực phẩm không tăng giá bởi công ty đã ký hợp đồng mua số lượng lớn hàng với các nhà cung cấp. Hết tháng 8/2010, giá bán của các mặt hàng thiết yếu tại siêu thị sẽ không thay đổi.

Theo khảo sát ngày 23/8 của VTC News tại siêu thị Hapro số 145, Thái Thịnh I, Đống Đa, Hà Nội, giá cả tại đây ổn định, thậm chí có mặt hàng còn rẻ hơn so với mua ở đại lý như dầu ăn Neptuyn 5 lít giá 150.000 đồng, trong khi tại đại lý là 155.000  đồng (cùng thời điểm). Dầu ăn Simply đậu nành 1 lít giá 34.000 đồng, 2 lít giá 67.500 đồng, 5 lít giá 163.000 đồng.

Đường tinh luyện Biên Hòa 22.000 đồng/kg. Gạo tám xoan Hải Hậu 83.000 đồng/5kg, gạo tẻ thơm Điện Biên 75.000 đồng/kg, nếp hương đồng bằng sông Cửu Long giá 39.000 đồng/túi 2kg, gạo Thái đổ Yamada 93.000 đồng/túi 5kg. Cá hồng tẩm 23.000 đồng/túi 500gr, cá basa file 18.000 đồng/túi 300gr, 26.000 đồng/túi 500gr.
 
Hàng điện tử ở các cửa hàng bên ngoài đang bị đội giá do USD tăng nhưng đại điện siêu thị Big C khẳng định không tăng giá.


Tại siêu thị Big C, doanh nghiệp không được hỗ trợ vay tiền để bình ổn giá, mức giá cũng không biến động lớn.

Bà Nguyễn Thanh Huyền, Phụ trách truyền thông BigC Bắc&Trung, cho biết: “Chỉ có mặt hàng sữa bột của Abbott và sữa Dumex được gửi yêu cầu tăng giá nhưng Big C chưa chấp nhận và vẫn chưa áp dụng trong siêu thị nên giá trong siêu thị chưa thay đổi, vì hàng còn vẫn còn”.

Cũng theo bà Huyền, trong tháng 8, tháng 9/2010, các mặt hàng như thực phẩm tươi sống biến động do thời vụ, thời tiết nhưng nhìn chung hiện vẫn đang ổn định về giá. Hàng bánh kẹo trong nước, may mặc, hóa mỹ phẩm, gia dụng giá cả không tăng. Với các mặt hàng nhập khẩu như điện tử, điện lạnh giá vẫn duy trì trong tháng 8, tháng 9 dù tỷ giá USD tăng vì các mặt hàng này được Big C nhập vào trước khi USD tăng giá.

Những mặt hàng nào tăng nhẹ?

Về thị trường giả cả trong tháng 8 và tháng 9,  ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội - đánh giá: “Thời gian vừa qua, trên thị trường giá sữa có biến động. Thời gian tới, giá cả một số mặt hàng sẽ có biến động nhưbánh trung thu dự kiến tăng 5% - 10% so với năm ngoái. Giá đường tăng nhẹ khoảng 300 – 500.000 đồng/kg”.

Theo bà Vũ Thị Hậu - phó TGĐ Công ty CP Nhất Nam: Tại Fivimart, một số mặt hàng như thịt cá sấu tăng nhẹ do lượng cung giảm. Giá bánh kẹo nhập khẩu tăng trong khoảng 10%. Theo bà Hậu, nguyên nhân tăng gi các mặt hàng trên là do tỷ giá USD đang tăng.

 
Các siêu thị cần tìm nguồn hàng tận gốc mới có giá cả tốt. 


Tại Big C, hàng đông lạnh và rượu bia tăng khoảng 5%– 7%  vào cuối tháng 8. Đối với mặt hàng mùa vụ như bánh Trung thu giá năm nay tăng bình quân khoảng 5% -7% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong tháng 6/2010, TP.Hà Nội đã tạm ứng vốn đợt 1 cho 13 doanh nghiệp với số tiền 350 tỷ đồng để phục vụ bình ổn giá trên địa bàn TP.Hà Nội năm 2010 trong thời gian 10 tháng với lãi suất 0%.

Các doanh nghiệp được thành phố tạm ứng vốn phải thực hiện treo biển nhận diện cửa hàng, điểm bán hàng bình ổn giá trong suốt thời gian tổ chức bán hàng.

Về chất lượng các mặt hàng được bán phải đảm bảo chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm trong điều kiện bình thường cũng như khi có biến động giá, không để xảy ra tình trạng hàng hóa kém phẩm chất, không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi NTD.
Bà Bích Phương, cán bộ hưu trí sống tại phố Văn Cao, cho biết: Khi đi mua sắm, tôi hay so sánh giá cả giữa các siêu thị với nhau và giữa siêu thị với ngoài chợ. Với những mặt hàng thường xuyên phải dùng như gạo, dầu, mắm, rau củ, thịt tôi vào siêu thị mua cho an toàn, còn những mặt hàng như xà phòng, đường… có thể mua ở các đại lý nếu rẻ hơn mua trong siêu thị. Gần đây, so sánh một vài mặt hàng thì thấy mua trong siêu thị còn rẻ hơn đại lý bên ngoài như dầu ăn, sữa chua và tôi thấy họ cũng đề là “hàng bình ổn giá”.

Tuy nhiên, thực tế không phải người tiêu dùng nào cũng biết chương trình này để vào siêu thị mua những mặt hàng được bình ổn giá. Chị Tiến ở ngõ 67 Thái Thịnh nói “Tôi vẫn mua hàng hóa ở ngoài chợ, rất ít khi vào siêu thị vì vào đó chắc hàng hóa đắt hơn vì họ phải đóng thuế, rồi tiền thuê nhân viên…”.

Một nhân viên tại siêu thị Hapro Thái Thịnh I cho biết: “Chúng tôi cũng bán thử rau an toàn ở đây nhưng không nhiều người mua vì siêu thị ở gần chợ (siêu thị này sát chợ Thái Thịnh – pv). Nhiều bà nội trợ mua ở chợ cho tiện và rẻ nên chỉ có dân văn phòng là thường "rảo qua" các siêu thị mua cho bảo đảm”.

Dù không phủ nhận vai trò của việc bình ổn giá trong những tháng cuối năm 2010 và 3 tháng đầu năm 2011, ông Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội vẫn cho rằng: “Một tháng Hà Nội chi tiêu 5.000 tỷ đồng tiền hàng hóa, các doanh nghiệp Hà Nội được vay hỗ trợ 500 tỷ đồng cũng chưa thấm vào đâu. Bài toán của mình là phải giải quyết cung cầu, tạo điều kiện cho hàng hóa vào Hà Nội tràn ngập, tạo điều kiện chỗ mua chỗ bán gặp nhau mà ít chi phí nhất”.

Cũng theo ông Phú: “Bình ổn chỉ mang tính nhất thời, chỉ khi giá bất ổn thì mới bán thấp hơn thị trường 10%, còn giá cả bình thường vẫn bán bình thường. Có những cửa hàng bình ổn giá bán giá còn cao hơn giá ngoài, vấn đề là phải đi kiểm tra, giá bán xem hợp lý chưa.

Nếu không quản lý thì hiệu quả không cao, dân không thấy tác dụng. Bình ổn giá chủ yếu ở siêu thị nên những người nghèo không được hưởng lợi nhiều. 70% bình ổn giá là phải đưa về cho người nghèo như thế mới có tác dụng. Hiện nay siêu thị đảm nhiệm được 15% thị phần”.

Ông Phú chốt lại, để bình ổn giá, cần tạo nguồn hàng ổn định từ các tỉnh chứ các siêu thị không phải ngồi để chờ mang hàng đến. Mua gần tận gốc, bán tận ngọn thì giá cả mới ổn.

Tăng giá hàng hóa bất hợp lý có thể bị tước Giấy chứng nhận kinh doanh

Bộ Tài chính (BTC) vừa có hướng dẫn thực hiện bình ổn giá nhằm xử lý tận gốc tình trạng tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất thường làm tổn hại đến quyền lợi của NTD.

Theo đó, khi giá hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá có biến động bất thường, bên cạnh việc áp dụng một hoặc một số biện pháp bình ổn giá, Bộ trưởng BTC còn có thẩm quyền quyết định đình chỉ thực hiện mức giá hàng hóa, dịch vụ không hợp lý và yêu cầu thực hiện mức giá trước khi có biến động bất thường; phạt cảnh cáo, phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá; thu phần chênh lệch giá do tăng giá bất hợp lý vào ngân sách nhà nước.

Cùng với các biện pháp trên, Bộ trưởng BTC còn có thẩm quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các loại giấy phép kinh doanh của tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng pháp luật về giá.
 


Bài, ảnh: Nguyễn Tâm

Mời Quý độc giả chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ và hiến kế để
Việt Nam có nhiều Ngô Bảo Châu hơn nữa
Bấm vào đây để viết ý kiến, hoặc gửi về email
[email protected] 




Bình luận
vtcnews.vn