Siêu thị chưa điều chỉnh ngay giá bán các mặt hàng

Kinh tếThứ Tư, 06/04/2011 03:52:00 +07:00

(VTC News) – Theo lãnh đạo của một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội, trong thời gian tới, siêu thị sẽ cân nhắc đến vấn đề và thời điểm tăng giá.

(VTC News) – Theo lãnh đạo của một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội, giá xăng là một trong những thành phần cấu thành nên giá thành sản phẩm nên việc tăng giá xăng có ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa tại siêu thị. Tuy nhiên, trong thời gian tới, siêu thị sẽ cân nhắc đến vấn đề và thời điểm tăng giá để tránh gây bất ngờ cho người tiêu dùng.

Ngay sau khi liên bộ Tài chính – Công thương đồng ý để doanh nghiệp điều chỉnh giá xăng từ 19.300 đồng/lít lên 21.300 đồng/lít đối với xăng RON 92, từ 18.300 đồng/lít lên 21.100 đồng/lít đối với Điêzen và dầu hỏa tăng 2.600 đồng/lít từ 18.200 đồng/lít lên 20.800 đồng/lít, Madut từ 14.800 đồng/kg lên 16.800 đồng/kg ngày 29/3 vừa qua, hàng loạt các mặt hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội lại tiếp tục thực hiện bảng giá mới. Từ giá cả các loại hình vận chuyển đến những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, hàng tiêu dùng hay đồ gia dụng đều đã công bố giá bán mới.

Riêng trong ngày 4/4, một số mặt hàng tại siêu thị đã có sự điều chỉnh về giá. Cụ thể, tại siêu thị Fivimart, dầu ăn đã tăng từ 8.000- 10.000 đồng/lít. Theo giá bán ngày hôm nay, dầu hạt cải Simply loại 1 lít đang được bán ra giá là 47.400 đồng/lít, còn dầu hướng dương cũng của nhãn hiệu này có giá 52.200 đồng/lít.

 
Tại siêu thị Big C, tính đến thời điểm 14h ngày 4/4, chưa có sự điều chỉnh về giá. Các mặt hàng trong siêu thị vẫn giữ nguyên mức giá .


Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thái Dũng - Phó Tổng Giám đốc Big C, việc tăng giá xăng dầu không ảnh hưởng nhiều tới giá hàng hóa bởi nhiên liệu chỉ chiếm 5-7% chi phí sản xuất và nếu tính tổng giá thành sản phẩm thì chỉ chiếm 1-2%. Nhưng trong thời gian tới, chi phí vận tải tăng và các nhà cung cấp tăng giá thì siêu thị khó tránh khỏi tăng giá.

Bà Vũ Thị Hậu – Phó TGĐ hệ thống siêu thị Fivimart cũng nhìn nhận, giá xăng là một trong những chi phí cấu thành nên giá thành của sản phẩm việc liên bộ Tài chính – Công thương đồng ý để các doanh nghiệp tăng giá bán xăng ngày 29/3 chắc chắn có ảnh hưởng đến giá hàng hóa nói chung và siêu thị nói riêng.

Tuy nhiên, theo bà Hậu, vừa qua do sự biến động của tỷ giá và việc điều chỉnh giá xăng ngày 24/2 đã khiến giá hàng loạt các mặt hàng tăng lên. Do vậy, hiện tại, siêu thị chưa đẩy giá hàng hóa tăng theo giá xăng, nếu có tăng giá thì trong thời gian tới sẽ phải xem xét lại cụ thể.


Theo một đại diện của siêu thị, một số mặt hàng sẽ được lùi đến giữa tháng 4 mới bắt đầu tăng giá bởi còn hàng dự trữ đồng thời siêu thị có thể thương lượng với nhà phân phối để giãn thời điểm tăng.

Tăng các điểm bình ổn để kiểm soát thị trường


Theo ông Nguyễn Văn Đồng, PGĐ Sở Công thương Hà Nội, việc tăng giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng tới tất cả các loại hàng hóa bởi thực tế, không loại hàng hóa nào là không cần vận chuyển. Những mặt hàng có thể tăng giá ngay là lương thực thực phẩm.

Ông Vũ Vinh Phú: Phải đặt vấn đề tăng thế nào là hợp lý?
“Hiện nay, UBND TP.Hà Nội đã giao cho Sở Công thương Hà Nội phải bình ổn giá thị trường để cân đối cung cầu, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống người dân.

 
Trước mắt, Sở sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường góp phần kiểm soát giá và kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đảm bảo an sinh xã hội.
 
Trong phương án bình ổn giá năm 2011, Sở sẽ tăng các điểm bán hàng bình ổn và mở rộng ra ngoại thành và các vùng nông thôn. Hiện nay, Sở có kế hoạch mở rộng các điểm bình ổn thông qua các phiên chợ Việt và các chuyến hàng lưu động còn về lâu dài Sở sẽ xây dựng một mạng lưới phân phối hoàn chỉnh”, ông Đồng cho biết.
 
Trao đổi với VTC News, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhận định, trong thời gian tới giá cả hàng hóa sẽ tăng khoảng 0,4%. Riêng siêu thị thì tăng trễ hơn khoảng 15 ngày bởi siêu thị có lượng hàng tồn kho, chuỗi bán hàng tương đối tốt.

Tuy nhiên, theo ông Phú, chúng ta chấp nhận tăng giá nhưng phải đặt vấn đề tăng thế nào là hợp lý? Tôi cho rằng, việc điều chỉnh giá xăng thời gian qua là bất hợp lý.  Do vậy phải đặt ra vấn đề kiểm soát rồi về lâu dài thì giải quyết vấn đề tăng giá này như thế nào? Bởi giá xăng là đầu vào của toàn xã hội có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp nên chỉ một sự điều chỉnh nhỏ cũng tạo  một sự thay đổi lớn.

“Tôi cho rằng, hiện nay phải tập trung khuyến khích sản xuất và nhập khẩu hợp lý. Phát triển mạnh sản xuất để hàng hóa dồi dào bởi theo quy luật giá cả, vấn đề phát tán nhanh nhất là vấn đề cung – cầu và tiền – hàng. Vấn đề tiền hàng thì nhà nước đang có biện pháp chữa cháy là giảm cung như cung tín dụng, cung phát hành tiền, cung đầu tư… còn vấn đề hàng hóa thì người sản xuất và người kinh doanh phải tổ chức mà “bà đỡ” là Nhà nước.

Ngoài ra phải đồng thời tổ chức lại hệ thống phân phối và kiểm soát thị trường”, ông Phú nói.

Thu Hiền



Bình luận
vtcnews.vn