Sẽ làm rõ các nghi án hối lộ có yếu tố nước ngoài

Thời sựThứ Ba, 26/10/2010 07:44:00 +07:00

Viện trưởng VKSND Tối cao trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về các nghi án nhận hối lộ có yếu tố nước ngoài.

Liên quan đến các nghi án hối lộ có yếu tố nước ngoài (vụ ông Huỳnh Ngọc Sĩ nhận hối lộ của liên danh tư vấn PCI -Nhật Bản; vụ Công ty Nexus - Mỹ khai nhận đưa hối lộ cho doanh nghiệp Việt Nam; vụ “hoa hồng” in tiền polymer từ Công ty Securency - Úc), ngày 25-10, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Viện trưởng VKSND Tối cao Trần Quốc Vượng cho biết:

 

Ông Trần Quốc Vượng 
+ Trong vụ ông Huỳnh Ngọc Sĩ nhận hối lộ của PCI, hiện mới làm rõ khoản hối lộ 262.000 USD. Tòa án cũng đã tuyên án ông Sĩ tù chung thân về khoản nhận hội lộ này. Giờ phải tiếp tục làm rõ những lần đưa nhận hối lộ khác.

. Qua vụ PCI chúng ta rút ra được kinh nghiệm gì trong việc hợp tác quốc tế, thưa ông?

+ Trong vụ này, mặc dù giữa ta và Nhật Bản chưa có hiệp định tương trợ tư pháp nhưng hai bên đã hợp tác tốt. Bạn đã đáp ứng yêu cầu của ta và ngược lại. Để tốt hơn thì hai bên phải ký hiệp định tương trợ tư pháp. Hiện chúng ta cũng đã ký với nhiều nước, tiến tới đàm phán và ký kết với Úc. Vì tham nhũng có yếu tố nước ngoài ngày càng nhiều và đã có yếu tố nước ngoài thì thường rất phức tạp, đòi hỏi có sự phối hợp giữa cơ quan tư pháp trong nước và nước ngoài, vừa đảm bảo chủ quyền tư pháp, vừa bảo đảm sự hợp tác để cùng nhau đấu tranh chống tội phạm.

. Vụ PCI thì đã xử, còn hai vụ kia, vụ liên quan đến Công ty Securency (Úc) và vụ Công ty Nexus (Mỹ) khai hối lộ doanh nghiệp Việt Nam sẽ được các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam xem xét như thế nào?

+ Chúng tôi đang cập nhật thông tin. Với trách nhiệm của cơ quan kiểm sát, chúng tôi yêu cầu anh em phải theo dõi.

. Là người đứng đầu cơ quan công tố, ông có tin là sẽ truy tố được can phạm trong hai vụ việc trên?

+ Trả lời câu hỏi này bây giờ là hơi sớm vì vụ PCI khác với hai vụ kia. Vụ ở Mỹ, họ đã xét xử công dân của họ nhưng chưa nói tới cụ thể công dân Việt Nam liên quan. Nhưng PCI thì ba cán bộ của Nhật khai cụ thể nhân vật trong nước là ông Huỳnh Ngọc Sĩ, các chứng cứ cũng rõ. Đã hình sự thì phải cá thể hóa trách nhiệm, do vậy chúng ta cần phải có đủ thời gian và đầy đủ chứng cứ. Nếu “dính” ai ở trong nước thì sẽ xử lý.

. Với vụ việc liên quan đến Công ty Nexus ở Mỹ, mình có chủ động hỏi phía họ là vụ này có liên quan cụ thể tới ai ở Việt Nam không, thưa ông?

+ Dĩ nhiên bằng con đường trao đổi, chúng tôi sẽ phải làm việc này. Có thể là yêu cầu các cơ quan hữu quan nắm được cáo trạng, bản án của họ. Khi có đủ chứng cứ sẽ xử lý.

. Trong cáo trạng của phía Mỹ có nói đến các công ty ở Việt Nam, trong đó có đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí. Tại sao mình không yêu cầu tập đoàn này, đơn vị này giải trình?

+ Chúng tôi đang tiếp tục làm, tiếp nhận thông tin. Ở đây người ta nói tổ chức cụ thể nhưng lại chưa có thông tin về con người cụ thể nên chúng ta phải tiến hành làm.

. Xin cảm ơn ông.

Theo Thành Văn/Pháp luật TPHCM

 Vụ hoa hồng in tiền polymer

Securency International Ltd. là liên doanh giữa Ngân hàng Dự trữ Úc (tức là ngân hàng trung ương) và đối tác Innovia Films. Công ty này chuyên sản xuất vật liệu polymer dùng để in tiền và in các tài liệu có tính bảo mật khác.

Vào ngày 30-10-2009, tờ The Age của Úc đưa tin Securency đã chi hơn 5 triệu đôla Úc cho tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển Công nghệ (CFTD) của Việt Nam dưới hình thức “tiền hoa hồng”. Cảnh sát Úc đã điều tra vụ việc và có nhiều khả năng sẽ khởi tố hình sự đối với các quan chức và cựu quan chức tại Securency.

Vụ Công ty Nexus đưa hối lộ

Nexus Technologies Inc. là một công ty Mỹ, có mở văn phòng ở TP.HCM. Vào tháng 10-2009, ba anh em chủ tịch và chủ sở hữu công ty này, đều là người Mỹ gốc Việt, đã bị cáo buộc vi phạm luật chống tham nhũng ở nước ngoài của Mỹ. Theo cáo trạng của phía Mỹ, Nexus đã giành các hợp đồng tốt từ một số cơ quan nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam, “bằng cách đồng ý trả tiền hối hộ, được gọi là “hoa hồng”, cho các cá nhân là nhân viên của các cơ quan và công ty đó, số tiền hối lộ tổng cộng hơn 200.000 USD”.

Tháng 9-2010, tòa án Mỹ đã tuyên án đối với ba anh em chủ tịch và chủ sở hữu Công ty Nexus.

ĐT tổng hợp

Bình luận
vtcnews.vn