Sẽ không để xảy ra "bão giá" dịp cuối năm

Thời sựThứ Năm, 02/12/2010 11:27:00 +07:00

Chỉ trong một thời gian ngắn, Chính phủ đã ra 2 chỉ thị chỉ đạo kiểm soát giá; động thái tích cực này nhằm ngăn chặn giá cả dự báo sẽ tăng đột biến...

Chỉ trong một thời gian ngắn, Chính phủ đã liên tiếp ra 2 chỉ thị chỉ đạo kiểm soát giá. Động thái tích cực này của Chính phủ nhằm ngăn chặn giá cả dự báo sẽ tăng đột biến từ nay đến cuối năm.

Loại bỏ những đề xuất tăng giá bất hợp lý

Cục phó Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Từ nay đến cuối năm 2010, Cục Quản lý giá sẽ tích cực phối hợp với các địa phương để kiểm soát giá một cách quyết liệt, hiệu quả hơn.

Sẽ tăng cường rà soát các yếu tố hình thành giá, kiên quyết loại bỏ những đề xuất tăng giá bất hợp lý, kiểm soát việc cung ứng hàng hoá thiết yếu, niêm yết giá để kịp thời chỉ đạo các giải pháp thích hợp để bình ổn thị trường. Về lộ trình tăng giá bán điện, xăng dầu và một số mặt hàng thiết yếu khác, Cục phó Cục Quản lý giá cho biết chắc chắn sẽ được kìm giữ từ nay đến hết năm dương lịch.

Việc cung ứng đủ các mặt hàng là một biện pháp quan trọng để ổn định giá cả (Ảnh: Dân Việt) 

Giải đáp lo ngại liệu sang năm 2011 việc kìm giá như là một hình thức “nén lò xo” trong năm 2010 có gây sức ép lên việc tăng giá hàng loạt sau đó, ông Tuấn cho rằng: Hiện tại các cơ quan quản lý đang tập trung cao cho các chính sách, mục tiêu ngắn hạn, dự báo kế hoạch của năm 2011 sẽ ra sao là điều chưa thể nói trước được.

“Tuy nhiên, không loại trừ khả năng sẽ có sự tăng giá đồng loạt nhiều mặt hàng trong diện nhà nước kiểm soát giá” - ông Tuấn nói. Trước mắt, với riêng vấn đề giá điện, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, giá điện năm 2011 chắc chắn phải tăng bởi “nhà nước không thể bao cấp mãi về giá”.

Chỉ trong vòng một thời gian rất ngắn Chính phủ đã liên tiếp ban hành 2 chỉ thị để chỉ đạo việc kiểm soát thị trường, ổn định giá cả, điều này chứng tỏ các biện pháp đã được chỉ đạo đồng bộ hơn, quyết liệt hơn. Từ chối dự báo và bình luận cụ thể về chỉ số giá tiêu dùng năm 2010, tuy nhiên, Cục phó Cục Quản lý giá cho rằng hy vọng với các biện pháp quyết liệt giá cả sẽ nằm trong tầm kiểm soát.

Ưu tiên việc kiểm soát lạm phát

TS Nguyễn Trọng Tài – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng cho rằng: Việc vừa thực hiện chống lạm phát, vừa tăng trưởng kinh tế, vừa ổn định phát triển sản xuất, vừa đảm bảo tính thanh khoản là những mục tiêu trái ngược nhau rất khó thực hiện. Theo ông Tài, việc Thủ tướng chỉ đạo là cần phải sát sao việc này hơn nhưng để đạt được không đơn giản. Hiện NHNN vẫn phải làm theo kiểu “lội qua sông dò dẫm đá ngầm” mà thôi.

Về các biện pháp quản lý thị trường vàng và ngoại tệ, ông Tài cho rằng giải pháp mạnh để kiểm soát thị trường này chỉ là cách nói “to mồm”. Việc NHNN cho nhập khẩu vàng là để kiểm soát thị trường là thiết thực nhưng nếu không chống chọi được với đầu cơ và tâm lý thì thua là phải thôi.

“Không có nước nào đang phát triển mà bất động sản lại đắt nhất thế giới như nước ta. Dòng tiền cứ chạy lòng vòng từ thị trường bất động sản, chứng khoán, vàng… chứ không đi vào nền kinh tế thực nên cần có đề án nghiên cứu bài bản để đưa dòng tiền vào nền kinh tế” - ông Tài nói.

Về lãi suất, nếu không hạ thì không thể đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhưng thời điểm này cần lựa chọn hai mục tiêu kiềm chế lạm phát và tăng trưởng. “Một nền kinh tế tăng trưởng khoảng 6% nhưng lạm phát tăng hơn 10% là vô nghĩa, cần phải lựa chọn ưu tiên việc kiểm soát lạm phát” - ông Tài nhấn mạnh.

Theo ông Tài, để đạt được mục tiêu như chỉ đạo của Thủ tướng cần thực hiện hai biện pháp: Thứ nhất là NHNN và Bộ Tài chính – hai công cụ chính sách của nền kinh tế cần phối hợp với nhau chặt chẽ, nếu cứ rời rạc thì không thể kiểm soát được; thứ hai, việc cung tiền để kiểm soát giá và nhập khẩu vàng để trấn an dư luận là vấn đề Chính phủ cần thực hiện thực sự, mạnh mẽ, cho dù có ảnh hưởng tới dự trữ ngoại hối cũng chấp nhận để lấy lại lòng tin người dân.

Theo Dân Việt

Bình luận
vtcnews.vn