Sẽ có “vương quốc” ngựa Tây Tạng giữa thủ đô

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 09/11/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Chị Hằng muốn biến vùng đất bãi sông Hồng thành “vương quốc” của ngựa bạch Tây Tạng. Sau đó, chị tiếp tục nuôi loài ngựa khổng lồ của Mông Cổ.

(VTC News) - Chị Hằng muốn biến vùng đất bãi sông Hồng thành “vương quốc” của ngựa bạch Tây Tạng. Sau đó, chị tiếp tục đưa loài ngựa khổng lồ của Mông Cổ về nuôi dưỡng, lai tạo, cải biến gen cho giống ngựa nhỏ nước mình.

Chị Nguyễn Thị Hằng thường nói rằng, chị có duyên với loài ngựa bạch Tây Tạng. Không hiểu có bí quyết gì, mà chị nuôi sinh sản giống ngựa này rất thành công. Trong khi trại ngựa Bá Vân ở Thái Nguyên của Nhà nước, sau 5 năm nghiên cứu, thử nghiệm, tỉ lệ sinh sản chỉ đạt 20%, nhưng ngựa bạch trong trang trại của chị đã đạt tỉ lệ sinh sản lên đến 80%. Đây là một thành công ngoài sức tưởng tượng với các nhà khoa học.

Khát vọng của chị Hằng là biến bãi sông Hồng thành "vương quốc" của ngựa bạch Tây Tạng. 

Hiện tại, trang trại của chị đã có trên 100 ngựa bạch Tây Tạng. Theo tính toán, cả nước ta hiện chỉ có 400 con ngựa loại này. Đàn ngựa cái của chị hàng năm vẫn đẻ ra vài chục ngựa bạch con. Ngoài việc nhân giống ngựa bạch Tây Tạng, chị còn phối giống ngựa Tây Tạng với ngựa kim Việt Nam để cải thiện chất lượng và vóc dáng loài ngựa của nước ta. Việc phối giống này sẽ sinh ra ngựa con là ngựa bạch hoặc ngựa kim.

Chị Hằng cho biết, ngoài yếu tố màu lông trắng như tuyết bên ngoài, để được xếp vào loài ngựa bạch, con ngựa đó phải hội tụ đủ các yếu tố như: Mắt có màu trắng mây, xung quanh con ngươi và một số bộ phận sinh dục, mũi, mõm có màu hồng đỏ, bốn chân có móng sừng màu cước ánh bạc. Ban đêm hai con mắt đỏ như cục than. Nếu thiếu một trong những yếu tố trên thì chỉ được gọi là ngựa kim hoặc ngựa trắng, loại ngựa phổ biến ở miền núi mà chúng ta vẫn lầm tưởng coi là ngựa bạch.

Những chú ngựa bạch vừa sinh đã được đặt mua với giá 20-25 triệu đồng. 

Chỉ vài năm ngắn ngủi nghiên cứu và phát triển, trang trại ngựa bạch của chị Hằng đã trở thành nơi cung cấp ngựa bạch giống nhiều nhất. Mỗi chú ngựa bạch con vừa đẻ xong đã được khách hàng tranh nhau đặt mua với giá 20-30 triệu đồng một con.

Từ ngày nghiên cứu, nuôi dưỡng, nhân giống loài ngựa bạch, chị Hằng lại đâm ra… mê tín. Mặc dù đã xây dựng khu vực giết mổ hiện đại, song chị không đủ can đảm giết ngựa tại trang trại của mình để lấy thịt và nấu cao. Chăm bẵm con ngựa từ khi nó lọt lòng, rồi hàng ngày nô đùa với chúng, vui buồn với chúng, nên chị không thể làm thịt chúng được.

Với những chú ngựa vừa cai sữa, thì có giá 25-30 triệu đồng. 

Để có nguồn xương nấu cao và các bộ phận của con ngựa chế biến thực phẩm, chị Hằng thường đổi ngựa mới sinh lấy ngựa già của nhân dân, vì ngựa già nấu cao cho chất lượng cao hơn. Sau đó, chị nhờ người dân mổ ngựa, rồi mới cùng công nhân đến lấy các bộ phận cần thiết của con ngựa mang về trang trại chế biến. Những con ngựa già quá, không sinh sản được nữa, thì chị giao cho công nhân đem đi nơi khác, đến lò mổ ở mãi Văn Điển hoặc Hoàng Mai, cách trang trại rất xa để thuê các lò mổ này giết. Chị Hằng cũng không dám có mặt khi người ta mổ ngựa.

Hiện tại, ngoài việc nhân giống loài ngựa, trang trại của chị Hằng còn chế biến các bộ phận của con ngựa thành thực phẩm chức năng. Sản phẩm cao xương ngựa Vạn An đã có tiếng tăm trên thị trường. Rồi bột canxi chiết xuất từ xương ngựa bạch dành cho người loãng xương, trẻ em suy dinh dưỡng sử dụng rất tốt. Chị còn sản xuất nhiều loại “bạch mã tửu”, thuốc chữa một số bệnh hô hấp chế biến từ phổi ngựa…

Trang trại của chị Hằng là nơi cung cấp ngựa bạch giống nhiều nhất ở Việt Nam. 

Đứng giữa trang trại rộng mênh mông ngoài bãi sông Hồng, chị Hằng bảo: “Thực ra, đến bây giờ, chị mới thấy trang trại của chị quá nhỏ, không đủ đáp ứng khát vọng của chị. Chị muốn biến vùng đất bãi sông Hồng này thành “vương quốc” của ngựa bạch. Sau khi nhân giống thành công ngựa bạch Tây Tạng, chị muốn tiếp tục đưa loài ngựa khổng lồ của Mông Cổ về nuôi dưỡng, lai tạo, cải biến gen cho giống ngựa nhỏ nước mình”.

Quả thực, so với bước chân của loài ngựa, trang trại 8 héc-ta của chị Hằng là quá nhỏ. Với diện tích này, chỉ đủ đáp ứng cho 100 con ngựa mà thôi. Mới có vài năm nuôi ngựa, trang trại đã hết diện tích thả ngựa. Đấy là chưa kể, hàng năm chị phải xuất đi vài chục ngựa con.

Trang trại rộng 8 héc-ta là quá nhỏ so với khát vọng của người đàn bà Hà thành. 

Theo chị Hằng, hiện tại, không có vật nuôi nào an toàn, lại mang về lợi nhuận cao như con ngựa, đặc biệt là ngựa bạch Tây Tạng. Chị Hằng nhẩm tính, một con ngựa bạch giống mua với giá 20-30 triệu đồng, sau 4-5 năm nuôi dưỡng (loài ngựa ăn cỏ nên không tốn kém nhiều cho thức ăn), sẽ bán được với giá 60 đến 70 triệu đồng. Mỗi hộ nông dân chỉ cần nuôi độ chục con, sau vài năm, đã có lợi nhuận vài trăm triệu đồng. Trong khi đó, nếu nuôi trâu, bò, công chăm sóc như nhau, gặp rủi ro nhiều hơn về bệnh dịch, mà lại chỉ lời lãi được 3-4 triệu đồng/con, kém xa so với nuôi ngựa bạch.

Loài ngựa ít bệnh tật, dễ chăm sóc, nuôi dưỡng nên không lo bị dịch. Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất, con ngựa bị chết, thì cũng vẫn không bị lỗ. Dù thịt, da hoặc các bộ phận phải bỏ đi, thì xương ngựa vẫn còn nguyên giá trị. Một con ngựa bạch cho vài cân cao, đã có vài chục triệu đồng rồi. Nếu bà con không biết nấu cao, có thể gọi thương lái đến mua.

Mong ước của chị Hằng là có được mảnh đất rộng lớn ngoài bãi sông Hồng. Chị sẽ mở rộng trang trại, nuôi cả ngàn con ngựa bạch, biến vùng đất màu mỡ lau lác ven sông thành một “vương quốc” ngựa bạch cực lớn. Sẽ có những khu vực nuôi ngựa lấy thịt, xương, những khu vực nuôi ngựa nhân giống. Chị sẽ làm tốt phần việc khó nhất là cung cấp giống cho bà con nông dân cả nước. Chị sẽ hướng dẫn bà con cách chăn nuôi. Khi ngựa đủ tuổi, già, công ty của chị sẽ thu mua để chế biến, nấu cao. Như vậy, cả chị và người nông dân sẽ cùng làm giàu từ con ngựa bạch.

Tương lai của con ngựa bạch nơi đất bãi sông Hồng đang mở ra trước mắt.

Vua chúa Trung Quốc dùng cao ngựa bạch để chữa bệnh. Cao xương ngựa bạch là một loại thực phẩm giúp tăng cường bồi bổ cho mọi lứa tuổi. Nó giúp trẻ bổ sung canxi, mau lớn, tăng chiều cao, giúp ích cho phụ nữ cho con bú, tiền mãn kinh, giúp người cao tuổi chống loãng xương, đau khớp, vôi hóa cột sống, thoát đĩa đệm… Tiết ngựa bạch giúp tăng cường hồng cầu, tăng sắt, bổ máu, tăng cường miễn dịch, điều trị nhiễm trùng máu… Óc ngựa giúp tăng cường tuần hoàn não, chống suy giảm trí nhớ. Gan ngựa giúp tăng cường chức năng gan. Dương vật ngựa bạch chữa liệt dương. Những viên sỏi trong dạ dày ngựa bạch chữa co giật, điên cuồng, động kinh… Huyết thanh và phổi là "thần dược" trị rất nhiều loại bệnh như hen suyễn, ho, viêm phổi mãn...
Bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng


Phạm Ngọc Dương

 Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UHgửi 1405 (10.000đ/tin) hoặc UH gửi 1409 (18.000đ/tin) của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.

Bình luận
vtcnews.vn