Sẽ cấm thực phẩm từ lòng, phủ tạng động vật?

Kinh tếThứ Bảy, 18/12/2010 01:00:00 +07:00

(VTC News) - Nguy cơ tồn dư của kháng sinh và hormon rất cao ở nội tạng và trong máu động vật, vì vậy NTD nên loại bỏ những thức ăn này...

(VTC News) - Thời điểm Tết Nguyên đán đang đến gần, tiếp đến là mùa lễ hội, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vẫn sẽ là đề tài nhức nhối đối với xã hội. Phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP – Bộ Y tế xung quanh vấn đề này bên lề Hội nghị khoa học về kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.

Cần loại bỏ thực phẩm từ phụ tạng động vật

- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về thực trạng ATVSTP của Hà Nội (HN) trong thời gian qua?

 GS.TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP: "An toàn vệ sinh thực phẩm luôn là một thách đố" (Ảnh: K.N)
Khác với TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, TP Hà Nội rất ít xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể. Một trong những điểm quan trọng là các khâu kiểm soát các suất ăn ở Hà Nội làm tốt hơn nhiều địa phương khác. Thường xuyên mỗi tháng, chúng tôi nhận được báo cáo liên ngành Công an, Môi trường, Thị trường về vấn đề này.

- Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn cần khắc phục trong vấn đề ATVSTP tại Hà Nội, thưa ông?

Bên cạnh những điểm tốt, Hà Nội còn phải khắc phục rất nhiều yếu tố mà trên hết là vấn đề giết mổ tập trung. Vừa qua, Hà Nội có những chủ trương của TP đầu tư cho công tác giết mổ tập trung. Đây là bước đi mạnh dạn của của thủ đô cho công tác giết mổ nhưng so với TP.HCM thì còn chưa bằng.

Công tác đảm bảo thức ăn đường phố, đặc biệt đảm bảo ATVSTP cho các làng nghề chế biến thực phẩm như làng nghề chế tạo bánh, giết mổ, làm miến… đòi hỏi phải đầu tư nhiều hơn. Hai năm qua, Hà Nội đã dẫn đầu cả nước, đầu tư khoảng 25 tỷ đồng của ngân sách TP với công tác này.

- Thời gian qua, báo chí đã phát hiện, phản ánh hàng loạt những vi phạm về ATVSTP như nước uống đóng chai có khuẩn gây tiêu chảy, măng ngâm photpho, thịt có tẩm thuốc giữ tươi, phụ tạng nhập khẩu... Theo ông, đó đã phải là bức tranh toàn cảnh về ATVSTP của Thủ đô hay chưa?

Về cơ bản, những hiện tượng vi phạm ATVSTP hoặc xảy ra những nguy cơ đe dọa ô nhiễm thực phẩm của Hà Nội không phải không có, nhưng bức tranh đó phản ánh tương đối tính phổ biến của nhiều nơi chứ không chỉ Hà Nội.

- Theo ông, việc quản lý ATVSTP trong thời gian qua đã thực sự hiệu quả chưa?

Muốn quản lý thực sự có chất lượng cao về ATVSTP thì phải quản lý thức ăn cho người và thức ăn cho động vật giống nhau. Đây là một thách thức lớn. Người ăn như thế nào, quản lý thức ăn cho động vật phải tương tự. Trong thời gian vừa qua, chúng tôi có quan sát và điều tra, có thời gian người ta chuyển bì, mỡ đi nhưng không ai phân định là sử dụng cho người hay cho động vật và thực tế không phải tất cả đều dành cho người. Sắp tới đây, việc quản lý chúng ta phải tiến tới như vậy.


Để đảm bảo ATVSTP, mỗi người dân nên nâng cao ý thức, dần loại bỏ thức ăn nội tạng trong danh sách các món ăn khoái khẩu hàng ngày.

Thực phẩm từ lòng, phủ tạng rồi đến lúc cũng phải bỏ. Chúng ta nên thay đổi những tập quán ăn uống để loại bỏ những thức ăn vốn dĩ được coi là ưa thích của người Việt Nam nhưng chứa đựng những nguy cơ. Nguy cơ tồn dư của kháng sinh và hormon nếu có thì rất cao ở nội tạng và trong máu của động vật. Một mặt đe dọa về vệ sinh, mặt khác đe dọa về những yếu tố về rủi ro mà có thể do chính yếu tố nuôi trồng hiện đại mang lại. Những nước văn minh người ta không ăn những thức ăn đó và chúng ta tiến tới cũng phải loại bỏ thức ăn từ phủ tạng động vật.

- Làm thế nào để loại bỏ tập quán ăn uống vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nhưng không có lợi cho sức khỏe?


Ngoài việc phải tuyên truyền, giáo dục người dân chúng ta phải tập trung quản lý cơ chế giết mổ tập trung. Gia đình nào cũng tự giết gà, tự giết lợn thì mới có sản phẩm phụ tạng để ăn. Khi chỉ giết mổ tập trung thì đương nhiên sẽ hạn chế và loại bỏ dần những phần không đảm bảo cho sức khỏe cả về văn minh và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Kiểm soát sát sao chợ đầu mối đảm bảo ATVSTP dịp Tết

- Còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm cao, vấn đề mất ATVSTP trong các khâu sản xuất, chế biến, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm sẽ khó tránh khỏi. Xin ông cho biết ngành đã có những biện pháp nào để ngăn chặn?

Bộ Y tế nói chung, Sở Y tế TP.Hà Nội đã có kế hoạch kiểm soát các khâu từ sản xuất, nguồn cung ứng vào, vấn đề nhập khẩu, kiểm tra chợ đầu mối, cũng như kiểm tra trên thị trường. Tôi cho rằng tất cả các khâu phải được đảm bảo. Hiện nay TP.Hà Nội đang làm rất mạnh chợ đầu mối.

Tăng cường kiểm tra ATVSTP ở các chợ đầu mối để đảm bảo phục vụ tốt nhất cho dịp Tết. (Ảnh: Ngọc Anh)

- Ông có thể cho biết những khó khăn lớn mà cơ quan quản lý ATVSTP gặp phải trong thời gian này?

Khi nhu cầu tiêu thụ tăng lên, mối quan hệ giữa cung – cầu khác hơn bình thường thì vấn đề khó khăn lớn nhất là phải kiểm soát được nguồn gốc. Tất cả những sản phẩm trên thị trường phải kiểm soát được nguồn gốc thì mới tìm ra được chất lượng.

Một vấn đề nữa là người tiêu dùng Việt Nam quá dễ dãi. Họ có thể chấp nhận những món hàng rẻ, đương nhiên rẻ cũng không đồng nhất với việc mất VSATTP nhưng dù sao điều này cũng làm cho vấn đề trở nên khó khăn hơn. Thêm nữa, giá cả thành phẩm có xu hướng tăng lên, mức sống của nhân dân giảm đi, việc gia tăng giá cả gây khó khăn cho người tiêu dùng làm cho khả năng lựa chọn thực phẩm bị hẹp lại. Đây là một nguyên nhân làm cho người tiêu dùng không có nhiều cơ hội có thể lựa chọn sản phẩm có những yếu tố tốt hơn.

- Ngoài công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, điểm kinh doanh thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, ông có khuyến cáo gì với người tiêu dùng?

Trong những dịp tiêu thụ thực phẩm cao điểm, nguy cơ đe dọa về ngộ độc thực phẩm cao lên. Lời khuyên cổ điển và muôn thuở là phải nấu kỹ lưỡng  không được bỏ qua những lời khuyên tối thiểu về ATVSTP mà chúng ta đã được khuyên từ trước. Mọi người đừng coi đó là “1 bài thơ vốn dĩ đã cũ” mà phải coi đó là cái mà mình hiểu ở nghĩa mới của ngày hôm nay.

- Xin cảm ơn ông!

 Khởi Nguyên

Bình luận
vtcnews.vn