Say nắng, bốc mùi cơ thể và những bệnh mùa nắng nóng

Sức khỏeThứ Tư, 11/05/2011 01:40:00 +07:00

(VTC News) – Viêm đường hô hấp trên, cơ thể bốc mùi khó chịu, say nắng… là những bệnh thường gặp vào những đợt cao điểm nắng nóng.

(VTC News) – Viêm đường hô hấp trên, cơ thể bốc mùi khó chịu, say nắng… là những bệnh thường gặp vào những đợt cao điểm nắng nóng.

Đợt nắng nóng đầu tiên của mùa hè năm nay đã khiến Bệnh viện Nhi Trung ương đón tiếp thêm nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị. Căn bệnh chủ yếu là viêm đường hô hấp trên do sử dụng điều hòa không đúng cách (Để nhiệt độ quá thấp, nằm lâu trong điều hòa, chênh lệch nhiệt độ quá cao so với bên ngoài), nằm quạt, ngâm nước lâu trong bể bơi… Nhiều trẻ đã bị viêm xoang, viêm mũi, viêm phế quản… Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, trả lời báo chí cho biết, có tới 80% bệnh nhi đến khám có liên quan đến các triệu chứng nhiễm trùng hô hấp.

Hạn chế nắng nóng bằng mọi cách. Ảnh nguồn Internet 

Nắng nóng cũng khiến nhiều người xa xẩm mặt mày, chóng mặt, thậm chí hôn mê vì bị say nắng (đông y gọi là trúng thử) khi phải làm việc quá lâu ngoài trời nắng, phải ra đường vào lúc nhiệt độ trong ngày lên tới đỉnh điểm (11h đến 14h).

Với một số người có bệnh liên quan đến mồ hôi, bị ra quá nhiều mồ hôi, bị hôi nách, hôi chân… thì đây là thời điểm “ác mộng” đối với họ.

Chính vì vậy, để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho mùa hè năm nay, các bậc phụ huynh cần lưu ý:

Đối với căn bệnh viêm đường hô hấp trên, để hạn chế bệnh cho trẻ nhỏ, theo các bác sĩ nhi khoa, bạn cần phải tránh những thay đổi thất thường về thời tiết cho trẻ bằng cách không bật điều hòa quá lạnh (nhiệt độ hợp lý được khuyến cáo là ở mức 27-28 độ C), không để điều hòa và quạt xối thẳng vào người trẻ; Cần cho trẻ ăn đủ chất, hợp vệ sinh và che chắn kỹ khi ra đường (hạn chế ra đường lúc buổi trưa).

Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần lưu ý về việc bổ sung lượng nước bị mất qua việc đổ mồ hôi của trẻ, đừng đợi khi bé hay chính bạn cảm thấy khát mới uống nước. Hạn chế uống các loại chứa cồn và đường vì chúng khiến cơ thể mất thêm nước; tránh uống các loại nước để lạnh vì có thể gây co rút dạ dày.

Việc mất nước qua đổ mồ hôi còn khiến cơ thể mất muối và các khoáng chất. Do đó, bạn có thể bổ sung bằng việc uống các loại nước có muối và khoáng chất cho cơ thể.

Với người bị say nắng, việc cấp cứu phải hết sức kịp thời, tránh bị hôn mê và có thể tử vong. Theo BS Vũ Quốc Trung, Phòng khám đông y Từ Tâm (Hà Nội), khi có biểu hiện người vã mồ hôi, tim đập nhanh, chóng mặt, hoa mắt hoặc bị bất tỉnh khi đang làm việc dưới trời nắng, cần phải nghĩ ngay đến say nắng.

“Ngay lập tức bạn cần đưa người bệnh ra chỗ thoáng khí, không có nắng, hô hấp nhân tạo, sau đó làm mát bệnh nhân bằng cách dùng khăn đắp lên trán, nách; bấm huyệt nhân trung (khe ở giữa mũi và miệng), bách hội (đỉnh đầu), hợp cốc (khe giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ) và đồng thời cho uống nước mát như rau má, uống nước hạt đỗ xanh cả vỏ nấu, nước bí đao…” – BS Trung khuyến cáo.

Say nắng có thể khiến bệnh nhân hôn mê, trụy tim mạch, và hay xảy ra với những người làm dưới trời nắng to như công nhân cầu đường, công nhân làm tại các lò gang sắt, người có cơ thể mệt, yếu và sức đề kháng kém… Do đó, với những người này cần lưu ý làm việc ngoài trời phải đội mũ, không ở ngoài trời quá lâu, thấy chóng mặt thì phải vào mát nghỉ ngơi.

Với những người dễ bốc mùi vì mồ hôi, cần lưu ý tránh vận động nhiều và cần nghỉ ngơi một thời gian nhất định để hạn chế lượng mồ hôi tiết ra. Nên uống một số loại nước muối nhạt hay soda muối.

Với bệnh hôi chân, bạn cần phải chọn đôi giày vừa cỡ, không quá chật, không đi tất nilon để ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc; phải lau khô chân sau khi rửa chân và thường xuyên đổi giày.

Thanh Bình

Nhóm người nguy cơ cao mắc bệnh vì nắng nóng
Trẻ dưới 4 tuổi.
Những người từ 65 tuổi trở lên, cơ thể phản ứng chậm với sự thay đổi nhiệt độ.
Những người lao động nặng nhọc, tập luyện quá sức…
Những người béo phì do tim luôn phải làm việc quá tải.
Những người đang có bệnh, đặc biệt là bệnh tim, huyết áp cao.

 

Bình luận
vtcnews.vn