Sau Tết, thực phẩm khan hàng, dịch vụ tăng giá

Kinh tếThứ Bảy, 05/02/2011 04:48:00 +07:00

(VTC News) - Tại một số chợ trong nội thành Hà Nội ngày mùng 3 Tết, giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm vẫn đang ở mức khá cao.

(VTC News) - Tại một số chợ trong nội thành Hà Nội ngày mùng 3 Tết, giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm vẫn đang ở mức khá cao. Khác với mọi năm, sau Tết Tân Mão, thịt gia xúc lại khan hàng và đắt giá. Cùng với nhiều dịch vụ Tết tăng giá, giá dịch vụ trông xe trong những ngày đầu năm lại đua nhau “nhảy múa”.

 

Thịt lợn tăng mạnh, rau vẫn giữ “giá Tết”

 

Theo ghi nhận của pv VTC News, tại một số chợ: Hàng Bè, chợ Hôm, chợ Thành công, chợ Ngọc Lâm, Long Biên… giá thịt lợn đang ở mức khá cao, thịt mông sấn hiện đang có giá 90 – 95 ngàn đồng/kg, thịt nạc thăn có giá 120.000 đồng/kg, sườn thăn đang ở mức 95.000 đồng/kg, tăng từ 10 - 20 ngàn đồng/kg  so với trong Tết. Giá đắt như vậy, nhưng chỉ khoảng hơn 9h sáng, tại chợ Hàng Bè, chợ Thành Công hầu như đã hết hàng, người đi chợ muộn đành phải chuyển sang mặt hàng khác.

 

Theo các tiểu thương bán thịt lợn, giá tăng do trong ngày tết, các lò mổ chưa hoạt động, lượng cung cấp khan hiếm, nên giá tăng. Bên cạnh đó, do chợ hoạt động sớm, từ ngày mùng 2 Tết là đã có chợ, vì vậy người tiêu dùng không tích trữ nhiều. Chỉ ngày mùng 3 Tết, nhà nhà đều đã đi chợ đã rất đông khách hàng đi chợ mua đồ ăn tươi ngon, nên lượng hàng đã khan hiếm lại càng được đẩy giá lên cao.

 

 Tại một số quận nội thành HN, giá các loại thịt gia súc, rau quả vẫn ở mức cao.
Cùng với giá thịt lợn, thịt bò cũng tăng 4 giá so với trong Tết, theo đó, thịt bò đang ở mức: 220.000 đồng/kg. Thịt gà mỗ sẵn hiện có giá 110.000 đồng/kg. Cá chép tại chợ Hôm sáng ngày mùng 3 Tết có giá 90.000đồng/kg, cá quả: 120.000 đồng/kg, cá trắm: 70.000 đồng/kg, đắt hơn trong Tết từ 10 -15 ngàn đồng/kg.

 

Dù thời tiết trong những ngày Tết ấm dần lên, rất thuận lợi cho việc trồng rau, củ, tuy nhiên, giá rau xanh lại vẫn giữ nguyên giá như trong Tết. Tại chợ Hàng Bè, giá rau bắp cải vẫn có giá 10.000 đồng/kg, cải xoong 9.000 đồng/mớ, cải xanh: 4.000 đồng/mớ, rau cần: 12.000 đồng/mớ, cà chua: 20.000 đồng/kg, khoai tây: 15.000 đồng/kg, rau muống 25.000 đồng/mớ. Cùng với rau, đậu phụ cũng không tăng so với thời điểm trước tết, giá đậu hiện nay vẫn từ mức 2.000-3.000 đồng/bìa.

 

Theo chị Hoa, tiểu thương bán rau tại chợ Ngọc Lâm, Long Biên Tết năm nay thời tiết ấm, rau tăng trưởng nhanh, vì vậy, rau xanh nhiều nên giá không tăng. Nếu thời tiết cứ ấm lên thế này, trong một hai tuần tới, giá rau sẽ rất rẻ. Rau xanh thường là mặt hàng bán chạy nhất sau tết, nhưng lượng mua có xu hướng giảm tại các chợ. Theo một số khách hàng, rút kinh nghiệm từ năm trước, nhiều người tiêu dùng đã tìm đến siêu thị mua hàng những ngày sau tết để tránh tình trạng bị “đội giá” khi mua hàng tại chợ.

 

Siêu thị hút khách do giá bình ổn

 

Nếu như tại các chợ, giá đang bị đẩy lên cao, thì trong các siêu thị, giá  mặt hàng thực phẩm giá rẻ hơn bởi được bình ổn giá. Vì vậy, lượng người vào siêu thị mua hàng lại đông hơn so với chợ truyền thống. Tại siêu thị Sài Gòn Coopmart Hà Đông, mở của từ ngày mùng 2 Tết với nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống để phục vụ nhu cầu của bà con. Giá cả được giảm từ 5 - 50%, ngoài ra, khách hàng vào mua hàng trong những ngày này, còn được bốc thăm trúng bao lì xì, với khách hàng có hoá đơn thanh toán từ 300.000 đồng trở lên sẽ có cơ hội trúng thưởng 100%. Lượng khách vào mua hàng từ ngày mùng 2 Tết tại Sài Gòn Coopmart đã khá đông.

 

Mở cửa từ ngày 3 Tết, đã có nhiều khách hàng đến siêu thị BigC mua thực phẩm tươi sống. Theo bảng giá niêm yết sáng ngày 3 Tết, các mặt hàng thực phẩm được giảm từ 10 – 25%. Theo đó bắp cải tím có giá 10.500 đồng/kg, rau xà lách có giá 6.500 đồng/kg. Thăn bò có giá 149.000 đồng/kg, thịt chân giò lợn có giá 64.900 đồng/kg, cá thu: 50.900 đồng/kg, mực ống: 79.900 đồng/kg. Ngoài ra, khách hàng vào mua hàng trong những ngày này còn được hưởng nhiều chương trình khuyến mại tặng quà, giảm giá từ 5 – 40% các mặt hàng tại siêu thị.

 

Dịch vụ trông xe đua nhau “chặt chém” khách du xuân

 

Trong những ngày đầu năm Tân Mão, nhiều khách du xuân rất bức xúc vì tình trạng các điểm trông giữ xe đua nhau tăng giá tới mười lần so với quy định của UBND TP Hà Nội. Xung quanh khu vực Văn Miếu Quốc Tử Giám, những bãi trông giữ xe đang có mặt bằng 20.000 đồng/xe máy. Biết là giá “cắt cổ” nhưng các bãi xe đều chật cứng, bởi nếu không gửi ở đây thì cũng không còn chỗ nào để gửi.

 

Tình trạng này cũng diễn ra ở những bãi xe quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, đường Lý Thái Tổ, Chùa Trấn Quốc… thấp nhất giá trông xe máy cũng là 10.000 đồng/xe, cao hơn là từ 20.000 – 25.000 đồng, xe ô tô phải 50.000 đồng. Dù theo quy định của TP, giá trông giữ xe ban ngày chỉ là 2.000 đồng/xe máy/lượt.

Tại những điểm trông giữ xe ở bến xe Gia Lâm, giá trông xe được tính theo phút, theo anh Nguyễn Đình Thi, gửi xe vào đón người nhà, khoảng 10 phút quay ra, phải trả 10.000 đồng. Nhiều người gửi xe máy qua đêm để đi du xuân ở địa phương khác, giá trông xe là 40.000/đêm, trông cả ngày là 30.000 đồng. Khi được hỏi, chủ bãi trông xe này cho biết “ngày Tết bao giờ giá chả cao hơn “một chút” so với ngày thường”. Theo nhiều người dân điạ phương, điểm trông giữ xe này đã tồn tại hàng bao nhiêu năm nay, ngang nhiên nâng giá, “chặt chém” khách, tuy nhiên cho đến nay, chưa có lực lượng chức năng nào kiểm tra về giá trông giữ xe tại đây.

 

Được biết, để tránh tình trạng giá xe “nhảy múa” vào những ngày tết, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu, đoàn kiểm tra liên ngành TP, phối hợp với các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm các vi phạm theo quy định. Tuy nhiên, trước những thực tế diễn ra trong những ngày đầu năm Tân Mão, không biết bao giờ người dân mới hết bức xúc trước tình trạng tự ý nâng giá, bắt chẹt khách hàng tại những điểm trông giữ xe tại địa bàn TP Hà Nội?

 

Thi Mai

 

Bình luận
vtcnews.vn