Sapa - "phía trước màn sương"

Tổng hợpThứ Tư, 02/10/2013 09:56:00 +07:00

Tôi muốn đặt Sapa phía trước màn sương để mọi người có thể nhìn thấy, nhìn rõ hơn về Sapa. Có thể yêu hơn, cũng có thể buồn hơn...

"Thường, người ta vẫn nghĩ về Sapa như một thành phố trong sương đẹp bí ẩn và mơ màng. Còn tôi muốn đặt Sapa phía trước màn sương để mọi người có thể nhìn thấy, nhìn rõ hơn về Sapa. Có thể yêu hơn, cũng có thể buồn hơn, nhưng sẽ biết lo lắng hơn cho một Sapa huyền thoại một thời" - Nhật Minh chia sẻ về tiêu đề bộ phim.

Sapa - Một góc nhìn khác
Đây là lần thứ 4, BTV Nhật Minh quay trở lại Sapa. Cách đây 3 năm, cũng trong một chuyến đi làm chương trình, anh đã nhìn thấy sự thay đổi của mảnh đất này theo chiều hướng tiêu cực: Không còn tìm thấy vẻ đẹp hoang vu của mảnh đất này như 10 năm về trước, thay vào đó là lố nhố công trình xây dựng, rác thải tràn ngập, bản sắc du lịch bị lung lay thấy rõ. Thực tế của Sapa va đập vào các giác quan của anh khiến anh cảm thấy bồn chồn và luôn ấp ủ trong lòng dự định phải quay trở lại Sapa để làm điều gì đó thật ý nghĩa với mảnh đất này. 
Và “Phía trước màn sương” sau 3 năm phôi thai từ trong ý nghĩ đã ra đời, ẩn chứa đầy thông điệp từ chủ nhân của nó. 

 

Ở những bộ phim trước đây về Sapa, chủ yếu người ta vẫn thấy những khung cảnh đẹp đẽ, bầu không khí trong lành, những kiến trúc cổ từ thời Pháp hay những bản làng dân tộc người Dao, người Mông đầy ấm cúng…  Nhưng Nhật Minh lại chọn cách đi riêng. Anh đi tìm câu trả lời cho nỗi băn khoăn: Làm thế nào để gìn giữ được những đẹp đẽ đó không bị mất mát, phai mòn trước dòng chảy thời gian và cuộc xâm lấn của nền kinh tế thị trường? Đồng thời, “Phía trước màn sương” cũng đặt ra câu hỏi: Liệu giới trẻ ngày nay có thực sự quan tâm đến những giá trị văn hóa của dân tộc, quan tâm đến cộng đồng chung hay không? Đó, cũng chính là những thông điệp mà bộ phim muốn gửi gắm đến khán giả. 
Nhân vật chính của chuyến đi trải nghiệm này là Miss Teen 2012 Thu Trang - một bạn trẻ 9X sinh ra, lớn lên ở Hà Nội và đây là lần đầu tiên được đến với Sapa. Trước đây, tất cả những thông tin mà Trang có được chỉ là qua sách báo, internet… Vì thế, chính những va chạm, trải nghiệm lần này đã mang đến cho Trang những góc nhìn sinh động hơn, chân thực hơn về một Sapa đầy bí ẩn. Với mong muốn xây dựng như một chương trình truyền hình thực tế sinh động, chân thực nên ê-kip “Phía trước màn sương” tuyệt đối không dàn dựng hay sắp đặt mà hoàn toàn tôn trọng cảm xúc thật của nhân vật trải nghiệm. 
Một ê-kip khá “già” từ biên tập đến quay phim, kỹ thuật và cả khách mời của chương trình là họa sĩ Trần Duy Hùng đều thuộc thế hệ 7X, lại làm việc cùng một cô bé 9X trẻ trung, năng động như Thu Trang. Sự va chạm giữa hai thế hệ, những kham khổ trong sinh họat khi phải theo chân đoàn làm phim ròng rã hơn 1 tuần liền ở chốn núi rừng, làm thế nào để nhân vật có thể hiểu được ý tưởng và thông điệp của bộ phim, làm thế nào để nhân vật thực sự sống với những khuôn hình để mang lại sự chân thực và hồn cốt của bộ phim… Đó là tất cả những điều mà BTV Nhật Minh cảm thấy lo lắng, trăn trở khi bắt đầu chuyến hành trình. 
Tuy nhiên, chỉ sau hai ngày làm quen ban đầu, cả đoàn đã hòa nhập với nhau như một gia đình nhỏ. Người trẻ trở nên sâu sắc hơn còn người già thì như trẻ lại nhiều phần. Sau một ngày đi quay vất vả, buổi tối mọi người thường quây quần bên nhau trò chuyện, hát hò. Miss Teen 2012 không bỏ lỡ cơ hội thể hiện tài năng ca hát của mình, còn nhóm phóng viên VTC14 thì tự tin thể hiện khả năng làm thơ và chơi ghita rất chuyên nghiệp. Thậm chí, sau chuyến đi, BTV Nhật Minh - người vẫn được mệnh danh là thi sĩ của kênh VTC14 còn “thu hoạch” được hẳn 3 bài thơ rất hay về Sapa. 
Có lẽ, đó là những giây phút thư giãn hiếm hoi của cả đoàn, bởi gần như trong suốt 8 ngày ở Sapa, mọi người dành hết thời gian cho việc đi quay và chạy đua với… thời tiết. Bởi Sapa mưa nắng thất thường. Có khi đang quay thì trời đổ mây, đổ mưa. Lại gác máy chờ trời nắng. Nắng lên lại vội vàng quay. Cứ thế suốt cả ngày. Có những hôm đi quay về muộn, mọi người quên cả đói, chỉ biết lăn ra ngủ. 

 

Ngoài nhân vật chính Thu Trang, có một vị khách mời rất đặc biệt của chương trình, đó chính là anh chàng họa sĩ Trần Duy Hùng. Có thể nói, anh là một người kỳ lạ, kỳ lạ nhất Sapa. Từ bỏ cuộc sống sôi động ở Hà Nội để lên Sapa sinh sống hơn 10 năm nay, Duy Hùng hiểu rất rõ mảnh đất này. Và anh chuyển hết tình yêu dành cho Sapa vào những bức tranh của mình. Anh còn mở hẳn một phòng tranh chỉ để vẽ về Sapa. Khi được anh mời đến thăm phòng tranh, cả ê-kip làm phim vô cùng ngạc nhiên trước phong cách có một không hai của anh chàng nghệ sĩ này. Phòng tranh được làm theo kiến trúc của người Mông kết hợp với vẻ đẹp của người Dao. Ngoài ra, đất ở bản Cát Cát cũng được anh mang về để đắp nền nhà, tạo ra một phòng tranh độc đáo, chỉ có duy nhất ở Sapa. Hoàn toàn đối lập với một Sapa đang xô bồ với những công trình xây dựng phô trương, lổn nhổn ngoài kia. 
Với những chi tiết tinh tế, những hình ảnh tương phản đặt cạnh nhau, những cảm xúc mâu thuẫn đan xen của nhân vật trải nghiệm trong suốt cuộc hành trình… Bộ phim “Phía trước màn sương” như một lát cắt nhẹ nhàng, một tia sáng nhỏ góp mình vào cái nhìn về đời sống này nói chung và về Sapa nói riêng. “Khó để mong cộng đồng có thể nhìn vào tia sáng đó mà thay đổi nhận thức, suy nghĩ nhưng tôi nghĩ ít nhất, bộ phim cũng mang đến một cái nhìn khác về Sapa và một cảm nhận khác về giới trẻ, để thấy rằng các bạn ấy cũng thực sự yêu mến và thân thiện với những giá trị nhân văn trong cuộc sống này. Các bạn không lạnh lùng, vô cảm như nhiều người chúng ta vẫn nghĩ”- BTV Nhật Minh chia sẻ thêm. 

Lần đầu trải nghiệm: háo hức và suy tư
“Tôi rất vui và bất ngờ khi nhận được lời mời từ ê-kip làm phim tài liệu của VTC14. Vui hơn, khi đây là lần đầu tiên tôi được lên Sapa. Qua những gì tìm hiểu trên sách báo và internet, qua những tấm ảnh mà bạn bè đi chơi về chụp lại, tôi thấy Sapa thật đẹp, đẹp như thiên đường. 8h tối, tôi đặt chân lên chuyến tàu ngược về phía Sapa với tất cả sự háo hức, mong chờ bấy lâu.
Thật tình cờ khi trên chuyến tàu ấy, tôi được gặp một người họa sĩ có nhiều năm gắn bó với Sapa. Chắc hẳn mảnh đất ấy phải đặc biệt lắm thì mới có thể khiến một người như anh bỏ phố phường tấp nập lên đó ở lại, lấy vợ, sinh con và chỉ vẽ về đất và người Sapa. Trong suốt buổi trò chuyện trên tàu, như một hướng dẫn viên nhiệt tình, anh kể cho tôi nghe rất nhiều về Sapa. Một Sapa đẹp đẽ trong hoài niệm. Tuy nhiên, khi nhắc đến những đổi thay của xứ sở sương mù này thì người họa sĩ khẽ chạnh buồn. Điều đó khiến tôi không khỏi băn khoăn. Tuy nhiên, cảm giác đó trôi qua khá nhanh, bởi tôi vẫn đang háo hức với những gì đang chờ đợi mình phía trước. 

 

Tàu dừng ở ga Lào Cai. Từ đó lên đến Sapa không xa, chỉ khoảng hơn 30 km nhưng tưởng như là một quãng đường dài quanh co với những cung đường khá nguy hiểm. Độ cao liên tục thay đổi cùng với những góc nhìn. Có cảm giác từng ngọn núi như nối tiếp nhau chạy dài vô tận. Nhìn từ trên cao, những thung lũng, những thửa ruộng bậc thang và những con suối nhỏ chảy về dòng sông cuối dốc núi giống như một bức tranh còn được vẽ dang dở của tạo hóa.
Cũng như bất cứ ai khi đến Sapa, nơi đầu tiên tôi đến thăm chính là Nhà thờ Đá. Nhà thờ Sapa tọa lạc trên một vị trí đắc địa với phía sau là núi Hàm Rồng che chắn, phía trước là khoảng đất rộng bằng phẳng, có thể phát triển nhiều công trình văn hóa, phục vụ cho các họat động xã hội. Đặc biệt, nhà thờ ở vị trí trung tâm của thị trấn Sapa, đứng ở 4 phía đều có thể quan sát được những góc cạnh, hình hài của cả công trình kiến trúc. Sờ tay vào lớp rêu phong cổ kính, tôi tự hỏi, không biết đã bao nhiêu mùa mưa nắng, tuyết sương trôi qua trên đỉnh tháp nhà thờ này. 
Vào buổi chợ phiên ở thị trấn, Sapa như thay một tấm áo mới, rực rỡ sắc màu và sinh động hơn hẳn. Hàng trăm tấm áo, khăn với đủ màu sắc hoa văn và những đồ trang sức lạ lẫm, bắt mắt của người dân tộc cùng khoe sắc giữa chợ. Tôi thích thú mua cho mình vài món quà lưu niệm. Sau khi đã đi dạo, nhìn ngắm chán chê trong chợ, tôi chợt nhớ đến lời mời của họa sĩ Trần Duy Hùng- người bạn đặc biệt mà tôi vừa mới quen trên chuyến tàu hôm trước. Vẫn với sự nhịêt tình, mến khách, anh dẫn tôi đi thăm quan những địa điểm nổi bật khác của Sapa. Đó là khu biệt thự của người Pháp có từ thế kỷ 20. Khi xây dựng những ngôi biệt thự này, họ luôn đặt yếu tố thiên nhiên và con người lên hàng đầu. Tất cả các ngôi biệt thự đều được xây dựng thông thoáng với nhiều cửa sổ để đảm bảo ánh sáng về mùa hè và giữ ấm cho mùa đông. Kiến trúc này rất phù hợp với địa hình và khí hậu của Sapa. Nhìn ngắm lớp đá cổ kính của trăm năm để lại, tôi tự hỏi tại sao người dân ở đây không phát huy và học hỏi lối kiến trúc này thay vì những tòa nhà đang được xây dựng vội vàng, phô trương mà tôi vừa thấy trong thị trấn. 

 

Khi tôi và họa sĩ Duy Hùng cùng đến thăm những bản làng xa hơn, có nhiều nơi, thật bất ngờ khi cả những công trình đẹp đẽ khi xưa cũng bị bỏ quên và dường như trở thành phế tích. Ở một khu hiến trúc khác của người Pháp, được xây dựng khá hoành tráng, cầu kỳ, nơi mà ngày xưa vẫn diễn ra rất nhiều họat động văn hóa của người dân tộc thì nay chỉ còn lại một bãi hoang tàn với những cột đá trơ khấc, cây cối che rợp cả lối đi. Lòng tôi tự hỏi: sao người ta không trùng tu, phục hồi lại nơi này? Nhưng có lẽ, đúng như lời anh Hùng nói, có những thứ mất đi sẽ không bao giờ lấy lại được nữa. 
Cũng trong chuyến đi này, tôi quyết định dành chút thời gian để tìm đến những bãi đá cổ ở Sapa vừa mới được phát hiện những năm gần đây. Các nhà khoa học cho rằng những bãi đá này lưu giữ những ký hiệu lạ lùng của nguời xưa. Điều này thật đặc biệt, nên tôi quyết tâm phải mục sở thị bằng được. Nhưng những gì mà tôi nhìn thấy chỉ còn là những tảng đá nhẵn thín, hằn lên những đường mài trắng xóa do những đứa trẻ hồn nhiên “trưng dụng” làm… cầu trượt để vui đùa. Giờ thì chẳng còn nhìn ra những dấu tích kỳ lạ của người xưa nữa. 
Những nơi đi qua, những điều trông thấy, khiến trong lòng tôi dậy lên cảm giác tiếc nuối. Sapa thật khác, thật không giống với những gì tôi biết được qua những bài báo, những hình ảnh  mà tôi vẫn đọc. Du lịch đã làm cho Sa Pa trở nên giàu có. Cô gái Mông, Dao đang làm quen với kỹ năng sống của người Kinh hiện đại, những chàng thanh niên phì phèo điếu thuốc đi chơi chợ thay vì rít khói điếu cày… Người ta bạt núi bán đất, xây nhà cao cửa rộng, thiên nhiên hoang dã dường như mất dần. Quán xá mọc như nấm chứng tỏ giá trị của du lịch thu hút những dịch vụ đi theo nó, nhưng nó đang làm lạc lõng chính những con người sinh ra từ mảnh đất này. 
Có lẽ, điều an ủi lớn nhất với tôi ở xứ sở sương mù này chính là những ngày lang thang trong các bản làng dân tộc. Ở đó, tôi đã được trải nghiệm những cảm xúc không bao giờ quên. Từ trung tâm thị trấn Sapa, đi theo một con đường quanh co, tôi tìm đến bản Cát Cát của người H’Mông. 
Chặng đường xuống bản đi qua nhiều cảnh đẹp, nhiều thác nước, nhiều con suối chảy xiết đổ xuống thung sâu rồi mất hút trong khe núi. Thế nhưng, điều cuốn hút tôi lại là những chiếc túi vải thổ cẩm, những chiếc vòng tay bằng lụa được người dân trong bản thêu dệt trông thật tinh tế mà rực rỡ sắc màu. Mỗi chiếc vòng, chiếc túi ấy, có khi người dân phải mất cả ngày, cả tuần trời mới hoàn thành và bán lấy vài nghìn đồng đến mấy chục nghìn đồng. Số tiền mà ở thành phố, chỉ đủ cho chúng tôi ăn một que kem hay một bát phở sáng. 

 

Hình ảnh mà tôi bắt gặp nhiều nhất chính là những em nhỏ ngồi chơi hay đứng thành những nhóm nhỏ bên đường. Giữa cái lạnh giá của Sapa, các em chỉ có một tấm áo cộc, mải miết chạy theo khách du lịch những mong bán được chiếc dây, chiếc vòng hay xin được 2000 đồng. Có những em cứ ngồi vậy, chơi với chú chó cả buổi sáng. Nhìn thật lấm lem, tội nghiệp. 
Ở những bản làng đi qua, tôi còn được xem những tiết mục múa hát rất sinh động của người dân tộc. Người nào cũng hát, cũng múa những bản nhạc hân hoan, hạnh phúc mà sao cuộc sống ngoài kia vẫn buồn đến vậy. 
Càng về cuối cuộc hành trình, trái với những háo hức, mơ mộng ban đầu, trong lòng tôi càng chất chứa nhiều suy tư về một Sapa rất thật của ngày hôm nay. Nếu ai hỏi, ở đâu trên đất nước này, nơi mà tôi đã đi qua, ẩn chứa nhiều điều bí ẩn nhất với một người trẻ, có lẽ đó chính là Sapa. Nhưng nếu ai đó cũng hỏi nơi nào trong những nơi tôi đã từng ghé lại khiến một người trẻ mang những ưu tư nhiều nhất, tôi cũng sẽ trả lời đó chính là thành phố trong sương Sapa. Và đối với tôi, những ưu tư đấy cũng là khơi nguồn của những khát khao nhỏ bé, điều mà chỉ đến khi thực sự sống với đất, trời và con người nơi ấy, tôi mới thực sự có cảm giác.
Trở về Hà Nội, về lại với cuộc sống đô thị ồn ào, tấp nập, nơi có quá nhiều điều để những người trẻ như tôi dễ bị cuốn theo, tôi vẫn ấp ủ một mong muốn nhỏ bé cho cộng đồng. Ý tưởng đầu tiên mà tôi muốn cùng những người bạn của mình thực hiện ngay lập tức là lập một trang web để kêu gọi những bạn trẻ khác cũng hướng về Sapa, quyên góp ủng hộ cho những em nhỏ vùng cao khốn khó trong những bản làng heo hút, lạnh lẽo và cô đơn…"

Y Bình
Bình luận
vtcnews.vn