Săn 'vương điểu' giữa đại ngàn Trường Sơn

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 05/08/2012 02:41:00 +07:00

Để sở hữu một chú chim họa mi chiến ưng ý, nhiều đại gia phải lên tận vùng rừng núi, bỏ ra hàng chục triệu, thậm chí cả trăm triệu.

Những năm gần đây, “họa mi chiến” là mốt chơi của nhiều đại gia thành phố. Để sở hữu một chú chim họa mi chiến ưng ý, nhiều đại gia phải lên tận vùng rừng núi, bỏ ra hàng chục triệu, thậm chí cả trăm triệu.

Vượt rừng, leo dốc săn họa mi rừng

Cách đây độ 15 – 20 năm, khi những cánh rừng già giữa đại ngàn Trường Sơn vẫn vươn vai ôm lấy những làng quê ở miền Tây Hà Tĩnh, Quảng Bình thì nghề thợ săn có sức hút mãnh liệt. Chuyện giữa trưa một con hoẵng (tên địa phương gọi là con mang) xồng xộc chạy từ rừng về làng không còn là chuyện lạ.

Ngoài thời gian làm đồng, người dân ở vùng này dành thời gian chủ yếu để đi rừng, chuyện thợ săn bắt được lợn rừng cả tạ không phải chuyện hiếm, chuyện trẻ con bẫy được gà rừng thì xảy ra hàng ngày. Trong các nghề đi săn, có một nghề săn rất được người dân vùng Hương Khê – Hà Tĩnh ưa chuộng, đó là săn chim họa mi (tên địa phương gọi là khướu vàng, để phân biệt với khướu đen – PV).

Theo những tay săn trong nghề thì săn họa mi thì vừa có phần thanh cao, nhẹ nhàng, không tốn sức lực và nguy hiểm như săn lợn rừng, hoẵng mà lại có thu nhập cao.

Trở lại vùng đất giáp ranh biên giới Việt – Lào vào những ngày cuối mùa hè, dường như gió Lào đã làm cho vừng đất ở đây thêm khô cằn, những cánh rừng trở nên xơ xác hơn. Ông Nguyễn Khắc Trành (80 tuổi – Hà Linh – Hương Khê) cho biết, bây giờ còn rừng đâu mà đi săn nữa, rừng được trồng cây cao su hết rồi.

Nguyễn Quốc T đang lúi húi kiểm tra lại đồ nghề để chuẩn bị lên đường. 

Theo ông Trành thì giờ người dân ở đây không đi săn nữa, một phần vì diện tích rừng già ngày càng thu hẹp, cộng với việc chính quyền địa phương vận động, ngăn cấm việc săn bắn động vật trái phép. Cho nên người dân hầu như giải nghệ, vừa nói, ông Trành vừa giơ chiếc mác – kỷ niệm của một thời đi săn lên ngắm nghía. Ông cho biết thêm, bây giờ thỉnh thoảng những tay thợ săn già vẫn hàn huyên để gợi nhớ về một thời tung hoành khắp các cánh rừng giữa chốn biên cương này.

Nói chuyện về săn bắn, ông Trành trở nên khỏe khoắn và sảng khoái hơn. Như sực nhớ ra điều gì, ông bảo: “Giờ chỉ có đi săn họa mi là vẫn còn thôi, nhưng họa mi cũng ít rồi, muốn săn được thì phải vào tận rừng sâu, có khi sang tận đất Lào”. Biết tôi háo hức với câu chuyện săn bắn, chọi chim, ông Trành dẫn sang nhà Nguyễn Quốc T, là tay săn họa mi có hạng ở vùng này.

Đang lúi húi ngoài vườn để kiểm tra lại đồ nghề kiếm cơm, nghe tiếng gọi của ông Trành, T vội vàng ra đón. Với T, ông Trành vừa là bậc tiền bối vừa là “sư phụ” của nghề đi săn. Sau lúc trò chuyện làm quen, ông Trành nói đỡ cho vài lời T mới đồng ý cho tôi đi theo trong chuyến săn họa mi vào ngày hôm sau. Trước khi chia tay ra về, T còn dặn đi dặn lại: “Mai anh nhớ mặc áo đen đấy nhé, anh mặc áo khác là em cho ở nhà đó”.

Phải đi bộ qua 3 con suối, mấy ngọn đồi chúng tôi mới đến được cánh rừng già mà theo như lời T thì từ đây sang Lào chỉ độ mấy chục phút đi bộ. T thuộc từng cánh rừng, từng con suối và biết chỉ có rừng này mới còn nhiều họa mi mà thôi. T bắt đầu gỡ những tấm vải quấn quanh 3 chiếc lồng. Vừa được “cởi trói”, nhìn thấy rừng xanh, 3 chú họa mi mồi như thức dậy bản năng, nhảy nhót và hót vang lừng.

“Chưa vội”, T nói rồi lấy tay chỉnh sửa lại chiếc bẫy lồng sao cho nhạy nhất, chỉ cần chim bay đến đậu vào đó là sập ngay. Chiếc bẫy này của T rất đơn giản. Bên trong có một chú hoạ mi làm mồi nhử nhốt trong lồng. Phía trên T cài một mảnh lưới ôm gọn lấy chiếc lồng.

Phía dưới mảnh lưới, hắn gắn một cái chốt giống như cái bẫy sập. T treo những chiếc lồng bẫy sập này lên cây theo ba hướng khác nhau rồi phì phèo châm thuốc hút, mặc chim mồi thả sức hót. T chờ đợi.

Chiều chạng vạng, bầu trời trở nên thoáng đãng, không khí trong lành mát mẻ hẳn. T tự tin bảo “giờ này là lúc chim rừng tìm bạn”, rồi kéo tôi nấp sau gốc cây già. Quả đúng như lời T nói, một lúc sau lũ họa mi rừng đã đi theo tiếng hót của chim mồi mà đến vây quanh mấy chiếc lồng. Một con có vẻ “dày dạn” nhất, mạnh mẽ nhất cũng hót liên hồi, vừa hót vừa thăm dò đối thủ.

Chú họa mi rừng sau lúc thăm dò chim mồi, vội sà xuống đậu vào cái cành gắn liền với lồng (thực ra đây là cái bẫy) để “chiến đấu” với chim mồi. Chưa kịp giở “ngón võ” nào, đã nghe tiếng “xoạch”, chiếc lưới đã nhanh chóng chụp lên đầu chú chim hăng máu nhất. Những con chim khác biết đồng bọn sập bẫy vội bay tán loạn.

Săn họa mi rừng phải kiêng... cả đàn bà

Trên đường về, T kể rất nhiều về họa mi, có lẽ những kiến thức của hắn về loại chim này có thể viết thành sách. Đối với T, khi nghe tiếng họa mi hót, hắn biết tỏng tâm trạng của chú chim đó như thế nào. Tiếng hót đanh là lúc chim đang hưng phấn, tiếng hót vang, chắc nịch là lúc muốn khiêu chiến, cũng có con hót nhưng giọng não nề, buồn tủi.

T cho biết, họa mi là loài có tính ương ngạnh, có máu anh hùng, khó tính nên việc chăm sóc, thuần dưỡng nó là cả một công đoạn hết sức phức tạp. Nếu không thuần phục được nó, coi như thất bại. Có lần, T bán cho một thầy giáo dưới xuôi một con họa mi chiến đang thời sung sức nhất, ở nhà T nó hót hay và khỏe nhất nhất đàn. Nhưng lạ thay khi về nhà thầy giáo nọ nó lại im như thóc.

Cực chẳng đã, thầy giáo phải mang trả lại T. Nhưng khi về nhà T, nó lại hót hăng say như trước. Theo T thì một phần do sự ương ngạnh của họa mi, một phần có lẽ “vía” thầy giáo nặng quá nên át hứng thú của nó? Có lẽ vì thế, quá trình thuần dưỡng và đi săn họa mi rừng, giới thợ săn có những kiêng kị rất lạ đời.

Nhân chuyện này, T cho biết, sở dĩ hôm đó bắt tôi mặc áo đen đi săn mi rừng vì xuất phát từ những kiêng kị của riêng hắn. Số là ngày mới vào nghề, mỗi lần hắn mặc áo màu sáng đi rừng là lại trở về tay không, điều lạ là cứ mặc áo đen thì “trăm trận trăm thắng”.

Từ đó, mỗi lần đi rừng hắn lại chuyển qua mặc áo đen. Chưa dừng lại ở đó, trước mỗi lần đi săn họa mi, hắn không ra khỏi nhà trong vòng hai ngày. Theo lý giải của T thời gian đó vừa chăm sóc mi mồi, vừa đỡ phải gặp... đàn bà.

Dường như để khẳng định những kiêng kị của mình là đúng, T kể thêm, trước đây làng này có rất nhiều người muốn theo nghề săn họa mi chọi, nhưng không phải ai cũng theo được. Có nhiều người đi rừng cả tuần liền nhưng chả kiếm được con nào, đành về tay không.

Họa mi được mệnh danh là “vương điểu”, “hùng điểu” cho nên tính khí của nó cũng thất thường, sự cảnh giác và tinh khôn của nó ít loài chim nào bì kịp. Nếu người đi săn thiếu chút kinh nghiệm thì khó có thể thắng được loài “vương điểu” này.

T kể, “Dạo trước anh Quân ở làng bên, cũng máu đi săn họa mi chọi lắm, nhiều lần tự đi một mình không thành công, bèn lân la sang xin đi ké với T. Nể tình, T cho đi cùng, thế nhưng lạ thay những lần có Quân đi cùng thì dù đến những nơi có địa điểm thuận lợi nhất, vốn dĩ nhiều họa mi rừng nhất cũng không chọi được con nào.

“Anh bảo, nghề này kiếm ra tiền mà lại thỏa mãn sở thích, nếu ai cũng dễ dàng làm được thì thử hỏi lấy đâu ra chim để chọi chứ”, T hồn nhiên chia sẻ.

Rời nhà T, tôi qua nhà ông Trành, vừa đến đầu ngõ đã thấy ông đang ngồi lau chùi, ngắm nghía mấy chiếc lồng trống không. Hỏi chuyện, ông Trành cho biết, trước đây ông cũng thích chơi họa mi lắm, nhưng mấy năm gần đây, phong trào chơi họa mi chiến ở dưới xuôi phát triển mạnh làm cho họa mi vùng này ngày càng vắng bóng.

Thấy lợi ích từ việc bán họa mi rừng cho dân chơi, nhiều người ở đây đua nhau đi săn chim chọi. Những chú họa mi rừng tinh khôn nhất, ranh mãnh nhất cuối cùng cũng sập bẫy.

“Giờ ở giữa núi non trùng điệp thế này, nhưng để nghe được một tiếng họa mi rừng hót vào mỗi sáng cũng chỉ còn là dĩ vãng”, ông Trành bùi ngùi chia sẻ.

Theo Hà Khê - ĐS&PL

Bình luận
vtcnews.vn