Sản phụ tử vong tại Bệnh viện TƯ Huế: Đình chỉ kíp trực

Sức khỏeThứ Ba, 13/10/2015 05:20:00 +07:00

Liên quan đến việc sản phụ tử vong tại Bệnh viện TW Huế, ban giám đốc quyết định tạm đình chỉ công tác chuyên môn của hai nhân viên trong kíp trực

(VTC News) - Liên quan đến việc sản phụ tử vong tại Bệnh viện TƯ Huế, ban giám đốc quyết định tạm đình chỉ công tác chuyên môn của hai nhân viên trong kíp trực.


Ngày 13/10 Bệnh viện Trung ương Huế đã có báo cáo số 534/BC-BVH gửi Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế về việc sản phụ Nguyễn Thị Thu Hà (27 tuổi, trú tại đường Đặng Văn Ngữ, phường An Cựu, thành phố Huế).


Báo cáo của Bệnh viện Trung ương Huế cũng nêu rõ: “Việc phát ngôn của điều dưỡng trực khi giải thích tình hình bệnh tật cho người nhà là không đúng thẩm quyền, không chính xác, gây bức xúc cho gia đình và có liên quan đến trách nhiệm của bác sĩ trực. Do vậy, ban giám đốc đã có quyết định tạm đình chỉ công tác chuyên môn của hai nhân viên trong kíp trực gồm một bác sĩ và một điều dưỡng để tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm”.

Gia đình sản phụ tử vong.
Gia đình sản phụ tử vong. 
Cụ thể, Bệnh viện Trung ương Huế kết luận nguyên nhân sản phụ tử vong là do: “Đột quỵ do tai biến mạch máu não sau mổ lấy thai ngày thứ 5, trên bệnh nhân tiền sản giật, kèm theo hội chứng HELLP nặng và sán lá gan”.


Báo cáo của Bệnh viện Trung ương Huế lý giải, hội chứng HELLP (viết tắt của cụm từ Hemolysis, Elevated Liver enzymes an Low Platelets). Đây là hội chứng đặc trưng bởi các triệu chứng tan huyết, tăng men gan và giảm tiểu cầu, cho đến nay mặc dù đã được nghiên cứu kỹ cùng với sự tiến bộ của y học, nhưng tỷ lệ tử vong còn cao đến 25%.

Do vậy, bệnh nhân đã được theo dõi điều trị tích cực, được truyền 4 đơn vị hồng cầu khối và 2 đơn vị tiểu cầu. Đến ngày 7/10, bệnh nhân được hội chẩn và chỉ định mổ lấy thai, lấy ra 1 bé gái sống nặng 3.000g. Sau mổ, bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt tại Phòng Hồi sức sau mổ, được truyền tiếp 1 đơn vị hồng cầu, cầu khối và 150 ml plasma tươi.

Diễn biến những ngày sau mổ có chiều hướng ổn định, dự kiến trong những ngày tới sẽ chuyển về bệnh phòng Hậu sản Khoa Phụ - Sản để tiếp tục theo dõi điều trị.

Tuy nhiên, đến 4 giờ ngày 12/10, sau khi đại tiện bệnh nhân có biểu hiện mờ mắt, nhức đầu, người nhà bệnh nhân gọi điều dưỡng trực xem bệnh ghi nhận bệnh nhân tỉnh táo và đo huyết áp vào lúc 4 giờ 30 là 158/90mmHg; đồng thời báo bác sĩ trực cho y lệnh điều trị: thở ô xy, thuốc hạ huyết áp (lúc này bác sĩ đang gây mê mổ cấp cứu tại phòng mổ).

Đến 5 giờ 10 phút ngày 12/10, bệnh nhân lên cơn co giật, lơ mơ, huyết áp 180/100mmHg. Kíp trực có mặt đầy đủ bác sĩ và điều dưỡng đã tập trung hết mọi phương tiện hồi sức tuần hoàn hô hấp nhưng không hiệu quả, bệnh nhân tử vong lúc 6 giờ 30 sáng 12/10.

Ngay sau khi sản phụ tử vong, Ban giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đã có mặt tại Khoa GMHS (Gây mê hồi sức) để gặp gia đình bệnh nhân và Giám đốc Bệnh viện đã triệu tập cuộc họp để làm rõ nguyên nhân tử vong và đánh giá quá trình chăm sóc theo dõi điều trị.

Hội đồng nhận định đây là trường hợp bệnh nặng, hiếm gặp, nguy cơ tử vong cao đã được điều trị can thiệp phẫu thuật đúng phác đồ điều trị, cứu sống mẹ và con trong giai đoạn phẫu thuật.

Trong giai đoạn sau mổ, mặc dù bệnh diễn biến có chiều hướng tạm ổn định vè Khoa GMHS cũng thận trọng giữ bệnh nhân tại khoa lâu hơn các bệnh nhân mổ đẻ khác để theo dõi, nhưng cơn đột quỵ do tai biến mạch máu não xảy ra đột ngột, tối cấp vượt khả năng điều trị dẫn đến tử vong.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 13/10 người nhà sản phụ Nguyễn Thị Thu Hà không đồng tình với nhiều chi tiết trong báo cáo của Bệnh viện Trung ương Huế.

“Có nhiều điểm tôi không đồng tình với báo cáo của bệnh viện. Khi đưa em tôi vào viện trong bệnh án bác sĩ kết luận em tôi chỉ bị mang thai thiếu tháng và sán lá gan chứ không có hội chứng HELLP.

Em tôi chết là do tai biến mạch máu não. Huyết áp cao quá thì đứt mạch máu não thôi. Nếu khi chúng tôi lên gặp kíp trực (khi ấy khoảng 3h45p) mà họ kiểm tra, điều hòa lại huyết áp thì em tôi có lẽ đã không chết”, anh Nguyễn Xuân Phước – anh ruột của sản phụ Hà bày tỏ.

Gia đình còn tố nhân viên trong kíp trực sửa bệnh án khi phát hiện sản phụ tử vong. “Sau khi em tôi tử vong một nhân viên trong kíp trực dùng bút ghi thêm gì đó vào trong hồ sơ bệnh án của em tôi. Thấy thế, em rể tôi (chồng sản phụ Hà – PV) cầm một hồ sơ bệnh án khác ném về phía nhân viên đó.
Sau đó, người nhà chạy ra can ngăn, còn nhân viên đó chạy về phòng đóng cửa lại”, anh Nguyễn Xuân Phước cung cấp thêm.

Liên quan đến vấn đề này, người nhà sản phụ Hà khẳng định sẽ kiên quyết tìm lại công bằng trong cái chết của sản phụ Nguyễn Thị Thu Hà. Thậm chí, gia đình đang xem xét làm đơn gửi Sở Y tế Tỉnh Thừa Thiên - Huế; Bộ Y tế để yêu cầu các cơ quan này làm rõ sai sót của các nhân viên trong kíp trực của Bệnh viện Trung ương Huế.

» Video: Hành khách giúp sản phụ ‘vượt cạn’ trên xe buýt
» Một lần thoát ‘cửa tử’ của sản phụ nhau cài răng lược
» Bắn hạ kẻ dìm bé 13 ngày tuổi vào bồn nước: Gia đình sợ bị trả thù
» 18 nhân viên y tế không bị phơi nhiễm HIV từ sản phụ cấp cứu


Nguyễn Văn Vương


Bình luận
vtcnews.vn