San phẳng mộ vợ vua Tự Đức làm bãi đậu xe: Bất ngờ với báo cáo của UBND thành phố Huế

Thời sựThứ Bảy, 08/07/2017 15:42:00 +07:00

Bỏ qua hàng loạt sai phạm của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Chuỗi Giá Trị trong quá trình triển khai dự án Bãi đỗ xe khách tham quan lăng Tự Đức – Đồng Khánh, trong văn bản báo cáo gửi UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, UBND thành phố Huế vẫn muốn “tạo điều kiện” cho chủ đầu tư thực hiện dự án.

Liên quan đến vụsan phẳng mộ vợ vua Tự Đức làm bãi đậu xe, UBND thành phố Huế vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế về “công tác giải phóng mặt bằng, trình tự triển khai dự án bãi đỗ xe lăng Tự Đức – Đồng Khánh”.

Video: Tổ trưởng dân phố nói gì về lăng mộ vợ vua Tự Đức bị san phẳng làm bãi đậu xe?

Theo nội dung báo cáo này, UBND thành phố Huế đang bỏ qua hàng loạt sai phạm của Công ty TNHH Thương Mại và Dịch vụ Chuỗi Giá Trị (đơn vị chủ đầu tư dự án), vẫn đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế “tạo điều kiện” cho đơn vị chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án. Cùng với đó, văn bản cũng đưa một số thông tin sai lệch với thực tế và có những dấu hiệu bất thường.

19807693_1416271471796236_2124547645_o

Lăng mộ bà Cửu giai Tài nhân họ Lê (vợ vua Tự Đức) bị san phẳng làm bãi đậu xe xảy ra đã gần 20 ngày nhưng cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn chưa đưa ra bất kỳ hình thức xử lý nào với hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư dự án và các đơn vị liên quan. (Ảnh: Nguyễn Vương)

Cụ thể, trong văn bản có đoạn nêu, sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo UBND Thành phố đã đi kiểm tra thực tế, đã làm việc với ông Đỗ Trọng Bướm - Tổ trưởng tổ dân phố 11 (phường Thủy Xuân, thành phố Huế) và ông này có văn bản tường trình: “Cái lăng không có chủ, bỏ hoang đã lâu năm, thành không còn, cây mọc bao phủ, nấm mộ không còn hiện trạng. Ngay giữa ngôi mộ tàn phế có cây to gốc có đường kính khoảng 50cm. Nhìn bên ngoài cây cối bao phủ không thể phát hiện ra ngôi mộ được”.

Tuy nhiên, trả lời PV VTC News vào sáng 8/7, ông Đỗ Trọng Bướm lại đưa ra những thông tin trái ngược với văn bản UBND thành phố Huế gửi UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Theo đó, ông Bướm khẳng định, dù ngôi mộ có bị đổ nát và bị cây cối che phủ nhưng ở khoảng cách 5 – 7 m vẫn có thể nhìn thấy hình thù ngôi mộ và tường thành của ngôi mộ vẫn còn cao 70 – 80 cm. Phía trước mộ vẫn còn tấm bia có dòng chữ Hán khắc ở giữa.

Ông này cũng cho biết, trong quá trình triển khai dự án, không có cơ quan nào hỏi ông về lăng mộ nêu trên của bà Cửu giai Tài nhân họ Lê (vợ vua Tự Đức).

19830282_1418329348257115_597016021_o

 Thông tin mà ông Đỗ Trọng Bướm cung cấp cho PV có phần khác với thông tin trong văn bản của UBND thành phố Huế. (Ảnh: Nguyễn Vương)

“Tôi có nghe cha ông kể lại, những ngôi mộ có thiết kế hình vuông như vậy thì chỉ người trong hoàng tộc mới có chứ dân thường không có. Khi phát hiện mộ thì người ta nên dừng lại. Tiếc là hôm đó tôi đi làm ruộng, nếu không tôi sẽ ngăn cản không cho họ ủi ngôi mộ đi”, ông Đỗ Trọng Bướm nói.

Còn bà Trần Thị Sưa (75 tuổi, tổ dân phố 11, phường Thủy Xuân – người có mảnh đất được đền bù nằm sát lăng mộ của bà Cửu giai Tài nhân bị san phẳng làm bãi đậu xe) cho biết, lăng mộ của bà Cửu giai Tài nhân họ Lê có hình thù giống như lăng bà Học Phi nhưng có quy mô nhỏ hơn. Bốn bức tường vẫn còn hình thù, nấm mộ gạch có bị đổ vỡ nhưng vẫn còn nhìn thấy rõ.

19840140_1418329521590431_748929077_o 4

 Bà Sưa từng lên cổng ngôi mộ của bà Cửu giai Tài nhân họ Lê để trú mưa. (Ảnh: Nguyễn Vương)

“Chiếc cổng vòm vẫn còn khá nguyên vẹn, khi mưa tôi còn lên đó trú mưa. Ngày họ san ủi tôi có biết, cứ tưởng họ sẽ chừa lại hoặc đền bù rồi nhưng đến sáng hôm sau thì họ đã san phẳng rồi”, bà Sưa thông tin.

Trước đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Huế vẫn một mực khẳng định, trong quá trình kiểm kê, cán bộ của trung tâm đã trực tiếp lên kiểm kê nhưng không phát hiện có ngôi mộ cổ như báo chí nêu.

19840351_1418334788256571_2047073258_o 5

 Sáng 8/7,  lăng mộ của bà Cửu giai Tài nhân đang được tiến hành dựng lêu bằng khung nhôm, quây lưới thép B40 để bảo vệ. Do chính quyền không cho xây dựng mộ tạm bằng xin măng nên Nguyễn Phước tộc đành xếp gạch và đổ cát tạm để bảo vệ. (Ảnh: Nguyễn Vương)

"Cán bộ của trung tâm đã trực tiếp đi thực địa khi tiến hành kiểm kê. Có thể do mộ lâu năm đã tàn lụi, nằm dưới đất nên không biết để kiểm kê. Việc này do trách nhiệm của chủ đầu tư khi thi công phát hiện thì phải phối hợp cùng Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Huế và UBND phường Thủy Xuân để tiến hành xử lý theo quy định", ông Tuấn nói.

Video: Sai phạm ở đâu trong vụ san phẳng mộ vợ vua Tự Đức làm bãi đậu xe?

Liên quan đến văn bản của UBND thành phố Huế gửi UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, ông Tôn Thất Giáp – đại diện Nguyễn Phước tộc tỏ ra bức xúc trước những thông tin văn bản nêu ra. Ông Giáp cũng cho biết, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc dự kiến sẽ có đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng đề nghị làm rõ “hành vi xâm phạm mồ mả” của đơn vị chủ đầu tư dự án.

Nguyễn Vương
Bình luận
vtcnews.vn