"Săn" cỗ Tết trên mạng: Trào lưu nóng của bà nội trợ

Kinh tếThứ Bảy, 15/01/2011 11:08:00 +07:00

"Săn" đặc sản Tết làm quà biếu hay món ăn đặc sắc cho ngày Tết đang trở thành trào lưu nóng của những bà nội trợ.

"Săn" đặc sản Tết làm quà biếu hay món ăn đặc sắc cho ngày Tết đang trở thành trào lưu nóng của những bà nội trợ. Ngay từ đầu tháng 12 âm lịch, nhiều bà nội trợ đã đua nhau đặt cỗ Tết. Các món đặc sản vùng miền được săn tìm bằng mọi cách như: Đặt hàng qua mạng, nhờ người quen, lên miền núi tự mua... để có một mâm cỗ ngày Tết mà món nào cũng là... đặc sản.

Sính đặc sản vùng miền

CƯỚC VẬN CHUYỂN
CHIẾM TỪ 10 - 12%

Chị Vũ Thu Quyên (Học viện Báo chí -Tuyên truyền) là người có kinh nghiệm mua đặc sản Tết cho người thân sau mỗi lần đi công tác xa cho biết: Trong tổng số 12 - 15 triệu đồng đặt mua đặc sản Tết thì cước phí vận chuyển chiếm từ 10-12% số tiền trên. Có mặt hàng đặc sản chiếm 25% (do chuyển bằng đường hàng không) nhưng có hàng đặc sản thì chỉ chiếm 5%. Cũng theo chị Quyên, đối với những công ty có thương hiệu trong việc đặt cỗ Tết thì đặc sản Tết chuyển đến tận nhà người tiêu dùng đều là hàng hoá đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc mua qua mạng thì khó nói trước chất lượng, chỉ khi dùng mới phát hiện có đảm bảo hay không? Theo tìm hiểu của PV, các công ty bán đồ thực phẩm thì cước vận chuyển bằng ô tô, tàu hoả  từ Hà Nội vào TP.HCM và ngược lại  khoảng 100- 150.000 đồng/10kg.

Lâu nay, người dân Hà Nội vẫn chuộng những món ăn truyền thống và những đặc sản của vùng như: Bưởi Diễn, cam Canh, cốm Vòng, giò lụa ước Lễ... Nhưng thờõi gian gần đây, khi điều kiện kinh tế khá giả, nhiều người lại có xu hướng “săn” những đặc sản "hiếm có, khó tìm". Người dân Hà Nội chuyển sang xu hướng "sính" những món đặc sản miền núi như thịt gác bếp Tây Bắc của người Thái đen; thịt chua Thanh Sơn (Phú Thọ); gạo nếp quýt, nếp hương (Sơn La); măng vầu, măng lưỡi lợn Tuyên Quang... Các món đặc sản bình dân của miền Trung, miền Nam như: tôm chua Huế, củ cải chua ngọt miền Tây, mì Quảng, mắm cái (mắm nêm), bánh tổ, bánh thuẫn (TP.HCM), bánh tét, mứt dừa Bến Tre, dừa sáp Trà Vinh, cá sặt đồng bằng Sông Cửu Long...cũng rất được ưa chuộng. Để có được những món đặc sản này trong ngày Tết, nhiều người đã phải nhờ người quen sống ở các vùng miền đặt hàng hộ rồi chuyển theo đường tàu hoả, ô tô, thậm chí là máy bay.

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, nắm bắt nhu cầu mua sắm của người dân Hà Nội, những cửa hàng chuyên bán đặc sản "mọc lên như nấm". Tại cửa hàng “Ngon và lạ” 93 Tuệ Tĩnh, đặc sản thịt chua Thanh Sơn (Phú Thọ), bánh tẻ làng Phụng Công (Hưng Yên), măng nứa Lục Yên, tôm chua Huế, gạo Cần Đước- Long An được bán rất chạy. Chị Hương nhân viên cửa hàng cho biết: "Thông thường, từ giữa tháng 12 âm, lượng người tìm đến mua hàng, đặt hàng rất đông. Còn ngày thường, cũng đã có nhiều người vẫn dùng những món đặc sản vùng miền. Măng nứa và gạo là hai mặt hàng bán chạy nhất những ngày giáp Tết".

Chị Hà Thuỳ Ly, chủ cửa hàng chuyên bán gà đồi Thanh Hoá (134 Thổ Quan) cho biết: "Ngày thường cửa hàng bán từ 100-150 con, những ngày giáp Tết ngoài bán ra còn nhiều người đến đặt gà Tết. Đến nay, số lượng khách hàng đặt đã là gần 1.000 con. Có gia đình đặt cả chục con và yêu cầu làm gà cánh tiên để đi lễ (3 con)". Theo tìm hiểu của PV, cửa hàng nhận giao hàng tận nhà (trong nội thành Hà Nội) chỉ trong vòng 6 giờ khi nhận đơn hàng và thanh toán trực tiếp với người giao hàng, giá dao động từ 135-145.000 đồng/kg.

Lên mạng “đặt cỗ”

Muốn có đặc sản của vùng, miền nào ăn Tết các bà nội trợ chỉ cần lên mạng click chuột. Năm nay, xu hướng đặt hàng đặc sản quê đang thu hút nhiều bà nội trợ. Chị Nguyễn Thu Hằng (nhân viên, ngân hàng ABC) cho biết: Thời gian giáp Tết, công việc bận tối mắt tối mũi, chị không có nhiều thời gian để mua sắm Tết. Cứ gần Tết là lên mạng "đặt cỗ". Bất kỳ đặc sản nào cũng có lại không mất công đi chọn. Mặt hàng nào ngon thì đã có nhiều người đã dùng thử và có phản hồi trên diễn đàn nên không lo mua phải đặc sản...rởm.

Một mâm cỗ Tết của người miền Bắc.

Dạo quanh các chợ trên mạng như: muare, sieuthitainha, vatgia các bà nội trợ có thể dễ dàng đặt mua được những món đồ phục vụ cho ngày Tết. Điều dễ nhận thấy nhất là các gian hàng đặc sản quê luôn hút khách. Tại các gian hàng đặc sản truyền thống có đầy đủ món ăn của từng vùng: Bắc, Trung, Nam. Chỉ cần nhấp chuột là những hình ảnh, giá cả của món đặc sản được rao bán rất hấp dẫn. Dạo qua chợ "muare" những thông tin về đặc sản miền Tây và miền Nam, rất phong phú khó có thể kể hết như tôm khô Cà Mau, bánh phồng tôm An Giang, bánh tráng Củ Chi, lạp xường tươi Gò Công, bánh pía Sóc Trăng... và bánh tét miền Nam. Một số đặc sản vùng miền khác như nếp quýt Hải Hậu, giò lụa, giò lưỡi, giò bò ước Lễ, thịt lợn nấu đông, mứt sen trần Hưng Yên, cam xã Đoài (Nghệ An)... cũng được quảng cáo bán.

 Trên các chợ điện tử, mặt hàng hạt dưa, bưởi Diễn, cam Canh, măng rừng, mộc nhĩ rừng, thịt lợn lửng, thịt trâu, thịt bò gác bếp, rượu cần, cơm lam... được rất nhiều người order (đơn đặt hàng). Nhân viên của chợ sieuthitainha cho hay, chợ dành riêng một gian hàng cho các loại đặc sản vùng miền. Hiện tại, lượng đặt hàng qua mạng khá lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp, số lượng đơn hàng đã lên tới con số 300 với khoảng 3.000 giỏ quà là các loại đặc sản khô. Phần lớn người đặt hàng đều "sành đặc sản" nên các sản phẩm càng lạ, càng độc thì càng được nhiều người đặt hàng. Có lẽ cũng chính vì thế mà đặc sản quê cháy hàng dịp Tết.         

Theo Đời sống và pháp luật  

“Chung sức vì đồng bào nghèo cả nước” - Ủng hộ đồng bào nghèo cả nước qua cổng thông tin 1400.

Nhắn tin theo cú pháp UHgửi 1409 của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực vì đồng bào nghèo cả nước.

Bình luận
vtcnews.vn