Sám hối muộn màng của kẻ thiêu sống vợ vì ghen

Pháp luậtThứ Sáu, 23/04/2010 01:53:00 +07:00

Cái lần tận mắt chứng kiến vợ đang nằm trong tay người đàn ông khác âu yếm và tình tứ thì Tùng gần như sụp đổ, và tự ái của một người đàn ông bị tổn thương...

Vợ chết, chồng vào tù, đứa con nhỏ bơ vơ. Một cái kết buồn cho một gia đình đã từng hạnh phúc. Tội lỗi của người lớn nhưng bất hạnh thuộc về con trẻ. Ở đâu đó trong trại giam, có một người chồng, người cha mỗi ngày trôi qua đều không ngừng sám hối.

Sai lầm một phút, cay đắng cả đời

Gặp phạm nhân Võ Ngọc Tùng (quê phường Bình Thuận, quận 7, TP.HCM) trong trại giam Thủ Đức, gương mặt hiền lành, chân chất, thật khó hình dung 9 năm về trước, Võ Ngọc Tùng đã phạm phải tội ác dã man. Trong cơn điên cuồng ghen tuông vì phát hiện vợ ngoại tình, Võ Ngọc Tùng đã mua xăng về thiêu sống vợ. Dù được đi cấp cứu ngay sau đó, nhưng do bị bỏng quá nặng, vợ Tùng đã không qua khỏi. Cái giá mà Tùng phải trả cho tội ác đó là mức án 15 năm tù giam và một gia đình tan nát. Gần 10 năm trôi qua, phạm nhân này vẫn chưa thôi ám ảnh về những tội lỗi mình gây ra.

Trước khi vụ án xảy ra Tùng cũng có một gia đình hạnh phúc với vợ và đứa con nhỏ mới chào đời. Nhưng cái nghèo đeo bám dai dẳng đã khiến hôn nhân của vợ chồng Võ Ngọc Tùng rạn vỡ và cuối cùng kết thúc bằng một thảm kịch với gia đình. Hai vợ chồng lấy nhau cả gia đình hai bên đều phản đối dữ dội. Mẹ Tùng phản đối vì biết vợ Tùng là tiếp viên nhà hàng, cái nghề mà bà cho là thiếu đứng đắn, lấy về rồi sẽ lại quen đường cũ, không thể trở thành một người vợ tử tế đàng hoàng được. Gia đình bên vợ cũng không chấp nhận Võ Ngọc Tùng vì Tùng thất học, làm nghề lao động tay chân, thu nhập bấp bênh. Nhưng họ đã vượt qua tất cả, quyết tâm yêu nhau rồi nên vợ nên chồng.

“Thời gian đầu cuộc sống vợ chồng tôi rất hạnh phúc. Tuy phải đi thuê nhà, nhưng bữa cơm nào cả hai cũng rân ran cười nói. Tôi đi làm thuê, kiếm đồng tiền thấy vất vả vô cùng, nhưng không bao giờ cảm thấy mệt mỏi, vì lúc nào cũng chỉ nghĩ đến làm những điều tốt nhất có thể cho vợ. Khi đứa con gái ra đời, hạnh phúc những tưởng đã thực sự mỉm cười thì vợ tôi bắt đầu thay đổi. Ngày còn làm tiếp viên, vì xinh đẹp và khéo ăn khéo nói, nên vợ tôi được nhiều khách hàng ưu ái. Khi đó kiếm đồng tiền với cô ấy không hề khó. Vợ tôi quen ăn sung mặc sướng rồi, nên khi tôi không còn khả năng kiếm tiền đảm bảo cuộc sống gia đình nữa thì vợ tôi bắt đầu thay đổi” – Tùng nhớ lại.

Ban đầu là những cáu giận vô cớ. Dần dần, vợ Tùng lén lút đi lại với một người làm xây dựng ở gần nhà. Lợi dụng những lúc Tùng đi làm ăn xa, vợ Tùng thường qua lại với người đàn ông đó. Hàng xóm xì xào, người trong khu trọ cũng tìm cách bóng gió cho Tùng biết chuyện, nhưng khi đó Võ Ngọc Tùng không tin, vì Tùng nghĩ mình đã cố gắng hết sức vì gia đình, dù có thể chưa thật tốt, nhưng cũng không thể bị vợ chán ghét và phản bội. Thế nên cái lần tận mắt chứng kiến vợ đang nằm trong tay người đàn ông khác âu yếm và tình tứ thì Võ Ngọc Tùng gần như sụp đổ.

Tự ái của một người đàn ông bị tổn thương, nhưng tình yêu mãnh liệt đã giúp Tùng dẹp tự ái đó qua một bên: “Biết chuyện vợ làm, tôi đã ra sức khuyên can cô ấy, hy vọng vợ tôi sẽ vì tôi, vì đứa con nhỏ, vì hạnh phúc của gia đình mà nghĩ lại. Nhưng cô ấy vẫn quyết đâm dẫm đạp lên tất cả. Từ chỗ lén lút, vợ tôi công khai bồ bịch, công khai làm tổn thương tôi. Buổi tối, cô ấy bỏ mặc tôi và con ở nhà, đi chơi một mạch đến tận sáng. Đêm trước ngày sự việc xảy ra, vợ tôi cũng đi như vậy. Sáng hôm đó, vì tuyệt vọng và đau đớn, tôi đã có một hành động nông nổi nhất đời mình. Tôi đi mua 2 nghìn đồng tiền xăng mang về. Tôi thấy vợ đang nằm đong đưa trên võng, tôi đổ xăng vào người vợ và châm lửa đốt. Đến tận lúc đó tôi vẫn yêu và sợ mất vợ. Lúc đó chỉ nghĩ làm vợ bị bỏng, thân thể xấu xí đi, thì cô ấy sẽ không còn cơ hội bồ bịch nữa. Chúng tôi vẫn sẽ là một gia đình hạnh phúc. Khi thấy lửa vừa bén lên quần áo, tôi đã lấy chăn dập lửa nhưng việc đó không dễ như tôi tưởng. Tôi chỉ mua 2 nghìn xăng, nhưng không ngờ chỉ bấy nhiêu đó thôi là đủ khiến tôi hại chết vợ mình. Đến lúc dập lửa xong thì quần áo vợ tôi đã cháy gần hết, bám chặt vào người cô ấy. Tôi hoảng hốt bế vợ đi viện cấp cứu, nhưng vết bỏng nặng quá, vợ tôi đã chết mà chẳng kịp trăn trối lại điều gì”.

Lời sám hối của người cha phạm tội

Suốt hơn nửa năm nằm trong trại tạm giam, mỗi ngày qua đi Võ Văn Tùng đều không ngừng dày vò về những chuyện mà mình đã gây ra. Trong ân hận muộn màng, người đàn ông phạm tội thiêu chết vợ ấy mới ý thức được tội ác của mình do cơn ghen điên loạn. Đứa con gái nhỏ của hai vợ chồng Tùng là người chịu nhiều bất hạnh nhất trong câu chuyện buồn này. Mẹ chết, bố đi tù, cháu phải về sống với bà nội, chịu đủ sự thiệt thòi do thiếu sự chăm sóc và tình yêu thương của cha mẹ. Tùng kể: “Tôi đi từ lúc nó còn bé. Nên có những lần lên thăm, nó gần như không nhớ mặt cha. Vợ tôi thì nó chỉ nhìn và biết mặt qua những tấm ảnh, nhưng gia đình cũng tránh nhắc lại chuyện quá khứ, con tôi vì thế mà gần như không biết gì nhiều về bố mẹ mình”.

Những ngày đầu mới vào trại giam Thủ Đức, Tùng bị cả gia đình hai bên nội ngoại quay lưng. Nhưng rồi thời gian và sự ân hận thật lòng của Tùng đã khiến những nỗi giận nguôi ngoai. Sau việc Tùng đã gây ra, hai bà thông gia vẫn đi lại, hỏi han nhau và tránh nhắc lại câu chuyện buồn trong quá khứ. Những đồng tiền gửi lên cho Tùng sinh hoạt hàng tháng cũng là do cả hai bà mẹ già chắt chiu, tằn tiện dành được. Ngày mẹ vợ lên thăm Tùng tại trạm giam, vừa nhìn thấy bà, Tùng đã khóc, quỳ xuống trước mặt bà và không ngừng xin lỗi. Những giọt nước mắt  ân hận và xót xa trên gương mặt người con rể tù tội cũng khiến mẹ vợ Tùng không cầm được nước mắt. Hơn ai hết, bà hiểu trong câu chuyện đó cũng có một phần lỗi do con gái mình. Đau đớn vì mất con, nhưng bà vẫn tin, việc con rể mình giết vợ không phải là cố ý. Sau những oán giận ban đầu, nỗi đau mất con dần nguôi ngoai. Thương xót đứa cháu ngoại côi cút cùng đứa con rể tù tội, bà nén lại những đau đớn, ấm ức của mình, lặn lội lên trại giam gặp Tùng, cốt để động viên Tùng cố gắng cải tạo, sớm trở về bù đắp cho con gái. Võ Ngọc Tùng kể: “Lúc biết được má đã tha thứ cho tôi, tôi vừa mừng vừa tủi. Càng thương má bao nhiêu lại càng giận mình bấy nhiêu. Nhưng có sự tha thứ của má, tôi có thêm động lực và hy vọng để phấn đấu”.

Ngày Võ Ngọc Tùng bị bắt, con gái Tùng mới được vài tuổi. Nhắc đến con gái, người cha phạm tội ứa nước mắt vì thương con: “Hai ba con tôi hợp nhau lắm. Hồi bé ở nhà nó thích chơi trò cưỡi ngựa, tối nào tôi cũng làm ngựa cho nó cưỡi một lúc thì nó mới chịu đi ngủ. Lúc nó ngủ, nó bắt tôi phải gãi lưng, phải hát ru ngủ, và không cho ba rời ra đi đâu nửa bước. Thức giấc mà không thấy ba bên cạnh kiểu gì nó cũng khóc. Thời gian hai vợ chồng tôi mâu thuẫn, đêm nào cũng chỉ có hai ba con nằm ngủ với nhau. Lúc đầu nó còn hỏi má đi đâu hả ba. Dần dần nó quen, không hỏi nữa, chỉ rúc đầu vào ngực ba ngủ ngon lành. Những đêm ôm con ngủ và mong ngóng vợ về, đến chết tôi cũng không bao giờ quên. Có lần buồn chuyện vợ chồng, tôi đưa con ra quán bia ngồi. Thấy tôi uống một mình, con gái tôi nói “Ba ơi ba buồn à, con uống cùng ba cho ba khỏi buồn nghen”. Lúc đó tôi đã ngà ngà say, nghe con nói thế cũng cho nó uống thiệt. Ai dè nó uống một ngụm rồi say luôn. Tôi cõng nó về nhà. Cả hai ba con đều say, vừa đi vừa hát om xòm. Giờ nghĩ lại thấy chẳng ông bố nào tệ như tôi, dám cho con uống rượu bia cùng”.

Lúc vụ án xảy ra, con gái Tùng còn nhỏ, cháu không hề cảm nhận được những đau đớn mình phải chịu. Vì thế, trong ký ức của cháu không hề có một chút mảy may thù ghét bố. Mỗi lần được bà nội, bà ngoại đưa lên thăm bố, nó đều tíu tít như một con sẻ non. Võ Ngọc Tùng bảo, hạnh phúc lớn nhất của mình trong những năm tháng ở tù là chờ đợi những ngày được gặp con. Những ngày đó, sau một buổi tối tíu tít trò chuyện, Tùng lại làm ngựa cho con cưỡi trước khi đi ngủ, lại ôm đứa con gái nhỏ bé của mình vào lòng và dỗ dành cho con một giấc ngủ bình yên. Đó là những giây phút yên bình và thanh thản nhất trong những năm tháng lao tù mà Võ Ngọc Tùng đang phải trải qua, là sức mạnh giúp Tùng có thêm nghị lực để hướng đến tương lai. Chỉ còn hơn 1 năm nữa là mãn hạn tù, Tùng nói ngày trở về, Tùng sẽ đưa con gái đến thăm mộ vợ, để nói một lời xin lỗi, để mong mỏi một lời tha thứ. Chăm sóc đứa con gái thiệt thòi thật chu đáo, đó là cách người đàn ông lầm lỡ này chọn để chuộc lại sai lầm của mình.






Theo Cảnh sát toàn cầu
Bình luận
vtcnews.vn