Sách thật chịu lép vế trong cuộc chiến với sách lậu

Tổng hợpChủ Nhật, 28/11/2010 09:12:00 +07:00

(VTC News) - Những người làm sách giả không cần quan tâm đến tiền tác quyền, nộp thuế… mà chỉ tập trung vào một việc duy nhất là “luộc sách".

(VTC News) - Ông Nguyễn Kiểm – Cục trưởng Cục Xuất bản – Bộ TT&TT nhận định, quan niệm sách giả nghĩa là in xấu, là chất lượng thấp hiện nay không còn chính xác. Những người làm sách giả không cần quan tâm đến tiền tác quyền, nộp thuế…  mà chỉ tập trung vào một việc duy nhất mà người trong nghề gọi là “luộc sách”.

Đúng 9h sáng Chủ nhật (28/11), Kênh VTC2 - Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC phối hợp với Báo điện tử VTC News và một số báo, trang tin điện tử khác tổ chức buổi đối thoại “Nhân vật - Sự kiện Thông tin & Truyền thông” tháng 11 với chủ đề: “Vấn nạn sách giả - Câu chuyện chưa có hồi kết”, bàn thảo vấn đề nhức nhối tồn tại nhiều năm qua trên thị trường xuất bản trong nước.

Buổi đối thoại được tường thuật trực tiếp trên Kênh VTC2 và VTC HD9 của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, đồng thời tiến hành trực tuyến trên Báo điện tử VTC News, VietNamNet, VnMedia và Trang tin điện tử ICT News của Báo Bưu điện Việt Nam, Trang tin điện tử MIC của Bộ Thông tin & Truyền thông.

Việt Nam đã tham gia công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật từ năm 2004. Tuy nhiên, trong khi các nhà xuất bản đang nỗ lực tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về bản quyền thì sách giả vẫn tràn ngập ngoài thị trường.

Ông Nguyễn Kiểm – Cục trưởng Cục Xuất bản – Bộ TT&TT, TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Giám đốc Công ty CP Sách Thái Hà, Nhà văn trẻ Nguyễn Diệu Linh (bút danh Di Li) và BTV Ngọc Hân của Kênh VTC2 Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.  

Hậu quả của vấn nạn này thật khó liệt kê ra hết. Các doanh nghiệp xuất bản đối mặt với bài toán thua lỗ khi đã đầu tư rất nhiều chi phí cho giao dịch bản quyền, cho dịch thuật, cho tác giả, cho biên tập và in ấn. Nhiều tác giả cảm thấy bị xúc phạm khi nhìn thấy những đứa con tinh thần bị sao chép một cách thô bạo. Còn người tiêu dùng thì phải đối mặt với ma hồn trận, khó có thể phân biệt được hàng thật, hàng giả, nhiều trường hợp mua phải xuất bản phẩm với nội dung sai lệch, chất lượng thấp.

Vấn nạn sách giả, sách lậu là quan tâm chung của mọi người dân khi Việt Nam đang nỗ lực vươn tới một xã hội tri thức. Nó cũng trở thành câu chuyện mở đầu từ lâu qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn chưa đi đến hồi kết. Chương trình Nhân vật Sự kiện Thông tin và Truyền thông số tháng 11 này sẽ giải đáp những thắc mắc của quý vị khán giả về lý do vấn nạn sách giả vẫn chưa được xử lý triệt để; cách để phân biệt sách thật, sách giả trên thị trường; và ảnh hưởng của vấn nạn này tới người đọc cũng như tương lai văn hóa đọc tại Việt Nam.

Để giải đáp những vấn đề này, chương trình đã mời 3 vị khách là những chuyên gia uy tín trong ngành xuất bản cũng như một nữ tác giả được nhiều bạn đọc quý mến:

- Ông Nguyễn Kiểm – Cục trưởng Cục Xuất bản – Bộ TT&TT

- TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Giám đốc Công ty CP Sách Thái Hà.

- Nhà văn trẻ Nguyễn Diệu Linh (bút danh Di Li).

Dưới đây là nội dung buổi đối thoại:

- Chúng ta sẽ đến với câu hỏi rất thẳng thắn dành cho vị khách mời hiện đang đứng đầu cục quản lý về xuất bản của Việt Nam. Thưa ông Nguyễn Kiểm, ông có đánh giá như thế nào về tình trạng sách giả tràn ngập thị trường? Chúng ta đang không quản lý được thị trường sách hay phải chăng có những lí do khách quan gì khác, thưa ông?

-
Ông Nguyễn Kiểm  – Cục trưởng Cục Xuất bản – Bộ TT&TT: Tôi nghĩ là đây là một bức xúc lớn của ngành xuất bản, của những người viết, những người yêu văn hóa đọc. Tuy đã có sự nỗ lực giải quyết của cơ quan, cá nhân, nhà sách, hiệp hội xuất bản việt nam nhưng vấn nạn này chưa đượcc giải quyết hiệu quả

Nguyên nhân là do công tác quản lý chưa tìm được tiếng nói chung vì chưa có cơ quan riêng biệt nào có thể làm việc này. Trong đó phải kể tới Cục Xuất bản, các cơ quan thanh tra kiểm tra, quản lý thị trường... đặc biệt là vai trò của quản lý thị trường cơ sở. Thực tế, sự phối hợp của các cơ quan, trách nhiệm cụ thể chưa được rõ ràng.

Thời gian gần đây, vấn đề này đã được quan tâm nhiều hơn và có sự quy trách nhiệm rõ ràng. Hiện nay, nơi nào xẩy ra in lậu, công an phường đó phải chịu trách nhiệm.

Ông Nguyễn Kiểm: "Vấn nạn sách giả là bức xúc lớn của ngành xuất bản,
của những người viết, những người yêu văn hóa đọc".
 

- Còn thưa ông Nguyễn Mạnh Hùng, chính ông cũng từng tự làm những khảo sát nho nhỏ với độc giả về hiện trạng mua bán sách thật, sách giả. Ông có thể chia sẻ một vài chi tiết thú vị trong cuộc khảo sát này không? 

- Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Giám đốc Công ty CP Sách Thái Hà: Thực tế cho thấy chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, đã rất nhiều sách bị làm giả. Nguyên nhân thứ nhất là vì kinh tế, đánh vào lòng tham, tham rẻ của người tiêu dùng. Nhà in sách lậu mong làm giàu nhanh. Sách là tri thức. Sách lậu chính gây tác hại, bóp méo nền tri thức của đất nước. 

- Một câu hỏi rất thú vị của khán giả Nguyễn Ngọc Hiền, địa chỉ email

[email protected], gửi cho Nhà văn Nguyễn Diệu Linh (bút danh Di Li): “Chị Di Li ơi, là nhà văn, có lẽ ai cũng mong muốn sách của mình được nhiều người tìm đọc. Nhưng trái khoáy là một trong những công cụ để đo đếm độ hot của sách ở Việt Nam, chính là việc nó có bị làm giả hay không? Chị nghĩ sao nếu sách của mình “được” chọn in lậu nhiều?

- Nhà văn Nguyễn Diệu Linh (bút danh Di Li): Đúng là hiện nay chúng ta đang phổ biến tâm lý đó nhưng 1 người bạn hân hoán báo Trại hoa đỏ được in lậu, nhưng tôi đành phải cười nhưng cái cười đó là buồn nhiều hơn là vui.

- Xin được hỏi nhà văn Di Li thêm 1 câu hỏi nữa. Cuốn sách nào của chị bị làm giả và in lậu nhiều nhất tính đến thời điểm này?

- Nhà văn Di Li: Có lẽ in lậu nhiều nhất là tiểu thuyết Trại hoa đỏ và chính tay tôi là người đi mua cuốn này tại một sạp sách vỉa hè trên đườngTrần Quốc Hoàn, in giá bìa là 92.000 đồng nhưng người bán phát giá 42.000 đồng và tất nhiên, họ không biết tôi là tác giả. Tôi mặc cả 30.000 đồng nhưng anh này không đồng ý nhưng rồi cũng đồng ý bán cho tôi 35.000 đồng. Đây là một kỷ niệm buồn và khá hài hước. Sau đó, tôi còn lên mạng, tận mắt đọc được những quảng cáo sách Trại hoa đỏ bản fake in đẹp tràn lan trên mạng.

- Xin được hỏi ông Nguyễn Kiểm, so với nhiều quốc gia khác thì tình trạng sách giả ở Việt Nam ở mức báo động như thế nào?

- Ông Nguyễn Kiểm: Có thể nói là so với khu vực Đông Nam Á, so với Singapore và Indonesia thì nước ta đáng ở mức báo động đỏ về sách giả, sách lậu. Những nước khác vẫn có nhưng không công khai, không diễn ra ở mức độ cao như nước ta.

Việc chống sách lậu phải bắt đầu kiểm soát từ các cơ quan khác nhau, chúng ta phải phối hợp rất nhiều để chặn việc làm giàu bất chính qua hoạt động in lậu. Tôi xin nhấn mạnh, ngành in nên quan tâm đến các cơ sở in, đó là nơi, nguồn gốc để làm sách giả sách lậu.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng bức xúc: "Thực tế cho thấy chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, đã rất nhiều sách bị làm giả". 

- Câu hỏi của độc giả Huỳnh Mai Ca ở quận 7, Tp.HCM: “Khi cầm những cuốn sách ngoại văn tôi rất thích. Những cuốn sách này làm bằng chất liệu giấy có kích thước nhẹ, trang sách màu vàng nhạt dịu mắt. Nhiều cuốn có bìa dập chữ nổi rất nghệ thuật. Còn sách ở ta, cả sách thật lẫn sách giả đều có một nhược điểm chung là giấy trắng lóa, khó đọc, và cầm nặng tay. Tại sao chúng ta chưa sử dụng công nghệ in ấn và nguyên liệu giống nước ngoài như vậy? Tôi nghĩ công nghệ đó sẽ gây khó dễ cho sách giả nếu muốn bắt chước sách thật!”

- Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Sách ngoại văn nhẹ, mùi thơm, chất lượng giấy tốt, màu nâu. Những loại giấy này phải nhập khẩu, giá thành cao, và khó bán. Hiện đang làm việc với các nhà máy giấy ở Việt Nam để tăng chất lượng giấy. Các nhà máy tìm cách giảm chi phí, tăng chất lượng để giảm giá thành sách thì đó là may mắn cho thị trường sách Việt Nam.


- Thưa ông Nguyễn Kiểm, vừa qua, lực lượng chức năng chỉ tìm thấy vẻn vẹn 5 cuốn sách giả “Biểu tượng thất truyền”, và số tiền phạt tính trên giá bìa nhân với 5 là gần 1 triệu đồng. 1 triệu đồng tiền phạt với vụ việc vi phạm nghiêm trọng như vậy, phải chăng là quá nhẹ, thưa ông?


- Ông Nguyễn Kiểm: Xử cái gì cũng phải theo luật, kinh doanh trái phép với sách không bản quyền nó nằm trong khung như vậy. Chúng tôi đang đề nghị sửa đổi, nhưng muốn sửa đổi phải sửa đổi pháp lệnh xử phạt hành chính, nâng mức vi phạm cao hơn.

- Quả thật là nếu không có sự phân tích của ông Nguyễn Mạnh Hùng thì rất khó phân biệt. Chị Di Li, nếu độc giả Di Li đi mua sách, chị có cách nào phân biệt sách thật, sách giả giúp cho họ hay không?

- Nhà văn Di Li: Nhiều người nói với tôi là sách giả còn hình thức đẹp hơn nhưng tôi không tin và tôi nhìn thấy có thể nhận ra ngay vì hình thức không được các chủ in lậu chú ý và sách giả hoàn toàn phản cảm và không khó để phân biệt như ông Hùng đã đưa ra từ ví dụ trên.

- Được biết, ngoài những công việc như viết văn, dịch thuật, làm PR, chị còn là một giảng viên ngoại ngữ. Chúng ta thử đặt ra một tình huống, là sinh viên của chị thường xuyên mua sách photo hoặc giáo trình in lậu để giảm thiểu chi phí. Chị sẽ nói với các em như thế nào?

- Nhà văn Di Li: Tôi nhớ có một kỳ niệm sinh viên của tôi ở trường văn hóa biết "Trại hoa đỏ" đã được in lậu và tỏ ra hân hoan vì giá hợp túi tiền. Nhưng tôi nói với các em một điều rằng, cách đây hơn 2 thập kỷ chúng ta phải đọc nhưng cuốn sách có giấy in nhòe vì lúc đó còn thiếu thốn nhưng sau 2 thập kỷ chúng ta có một cuốn sách đẹp, chúng thể hiện sự văn minh, một cuốn sách đẹp tạo cho chúng ta cảm hứng muốn đọc.

Chỉ vì một khoản tiền không biết lớn hay nhỏ để lựa chọn đọc sách giả thì thật là đáng tiếc. Vì đọc sách là hành vi văn minh, do đó, nếu đã chọn sự văn minh thì nên cố đi tiếp chọn sách thật để thể hiện trọn vẹn là một người văn minh.

Các PV, BTV tại khu trực tuyến cùng độc giả giao lưu trực tuyến với khách mời 

- Một khán giả khác đến từ Đà Nẵng tại địa chỉ email: [email protected] có hỏi ông Nguyễn Mạnh Hùng: “Cháu được biết, chú Nguyễn Mạnh Hùng có thời gian học tập tại nước ngoài rất dài. Vậy ở nước ngoài, người ta giải quyết tình trạng sách giả thế nào?”

- Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Ở những nước tiên tiến không thấy có sách giả. Họ có dân trí cao, không hạ giá nhân phẩm của mình bằng việc tiếp tay cho phạm pháp. 

- Khán giả Lê Thu Nga ở quận Lê Chân, Hải Phòng có hỏi: “Tôi thường mặc định rằng sách thật có tem chống hàng giả, bán theo giá bìa, còn sách giả luôn chiết khấu cao, giá rẻ. Nhưng hiện nay có thực tế là tem chống hàng giả cũng bị làm giả, và sách giả còn in đẹp hơn, giá bán cao hơn sách thật. Tại sao lại có câu chuyện ngược đời như vậy, thưa ông Nguyễn Kiểm?”. Một câu hỏi khác từ độc giả Minh Anh ở địa chỉ email [email protected]: “Khi phát hiện ra các điểm bán sách giả, tôi có thể báo cho ai?”.

- Ông Nguyễn Kiểm: Nói rằng trên thị trường, sách giả đẹp hơn và đắt hơn thì tôi chưa nhìn thấy, tôi đã đi dọc phố Láng Hạ, đường Láng, Lê Văn Lương kéo dài, tôi nhìn thấy sách giả đều in xấu hơn.

Giá sách giả đắt hơn? Đó chỉ là những chiêu lừa, họ phải nâng giá sách giả lên cao, trừ cho bạn triết khấu cao để tạo cho bạn tâm lý mua được sách giá rẻ. Chúng ta có thói quen, mua hàng hóa thông thường, trao đổi thương mại dân gian đem vào mua sách, mua sách vẫn mặc cả. Điều đó đánh vào tâm lý người tiêu dùng.

Khi gặp sách giả, bạn gọi cho thanh tra các tỉnh, tôi không thể cung cấp được ngay 63 tỉnh thành, nhưng bạn có thể gọi đến đội quản lý thị trường mà bạn biết gần nhất. Nếu báo về TW, bạn gọi số 04.38254031, chúng tôi sẽ tiếp nhận thông tin và xử lý.

Nhà văn Di Li: "Khi biết sách của mình bị in lậu, tôi đành phải cười nhưng
cái cười đó buồn nhiều hơn vui".
 

-  Tiếp theo, một câu hỏi của khán giả Lê Thanh Quế đến từ quận Hải Châu, Đà Nẵng gửi tới ông Nguyễn Kiểm: “Tôi biết những phố sách với tràn ngập các loại sách giả. Nhưng tôi lại hoàn toàn không biết vì sao đến giờ những phố sách như vậy vẫn tồn tại. Phải chăng, các cuộc thanh tra của cơ quan chức năng phần nhiều chỉ là hình thức?”. Câu hỏi này, có lẽ xin được mời ông Nguyễn Kiểm.


- Ông Nguyễn Kiểm: Tôi cũng chia sẻ với búc xúc của các bạn, chúng ta xử cái gì cũng căn cứ vào luật pháp, vào chức năng nhiệm vụ của cơ quan, một mặt chúng ta muốn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nên bỏ nhiều giấy phép, tới nay bỏ thủ tục cấp giấy phép mở cửa hàng kinh doanh sách, nên nhiều cửa hàng ra đời, cạnh tranh khốc liệt nên họ phải tìm cách để tồn tại.

Dường như nói đến phố sách là người ta nói đến tỷ lệ chiết khấu cao, là sách giảm giá. Sách giả đang biến những con phố tiêu biểu của văn hóa đọc, trở thành hiện thân của nạn ăn cắp sản phẩm trí tuệ.

Chỉ có cơ quan cấp mới được quyết rút giấy phép kinh doanh nên quản lý địa bàn, quản lý thị trường chuyên ngành cần bám sát, phối hợp để có các biện pháp mạnh tay hơn trong khi biện pháp xử phạt hành chính chưa đem lại hiệu quả.

- Một khán giả ở huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, tại địa chỉ [email protected] có một câu hỏi dành cho Ông Nguyễn Mạnh Hùng: “Đã bao giờ ông Hùng và lãnh đạo công ty của ông phải có một cuộc thương lượng trực tiếp để các đầu nậu “nương tay” chưa?”

- Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Các cơ quan chức năng đã tìm mọi cách nhưng chưa phát hiện tận gốc các đầu nậu phát hành lậu sách. Nhiều nhà sách thậm chí tỏ ra bất lực, và "buông tay" trước sách lậu. Chúng tôi đã tổ chức tọa đạm về sách lậu, có lẽ phải tập trung vào ý thức người dân, để họ biết là họ bị móc túi mà không biết. Người làm sách lậu cũng cần nhận thức rằng họ đang làm hại đất nước.

- Cuộc chiến chống sách lậu chắc chắn vẫn chưa đi đến hồi kết. Được biết, hàng năm, Cục Xuất bản liên tục phối hợp với các Bộ ngành khác thành lập Đoàn thanh tra liên ngành để thực hiện những chiến dịch truy quét sách giả quy mô lớn. Liệu bao nhiêu năm nữa, chúng ta có thể gặp lại nhau và lạc quan rằng sách giả đã hết thời, thưa ông?

- Ông Nguyễn Kiểm: Thực hiện thông tư 16 của Chính phủ, các Bộ ban ngành đã phối hợp thành lập đoàn thanh tra liên ngành vào tháng 1/2010 và liên tục thực hiện nhiều chiến dịch truy quét và cho đến nay vẫn chưa có hồi kết thúc. Đoàn đã tiến hành được 12 vụ kiểm tra ở 12 cơ sở khác nhau, xử lý được 3 vụ, khởi tố hình sự 1 vụ. Tôi hi vọng trong 1 thời gian có thể đẩy lùi được vấn nạn này.

Quan niệm sách giả nghĩa là in xấu, là chất lượng thấp hiện nay không còn chính xác. Những người làm sách giả không cần quan tâm đến tiền tác quyền, nộp thuế…  mà chỉ tập trung vào một việc duy nhất, người trong nghề gọi là “luộc sách”. Họ có cơ hội đầu tư vào  hệ thống máy, mực in, công nghệ… Điều này giải đáp cho thắc mắc của một số độc giả khi mua được sách, với tỷ lệ chiết khấu lên tới 50, 60%.

* Do thời lượng chương trình có hạn, buổi đối thoại không thể giải đáp hết tất cả thắc mắc của khán giả và độc giả VTC. Độc giả nào còn có câu hỏi xin gửi về email [email protected] để chúng tôi chuyển đến các vị khách mời trả lời trong thời gian sớm nhất.

VTC News
Bình luận
vtcnews.vn