S-Fone đơn phương 'thải' nhân viên: Vi phạm luật?

Kinh tếChủ Nhật, 22/07/2012 03:11:00 +07:00

Giới luật sư cho rằng, việc S-Fone đơn phương chấm dứt hợp đồng không những vô trách nhiệm với người lao động mà còn vi phạm luật.

Giới luật sư cho rằng, việc S-Fone đơn phương chấm dứt hợp đồng, nợ lương, chế độ, bảo hiểm của người lao động (dù đã đưa ra lộ trình chi trả mới đây) không những vô trách nhiệm với người lao động mà còn vi phạm luật. Còn phía bảo hiểm cho biết tiền phạt nợ đọng bảo hiểm của SPT sẽ khá lớn. 


Trong lúc tìm nguồn vốn đầu tư để thay máu công nghệ và ổn định mô hình kinh doanh mới, Công ty CP Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT), đơn vị chủ quản mạng S-Fone, từng bước ngừng hợp đồng lao động và đi đến chấm dứt hợp đồng với toàn bộ nhân viên kể từ 11/6.

Ngoài việc đơn phương chấm dứt hợp đồng, công ty công ty còn chưa thanh toán lương, chế độ trong hai tháng cuối trước khi kết thúc hợp đồng và chưa đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc từ đầu năm 2011 đến nay cho người lao động. Người lao động cũng không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. 
Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Sĩ Hóa, Tổng giám đốc Công ty CP Bưu chính Viễn thông Sài Gòn, cơ quan chủ quản S-Fone xác nhận, số tiền công ty nợ người lao động hiện lên đến 43 tỷ đồng, trong đó nợ bảo hiểm xã hội là hơn 19 tỷ đồng.
Tại buổi hòa giải giữa SPT và người lao động, SPT cam kết 6 tháng tới sẽ trả hết tiền lương còn thiếu, chế độ phụ cấp, hỗ trợ mất việc... cho các cựu nhân viên. Ước tính số tiền này là trên 20 tỷ đồng.

Song song quá trình đó, SPT sẽ trả bảo hiểm xã hội trong vòng 6 - 9 tháng. Ngoài số tiền trên, đối với người lao động nghỉ việc trong đợt này (11/6) không được hưởng trợ cấp thất nghiệp do công ty không chốt sổ bảo hiểm xã hội, công ty sẽ hỗ trợ 1,5 tháng lương và người lao động sẽ nhận vào tháng 8 tới.

Việc S-Fone đơn phương chấm dứt hợp đồng, nợ lương, chế độ, bảo hiểm của người lao động (dù đã đưa ra lộ trình chi trả mới đây) không những vô trách nhiệm với người lao động mà còn vi phạm luật. 
Theo nhận định của giới luật sư, cơ quan chủ quản của S-Fone đã vi phạm nhiều điều khoản của Bộ luật Lao động, từ khâu chấm dứt hợp đồng tới việc nợ lương, bảo hiểm của người lao động. 
Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân cho rằng, việc SPT đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động là vi phạm luật.

Cụ thể, điểm a, điểm b khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động có nêu: Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong  trường hợp: 1. Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng;

2. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải. Như vậy, việc SPT chấm dứt hợp đồng khi người lao động không vi phạm các điều khoản trên là trái luật. Còn với lý do mà SPT nêu ra rằng công ty chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động vì chuyển đổi mô hình hoạt động sang Công ty TNHH Thông tin và Viễn thông di động S-Telecom là không hợp lý.

Trong trường hợp chuyển đổi hình thức hoạt động kinh doanh, công ty có thể chấm dứt hợp đồng lao động cũ nhưng không có nghĩa là sa thải nhân viên, mà công ty phải lập lại hợp đồng theo hình thức mới cho người lao động. 
“Tôi có theo dõi vụ việc này, và không hề thấy S-Fone đề cập gì đến việc người lao động có tiếp tục được ký lại hợp đồng lao động hay không, sau khi công ty này hoàn tất việc chuyển đổi mô hình hoạt động.

Những nội dung trong thông báo chấm dứt hợp đồng lao động cho thấy không có một tín hiệu hay sự ràng buộc gì giữa công ty và người lao động, để người lao động sẽ trở lại làm việc sau khi S-Fone hoàn thành việc chuyển đổi sang hình thức mới.

Ngoài ra, việc chấm dứt hợp đồng lao động trên phải dựa trên sự thỏa thuận giữa công ty và người lao động, nhưng thực tế công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng, chỉ dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa đại diện của SPT với đại diện công đoàn của công ty.

Như vậy là SPT không những vô trách nhiệm với người lao động mà còn làm sai luật”, luật sư Triển nói.

Tuy nhiên, vấn đề người lao động quan tâm nhất là việc thanh toán lương, chế độ, trợ cấp thất nghiệp từ đơn vị chủ quản SPT.

Ông Triển cho rằng, việc SPT không đóng bảo hiểm cho người lao động từ đầu năm 2011 đến nay, rồi việc nợ lượng, chế độ, trợ cấp thất nghiệp của người lao động lại càng vi phạm Bộ Luật Lao động. 
Cụ thể, Điều 59 Bộ luật Lao động quy định: Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng thời hạn và tại nơi làm việc. Trong trường hợp đặc biệt phải trả lương chậm, thì không được chậm quá một tháng và người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm trả lương.
Kể cả trong trường hợp doanh nghiệp bị phá sản, thì theo quy định tại Điều 66, Bộ luật Lao động, tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác của người lao động vẫn là khoản nợ được ưu tiên thanh toán.

Số tiền trên phải được thanh toán nếu giá trị tài sản còn lại của công ty (sau khi trừ đi các khoản nợ có bảo đảm mà công ty đã nợ, cũng như phí phá sản khi công ty yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản) đủ để trả nợ cho người lao động (theo quy định tại điều 35, 37 Luật phá sản).
“Như vậy, việc SPT đưa ra lộ trình thanh toán lương, trợ cấp cho người lao động và trả nợ bảo hiểm trong vòng 6 – 9 tháng tới là quá chậm so với quy định. Đấy là chưa nói trước đó công ty đã nợ lương người lao động vài tháng mà không có một cuộc họp bàn hay lời hứa khi nào trả lương cho họ cho đến khi người lao động phản ánh.

Doanh nghiệp đã quá vô trách nhiệm với người lao động. Với những cán bộ nhân viên mà công ty không chốt sổ bảo hiểm thì công ty cần đóng bảo hiểm đầy đủ để chốt sổ cho họ”, luật sư Triển nói. 
Về vấn đề nợ đọng bảo hiểm xã hội của SPT, theo ông Trương Trọng Thắng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, việc nợ đọng bảo hiểm xã hội hiện là “căn bệnh mạn tính” xảy ra ở hầu hết địa phương trên cả nước.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như do kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp làm ăn thất bát. Nhưng quan ngại hơn, do lãi suất nộp chậm tiền bảo hiểm xã hội thấp hơn lãi suất đi vay ngân hàng nên doanh nghiệp chẳng dại gì tích cực đóng bảo hiểm xã hội, mà tận dụng nguồn tiền đó để quay vòng làm ăn hoặc cho vay. 
Tuy nhiên, do mức phạt đối với doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội còn quá nhẹ, hiện chỉ có 2 mức phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền tối đa chỉ 30 triệu đồng nên nhiều doanh nghiệp vẫn ngang nhiên trốn đóng bảo hiểm xã hội. 
Còn việc nợ đọng bảo hiểm xã hội của SPT, vừa qua SPT có nói rằng sẽ trả bảo hiểm xã hội trong vòng 6 - 9 tháng, thì doanh nghiệp này sẽ bị phạt tiền chậm nộp bảo hiểm xã hội, công thức và lãi suất tiền phạt tính theo quy định tại Điều 56 QĐ 1111/BHXH-QĐ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Với số tiền nợ bảo hiểm xã hội 19 tỷ đồng trong vòng nhiều tháng từ đầu năm 2011 cho tới 6 – 9 tháng sau thì SPT sẽ phải nộp số tiền phạt khá lớn. 
Ông Thắng cũng cho rằng, đã đến lúc cần thay đổi quan niệm về hành vi nợ, trốn tránh đóng bảo hiểm xã hội. Theo đó, cần hình sự hóa các vụ doanh nghiệp trốn, nợ đọng kéo dài tiền bảo hiểm xã hội. Bởi việc trốn, nợ bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp là hành vi cố ý làm trái, chiếm dụng vốn, xâm hại quyền lợi của người lao động để trục lợi.

Khi đã làm trái quy định của pháp luật, đã xâm hại đến lợi ích được pháp luật bảo vệ của người khác, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội thì nên có hình thức xử lý hình sự mới phù hợp. 
Theo Đất Việt
Bình luận
vtcnews.vn