'Rút ruột' tài nguyên khoáng sản phải tử hình!

Thời sựThứ Tư, 01/10/2014 09:40:00 +07:00

Tài nguyên khoáng sản là tài sản của toàn dân, nếu tiếp tay thông qua cấp phép tràn lan cũng là tham ô tài sản phải xử khung hình phạt cao nhất.

Tài nguyên khoáng sản là tài sản của toàn dân, nếu tiếp tay thông qua cấp phép tràn lan cũng là tham ô tài sản phải xử khung hình phạt cao nhất. 

Trao đổi với PV, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Đỗ Văn Đương cho rằng: "tội tham ô có khung hình phạt cao nhất của Bộ Luật hình sự là tử hình nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Như vậy trong quản lý tài sản quốc gia là tài nguyên khoáng sản mà tham ô thì cứ đúng khung hình phạt đó mà chiểu theo, đó là tử hình".

"Rút ruột" tài sản quốc gia mà cứ kiểm điểm mãi?

Theo ông Đương, tài nguyên khoáng sản là tài sản của toàn dân thế nhưng thực tế nhiều năm qua tài sản này đã bị 'rút ruột' nghiêm trọng mặc dù được phân quyền quản lý tới từng địa phương.

Cho rằng không dễ gì để có được giấy phép khai thác khoáng sản, thế nhưng tình trạng cấp phép tràn lan thời gian qua đã đặt ra nghi vấn về sự tiếp tay thông đồng của cán bộ có thầm quyền trong việc cấp giấy phép cho cát tặc, vàng tặc và các loại khoáng sản khác.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) hiện cả nước có khoảng 5.000 mỏ, điểm quặng với trên 60 loại khoáng sản. Một số loại khoáng sản có tiềm năng đủ để khai thác, chế biến quy mô công nghiệp với thời gian lâu dài như: bauxit, titan-zircon, đất hiếm, than, apatit, đá hoa trắng, cát trắng, đá vôi làm nguyên liệu xi măng, nước khoáng - nước nóng...

Tính đến tháng 5/2013, cả nước có 79 giấy phép thăm dò khoáng sản do Bộ TN&MT cấp; 503 giấy phép khai thác khoáng sản do các cơ quan Trung ương cấp còn đang hoạt động, chưa kể 4.200 giấy phép do UBND các tỉnh, thành cấp đang có hiệu lực.
Ảnh: minh họa 

Tuy số lượng giấy phép được cấp nhiều như vậy nhưng chỉ khoảng 30-40% số doanh nghiệp (DN), tổ chức và cá nhân khai thác khoáng sản báo cáo định kỳ, song ngay cả thông tin trong báo cáo cũng chưa đầy đủ, chưa chính xác. Bởi vậy, Nhà nước không kiểm soát được sản lượng khai thác thực tế của DN, đồng nghĩa với việc không nắm được thực trạng tài nguyên khoáng sản, nguồn lực phát triển đất nước.

Câu chuyện này thực tế đã kéo dài mấy chục năm qua, để rồi đến bây giờ ngay cả ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng cục Kiểm soát hoạt động Khoáng sản, Bộ TN&MT phải thừa nhận: Nhà nước hiện không nắm được thực trạng “tài sản” của mình cũng như không kiểm soát được sản lượng khai thác của doanh nghiệp.

“Với các doanh nghiệp, trách nhiệm thực hiện quản lý tài sản của nhà nước còn nhiều bất cập. Nhà nước chưa kiểm soát được lượng khai thác của doanh nghiệp. Công tác thống kê kiểm kê chưa được thực hiện nên không kiểm soát được nguồn thu từ thuế tài nguyên. Việc báo cáo định kỳ, thống kê kiểm kê còn chưa tốt, phụ thuộc hoàn toàn vào báo cáo của doanh nghiệp”, ông Thanh cho biết.

Không chỉ cấp phép tràn lan, tình trạng khai thác khoáng sản lậu nhiều năm qua vẫn tồn tại song cũng chưa có giải pháp quản lý hữu hiệu.

Chính từ thực tế này, ông Đương bức xúc: “Ăn gần hết tài sản quốc gia mà cứ kiểm điểm, tới đây phải có quy định xử lý hình sự phải cao nhất đến chung thân, tử hình. Cứ chiểu theo đúng Bộ Luật hình sự vì tiếp tay rút ruột khoáng sản cũng là tham ô, tham nhũng".

Không quy được trách nhiệm

Trao đổi với PV, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an cho rằng việc thất thoát khoáng sản gắn với cái gốc đó là trách nhiệm cá nhân từ hệ thống không rõ. Thực tế hiện nay đang không quy được trách nhiệm.

"Ngay cả đến chuyện giám sát thực thi, rất buồn là chỉ có 30% doanh nghiệp báo cáo, vậy 70% kia ở đâu? Đất nước này bó tay với lượng doanh nghiệp này hay sao? Chúng ta có UB kinh tế của Quốc hội, có Ban kinh tế trung ương vậy vai trò ở đâu?. Trách nhiệm giám sát của chúng ta đang rất kém!", Thiếu tướng Cương nói.

Cái gốc của chúng ta là không ai chịu trách nhiệm trước người dân Việt Nam. Không có cá nhân nào cả. Có tình trạng này là vì hiện trách nhiệm đang chồng chéo và không minh bạch.

"Việc quản lý này chắc chắn phải giao cho bộ TN&MT. Khi đã gắn trách nhiệm phải giao đủ quyền cho họ và dứt khoát phải tạo điều kiện. Khi đủ quyền và điều kiện làm việc rồi, họ làm không thành công thì mới xử lý.

Quản lý như hiện nay là đang nửa vời. Giao quyền mới được 1/3, một người làm quy hoạch, sau đó người lo xuất khẩu khoáng sản lại là người khác. Như vậy miếng ăn ngon nhất thì anh xuất khẩu ăn hết. Vấn đề gốc là luật pháp chung chung. Nếu tôi là giám đốc doanh nghiệp tôi cũng xử lý để có lợi", Thiếu tướng Cương nói thẳng.

Chính từ thực tế này nên đề xuất xử lý ở khung hình phạt cao nhất là phạt tù chung thân, tử hình nếu để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong quản lý tài nguyên quốc gia được giới chuyên môn cho rằng sẽ là "đòn" mạnh để chống tham nhũng trong lĩnh vực này.

Theo Đất Việt
Bình luận
vtcnews.vn