Rót tiền mới nhỏ giọt để thay đổi thói quen lì xì Tết?

Kinh tếThứ Hai, 17/01/2011 10:13:00 +07:00

Theo ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, thực tế năm nay, NHNN đang muốn tuyên truyền để thay đổi thói quen mừng tuổi bằng tiền mới của người dân.

Theo ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, thực tế năm nay, NHNN đang muốn tuyên truyền để thay đổi thói quen mừng tuổi bằng tiền mới của người dân, thế nên một phần tiền lẻ mà NHNN chuyển về các ngân hàng thương mại là tiền cũ. Hiện chưa có chủ trương chi tiền mới bằng văn bản từ Ngân hàng Nhà nước.

“Đến hẹn lại lên”, mỗi năm Tết đến các chị em phụ nữ lại phải tất bật với bao nhiêu việc. Đổi tiền lẻ để lì xì Tết cũng là một trong những thứ khiến họ phải đau đầu, vì không phải ai cũng gặp suôn sẻ.

Đang bù đầu với công việc cuối năm ở công ty, chị Bình, nhân viên hành chính, bỗng nhớ ra còn một việc quan trọng cho dịp Tết là đổi tiền lẻ chị vẫn chưa làm được. Thế là gần đến giờ nghỉ trưa, chị vội vàng lấy xe phi tới một số ngân hàng để đổi tiền.

Vì phòng giao dịch của Đại Á Bank ở gần công ty nên chị Bình tiện đường rẽ vào hỏi tiền lẻ. Câu đầu tiên mà nhân viên giao dịch ở đây hỏi chị là chị có mở tài khoản tiết kiệm hay có thường xuyên giao dịch tại Đại Á Bank hay không, chị Bình lắc đầu. Nhân viên này giải thích, vì lượng tiền lẻ có hạn nên chỉ ưu tiên cho những khách quen của ngân hàng. Chị Bình đành phải đi một số phòng giao dịch của ngân hàng khác quanh đó, song cũng chỉ nhận được câu trả lời tương tự.

Còn chị Hà, chủ thẻ ATM của Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) thì may mắn hơn là đổi được tiền lẻ tại một phòng giao dịch của nhà băng này, song chủ yếu là loại tiền mệnh giá 20.000 đồng và không mới. Chị Hà cho biết, nhân viên ngân hàng giải thích: hiện tại tiền lẻ ngân hàng không thiếu song chủ yếu là tiền cũ, số lượng tiền mới rất hạn chế.

Khách hàng vãng lai hầu như không được ngân hàng ưu tiên đổi tiền lẻ Tết. 

Một nhân viên giao dịch tại Đại Á Bank cũng khẳng định, hiện chỉ những khách hàng nào thường xuyên giao dịch tại Đại Á Bank thì mới được ưu tiên đổi tiền lẻ, còn khách hàng vãng lai thì không được, vì lượng tiền chỉ hạn chế. Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi nhân viên của một chi nhánh tại Hà Nội của ngân hàng này sẽ có suất đổi khoảng 7 – 8 triệu đồng tiền lẻ, nhiều ngân hàng khác suất của nhân viên cũng tương tự, thậm chí có nơi cao gấp đôi.

Theo những người may mắn đổi được tiền lẻ ở ngân hàng thì năm nay, loại tiền lẻ mới chủ yếu là những loại tiền có mệnh giá từ 10.000 đồng trở xuống, như 1.000, 2.000, 5.000 đồng… Còn tiền mệnh giá lớn hơn thì chủ yếu là tiền đã sử dụng rồi. Thời buổi trượt giá, bây giờ không mấy người lì xì bằng tiền dưới 10.000 đồng, thế nên những loại tiền mới này chủ yếu dùng để đi lễ, chùa đầu năm, chứ ít phục vụ nhu cầu lì xì Tết của người dân.

Theo ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, thực tế năm nay, NHNN đang muốn tuyên truyền để thay đổi thói quen mừng tuổi bằng tiền mới của người dân, thế nên một phần tiền lẻ mà NHNN chuyển về các ngân hàng thương mại là tiền cũ. Hiện chưa có chủ trương chi tiền mới bằng văn bản từ NHNN. Trước đây, mọi năm, NHNN vẫn có chủ trương phục vụ một phần cơ bản nhu cầu tiền mới của người dân dịp Tết, nhưng từ năm 2009, NHNN chỉ đạo tập trung chi tiền mặt để đảm bảo đủ cơ cấu các loại tiền trong lưu thông, chứ không đặt vấn đề nhu cầu tiền mới lên hàng đầu.

Giám đốc truyền thông một ngân hàng thương mại cho hay, năm nay, nhu cầu tiền lẻ của người dân có vẻ cao hơn năm ngoái, một phần nguyên nhân do số tiền định mức lì xì cho một người tăng lên, do giá cả tăng mạnh. Tuy nhiên, ngân hàng hiện chưa nhận được thông tin phản hồi nào từ các phòng giao dịch nói rằng nguồn tiền lẻ đang căng thẳng. Từ trước đó, ngân hàng đã đáp ứng đủ nhu cầu tiền lẻ cho một số doanh nghiệp là khách quen hoặc có gửi công văn hay thông báo trước.

Nhiều nhà băng khác cũng khẳng định sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiền lẻ cho khách, song thực tế vẫn có không ít khách hàng cá nhân không đổi được tiền lẻ, phải mua qua mạng hoặc trên “chợ đen” với giá “cắt cổ”.

Trường hợp của chị Hà, chủ thẻ ATM BIDV, vì cần tiền mới mệnh giá nhỏ để đi chùa và lì xì, chị đành lên mạng tìm người bán. Sau khi chấp nhận mức phí 5% với tiền 10.000 đồng và 10 – 15% với loại tiền từ 1.000 đến 5.000 đồng, chị Hà liên hệ với một người bán tên Linh ở số điện thoại 0936xxxx41 để mua “hàng” thì được biết chị này là nhân viên một ngân hàng thương mại trên địa bàn Hà Nội.

Theo Báo Đất Việt

“Chung sức vì đồng bào nghèo cả nước” - Ủng hộ đồng bào nghèo cả nước qua cổng thông tin 1400.

Nhắn tin theo cú pháp UHgửi 1409 của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực vì đồng bào nghèo cả nước.


Bình luận
vtcnews.vn