Rớt nước mắt giao lưu trực tuyến về lũ lụt miền Trung

Thời sựThứ Hai, 25/10/2010 01:50:00 +07:00

(VTC News) - Buổi giao lưu trực tuyến từ các đầu mối Hà Tĩnh, Đà Nẵng và Đà Lạt đã khép lại, với tràn ngập tình mến thương dành cho miền Trung ruột thịt...

(VTC News) - Buổi giao lưu trực tuyến (GLTT) "Cùng miền Trung vượt qua đau thương mất mát" bắt đầu lúc 14h hôm nay (25/10) đã khép lại. Nhiều câu chuyện, tâm sự cảm động đến rớt nước mắt đã được chia sẻ tại diễn đàn này. Ghi nhận của các phóng viên, biên tập viên VTC News khi cùng khách mời từ Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Đà Lạt giao lưu với độc giả đó là một tình mến thương, cảm thông sâu sắc ngập tràn. Những khách mời của chương trình dù ở cương vị khác nhau, hoàn cảnh khác nhau trong đợt lũ chồng lũ vừa qua nhưng ở họ đều toát lên phẩm chất kiên gan, bền chí và thắm tình đồng bào, để cùng miền Trung vượt qua đau thương mất mát...

5 khách mời của buổi giao lưu gồm:


Gia đình anh Nguyễn Duy Thắng ở xóm Bàn Long, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Trong cơn lũ dữ, vợ anh - chị Phạm Thị Huyền đã mãi mãi ra đi để lại người chồng bệnh nặng cùng 4 con thơ, trong đó cháu nhỏ nhất mới 18 tháng tuổi vẫn bò đến thi hài mẹ đòi bú; cháu lớn học lớp 5 vẫn đang ốm liệt giường từ ngày mẹ mất. Số phận oan nghiệt đối với gia đình anh Thắng có lẽ cũng là cảnh ngộ chung của hàng trăm gia đình đã mất người thân trong đợt lũ chồng lũ vừa qua.

Độc giả cũng sẽ được trò chuyện với ông Lê Văn Hiền, 60 tuổi ở xóm 4 xã Phương Điền, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, đã cứu không biết bao nhiêu người bằng con đò nhỏ của mình khi lũ dâng lên rất nhanh. Điều đáng nói là ông Hiền đã cụt một tay lại chỉ còn một mắt, nhưng tất cả những quãng nước xiết, xoáy nước sâu không ngăn được ông cứu đồng bào vượt qua hoạn nạn. Có thể nói ông là một đại diện diện tiêu biểu cho rất nhiều "anh hùng cứu lũ" mà các báo đài đã phản ánh trong thời gian qua.

Cùng với đó, độc giả cũng sẽ trò chuyện với Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Võ Kim Cự. VTC News từng viết về Lịch trình "khủng khiếp" của Chủ tịch tỉnh vùng rốn lũ, nhưng có lẽ chừng đó là chưa đủ để nói hết về quãng thời gian "bão táp" ông đi cứu lũ, về những cảnh đời éo le của dân mà ông được gặp. Bên cạnh đó, với tư cách là người đứng đầu địa phương thiệt hại nặng nhất trong đợt lũ thứ hai, ông Võ Kim Cự sẽ chia sẻ với chúng ta về những việc làm trước mắt để giúp nhân dân khôi phục lại đời sống, sản xuất, học hành... cũng như những kế sách dài hơi hơn ứng phó với những bất thường của khí hậu.

Trong bão lũ, vai trò của lực lượng vũ trang nhân dân luôn vô cùng quan trọng trong việc di tản, cứu trợ đồng bào. Vì vậy, tham gia giao lưu với độc giả VTC News sẽ còn có Anh hùng LLVTND Nguyễn Việt Hùng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 954 Sư đoàn Không quân 372 đóng tại Đà Nẵng, người đã tham gia hàng chục chuyến cứu trợ bằng trực thăng đến với đồng bào vùng lũ.

Ngoài ra, đến trưa nay, anh Cao Đông Vũ từ Đà Lạt cũng đã khẳng định có thể sắp xếp được thời gian tham gia giao lưu cùng độc giả VTC News. Anh Vũ là người đã và đang là người nhắn nhiều tin nhất ủng hộ đồng bào miền Trung qua Cổng thông tin nhân đạo 1405 (10.000đ/tin) và 1409 (18.000đ/tin).

Ngay từ bây giờ, độc giả có thể 
bấm vào đây để đặt câu hỏi
cho các vị khách mời của chương trình, hoặc gõ câu hỏi vào ô thảo luận cuối bài.

Nội dung giao lưu

* PV Cao Cường: 2h chiều ngày 25/10, chúng tôi quay trở lại nhà anh Thắng, di ảnh của chị Huyền đã được người chú họ anh Thắng thay thế bằng một tấm ảnh chân dung tươm tất hơn. Cháu út vẫn gào khóc, lấm lem mắt, hai chị em Linh và Phú đầu chít khăn tang và vẫn mặc một bồ đồ cũ chưa thay. Cháu Đức ốm yếu đã được đưa xuống bệnh viện huyện Can Lộc điều trị. Qua điện thoại, bác sĩ điều trị của Đức là Phan Văn Nghị cho biết, Đức lên cơn sốt xuất huyết, hiện đã giảm nhưng thể trạng yếu nên chưa xuất viện được.

Ngoài anh Thắng, trong nhà còn có bố anh, mẹ chị Huyền và vài người hàng xóm. Ngọn đèn dầu trong nhà leo lét, mảnh vườn ngoài sân nhà anh cây cối, hàng rào xiêu vẹo sau cơn bão….

- Phạm Thị Ánh Tuyết (37 tuổi, luật sư tại TP Hồ Chí Minh): Lời đầu tiên, tôi xin chia buồn với gia đình anh. Quả thật, đọc những dòng viết về hoàn cảnh của anh, tôi không cầm được nước mắt. Nếu vợ anh còn sống, hẳn anh đã có một người vợ chịu thương, chịu khó, yêu chồng. Các con anh có một người mẹ tuyệt vời chở che. Nhưng, một lần nữa, tôi chỉ biết thành thật chia buồn.

Điều tôi quan tâm nhất hiện nay là mong anh nén đau thương, để trở thành chỗ dựa cho các con anh. Các cháu còn quá bé để hiểu những nỗi vất vả đang chờ phía trước. Liệu anh có kế hoạch gì chăm lo cho các cháu trong thời gian tới? Điều anh mong muốn nhất trong lúc này là gì?

Anh Nguyễn Duy Thắng: Em cảm ơn lời hỏi thăm của chị, trong thời gian tới thì em vẫn làm nông thôi, còn các cháu thì vẫn đang đi học. Các cháu đã mất mẹ, em lại đau yếu, em chỉ mong sao các cháu được ăn học thành người, cháu út khỏi bệnh.

Gia đình anh Thắng bên cạnh phóng viên VTC News trả lời câu hỏi của bạn đọc. 

- Thưa ông Võ Kim Cự, chủ tịch UBDN tỉnh Hà Tĩnh là đất nước hàng năm gánh trên mình hàng chục cơn bão lớn nhỏ, gây nên thiệt hại khủng khiếp về người và của, theo ông Chính phủ có nên thành lập đội cứu hộ chuyên trách?(Phạm Xuân Nam, Hà Tĩnh)

Ông Võ Kim Cự: Việc thành lập các đội cứu hộ chuyên trách là cần thiết; nhất là trong các trường hợp đặc biệt, cần có thiết bị chuyên dùng hiện đại và đội ngũ cán bộ, chuyên gia có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao (ví dụ như vụ tìm kiếm xe khách bị lũ cuốn trôi tại Hà Tĩnh vừa qua).

* PV Nam Phong: Hiện PV đang có mặt tại nhà ông Nguyễn Văn Hiền. Nước đã rút, nhưng những vũng nước, bùn lầy ngập cả bàn chân. Trước nhà ông, cây cối hoang tàn, trắng phớ một màu bàng bạc. Ngoài sân, những mẻ lúa nảy mầm bị ướt trong nước lũ vàng đục cả sân. 

- Trước khi đặt câu hỏi cháu xin cảm ơn bác Hiền đã quên mình để cứu những con người nguy hiểm trong dòng lũ lớn. Xin được hỏi anh hùng cứu lũ Lê Văn Hiền, 60 tuổi ở xóm 4 xã Phương Điền, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh một câu hỏi: Những việc làm của bác dường như ai cũng nể trọng, là người có thâm niên gắn bó với sông nước, bác có thể hiến kế cho dân miền Trung cách ứng phó an toàn nhất khi lũ tràn về đột ngột? Cảm ơn bác! (Trần Viết Long, 24 tuổi, Hà Nội)

Ông Lê Văn Hiền: Theo kinh nghiệm của tôi, những lúc mưa lũ như thế, mọi người cần hết sức bình tĩnh, không nên hoảng hốt. Không nên lao ra. Đặc biệt là cần phải có kinh nghiệm. Tôi dù đã sống với sông nước từ nhỏ, nhưng kinh nghiệm thế nào thì tôi vẫn phải cẩn thận, chắc chắn từng nhịp chèo. Nếu nước có dâng, mà không có phao, thuyền, hãy nên chèo lên cây cao và bám thật chắc để tránh nước lũ.

- Em chào anh Thắng, em xin chia buồn với gia đình anh và toàn thể nhân dân miền Trung. Anh Thắng cho em hỏi, chị nhà đã mất để lại cho anh 4 bé nhỏ, em lớn ốm nằm liệt giường, em nhỏ đang chập chững biết đi, Anh có nghĩ đến tương lai sẽ đi bước nữa với một người phụ nữ khác không? Để có người chăm lo, chia sẻ với anh những ngày còn lại không? (nguyễn huy giang, Nam - 20)

Anh Nguyễn Duy Thắng: Em cảm ơn và mọi người đã hỏi thăm và chia sẻ với em những ngày vừa qua. Vợ em mất rồi, em cũng đã có 4 con, bây giờ em chỉ nghĩ tới việc chịu khó nuôi con, mong cho các con học hành giỏi giang, còn việc đi bước nữa em không nghĩ tới.

Chủ tịch Võ Kim Cự trao quà cho anh Nguyễn Duy Vượng ở xã Tùng Lộc huyện Can lộc, người đã chống thuyền chở 300 dân sơ tán khi lũ dâng.

- Thưa ông Võ Kim Cự, thực tế công tác chống lũ vừa qua, nhiều bạn đọc nêu ý kiến rằng công tác cứu hộ trong lũ của ta còn rất nghiệp dư. Điều dễ nhận thấy nhất là hình ảnh từng thùng mì ăn liền quẳng xuống cho người dân bên dưới nhưng không hề được bọc nilon. Ông nghĩ sao về điều này? (Nguyễn Thị Hoa, 25 tuổi, TP Hồ Chí Minh)

Ông Võ Kim Cự: Cho đến nay chúng ta đang chủ yếu huy động lực lượng tại chỗ để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn trong bão lũ, mà nòng cốt là bộ đội, công an, biên phòng, tự vệ. Thực tiễn của trận lũ lịch sử vừa qua ở Hà Tĩnh cho thấy, do phạm vi ảnh hưởng quá rộng và mức độ quá lớn (183/262 xã của 12/12 huyện, thành phố, thị xã bị ngập), nên ngoài sự hỗ trợ của các lực lượng bên ngoài thì sự đảm bảo của lực lượng tại chỗ là yếu tố quan trọng, quyết định trong việc cứu hộ, cứu nạn.

Còn bạn đọc cho rằng việc phát mì tôm không được bọc nilon chưa thể hiện tính chuyên nghiệp, tôi nghĩ cũng đúng. Tuy nhiên bạn đọc cũng phải hiểu cho rằng, do nước lũ lên quá nhanh, nên mì tôm đã được cấp tốc chở đến các vùng lũ trong đêm (nếu không các tuyến đường sẽ bị chia cắt, cô lập) để kịp thời tiếp tế cho dân, do đó chưa thể kịp bọc nilon. Hơn nữa bản thân từng gói mì tôm cũng đã được bọc bao nilon rồi nên trên thực tế điều này chưa gây ảnh hưởng gì lớn.

- Thưa anh Thắng, tôi thấy tác giả bài viết nói rằng con anh còn đang ở độ tuổi đi học, bây giờ các cháu đã tới trường được chưa? Con anh có học tốt không? Anh có biết tương lai các cháu sẽ theo nghề nghiệp gì không? (Nguyen Minh Yen, 27 tuổi, Vĩnh Long)

Anh Nguyễn Duy Thắng: Con em thì, cháu Nguyễn Duy Đức năm nay học lớp 5, cháu Linh năm nay học lớp 2, cháu Phú năm nay học mẫu giáo, cháu Quý thì quấy quá nên ở nhà em chăm chứ cô giáo mô chăm được. Mấy hôm trước các cháu nghỉ, hôm nay (25/10) thì trường cho đi học rồi anh ạ. Mấy cháu cũng ngoan, cháu Đức được học lớp chọn, 5 năm liền được giấy khen học giỏi, cháu Linh năm vừa rồi cũng được giấy khen.

- Anh Thắng à, nghe câu chuyện về anh chị, tôi rất cảm động, anh có thể chia sẻ về tình cảm của anh với chị không? (Đang X.L, 20 tuổi, Đà Nẵng)

Anh Nguyễn Duy Thắng: Em với Huyền thì là hàng xóm của nhau từ bé, bọn em có tìm hiểu nhau 3 – 4 tháng rồi là cưới, ba mạ hai bên cũng đồng ý vun vén. Huyền thương em, từ khi cưới nhau cũng chưa xảy ra điều tiếng gì, ăn cơm bao giờ cũng nhắc chồng là phải ăn nhiều hơn…  khi sinh các cháu thì lo nuôi các cháu. Hồi Huyền còn sống, đi đâu về còn mua kẹo cho các cháu, Huyền đi rồi, mấy hôm nay cháu Quý quấy, em có đi được chi mô, thắng nớ (cháu Phú) cứ quấn đòi bố.

Đặng thị sơn, Nữ - 30: Xin chia buồn cùng gia đình anh Thắng, không biết nói gì hơn. Cầu chúc anh và gia đình sớm vượt qua khó khăn này.

Cháu Phú, con thứ ba của vợ chồng anh Thắng mắt trong veo chưa hề biết mẹ đã vĩnh viễn ra đi. 

- Thưa thượng tá Hùng, được biết anh là một trong những chiến sĩ của Trung đoàn 954 nhiều lần tham gia chuyên chở hàng cứu trợ tới cho người dân vùng lũ. Vậy trong những lần đó, kỷ niệm nào, hình ảnh nào gây ấn tượng đặc biệt với anh ?

Thượng tá Nguyễn Việt Hùng: Mỗi cơn lũ, mỗi địa phương đều có dấu ấn và kỷ niệm riêng trong tôi. Nhưng những hình ảnh người dân đói khát, lạnh cóng ngồi trên mái nhà chới với mỗi khi thấy chúng tôi là hình ảnh khiến không chỉ tôi mà tất cả các chiến sĩ làm nhiệm vụ đều xúc động. Song tôi cũng chia sẻ với các bạn những kỷ niệm của riêng mình, đó là hình ảnh của hàng chục bác sỹ, bệnh nhân của Bệnh viên Lao Qui Nhơn phải ngồi trên nóc nhà bệnh viện khi cơn lũ lịch sử năm 2009 nhấn chìm cả TP Qui Nhơn khiến toàn bộ bệnh nhân, bác sỹ bệnh viện phải ngồi trên nóc nhà 2 tầng nhịn đói, nhịn khác dài ngày.

Và mới đây nhất, trong cơn lũ dữ tháng 10/2010 vừa qua. Hình ảnh đồng bào dân tộc Ít, thuộc xã vùng cao Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đói khát, phờ phạc, quần áo tả tơi do bị cô lập dài ngày với bên ngoài khi nước lũ đi qua cuốn trôi tất cả từ lương thực cho đến quần áo luôn ám ảnh chúng tôi. Cảm xúc dâng trào trong chúng tôi khi được chia sẻ, được sống có ích cho đồng bào mình và tất cả chiến sĩ trong đoàn bay đều không kìm được cảm xúc.

BTV Đức Giang: Thời điểm này, anh Cao Đông Vũ cũng đã trực tuyến từ Đà Lạt và “chat” với VTC News.

- (Nguyen thi lan - Bac ninh): Anh Vũ ơi, tôi có đọc bài trên báo về anh. Anh có nhớ đến lúc này anh đã gửi bao nhiêu tin nhắn rồi không? Bởi nếu không nhớ, có thể tháng sau anh sẽ phải nhận tờ hóa đơn thu cước với số tiền rất lớn. Anh không lo đến lúc đó sao?

Anh Cao Đông Vũ: Chào chị Lan, Chính xác thì minh không nhớ, tuy nhiên mình có thể đoán được là mình phải trả tiền cho hóa đơn điện thoại trong tháng tới, tất nhiên trong khoản mà mình có thể xoay sở được. Cho dù vậy, mình cũng sẽ phải tăng cường tiết kiệm trong nhiều ngày để tiếp tục gửi ủng hộ đồng bào miền Trung.

Anh Cao Đông Vũ (ảnh nhân vật gửi). 

BTV Đức Giang: Bà Cao Thị Minh Sinh, chuyên viên Tổ công tác đặc biệt Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 cũng vừa cho VTC News biết, tính đến hết trưa nay ghi nhận tổng cộng 478695 tin nhắn gửi đến 2 đầu số của Cổng là 1405 (10.000đ/tin) và 1409 (18.000đ/tin) với tổng số tiền 5.403.790.000 đồng. Anh Vũ đã nhắn 260 tin đến 1405).

- Bác Hiền ơi! Cháu là Lan Anh, quê ở Tượng Lĩnh huyện Kim Bảng (Hà Nam). Đọc bài báo viết về bác, cháu cảm động quá. Bác có thể cho mọi người biết về hoàn cảnh cuộc sống gia đình bác hiện giờ ra sao không ạ? Chúc bác mạnh khỏe!

Ông Lê Văn Hiền: Nhà bác cũng bình thường thôi. Vợ chồng bác năm nay cũng có cháu nội, cháu ngoại rồi. Bác còn mẹ đẻ 93 tuổi, cậu con trai cả sinh năm 1984 lập gia đình 6 năm nay nhưng bị sét đánh chết cách nay đã 5 năm, cậu thứ hai sinh năm 1986 thì bị bệnh tâm thần, cô con gái thứ ba thì đã đi lấy chồng ở xã bên, hai cậu út vừa học xong cấp 3 giờ ở nhà làm ruộng.

Anh hùng cứu người trong lũ, ông Lê Văn Hiền tại nhà riêng. 

- Thưa chủ tịch Võ Kim Cự, trường hợp chủ tịch UBND xã Đức Lạc huyện Đức Thọ bỏ rơi dân trong lũ dữ, hướng xử lý của UBND tỉnh Hà Tĩnh ra sao, thưa ông?

Ông Võ Kim Cự: Trường hợp ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Đức Lạc thiếu trách nhiệm đối với dân trong mưa lũ, hiện Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ đã có quyết định tạm đình chỉ công tác để kiểm tra và xử lý. Sau khi có kết quả kiểm tra của Huyện ủy, UBND huyện Đức Thọ, UBND tỉnh sẽ xem xét để chỉ đạo xử lý cụ thể, đảm bảo nghiêm minh và tạo niềm tin trong quần chúng nhân dân.

- Tôi xin được hỏi ông Võ Kim Cự một câu, ông ý kiến gì về hiến kế của bạn đọc Đỗ Linh Cường với mục đích cho người dân miền trung yên lòng “sống chung với lũ” đăng tải trên báo VTC News? ( Đặng Xuân Nam, 40 tuổi, Hải Phòng)

Ông Võ Kim Cự: Trước hết, tôi xin cảm ơn bác Cường, mặc dù sống tại TP Hồ Chí Minh, nhưng đã trăn trở, suy nghĩ và đưa ra phương án "mỗi nhà ở vùng lũ làm thêm 1 phòng nổi tránh lũ" như bác đã trình bày. Tôi đã nghiên cứu kỹ và tôi nghĩ rằng phương án này có thể áp dụng hiệu quả tại một số vùng thường xuyên bị lũ dâng (như các xã ngoài đê huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh). Vừa qua Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo nghiên cứu, tìm giải pháp về nhà ở cho người dân vùng lũ, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại cho bà con nhân dân. Tôi mong muốn sắp tới, các nhà khoa học, kiến trúc sư và những người quan tâm tiếp tục nghiên cứu để tìm ra giải pháp khả thi nhất giúp nhân dân vùng lũ.

Hiện tại UBND tỉnh cũng đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cho khảo sát lập các dự án đầu tư để ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, đảm bảo phát triển bền vững ở các vùng thường xuyên bị bão lũ; đặc biệt các tuyến đường cứu hộ, cứu nạn và phương tiện ứng cứu hiện đại để đáp ứng yêu cầu khi thiên tai xẩy ra.

- Xin chia sẻ mất mát với gia đình anh Thắng, mấy cháu còn bé không biết mẹ mất, chưa biết nhiều xót xa, nhưng thương cháu Đức quá, bây giờ cháu đã khỏe chưa anh? Và bệnh tình của cháu Quý thì thế nào rồi? (Nguyễn Thúy Bình, 21 tuổi, An Giang)

Anh Nguyễn Duy Thắng: Đức thì từ hôm vợ em mất, nằm từ đó tới giờ, hôm 23 có một đoàn từ Tỉnh lên thì đã đưa cháu đi viện để có điều kiến chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho cháu, cũng vì thắng nớ (cháu Quý) khóc quá, suốt ngày đòi mẹ rồi ôm riết lấy em mà em có xuống được với con đâu.

Cháu quý thì vẫn lên cơn co giật, hôm vừa rồi em có đoàn lên thêm, họ cho nhiều đồ chơi nên cháu thích lắm đỡ khóc được hai hôm, hôm nay cháu lại gào khóc đòi mẹ rồi.

* PV Cao Cường: Sau khi nghe được thông tin này từ anh Thắng, phóng viên đã liên lạc với bệnh viện huyện Can Lộc và được bác sĩ Phan Văn Nghị cho biết, cháu Đức bị sốt xuất huyết, hiện đã đỡ nhưng thể trạng rất yếu chưa thể xuất viện.

- Gửi anh Nguyễn Duy Thắng, Qua nội dung cuộc giao lưu của báo VTC NEWS, tôi muốn gửi chút quà nhỏ để chia sẻ với anh và các cháu trong lúc khó khăn. Anh có thể cho tôi địa chỉ để tôi chuyển quà đến anh nhanh nhất và thuận tiện nhất. (Phạm Kim Thanh, Nữ - 31)

Anh Nguyễn Duy Thắng: Em chào chị Thanh, cảm ơn chị đã quan tâm tới gia đình. Em ở thôn Bàn Long, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Em không có điện thoại, chỉ có số liên hệ của ba em ở gần là 01669266911.

Theo Thượng tá Nguyễn Việt Hùng, ai cũng có cái riêng, nhưng đới với người lính, cái chung là đồng bào được đặt lên trước hết 

- Thưa thượng tá Nguyễn Việt Hùng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cứu trợ bão lũ, anh có thể chia sẻ những chuyến bay, những sự cố được cho là nguy hiểm và thể nguy hiểm đến tính mạng của phi công cũng như đội bay. (Đinh Xuan Lam, Hà Nội)

Cũng không thể nhớ hết những khó khăn, nguy hiểm của cán bộ chiến sĩ môi khi cất cánh làm nhiệm vụ. Vì khi đó, mục tiêu tiên quyết của chúng tôi là làm sao khắc phục khó khăn, tiếp cận nhanh nhất với người dân bị cô lập bởi lũ, đang nguy hiểm đến tính mạng do đói rét. Tôi có thể kể ra đây 3 trường hợp, mỗi trường hợp có những nguy hiểm riêng mà khó có thể nói trước được điều gì.

Lần thứ nhất là vào đợt cứu trợ đồng bào miền Trung trong cơn bão lũ năm 2007. Khi nhận thông tin đồng bào các tỉnh Quảng Nam bị lũ chia cắt dài ngày, đói khát và lạnh, nên khi nhận lệnh, chúng tôi lên đường ngay và mang theo đầy hàng cứu trợ trên máy bay. Tuy nhiên khi bay đến địa điểm thả hàng, thời tiết xấu, mây thấp kèm mưa và gió, cộng với máy bay chở hàng nặng nên rất khó khăn trong việc thả hàng cứu trợ cũng như ổn định máy bay. Trong tình huống này buộc phải vừa hạ thấp độ cao, vừa bay vừa thả hàng mà không thể treo máy bay để thả hàng được.

Lần nữa là đợt lũ năm 2009, vì mãi đưa đoàn cứu trợ của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đi cứu trợ các tỉnh miền Trung-Tây nguyên nên quên cả điều kiện thời tiết, mưa, mây và trời tối. Tôi còn nhớ hôm ấy, khi máy bay thực hiện nhiệm vụ tại Tây nguyên bay về Quảng Nam thì trời đã tối sầm. Tỉnh Quảng Nam thì mất điện, trong khi điểm hạ cánh nằm ngay tỉnh đội Quảng Nam, ngay trung tâm TP Tam Kỳ nhưng lại không có tín hiệu hạ cánh, ánh sáng. Điều này rất nguy hiểm vì bất cứ lúc nào cũng có thể vướng cột ăng-ten phát sóng hoặc đường dây điện. Nhưng bằng kinh nghiệm, chúng tôi đã đưa được đoàn công tác đi đến nơi về đến chốn.

Và gần nhất là đợt cứu trợ bão lũ các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh vào tháng 10/2010 vừa qua. Một phần vì nhiệm vụ khẩn cấp từ trên, một phần vì tiếng gọi của đồng bào vũng lũ, nên ngay sau khi có lệnh, chúng tôi ngay lập tức nhận nhiệm vụ lên đường để có mặt kịp thời cứu trợ bà con vùng lũ. Khi nhận lệnh, điều kiện thời tiết khá tốt, nhưng khi cất cánh, lấy độ cao thì điều kiện thời tiết xấu, mây hạ thấp, kèm mưa buộc máy bay phải bay vòng ra biển, hạ thấp độ cao cách mặt biển chừng 50m và cứ thế duy trì đường bay cho đến khi ra đến Quảng Bình. Và phải mất hơn 80 phút bay, chúng tôi mới ra đến Quảng Bình.

Khi ra đến Quảng Bình, chúng tôi lại nhận nhiệm vụ từ Tỉnh Ủy Quảng Bình bằng bất cứ giá nào cũng phải tiếp cận được đồng bào xã vùng cao Quảng Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã bị lũ chia cắt dài ngày. Địa điểm cứu trợ là một thung lũng với 4 bề là núi, mây hạ thấp và bao phủ dày đặc không có đường vào. Một quyết định táo bạo vạch ra, phi đội bay đã quyết định hạ thấp độ cao bay 50m cách từ mặt đất và luồn theo các con suối mới vào được bên trong để cung cấp hàng cứu trợ.

- Chào anh Thắng, tôi rất cảm thông với gia đình của anh và rất muốn chia sẻ phần nào đó giúp gia đình, tôi có thể gọi điện cho anh được không? (H.X, 39 tuổi, TP Hồ Chí Minh)

Em cảm ơn anh, em không có điện thoại, ba em (ông các cháu) ở gần nhà em có số điện thoại, số ba em 01669266911. Địa chỉ nhà em là Nguyễn Duy Thắng, thôn Bàn Long, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh.

(nguyễn thị châu giang, Nữ - 28): Lời đầu tiên cho tôi gủi gia đình anh thắng và đồng bào miền Trung lời chia buon sâu sắc. Đọc những bài báo viết về hoàn cảnh gia đình anh Thắng chăc không chỉ riêng tôi bùi ngùi xúc động. Chồng mất vợ và các con mãi mãi mất đi người me thân yêu. Cầu mong cho anh luôn mạnh khoẻ để nuôi dạy các cháu bù đắp lại tình cảm của người mẹ.

(LE HONG TUYEN, Nữ - 32): Cũng như bao độc giả trong cả nước, tôi xin được gửi tới anh Thắng và gia đình anh lời chia buồn sâu sắc. Mong anh hãy bình tâm lại để có sức khỏe chăm lo cho các cháu. Hiện tại mình anh một nách 4 đứa con thơ, đứa lớn mới học lớp 5, nhỏ thì chưa cai sữa mẹ, bản thân anh lại đang đau yếu. Hãy kiên cường lên anh nhé!

Bà Nguyễn Thị Hóa, 70 tuổi, mẹ chị Huyền (vợ anh Thắng) nói: "Cả đời nớ chưa được sống ngày nào đủ đầy thì đã đi rồi"... 

- Kính chào ông Võ Kim Cự, đến thời điểm này, mong nhận được ở ông câu trả lời thẳng thắng nhất, điều gì được, chưa được trong công tác khắc phục phòng, chống lũ và cứu trợ người dân trong lũ? Điều gì còn làm ông day dứt? (Le Hoai Nam, Quảng Ninh)

Có thể nói rằng sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Ban Chỉ huy PCLB Trung ương, Ban Chỉ huy PCLB tỉnh, cùng sự nổ lực của chính quyền và nhân dân đã góp phần giảm thiểu đáng kể sự thiệt hại về người và tài sản trong trận lũ vừa qua. Bên cạnh đó, sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời của TW Đảng, QH, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh bạn cùng các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cũng là nguồn động viên, khích lệ to lớn giúp nhân dân vùng lũ sớm vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống.

Tuy vậy, cũng phải thẳng thắn thừa nhận là chính quyền (nhất là cấp cơ sở) và nhân dân một số vùng vẫn còn rất bị động, chưa thực hiện tốt phương châm huy động "4 tại chỗ", nên thiệt hại vẫn xảy ra.

Từ thực tế các đợt thiên tai và đặc biệt trận lũ vừa qua cho thấy những gia đình càng nghèo thì càng bị thiệt hại lớn và sẽ tiếp tục nghèo, khó có cơ hội để vươn lên. Tôi nghĩ sắp tới sẽ kiến nghị Chính phủ hỗ trợ cùng với địa phương để có phương án cụ thể giúp những gia đình nghèo phòng, tránh thiên tai hiệu quả, giúp họ có cơ hội thoát nghèo.

- Chú Hiền ơi, cháu quê ở Cẩm Xuyên, cháu học ngoài Hà Nội, nghe đài báo nói quê mình lũ lớn mà thương quê quá chú ạ. Cháu có đọc bài trên báo VTC News viết về chú. Chú kể cho mọi người về hôm lũ kéo về làng dữ dội thế nào để mọi người biết được bà con quê mình khó khăn thế nào. Chúc chú mạnh khỏe và hạnh phúc! (Nguyễn Quang Huy – SV ĐH Văn hóa)

Mấy hôm sau trận lũ trước, bà con mình vừa dọn dẹp nhà cửa, ruộng vườn còn tan hoang thì hôm 17, mưa lớn ầm ầm, nước trắng xóa trước mặt, nỏ thấy chi mô. Hắn (nước lũ) dâng lên nhanh quá. Nhiều nhà hàng xóm ngập, mọi người hoảng hốt kêu gào. Mưa mỗi lúc một lớn, chú cũng nỏ nhận ra đâu là nhà, đâu là đường phía ngoài xóm nữa. Trời đất tối sầm, thi thoảng mới có những ánh chớp nhưng cũng không thể nhìn thấy rõ được ngoài xa. Đứng trên đồi mà chỉ thấy nước táp vô mặt, nỏ thấy chi hết nữa. Chỉ từ chập tối, nước bắt đầu tràn về, đến nửa đêm, nước lũ đã ngập nóc nhà rồi.

 

- Cháu khâm phục chú Hiền quá! Chú như vậy mà còn chèo thuyền trong mưa lũ cứu bà con. Chú có thể kể cho cháu và mọi người nghe những lần chú cứu bà con trong những ngày mưa lũ ấy không ạ? Chú đã cứu được bao nhiêu người ạ? (Phương Anh – SV năm cuối ĐH SP TPHCM)

Ông Lê Văn Hiền: Tôi cũng không nhớ mình đã chở được bao nhiêu người nữa, mỗi lần chèo thuyền cũng chỉ chở được ba bốn người, vì thuyền nhỏ, lại mưa lớn nên tôi không dám chở nhiều vì sợ lật thuyền. Tôi chỉ ưu tiên người già, trẻ con và phụ nữ lên thuyền rồi chèo thuyền lên ngọn đồi cao để lánh nước lũ.

Tôi chèo thuyền, mọi người ngồi trên thuyền phải luôn tay múc nước trong thuyền đổ đi vì nước mưa quá nhiều. Mọi người ngồi trên thuyền run bần bật vì bị ướt mưa và lo lắng nhà bị lũ ngập, cuốn trôi…

Tôi chỉ nhớ, đẩy cái thuyền mới được rửa, cất đi từ lúc chập tối đến hơn 3 giờ sang mới về nhà để dọn thóc và xem mẹ già ở nhà có bị ướt không.

- Thưa ông Võ Kim Cự, trong đợt lũ vừa qua, kỷ niệm, hoàn cảnh nào gây ấn tượng sâu sắc nhất với ông? (Linh Lang, Ha Noi)

Trong đợt lũ vừa qua, tôi đã có mặt hầu khắp các địa bàn trong tỉnh; ở đâu cũng có những hoàn cảnh, những hình ảnh làm nhói lòng người; từ một em học sinh trên đường về nhà, một cô giáo trên đường đến trường, một chiến sỹ quân đội trên đường đi giúp dân, một cụ già 70 tuổi trên đường đến trại, một anh nông dân cố gắng cứu vớt ao thủy sản… bị lũ cuốn trôi; những cánh tay trẻ thơ thò qua mái ngói để xin gói mì tôm, những mái đầu bạc ngồi trên mái nhà chờ cứu hộ, những cỗ quan tài chưa tìm được nơi an táng, vân vân và vân vân; tất cả những hình ảnh đó đều để lại ấn tượng sâu sắc và xúc động trong tôi.

- Vợ chồng tôi từ lâu đã rất thích vào Đà Lạt nhưng chưa có dịp. Đà Lạt đẹp nhất là gì hả anh? Về miền Trung thì anh cảm nhận thấy phong trào ủng hộ miền Trung ở Đà Lạt như thế nào? Tôi thì nghĩ là lúc này ai cũng hướng về miền Trung. Ví như vợ chồng tôi sáng nay cũng đã xếp quần áo cũ gửi qua công ty.(Thúy Hằng - 27 tuổi, Hà Đông)

Anh Cao Đông Vũ: Chào Chị Hằng, thực ra tôi đang ở Đà Lạt, cũng như gia đình chị, trong suốt thời gian qua tôi theo dõi tình hình mưa lũ cũng như công tác cứu trợ, cứu hộ ở miền Trung v.v. đều qua các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, báo, đài v.v...

Về Đà Lạt, phong cảnh thiên nhiên là đẹp nhất bên cạnh đó có rất nhiều hoa lạ và đẹp, ngoài ra, khí hậu quanh năm mát mẻ cũng là một lợi thế của nơi này.

Về phong trào ủng hộ đồng bào miền Trung, thì ở Đà Lạt cũng như tất cả các địa phương khác trong cả nước mọi người đang làm tất cả mọi việc có thể để hướng về miền Trung thân yêu. Hầu hết các cơ quan đoàn thể, trường học, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân đều tổ chức quyên góp, phát động phong trào và được mọi người hưởng ứng.

Theo cảm nhận cá nhân tôi, chưa bao giờ thấy được sự đồng lòng chia sẻ một cách toàn diện của cộng đồng như đợt mưa lũ này. Điều này có thể nói lên rằng, các cấp lãnh đạo, các tồ chức truyền thông, các tổ chức nhân đạo đã có những tiến bộ rõ nét và có thể nói là thành công trong công tác chỉ đạo và tuyên truyền.

- Cháu rất cảm ơn bác Hiền, một người lái đò dũng cảm đã mang lại cuộc sống cho bao nhiêu con người, mang lại hạnh phúc cho gia đình họ, cháu muốn hỏi bác, với sự khó khăn về thân thể như vậy, bác khi chèo thuyền đi cứu những người bị lũ bác có cảm xúc gì?Ttrong một giây phút nào đó bác có sợ cái chết sẽ tới với mình không ạ? (Trần Quỳnh Linh, Nữ - 22) 

Thực ra, khó thì cũng chẳng có gì là khó khăn. Bởi tôi sinh ra và lớn lên đã gắn bó với sông nước, khi tôi bị thế này cũng chưa đầy 20 tuổi. Đến giờ thì cũng đã mấy chục năm trời rồi.

Chết thì ai cũng sợ cả. Nhưng lúc mà chèo thuyền đưa mọi người đi thoát lũ thì tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất là làm sao đi thật an toàn, chắc chắn để đưa mọi người đến đi thôi.

- Chú Hiền ơi, lúc chú đem thuyền đi cứu bà con, vợ chú, các con chú có can ngăn không ah? (Nguyễn Thị Thùy – 21 tuổi – Hà Nội)

Bà Nguyễn Thị Hoa - vợ ông Lê Văn Hiền: Tôi có can ngăn ông ấy. Vì nước lũ lớn quá mà. Đêm mưa gió, tối tăm mà mắt ông ấy lại kém thế. Nhưng mà ông ấy bảo với tôi, cứu người là trên hết. Thế là ông ấy cứ đem thuyền đi thôi. Mãi 3 giớ sáng mới thấy ông ấy về. Ở nhà, hai mẹ con lo lắng sốt ruột không biết ông ấy có làm sao không.

- Xin chào thượng tá Nguyễn Việt Hùng, cảm giác khi thực hiện nhiệm vụ chiến đấu năm xưa và bay cứu trợ nạn nhân bão lũ ngày ngay như thế nào? (L.V.L, 40 tuổi)

Mặc dù hoàn cảnh có khác nhau, nhưng nhiệm vụ và quyết tâm của chúng tôi không khác nhau là mấy. Vì cả hai nhiệm vụ đều có cùng mục đích đó là bảo vệ tính mạng nhân dân và ổn định tình hình chính trị-xã hội đất nước. Trong chiến đấu, những nguy hiểm rình rập từ phía quân thù. Thì thời nay, những nguy hiểm luôn đe dọa chiến sĩ chúng tôi từ các yếu tố như : điều kiện thời tiết phức tạp thay đổi, gió lốc bất ngờ…khi đang làm nhiệm vụ, trong khi phải tìm cách tiếp cận, thậm chí giành lại mạng sống của người dân trước đe dọa của đói khát.

Và một cảm xúc không bao giờ phai mờ cho dù thực hiện nhiệm vụ chiến đấu hay cứu trợ người dân vùng bão lũ đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của một chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

- Cháu khâm phục chú Lê Văn Hiền quá! Chú như vậy mà còn chèo thuyền trong mưa lũ cứu bà con. Chú có thể kể cho cháu và mọi người nghe những lần chú cứu bà con trong những ngày mưa lũ ấy không ạ? Chú đã cứu được bao nhiêu người ạ? (Phương Anh – SV năm cuối ĐH SP TPHCM)

Ông Lê Văn Hiền: Tôi cũng không nhớ mình đã chở được bao nhiêu người nữa, mỗi lần chèo thuyền cũng chỉ chở được ba bốn người, vì thuyền nhỏ, lại mưa lớn nên tôi không dám chở nhiều vì sợ lật thuyền. Tôi chỉ ưu tiên người già, trẻ con và phụ nữ lên thuyền rồi chèo thuyền lên ngọn đồi cao để lánh nước lũ.

Tôi chèo thuyền, mọi người ngồi trên thuyền phải luôn tay múc nước trong thuyền đổ đi vì nước mưa quá nhiều. Mọi người ngồi trên thuyền run bần bật vì bị ướt mưa và lo lắng nhà bị lũ ngập, cuốn trôi…

Tôi chỉ nhớ, đẩy cái thuyền mới được rửa, cất đi từ lúc chập tối đến hơn 3 giờ sang mới về nhà để dọn thóc và xem mẹ già ở nhà có bị ướt không.

- Xin hỏi thượng tá Nguyễn Việt Hùng, được biết anh là một trong những chiến sĩ của Trung đoàn 954 nhiều lần tham gia chuyên chở hàng cứu trợ tới cho người dân vùng lũ. Vậy trong những lần đó, kỷ niệm nào, hình ảnh nào gây ấn tượng đặc biệt với anh ?

Mỗi cơn lũ, mỗi địa phương đều có dấu ấn và kỷ niệm riêng trong tôi. Nhưng những hình ảnh người dân đói khát, lạnh cóng ngồi trên mái nhà chới với mỗi khi thấy chúng tôi là hình ảnh khiến không chỉ tôi mà tất cả các chiến sĩ làm nhiệm vụ đều xúc động. Song tôi cũng chia sẻ với các bạn những kỷ niệm của riêng mình, đó là hình ảnh của hàng chục bác sỹ, bệnh nhân của Bệnh viên Lao Qui Nhơn phải ngồi trên nóc nhà bệnh viện khi cơn lũ lịch sử năm 2009 nhấn chìm cả TP Qui Nhơn khiến toàn bộ bệnh nhân, bác sỹ bệnh viện phải ngồi trên nóc nhà 2 tầng nhịn đói, nhịn khác dài ngày.

Và mới đây nhất, trong cơn lũ dữ tháng 10/2010 vừa qua. Hình ảnh đồng bào dân tộc Ít, thuộc xã vùng cao Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đói khát, phờ phạc, quần áo tả tơi do bị cô lập dài ngày với bên ngoài khi nước lũ đi qua cuốn trôi tất cả từ lương thực cho đến quần áo luôn ám ảnh chúng tôi. Cảm xúc dâng trào trong chúng tôi khi được chia sẻ, được sống có ích cho đồng bào mình và tất cả chiến sĩ trong đoàn bay đều không kìm được cảm xúc.

- Xin hỏi thượng tá Nguyễn Việt Hùng, cá nhân tôi nhận thấy công tác cứu trợ vừa qua của ta còn có phần chưa chuyên nghiệp. Anh nghĩ thế nào về điều này hay có chia sẻ gì để công tác cứu trợ được tốt hơn ? (P.L.M, TP Hồ Chí Minh)

Tôi nghĩ đây là vấn đề cần nghiên cứu. Vì chúng ta xác định phải sống chung với những thay đổi và sự tàn phá của thiên nhiên, nên làm thế nào để hàng cứu trợ đến với người dân đước tốt nhất và nhiều người dân được hưởng lợi. Tôi nghĩ các doanh nghiệp nên sản xuất thêm mặt hàng có thể phục vụ hoạt động cứu trợ như lương khô, thực phẩm ăn liền, chứ không chỉ nên có mỗi mì gói. Hơn nữa, nên đóng gói từng gói nhỏ, bọc vào bao nilon thay vì đóng thùng bằng giấy, để nhiều người dân cùng nhận được hàng cứu trợ, cũng như giảm tải trọng cho máy bay, giúp vận chuyển được nhiều hơn.

- Thưa thượng tá Nguyễn Việt Hùng, những khó khăn của các chiến sĩ trong công tác cứu trợ người dân vùng lũ miền Trung, đặc biệt là hoạt động trong điều kiện thời tiết phức tạp ? Và để công tác cứu hộ được tốt hơn, theo anh cần trang bị thêm những thiết bị gì ? (Lê Phương Thảo, 27 tuổi)

Khó khăn thì nhiều, nhưng do liên tục bay, làm việc trong điều kiện thời tiết xấu và thay đổi không lường trước được, nên bên cạnh kinh nghiệm của các chiến sĩ, chúng tôi rất cần những phương tiện, thiết bị hỗ trợ để hạn chế những rủi ro đáng tiếc của thời tiết và nhất là thời tiết xấu. Các thiết bị hiện đại hỗ trợ hoạt đọng dẫn đường, cảnh báo thời tiết..rất cần thiết đối với các chiến sĩ chúng tôi trong khi làm nhiệm vụ.

* Do thời lượng có hạn, buổi giao lưu đã kết thúc lúc 16h05 dù còn rất nhiều câu hỏi gửi cho các khách mời. Báo điện tử VTC News trân trọng cảm ơn các khách mời và độc giả đã quan tâm theo dõi buổi trực tuyến "Cùng miền Trung vượt qua đau thương mất mát". Hy vọng đồng bào miền Trung sớm vượt qua được khó khăn để khôi phục đời sống và sản xuất, vì cả nước luôn và đang hướng về "khúc ruột" yêu thương của mình.

VTC News

Bình luận