Rôm rả chợ hàng mã online rằm tháng 7

Kinh tếThứ Bảy, 21/08/2010 11:13:00 +07:00

Khách đặt hàng qua mạng với các đồ lễ cúng như trầu cau, nhang đèn, vàng mã thông thường thì đặt trước 1- 2 ngày. Nếu cầu kỳ hơn phải đặt trước 3 đến 5 ngày...

Khách đặt hàng qua mạng với các đồ lễ cúng như trầu cau, nhang đèn, vàng mã thông thường thì đặt trước 1- 2 ngày. Nếu khách hàng muốn sắm sửa đầy đủ nhà lầu xe hơi, quần áo, giầy dép hay các mặt hàng cao cấp thì đặt trước 3 đến 5 ngày. Phí vận chuyển thấp nhất 5.000 đồng đến 10.000 đồng tùy cự ly xa gần.

                 

Dạo qua các chợ hàng mã truyền thống, năm nay không có nhiều mẫu mã độc như một số năm trước, giá cả cũng đắt đỏ hơn. Trong khi đó, một số dịch vụ mua sắm hàng mã qua mạng mới xuất hiện lại khá thu hút sự chú ý của nhiều người.

"Sổ đỏ” đắt hơn “nhà”


 Biệt thự đang là mặt hàng được bày bán nhiều trong dịp lễ rằm này
Dạo qua các khu chuyên bán hàng mà tại Hà Nội như Hàng Mã, chợ Đồng Xuân, phố Lương Văn Can trong dịp lễ xá tội vong nhân năm nay không có nhiều mặt hàng mới. Chị Hương, chủ một sạp hàng mã trong chợ Đồng Xuân cho biết: các mặt hàng phục vụ nhu cầu cúng tế trong ngày lễ xá tội vong nhân năm nay không nhiều sản phảm mới, bù lại các sản phẩm có kiểu dáng đẹp và  chất liệu giấy tốt hơn.

Trung bình, quần áo có giá khoảng 15.000 đồng/1 bộ. Đủ các loại cho cả nam và nữ kiểu dáng cũng thời trang không kém hàng thật. Mức giá này có nhích hơn mọi năm khoảng 20%. Theo lý giải của những người bán thì chất liệu xịn, cùng với giá nhập về cũng cao hơn năm ngoài nên giá bán tăng là đương nhiên!?

Năm nay, một số cửa hàng giới thiệu cho khách loại nhà có sổ đỏ! Một ngôi nhà có kèm sổ đỏ hóa cho vong có giá từ 180.000 đồng đến 200.000 đồng. Trong khi, giá của ngôi nhà hình thức tương tự chỉ từ 50.000 đồng đến 80.000 đồng. Vậy là chỉ thêm một tờ giấy gọi là sổ đỏ khách hàng phải trả chênh lên 100.000 đồng.

Tại nhiều gian hàng mã trong các chợ nội thành và ngay đến phố Hàng Mã, lượng khách mua bán cũng thưa thớt. Nhiều chủ cửa hàng cho biết, thời điểm này năm ngoái lượng hàng bán ra đã khá nhiều nhưng năm nay hàng nhập về chưa bán được bao nhiêu. Họ không dám cất hàng thêm vì còn phải chờ động tĩnh của thị trường.

Chị Oanh, kinh doanh tại phố Hàng Mã cho biết: "Có khách đến hỏi điện thoại 3G, Iphone hàng mã nhưng chúng tôi không có hàng. Tôi cũng chưa thấy có nhà sản xuất nào có mẫu hàng này. Tôi tư vấn cho khách mua cả bộ trang sức gồm nhẫn, điện thoại O2, đồng hồ giá tầm 15.000 đồng đến 20.000/bộ nhưng cũng không đắt khách lắm”.

Hàng mã online


Trong khi thị trường hàng mã truyền thống thưa khách thì dịch vụ bán hàng mã online mới xuất hiện đang được nhiều khách hàng trẻ ưa chuộng. Trên diễn đàn lamchame.com, theo giới thiệu của người bán hàng là để giúp các bà, các chị chuẩn bị chu đáo cho lễ cúng cô hồn mà vẫn đảm bảo không chốn giờ làm việc tại cơ quan hay vất vả sau giờ làm.

Người bán chủ yếu là các bạn trẻ học sinh, sinh viên muốn kiếm tiền và lấy kinh nghiệm bán hàng qua mạng. Giá cả cũng phải chăng tuy nhiên khách phải đặt hàng trước. Dịch vụ này mới xuất hiện tại TP.HCM, còn tại Hà Nội chưa có dịch vụ này.

Khách đặt hàng qua mạng với các đồ lễ cúng như trầu cau, nhang đèn, vàng mã thông thường thì đặt trước 1- 2 ngày. Nếu khách hàng muốn sắm sửa đầy đủ nhà lầu xe hơi, quần áo, giầy dép hay các mặt hàng cao cấp thì đặt trước 3 đến 5 ngày. Phí vận chuyển thấp nhất 5.000 đồng đến 10.000 đồng tùy cự ly xa gần.

Tuy nhiên, trên các diễn đàn mạng một số người cũng e dè khi sử dụng dịch vụ này. Bởi với nhiều người, việc mua sắm đồ lễ trong dịp tháng Bảy phải nên tự tay mình làm và không muốn xẩy ra trục trặc kiểu đặt hàng mà đến ngày không có hàng.
 

Ngày rằm tháng Bảy âm lịch ở Việt Nam có 2 ngày lễ: Lễ Vu lan và Lễ Xá tội vong nhân. Lễ Vu Lan xuất hiện trong điển tích Phật giáo với chuyện Mục Kiều Liên khổ hạnh để báo hiếu mẹ. Còn lễ Xá tội vong nhân là quan niệm dân gian cho rằng trong ngày này những vong hồn còn lang bạt nơi trần gian chưa được về cõi âm sẽ được bắc cầu cho siêu độ.

Đây là những ngày lễ này đã đi sâu vào tiêm thức văn hóa của người dân Việt, đó là một nét đẹp thể hiện đạo lý nhân văn của dân tộc. Tuy vậy, với việc ngày càng thương mại hóa và trần gian hóa ngày lễ đang làm lãng phí không ít tiền bạc của các gia đình và xã hội.


            Theo Đời sống&Pháp luật

Bình luận
vtcnews.vn