Randy Trần mải miết hát, mải miết tìm mẹ

Tổng hợpThứ Ba, 28/08/2012 01:41:00 +07:00

Năm 1990, Randy lần đầu trở về quê mẹ Việt Nam. Suốt từ đó đến giờ, trong mỗi chuyến về quê, mong muốn tìm được người mẹ thất lạc chưa bao giờ nguôi ngoai...

Tôi gặp anh trong một lần anh được mời đến ghi hình ở trường quay S4- Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC. Vóc dáng cao to, làn da ngăm đen- đặc trưng của chàng trai Mỹ gốc Việt, thoáng khiến người ta có chút ngại ngần khi mới gặp mặt. Nhưng rồi chính ánh mắt đầy tha thiết, đầy nỗi niềm ấy đã khiến cho tôi phải nao lòng…

Cay đắng phận con lai…

Randy tên thật là Trần Quốc Tuấn, lớn lên tại cô nhi viện Thánh Tâm (Đà Nẵng). Năm tuổi, anh được một gia đình ở Cẩm Hà (Hội An) nhận làm con nuôi. Những năm tháng tuổi thơ, chỉ vì mang hai dòng máu, mang màu da đen với mái tóc xoăn, khác với những người Việt thời bấy giờ, Randy đã phải trải qua những tháng năm tuổi thơ đầy cơ cực, tủi hờn.

 
Mang tiếng là con nuôi nhưng từ khi còn nhỏ, Randy đã phải làm quần quật như một người ở đợ, hết chăn bò, trồng khoai, gặt lúa... rồi lại đến hàng mớ công việc nặng nhọc trong nhà. Thế nhưng anh không hề có được một chút hơi ấm tình thương nào từ phía người má nuôi. Những lúc anh có lỗi lầm gì bà lại lôi anh ra đánh mắng.

Những lần để bò ăn lúa hàng xóm, bị mẹ đổ dầu hỏa lên đầu và suýt bị thiêu đốt, những lần ngủ gật khi nấu cơm bị mẹ dí hai chiếc đũa nóng rát vào má, những vết sẹo do đòn roi đầy tủi nhục như vẫn còn in hằn theo thời gian… Có những đêm sương buốt giá, không ngủ được, ngồi bên nấm mồ hoang, nghĩ về thân phận “con lai” của mình mà đứa bé ấy đã khóc không thành tiếng.

Đến năm 1983, khi nghe tin Chính phủ Mỹ có chính sách cho những gia đình nuôi con lai Mỹ ở Việt Nam nhập cư. Một gia đình người Hoa ở Hội An muốn nhập cư Mỹ nên đề nghị mẹ nuôi giao anh cho họ nhận làm con nuôi. Đổi lại, họ trao cho mẹ nuôi anh 3 cây vàng. Đang vật vã với cái nghèo, cái khổ, người mẹ nuôi đồng ý giao anh.

 
Anh nhập hộ khẩu vào gia đình người Hoa này để hợp thức hóa thủ tục xin di trú vào Mỹ. Dù nhận làm con nuôi nhưng gia đình người Hoa này hoàn toàn không có chút thiện cảm nào với anh. Để chứng minh “công nuôi dưỡng”, họ cho anh đi học. Đến năm 1987, lại có nguồn tin cho biết Chính phủ Mỹ bỏ chính sách nhập cư trẻ lai, gia đình người Hoa này cho rằng mình “đầu tư nhầm chỗ” nên không cho anh đi học nữa. Họ hoàn toàn bỏ mặc anh. Mang nỗi mặc cảm, tự ti thân phận anh lang thang đi tìm việc làm thuê để tự nuôi sống mình.

Anh xin vào làm thuê cho một xưởng chế biến xì dầu để có cơm ăn, chỗ ở và nhận chút tiền lương. Năm 1987, cha nuôi anh bị chứng ung thư bộc phát. Lần đầu tiên đem món tiền làm thuê về thăm cha nuôi, anh rất hạnh phúc. Trong cơn đau, cha nuôi muốn được ăn tô bún bò. Anh dùng đồng tiền của chính mình đi mua bún bò cho ông. Ông vừa ăn vừa khóc. Khóc vì sung sướng và khóc vì xót thương đứa con nuôi hiếu thảo của mình. Ít lâu sau, ông mất.

Đến năm 1990, gia đình người Hoa tất tả đi tìm anh về vì có thông báo chính thức từ Đại sứ quán Mỹ. Anh cùng gia đình người Hoa này được sang
California định cư. Những tưởng chính phủ của “quê cha” sẽ giang tay chào đón giọt máu của những người “chết vì lá cờ Mỹ”, không ngờ, họ chẳng đoái hoài gì đến thân phận của hơn 20.000 đứa trẻ lai ở chiến trường Việt Nam. Anh chỉ nhận được tấm “thẻ xanh” như những người lưu vong khác. Gia đình người Hoa, sau khi đạt được mục đích, cũng chẳng xem anh ra gì.

Dường như đã quá quen với cảnh bị bỏ rơi, hắt hủi, một lần nữa, Randy lại tự lần mò làm thêm và tới trường xin học. Đến năm học lớp 9, bạn bè thấy anh hát hay nên khuyên anh đi thi hát karaoke, vốn là một phong trào ở Mỹ lúc bấy giờ. Lần thứ nhất, Randy đoạt giải Khuyến khích. Ở lần thi thứ hai, tổ chức tại
Dallas, anh đoạt giải Nhất.

Thế rồi, vào những năm đầu thập niên 90, cái tên Randy được nhiều sân khấu người Việt ở Mỹ, Australia, Canada... đón nhận nồng nhiệt. Ngoài hát ca khúc của các nhạc sĩ, anh được yêu thích bởi những sáng tác riêng viết về mẹ, về quê hương như: Mẹ, Ngọt ngào quê mẹ, Cõi lòng... Kiểu hát tự sự bằng giọng mộc, tự do phiêu, không cầu kỳ của anh đã khiến làng ca nhạc Việt ở hải ngoại có thêm màu sắc mới.

Trung tâm Hải Âu thực hiện độc quyền với anh 6 album đơn ca và 3 album song ca với ca sĩ Mỹ Huyền. Sau này, anh được một số ca sĩ khác như Tuấn Vũ, Phượng Mai, Ngọc Sơn mời hát chung… Thời điểm vàng son, trung bình mỗi tháng anh thu nhập khoảng 20.000 USD. Đời anh rẽ sang trang mới, đầy ánh hào quang.

Anh đến với nghiệp hát như một sự tình cờ của số phận. Anh không có chút kiến thức nhạc lý khi đã đăng quang trên sân khấu. Anh quyết định đi học một lớp nhạc lý căn bản tại trường Golden West để có thể tự sáng tác. Đến năm 2000, anh viết ca khúc “Mẹ”. Ca khúc được anh sáng tác bằng tất cả nỗi niềm khát khao của một đứa trẻ mồ côi và không khó hiểu khi tác phẩm này được đông đảo công chúng đón nhận.

Cũng chính tuổi thơ cay đắng đã mang đến cho anh nhiều cảm xúc khi thể hiện “Nó” - một nhạc phẩm của nhạc sĩ Anh Bằng. Vừa cất tiếng hát lên, Randy đã làm khắc khoải hàng triệu con tim. “Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ. Tuổi ấu thơ đã mang nhiều âu lo... Cuộc sống đói rách bơ vơ, mẹ ơi con yêu mong chờ, bao giờ cho đến bao giờ...”. Randy đã hát như rút từ tâm can, hát như khóc than cho chính số phận con lai của mình. Hát như để mường tượng về người mẹ chưa một lần gặp mặt… Rất nhiều người đã ôm lấy anh òa khóc.

 
Không còn vật lộn với miếng ăn, chỗ ở nữa, anh có thời gian để nghĩ đến quá khứ của mình. Câu hỏi “mẹ là ai ở quê nhà” bắt đầu trào dâng trong tâm khảm anh...

Hát để tìm mẹ

Dù sống trên đất Mỹ, anh chưa bao giờ có ý định tìm cha mình là ai, mặc dù, chuyện đó hoàn toàn không khó. Ở Mỹ, muốn tìm cha, anh chỉ việc đến Trung tâm lưu trữ hồ sơ lính Mỹ tham chiến ở Việt
Nam thử ADN là có kết quả. Nhưng anh không làm. Anh hận cuộc chiến tranh của quê cha đã tạo ra những nghịch cảnh ở quê mẹ. Trong anh chỉ có duy nhất một tâm niệm tìm ra người đã sinh thành anh trên cõi đời này.

Năm 1990, Randy lần đầu trở về quê mẹ Việt
Nam. Suốt từ đó đến giờ, trong mỗi chuyến về quê, mong muốn tìm được người mẹ thất lạc chưa bao giờ nguôi ngoai trong lòng anh. “Bằng tình cảm của mình, tôi biết mẹ tôi đang ở đâu đó trên cuộc đời này. Tôi hy vọng rồi sẽ một ngày tôi được gặp mẹ bằng xương bằng thịt chứ không phải chỉ trong những giấc mơ”, Randy chia sẻ.

Trong giấc mơ của ca sĩ mang hai dòng máu Mỹ - Việt, mẹ anh rất hiền, luôn mặc một bộ đồ trắng bạc, tóc dài. Bà đến bên ôm anh và thì thầm lời nói nào đó. Nhưng khi tỉnh dậy, anh không thể nhớ ra. Chính điều đó thôi thúc anh phải tìm gặp được mẹ và được nghe bên tai lời mẹ nói. Đằng đẵng suốt mấy chục năm qua, những chuyến bay từ Mỹ về Việt
Nam ngày càng dày hơn. Người ta thấy Randy vẫn lặng thầm len lỏi khắp các tỉnh thành trên đất nước với niềm khao khát tìm thấy bóng mẹ yêu.

 
“Sau cuộc chiến, cha trở về quê cha/ Bỏ lại sau lưng những đứa con lạc loài/ Những đứa con mang hai dòng máu/ Cho người đời cấu xé, biệt khinh…”- những giai điệu tha thiết của bài hát “Sau cuộc chiến” được anh cất lên như xé ruột xé gan tất cả khán giả có mặt ở trường quay của Đài Truyền hình VTC. Vẫn vẹn nguyên giọng hát trầm buồn đầy màu sắc xẩm, vẫn những nghẹn ngào, đắng cay mỗi khi nhắc lại thân phận của chính mình... Bằng tất cả những tâm tư của một người con mang hai dòng máu, Randy như rút lòng mình ra để viết lên từng lời ca khúc này. Lặng lẽ lau đi những dòng nước mắt, anh có biết đâu, ở dưới những hàng ghế kia, bao người cũng đang khóc theo anh…

Bây giờ, ở bên Mỹ, thi thoảng anh giúp vợ ở tiệm nail (thời trang vẽ móng). Hai người có một cuộc sống giản dị nhưng hạnh phúc. Anh vui vẻ với cuộc sống lao động của một người bình thường. Hơn nữa, anh có niềm hạnh phúc khác, là nhận được thêm rất nhiều tình yêu từ khán giả. Mỗi khi đi lưu diễn ở đâu cũng có người hỏi: Randy đã tìm được mẹ chưa?

Dù chưa tìm được chút hơi ấm của mẹ , chưa tìm được một vòng tay mà Randy khao khát bấy lâu, nhưng anh đã cảm nhận được tình yêu từ những người đồng bào mà anh mang trong mình nửa dòng máu. Với anh, Việt Nam vẫn là quê hương, là nơi chôn nhau cắt rốn. Ngôn ngữ Việt, người mẹ Việt và tình người Việt vẫn luôn vẹn nguyên trong từng thớ thịt trên người anh.

Đó cũng chính là niềm thôi thúc anh tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, đóng góp cho các trại trẻ mồ côi ở Việt Nam. Từng là một đứa trẻ mồ côi, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nên anh hiểu hơn ai hết hoàn cảnh của những đứa trẻ cùng chung thân phận. “Nỗi đau về thể xác rồi sẽ quên đi, nhưng những đắng cay tủi nhục mà một đứa trẻ không cha không mẹ phải gánh chịu, thật khó có thể xóa nhòa”, nam ca sĩ bày tỏ.

Vừa qua, nhận được tin người phụ nữ gốc Huế hiện sống ở Đồng Nai nhiều khả năng là mẹ mình, chàng ca sĩ Randy đã quyết định tới gặp bà. Randy kể, đây không phải là trường hợp đầu tiên, mà trước đó đã có trên 20 phụ nữ liên lạc nói rằng có đứa con lai bị thất lạc và khả năng họ chính là mẹ của Randy. Tuy nhiên sau khi đối chiếu thông tin thì có nhiều chi tiết không hoàn toàn trùng khớp với nhau. Đến nay dù không biết bà Hai có phải là mẹ của mình không nhưng sự giống nhau qua bức ảnh của bà hồi trẻ và bức phác họa chân dung của nhà ngoại cảm Đoàn Việt Tiến… khiến Randy cảm thấy cần phải gặp bà.

Đối với bà Hai, cuộc gặp gỡ này là sự kỳ vọng lớn nhất sau hơn 40 năm đằng đẵng chờ đợi. Còn với Randy, từng đó thời gian nếm trải đủ gai góc và nghiệt ngã của cuộc sống, anh thầm ước đây sẽ là mẹ ruột của mình, để anh có thể chạy ào đến bên mẹ mà nức nở... Hai người quyết định sẽ đi thử ADN cho dù vẫn còn một vài thông tin không khớp. Cuộc gặp gỡ bịn rịn của Randy và bà Hai kéo dài gần tiếng đồng hồ. Cả hai chẳng ai muốn rời xa.

Thời gian này, những người quan tâm đến Randy và cuộc hành trình miệt mài tìm mẹ của anh, đều chung tâm trạng mong ngóng kết quả xét nghiệm ADN của Randy và “người mẹ Đồng Nai”.  Họ vẫn lặng lẽ thầm chúc cho mọi sự tốt đẹp để người con ấy có thể kết thúc hành trình đằng đẵng 40 năm và hưởng trọn niềm vui bên mẹ.

Thương Anh

Bình luận
vtcnews.vn