“Rắn 4 chân” không phải thằn lằn cực kỳ quý hiếm?

Khám pháChủ Nhật, 14/11/2010 10:44:00 +07:00

(VTC News) - Các nhà khoa học cũng cho biết, Lygosoma là loài thuộc họ thằn lằn bóng nên không có nọc độc.

(VTC News) - Ngày 11/11/2010, một bạn đọc của báo điện tử VTC News có tên Vũ Văn Thế (23 tuổi, Thái Nguyên đã gửi đến những hình ảnh một cá thể thằn lằn bóng Lygosoma angel.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quảng Trường (Viện sinh thái và Tài nguyên Sinh vật), qua quan sát hình ảnh VTCNews đăng tải, có thể xác định loài vật trong ảnh là Thằn lằn chân ngắn thường, tên khoa học là Lygosoma quadrupes.

Loài này phân bố khá phổ biến ở Việt Nam như Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Quảng Bình…và các nước quanh khu vực, không thuộc loại hiếm gặp.

Ảnh chụp cá thể thằn lằn bóng Lygosoma angel do anh Thế bắt được.  

Do đó, về cách gọi tên loài là Lygosoma angel (loài thằn lằn chân ngắn) là không chính xác, bởi loài này hiện tại mới chỉ ghi nhận phân bố ở miền Nam, vùng phân bố của nó chưa từng được ghi nhận ở miền Bắc. Ngoài ra, loài Lygosoma angel  có kích cỡ lớn hơn.

Còn theo ông Lê Nguyên Ngật (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), qua hình ảnh thấy rằng đây là giống thằn lằn chân ngắn (Có tên khoa học là Lygosoma). Giống thằn lằn này có tới 8 loài khác nhau được phân bố ở các vùng trên khắp đất nước, đặc điểm chung là có kích thước khá nhỏ, chân ngắn bé, nên chúng thường không sử dụng chân, hay xuất hiện nhiều vào ban đêm.

Thằn lằn bóng Lygosoma angeli đăng trên báo SGTT (ảnh Phùng Mỹ Trung) . 

“Để phân biệt 8 loài, xác định đó có phải thằn lằn chân ngắn thường hay loài khác là điều rất khó phân biệt bằng mắt thường, cần lấy mẫu và đếm số vảy trên loài đó thì mới biết chính xác tên loài”. Ông Ngật cho hay.

Các nhà khoa học cũng cho biết, Lygosoma là loài thuộc họ thằn lằn bóng nên không có nọc độc.

Thằn lằn chân ngắn (danh pháp khoa học: Lygosoma quadrupes) là một loài thuộc chi Thằn lằn chân ngắn (Lygosoma) của họ Thằn lằn bóng (Scincidae), có đuôi dài 7 cm, tổng chiều dài 15 cm và đôi chân trước và sau dài 2 cm, có năm ngón, tiêu biểu nhất cho lối sống trong hang, chúng thường được tìm thấy trong các khúc gỗ mục và thức ăn là mối và ấu trùng.

Thằn lằn chân ngắn, ảnh: Wikipedia. 

Đôi
chân của loài thằn lằn này mọc ra chỉ để làm cảnh vì hầu như nó không đủ mạnh để nâng đỡ cơ thể chúng (theo Wikipedia).

Loài thằn lằn chân ngắn này sinh sống trong khu vực Đông Nam Á, như tại Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Lào, miền nam Trung Quốc, Hồng Kông, Tây Malaysia, Indonesia (các đảo Sumatra, Java, Salayar), Philippine (các đảo Calamian trong tỉnh Palawan).

Phạm Phạm Thu



 

Bình luận
vtcnews.vn