Quỳ lạy xin lỗi vẫn bị chém chết: Hành vi 'đuổi cùng giết tận', hung thủ có thể bị tử hình

Pháp luậtThứ Hai, 31/07/2017 16:53:00 +07:00

Luật sư cho rằng dù nạn nhân đã quỳ xuống xin lỗi song hung thủ vẫn chém nạn nhân tử vong là hành vi có tính chất côn đồ, quyết tâm thực hiện hành vi phạm tội đến cùng nên hung thủ có thể phải đối mặt với mức án tử hình.

Như VTC News đã đưa tin, vào chiều 30/7, trên địa bàn quận 9 xảy ra vụ án mạng khiến anh Nguyễn Văn Sơn (ngụ huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM tử vong.

"Đuổi cùng giết tận"

Sáng 31/7, Công an quận 9 (TPHCM) xác nhận trên địa bàn xảy ra 1 vụ giết người vào chiều 30/7. Nạn nhân là anh Nguyễn Văn Sơn (ngụ huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 9h30 ngày 30/7, anh Nguyễn Văn Sơn cùng ba người bạn chơi game tại một cơ sở kinh doanh dịch vụ Internet trên đường Lò Lu. Đến trưa, anh Sơn có việc nên rời đi.

Đến 15h30 cùng ngày, anh Sơn trở về điểm chơi game, rủ các bạn ăn cơm thì bất ngờ có hai thanh niên đến vây đánh.

Bị tấn công, anh Sơn bỏ chạy khoảng 50m đến một cửa tiệm tạp hóa định vào trốn thì bị hai thanh niên đuổi kịp, xông vào đánh.

cua-hang-tap-hoa-1501426895-0748580

Cửa hàng tạp hóa - hiện trường vụ ẩu đả đâm chết người chiều ngày 30/7. (Ảnh: Tuổi Trẻ) 

Chạy đến tiệm tạp hóa, Sơn dùng cây lau nhà nhặt được ven đường chống đỡ đòn đánh của hai thanh niên. rồi chắp tay vái lạy nhận lỗi và xin tha. Tuy nhiên, một trong hai thanh niên vây đánh đã rút dao đâm vào cổ Sơn nhiều nhát gục tại chỗ.

Không dừng lại, hai thanh niên này tiếp tục vung chân đá Sơn thêm mấy phát rồi mới bỏ đi. Sơn được người dân đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong.

Trao đổi với VTC News về vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Minh Long, Giám đốc Công ty Luật Dragon (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích: Trong vụ việc trên, đối với ành vi “Sơn chắp tay vái lạy nhận lỗi và xin tha nhưng vẫn bị trong hai thanh niên rút dao đâm liên tiếp vào cổ khiến Sơn gục tại chỗ. Sau đó còn bị hai thanh niên này tiếp tục vung chân đá Sơn thêm mấy phát rồi mới bỏ đi...” có thể hiểu hai thanh niên này đã có hành vi “đuổi cùng giết tận”.

Hành vi trên cho thấy tính chất côn đồ, hung hãn của hai thanh niên nên có thể bị xem xét, xử lý theo quy định tại điểm n khoản 1 điều 93 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Cụ thể, tại Điểm n, Khoản 1, Điều 93 của BLHS 1999 quy định về “Tội giết người” như sau: “Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: n) Có tính chất côn đồ. “Như vậy, theo như tình huống được đề cập trong vụ việc trên ta có thể thấy hành vi trên có yếu tố côn đồ. Tình tiết “có tính chất côn đồ” là tình tiết định khung tại điểm n khoản 1 điều 93 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) để cấu thành tội giết người. 

Đối mặt với án tử hình

Trước sự việc này, luật sư Trần Bá Học (Công ty luật TNHH Hãng luật Roma, Hội luật gia Quận 1, TP.HCM) cho biết: “Rõ ràng các đối tượng trên đã phạm tội giết người theo điều 93, Bộ luật hình sự năm 1999”.

Theo nội dung của khoản 1 điều 93, người nào giết người thuộc một trong các trường hợp như có tính chất côn đồ, giết trẻ em, giết nhiều người, giết phụ nữ có thai,… thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Nếu phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 diều này, thì bị phạt tù từ 7 đến 15 năm.

“Giết người” được hiểu là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Điều luật của Bộ luật hình sự chỉ quy định giết người mà không quy định cố ý giết người, vì từ "giết" đã bao hàm cả sự cố ý. Do đó, nếu có trường hợp nào tước đoạt tính mạng người khác không phải do cố ý thì không phải là giết người.

Người phạm tội giết người đều có chung một mục đích là tước đoạt tính mạng con người, nhưng động cơ thì khác nhau. Động cơ không phải là yếu tố định tội giết người, nhưng trong một số trường hợp nó là yếu tố định khung hình phạt. Chủ thể của tội giết người là bất kỳ, nhưng phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và phải là người đủ 14 tuổi trở lên, vì tội giết người là tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.

Những dấu hiệu khác như: thời gian. địa điểm, hoàn cảnh v.v... chỉ có ý nghĩa xác định mức độ nguy hiểm đối với hành vi giết người, chứ không có ý nghĩa định tội.

Riêng đối với hành động xin tha, thì đó là biểu hiện của nạn nhân. Từ hành động này, chỉ dẫn đến hành vi giết hoặc không giết, tức là nó chỉ ảnh hưởng đến hậu quả. Nhưng hậu quả của sự việc là nạn nhân tử vong sau khi bị nhóm đối tượng đâm nhiều nhát, nếu nạn nhân còn sống là nằm ngoài mục đích của đối tượng gây án.

Tuy nhiên, để xác định rõ đối tượng trọng sự việc trên phạm tội theo khoản 1 hay khoản 2 của điều 93 thì phải chờ kết quả điều tra từ cơ quan công an về nguyên nhân xảy ra sự việc, xem thử nạn nhân có mâu thuẫn với kẻ giết người từ trước hay kẻ giết người được thuê để thực hiện hành vi.

Trường hợp nạn nhân có mâu thuẫn với nhóm đối tượng, thì phải xác định xem mâu thuẫn ở mức độ nào. Nếu chỉ là mâu thuẫn nhỏ, chưa đến mức phải giết người thì có thể áp dụng điểm n, khoản 1 của điều 93 là “có tính chất côn đồ”. Ngoài ra, còn dựa vào những hình thức tăng nặng trách nhiệm khác như tái phạm hay tái phạm nguy hiểm, phạm tội có tổ chức, trực tiếp hay gián tiếp,…

Video: Lộ thân phận kẻ giết người vì ngáo đá

Trong công văn hướng dẫn của ngành tòa án số 38/NCPL ngày 6/01/1976 đã có giải thích rõ ràng về tình tiết “có tính chất côn đồ”. Khái niệm côn đồ được hiểu là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người. Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khoẻ, tính mạng, danh dự  người khác, gây gổ hành hung người khác một cách vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt.

Riêng quy định trong Bộ luật hình sự đang tồn tại hiện nay, thì khái niệm “có tính chất côn đồ” với 2 mức độ khác nhau: Mức độ thứ nhất được hiểu là tình tiết tăng năng trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm d, khoản 1, điều 48 Bộ luật hình sự “Phạm tội có tính chất côn đồ”. Mức độ thứ hai được hiểu là tình tiết định khung tội phạm tại điểm n, khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự về Tội giết người năm 1999.

Theo luật sư Trần Bá Học, mức án cao nhất cho tội danh giết người là tử hình.

Nhật Linh-Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn