Quy hoạch Hà Nội sẽ giải quyết ùn tắc giao thông?

Kinh tếThứ Bảy, 30/07/2011 07:30:00 +07:00

(VTC News) - “Muốn giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông, không thể chỉ dựa vào kết cấu hạ tầng theo quy hoạch”.

(VTC News) - “Muốn giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông, phải kiềm chế sự gia tăng dân số, phương tiện cá nhân, các dịch vụ trong nội đô, chứ dựa vào kết cấu hạ tầng theo quy hoạch thì chưa giải quyết được gì”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng trả lời tại lễ công bố quy hoạch chung Hà Nội.

Với quy hoạch mở rộng Hà Nội được phê duyệt lần này, ông đánh giá thế nào về hệ thống giao thông của Hà Nội?

Với cái quy hoạch này, chúng ta hình dung sẽ có một vành đai khép kín gồm vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4, nối các trung tâm đô thị và đô thị vệ tinh vào với nhau và liên kết vùng.

Thứ hai sẽ có 1 trục hướng tâm, dựa trên các quốc lộ hiện có được nâng cấp, mở rộng.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng 
Thứ 3 là hệ thống đường cao tốc nối giữa Hà Nội và các trung tâm khác như: Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Hải Phòng, và Hà Nội đi các tỉnh Ninh Bình đến Thanh Hóa, kết nối Hà Nội với các vùng trọng điểm khác.

Đối với giao thông đô thị sẽ bao gồm: giao thông đường sắt vành đai, đường điện trên cao, tàu điện ngầm, hệ thống cầu. Một số cầu đã và đang được xây dựng như cầu Nhật Tân, dự kiến 2 năm nữa sẽ hoàn thành, hay tuần tới đây, đường cao tốc nối cầu Nhật Tân với sân bay Nội Bài cũng sẽ được khởi công. Sân bay Nội Bài cũng sẽ được xây dựng theo hướng mở thêm các nhà ga mới, dự kiến có thể phục vụ cho 50 triệu hành khách.

Như vậy, có thể hình dung cầu Nhật Tân sẽ kết nối trung tâm thủ đô với đường cao tốc và với sân bay Nội Bài theo hướng rất hiện đại.

Tôi cho rằng, một quy hoạch về giao thông như vậy, trong vòng 10 năm nữa sẽ có tính đồng bộ và liên kết chặt chẽ.

Với quy hoạch chung lần này, theo ông, đâu là điểm sáng nhất đối với quy hoạch về giao thông?

Tôi cho rằng, ngoài việc nâng cấp hạ tầng hiện có, cái mới nhất của quy hoạch lần này là tập trung vào hệ thống đường cao tốc, đường vành đai, hệ thống giao thông đường bánh sắt (tàu điện ngầm, đường sắt trên cao) và 1 số cầu quan trọng, lấy sông Hồng như trung tâm của thủ đô, kết nối giữa hai bên bờ.

Xưa nay, việc đặt ra các quy hoạch thường rất được quan tâm, nhưng nhiều quy hoạch khi thực hiện thì lại trì trệ, chậm trễ, thậm chí nhiều quy hoạch không được tôn trọng khi thực hiện. Với quy hoạch lần này, ông có cảm thấy lo lắng và theo ông, vấn đề gì cần giải quyết ở đây?

Tổ chức và thực hiện quy hoạch như thế nào là chuyện rất lớn, đòi hỏi phải có kỷ luật, kỷ cương và quy chế làm việc nghiêm ngặt. Muốn thay đổi thực trạng này thì chúng ta phải làm theo hướng quản lý chặt chẽ và nghiêm túc. Còn nếu lặp lại những vết xe đổ mà chúng ta đã làm, tức là không tuân thủ quy hoạch thì sẽ rất dễ dẫn tới không thực hiện thành công quy hoạch.

Về mặt quản lý nhà nước, theo ông, chúng ta có cần có cơ chế gì?

Thủ tướng đã giao nhiệm vụ rất rõ, Bộ Xây dựng phải chủ trì chung và UBND TP Hà Nội là chủ đầu tư thực hiện, các Bộ sẽ phối hợp thực hiện, trong đó Bộ Giao thông phải phối hợp xây dựng kế hoạch chi tiết giao thông đô thị và phối hợp với UBND TP thực hiện các cơ chế có thể để thực hiện được quy hoạch này.

Trong đó, việc huy động nguồn vốn phải đặc biệt chú ý, vì vốn ngân sách nhà nước tuy là một phần rất quan trọng trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng, nhưng nếu chỉ dựa vào nguồn vốn này thì sẽ khó có thể thực hiện được.

Vì vậy, thời gian tới, phải huy động thêm nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn khác để thực hiện hệ thống hạ tầng giao thông. Đặc biệt, phải dành quỹ đất cho giao thông, thực hiện cơ chế đổi đất lấy hạ tầng, lấy giá trị của đất để phục vụ cho hạ tầng thì mới đủ và thêm nguồn lực để thực hiện.

Theo ông, quy hoạch lần này có giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông đang ngày càng nghiêm trọng như hiện nay tại Hà Nội?


Quy hoạch phải gắn với sự phát triển của dân số, vì vậy, phải kiềm chế sự gia tăng của dân số, phương tiện cá nhân, các dịch vụ trong nội đô mới thoát khỏi ùn tắc, chứ dựa vào kết cấu hạ tầng theo quy hoạch này thì chưa giải quyết được gì.

Xin cảm ơn ông!

Cũng tại lễ công bố chiều 29/7, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cũng cho biết, đối với việc giãn dân ở khu vực trung tâm ra bên ngoài, đây là việc rất khó vì việc di dân không thể bắt đi là được.

Để giải được bài toán giãn dân thì phải có những khu ở mới hơn khu ở cũ, có cây xanh, mặt nước, như thế người ta mới đến. Hiện TP Hà Nội cũng đang thực hiện dự án di dân phố cổ thuộc quận trung tâm Hoàn Kiếm ra khu Việt Hưng thuộc quận Long Biên.

Với những khu ở mới, nhà đầu tư nào có tiềm lực sẽ làm đến nơi đến chốn và sẽ thành công. Ví dụ, khu Phú Mỹ Hưng ở TP.HCM dù xa trung tâm TP nhưng vẫn có nhiều người tìm đến mua. Còn nếu hạ tầng kém như đường xấu, trường học thiếu… thì rõ ràng sẽ rất khó thu hút người dân.

Về tác động của việc công bố quy hoạch đối với thị trường bất động sản Hà Nội, ông Toàn khẳng định: “Chắc chắn khi quy hoạch Hà Nội mở rộng được phê duyệt, công bố rộng rãi, việc đầu tư vào bất động sản sẽ có thay đổi lớn. Dựa vào quy hoạch chung, người ta có thể nắm rõ hơn rất nhiều thông tin về các khu vực đất đai mà họ có nhu cầu đầu tư. Những thứ trước đây vốn rất khó hình dung thì nay được thể hiện rõ ràng với mô hình, sa bàn, bản đồ. Từ đó nhà đầu tư sẽ có cái nhìn tổng quát và rõ ràng hơn để đưa ra sự lựa chọn của mình”. 

Tra cứu kết quả tuyển sinh Đại học – Cao đẳng 2011 http://diemthi.vtc. 

Châu Anh

Bình luận
vtcnews.vn