Quốc hội yêu cầu giữ lại môn Lịch sử độc lập trong chương trình mới

Thời sựThứ Sáu, 27/11/2015 06:04:00 +07:00

Quốc hội yêu cầu ngành GD - ĐT phải phải thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và nhấn mạnh phải giữ lại môn lịch sử trong SGK mới

(VTC News) - Quốc hội yêu cầu ngành GD&ĐT phải phải thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và nhấn mạnh phải giữ lại môn lịch sử trong giáo khoa mới.

Với lĩnh vực xã hội, Quốc hội yêu cầu hàng năm phải tạo chuyển biến tích cực, rõ nét trong đời sống thực tế về vấn đề an toàn thực phẩm. 

Nhiệm vụ giao cho các ngành là ngăn chặn và xử lý kiên quyết các hành vi sản xuất, buôn bán hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và sử dụng hóa chất độc hại trong nông nghiệp và thực phẩm.

Ngành GD-ĐT được nhắc nhở, thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đảm bảo mục tiêu Quốc hội đề ra. Quốc hội quán triệt “tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới”.
Phiên chất vấn tại kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội thực hiện chất vấn với tất cả các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ về việc thực hiện lời hứa trong cả nhiệm kỳ.
Phiên chất vấn tại kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội thực hiện chất vấn với tất cả các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ về việc thực hiện lời hứa trong cả nhiệm kỳ. 
Đối với lĩnh vực kinh tế, Quốc hội yêu cầu tích cực thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế; chuẩn bị tốt các điều kiện trong nước đáp ứng yêu cầu hội nhập; gắn thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, phát triển bền vững.

Trong đó, ngành nông nghiệp được lưu ý có giải pháp cơ bản giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh liên kết 4 nhà, nâng cao năng suất, giá trị và sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước; xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành trong từng năm đạt từ 3,5 - 4%/năm.


Ngành tài chính nhận nhắc nhở về vấn đề nợ công, nhiệm vụ đề ra là xây dựng lộ trình và các biện pháp hữu hiệu, bảo đảm an toàn nợ công, trong giới hạn Quốc hội cho phép, từng bước giảm dần nợ công.

Bảo đảm sớm thu hồi nợ đọng thuế, hạn chế phát sinh nợ đọng thuế mới; giảm thời gian làm thủ tục khai, nộp thuế về mức ngang bằng với các nước ASEAN-4. Thực hiện các cân đối tài chính, ngân sách, giảm dần bội chi, bảo đảm bội chi trong giới hạn Quốc hội cho phép, chỉ sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cho đầu tư phát triển.

Quốc hội cũng nhắc các Bộ, ngành tăng cường thanh tra, kiểm soát, xử lý sai phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, ban hành chính sách đồng bộ để tiếp tục giảm và khống chế nợ xấu; nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).



Ngành Y tế nhận nhiệm vụ phải tạo sự chuyển biến rõ nét về giảm quá tải bệnh viện, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chất lượng khám chữa bệnh; đảm bảo mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, mở rộng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng.

Chỉ tiêu được nhắc lại với ngành du lịch là phấn đấu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hệ thống cơ sở vật chất-kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới.

Vấn đề tổ chức bộ máy nhà nước, Quốc hội yêu cầu ngành Nội vụ đánh giá toàn diện, khách quan, minh bạch chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện đề án vị trí việc làm, tích cực thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Xây dựng lộ trình và chỉ tiêu thực hiện cho các năm, bảo đảm mục tiêu chung đến năm 2021, tinh giản tối thiểu là 10% biên chế.

Video: Quốc hội nói về những vấn đề nóng 


Phạm Thịnh - Thu Hương
Bình luận
vtcnews.vn