Quế Ngọc Hải nộp 800 triệu chữa trị cho Anh Khoa: Miễn trình bày

Thể thaoThứ Năm, 05/11/2015 08:52:00 +07:00

Vụ Quế Ngọc Hải-Anh Khoa tiếp tục cho thấy bóng đá Việt Nam và ban kỷ luật VFF không cho các đương sự đối chất, giải trình để có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp.

Vụ Quế Ngọc Hải-Anh Khoa tiếp tục cho thấy bóng đá Việt Nam và ban kỷ luật VFF không cho các đương sự đối chất, giải trình để có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

* SHB Đà Nẵng công bố số tiền Quế Ngọc Hải phải trả là hơn 800 triệu đồng

“Án tại hồ sơ”…


Kết thúc hay bắt đầu một vụ việc, từ việc xem xét đến xử án, ra quyết định kỷ luật, Trưởng ban Kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường luôn giơ ra một “bảo bối”: “Án tại hồ sơ”.

Án tại hồ sơ, đại loại được hiểu và lý giải đơn giản nhất như thế này: Sau khi xem toàn bộ băng hình trận đấu, báo cáo của giám sát, trọng tài và các tài liệu, bằng chứng liên quan từ BTC giải, Ban Kỷ luật nhóm họp, thống nhất đưa ra kết luận về mức độ sai phạm của một cá nhân hay tập thể. Sau đó, dựa vào các điều mục trong Quy định kỷ luật để áp dụng, án kỷ luật sẽ được đưa ra.
Quế Ngọc Hải xin lỗi gia đình Anh Khoa
 Quế Ngọc Hải xin lỗi gia đình Anh Khoa
Cách xử án của Ban Kỷ luật VFF như thế là cách làm theo nguyên tắc chung. Nhìn từ luật dân sự, hình sự hay các điều luật ở mỗi ngành nghề khác nhau, khi xử án, những tình tiết phạm tội đều được căn cứ vào hồ sơ, chứng cứ và mức độ vi phạm để tuyên án.

Với bóng đá nói riêng và thể thao nói chung, thông thường trước một vụ việc phải đưa ra xử lý, xét về cả tình lẫn lý thì trước và trong quá trình xử án, “thủ phạm” được trao cơ hội gặp gỡ trực tiếp, trình bày và giải trình cặn kẽ về vụ việc. Sau đó, trong phạm vi, chức năng quyền hạn của mình, Ban Kỷ luật sẽ ra quyết định.

Áp dụng cách làm như vậy sẽ tạo được tính khách quan, dân chủ khi người có tội (hoặc người đại diện pháp lý) được tham gia để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chính mình (hoặc thân chủ). Với đại đa số các nền bóng đá trên thế giới, sự có mặt của Hiệp hội cầu thủ, đại diện cho quyền lợi cầu thủ là bắt buộc. Tuy nhiên, với BĐVN và Ban Kỷ luật VFF nhiều năm nay thì cách làm này không hiện hữu, hoặc có cũng chỉ là những hình thức “lách luật” khác nhau thông qua việc đại diện Ban Kỷ luật điện thoại hỏi tình hình đương sự.

… Hay “đè án”?

Trên thực tế, theo tìm hiểu của Thể thao 24h, đa phần các vụ việc thì hình thức xử án của Ban Kỷ luật VFF đều mang tính áp đặt. Nghĩa là căn cứ duy nhất để xác định có tội hay không tội, vi phạm điều mục nào đều được nhìn nhận từ hồ sơ, băng hình của BTC giải.
Anh Khoa sang Singapore chữa trị
 Anh Khoa sang Singapore chữa trị (Ảnh: Quang Minh)
Trong khi đó, người có tội gần như không có cơ hội lên tiếng. Có chăng trước và sau khi tuyên án, ông Trưởng ban Kỷ luật bốc máy điện thoại gọi cho các đương sự để “hỏi chuyện”. Cách làm này được những người nghe ông Hường nói chuyện, kể lại thì “những cuộc điện đàm đó hoàn toàn vô nghĩa”. Bởi nó gần như không thể tác động hay giúp “quan tòa” hiểu thêm được bản chất vụ việc qua vài phút nói chuyện điện thoại.

Cuối cùng thì những gì người bị xem là “thủ phạm” cần nói, cần cung cấp thêm chứng cứ cho “quan tòa” lại không thể diễn đạt hoặc truyền đạt đầy đủ thông tin. Và sau đó, những bản án theo kiểu “án tại hồ sơ” cứ thế được áp dụng theo đúng Quy định kỷ luật và nói theo nhiều người đã và đang bị xử lý, họ cho rằng mình “bị đè ra để xử”. Bởi từ lúc xử đến khi tuyên án, họ được coi là “người ngoại đạo”. Có tội hay không có tội và tội đến đâu thì chỉ khi có án họ mới biết.

Trong khi đó, nếu bản án có bất cập và muốn khiếu nại hay kiện lại những quyết định đó thì người lĩnh án cũng chẳng thể gõ được nhiều cửa, khi cơ cấu tổ chức các phòng ban của VFF để xử lý và “phúc thẩm” chỉ có duy nhất Ban Giải quyết khiếu nại để thay đổi bản án của Ban Kỷ luật.

Từ sau tình huống vào bóng thô bạo khiến Anh Khoa chấn thương đến khi án kỷ luật được đưa ra, Quế Ngọc Hải không hề được tiếp xúc, trao đổi với Ban Kỷ luật VFF.

Nguồn: Thể thao 24h
Bình luận
vtcnews.vn