Quay phim Sỹ Thanh: Hành trình của gió

Tổng hợpThứ Ba, 14/05/2013 09:37:00 +07:00

Hắn yêu chim muông cây cối, yêu sự tự do, phóng khoáng của đại ngàn... Hắn như ngọn gió, lang thang, lãng đãng trên khắp mọi nẻo đường…

Hắn là trai Hà Thành xịn, sinh ra và lớn lên giữa chốn phồn hoa phố thị, nhưng từ khi biết vác máy quay trên vai, cũng là lúc hắn nhận ra rừng núi mới là nơi hắn thuộc về. Hắn yêu chim muông cây cối, yêu sự tự do, phóng khoáng của đại ngàn, yêu cả những con người hiền lành, chất phác nơi miền núi. Hắn như ngọn gió, lang thang, lãng đãng trên khắp mọi nẻo đường…

    Cái duyên “quay phim miền núi”

Không biết từ bao giờ, Sỹ Thanh đã gắn với thương hiệu “quay phim miền núi” ở kênh Netviet VTC10. Có lẽ, bởi người ta nhận thấy ở hắn có cái máu say, máu “điên” mỗi khi được vác máy lên miền ngược. Hồi mới vào nghề, hắn cũng chỉ nghĩ đơn giản “mình còn non, đi miền núi khắc sẽ có nhiều chất liệu để phóng tác”. Ai ngờ, cái duyên đấy cứ ngấm vào máu rồi theo hắn suốt những năm tháng cầm máy.

 
   Mà cũng có ai ngờ hắn từng vô duyên với nghề quay phim không dưới 2 lần. Là con trai của đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng Chu Hòa, có tí chất “nhà nòi” trong máu, từ bé, Sỹ Thanh đã quen với ống kính máy quay hay những lần được theo cha rong ruổi làm phim. Lớn lên, hắn cũng muốn theo nghiệp bố, muốn được bố hướng dẫn, nâng đỡ nhưng cụ chỉ nói: “Con phải tự cảm nhận, tự hiểu lấy cái nghề mình theo và tự làm”. Hồi đó, hắn còn trẻ và chưa hiểu hết những lời sâu xa của bố, chỉ thấy giận vì không nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của ông. Ðã thế, hắn cứ thi. Thi trượt. Năm sau thi lại, vẫn trượt.

Sau 2 năm vô duyên với trường Sân khấu Ðiện ảnh, hắn nản chí, quyết định đi lính. Nhờ có thể lực tốt và chăm chỉ, hắn được tuyển sang ngành công an. Bố mẹ cũng mừng thầm, nghĩ cậu con đã tu chí, mai này làm công an cho ngoan người. Nhưng chỉ được một thời gian, Sỹ Thanh cảm thấy vẫn có cái gì đắm đuối với nghề quay phim. Hắn không nói gì với gia đình, bí mật nộp đơn đi thi một lần nữa. Và lần này hắn đỗ vào khoa Quay phim của trường ÐH Sân khấu - Ðiện ảnh Hà Nội. Bắt đầu con đường của mình hơi muộn nhưng khỏi phải nói hắn vui sướng đến cỡ nào. Hiểu rõ bản thân mình hơn ai hết, Thanh tự nhủ dù gian khó thế nào cũng sẽ gắn bó với nghề quay phim, bởi chỉ khi được làm những gì đam mê thì mới có thể sống chết hết mình vì nó.

Ra trường, hắn về kênh VTC10. Tính đến nay cũng đã gắn bó gần 2 năm. Hai năm qua, hắn học được nhiều điều và nghiệm ra rất nhiều thứ. Còn nhớ, cái hồi mới về kênh, hắn nhiệt huyết xung phong làm các chương trình lớn. Không được làm, hắn thấy thất vọng, chán nản. Nhưng rồi hắn hiểu, hóa ra, muốn làm tốt việc lớn thì trước hết phải học cách thuần thục những thứ tưởng chừng như đơn giản nhất. Hắn bắt đầu tập làm các bản tin, rồi dần được đi quay chuyên đề, phóng sự, phim tài liệu. Dần dần, hắn được lãnh đạo chú ý, được biên tập tin tưởng mỗi khi đi làm chương trình. Hắn cũng được những người anh, người chú trong nghề chỉ bảo tận tình. Bộ phim “Nơi ấy vô vi” do hắn đảm nhận khâu hình ảnh được lãnh đạo chọn đi tham dự Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2012.

 
   Sỹ Thanh quan niệm, với những chương trình mang tính khám phá, quay phim chỉ là người đóng vai trò lột tả câu chuyện một cách thật nhất mà không cần sắp đặt hay “mô-đi-phê”. Chính vì thế, khi vào Huế làm chương trình về những người bán hến, hắn không ngại xông pha vào các lò hến hay theo chân những cô bán hến về tận nhà.

Những chuyến đi công tác với hắn cũng rất đơn giản. Không cầu kỳ về nơi ăn chốn ngủ, lúc đói cũng có thể làm bát mì tôm cho xong bữa. Hay nhiều hôm cứ đi thẳng vào nhà dân xin ngủ nhờ. Nhà không đủ giường thì mượn chăn màn ra mắc ngoài hiên...

Chính những lần trải nghiệm như thế mang đến cho hắn cảm xúc đầy hơn, vốn sống dày hơn. Hắn nhớ mãi chuyến đi Ý Tý, nhớ mãi khoảnh khắc lồng vào những đôi chân nhỏ bé lem luốc, xù xì những đôi dép tổ ong trắng phau, sạch sẽ. Ở đó, những đôi dày ấm áp của người thành phố bỗng cảm thấy lạc lõng trước những đôi chân trần. Hắn nhớ cả những ánh mắt trẻ thơ ngơ ngác và nụ cười hồn nhiên của những em nhỏ vùng cao.

Hồi còn học ở trường, Thanh không thích chụp ảnh nhân vật ở góc gần mà thường dùng ống tele để chụp từ xa. Thầy giáo đã bảo với hắn: ‘‘Em phải nói chuyện với nhân vật, chạy quanh nhân vật thì mới biết nhân vật có cái gì để khai thác’’. Sau này, càng làm nghề, hắn càng nghiệm ra lời thầy nói đúng. Vì thế, không hiếm những lần hắn dành vài tiếng đồng hồ nói chuyện với người dân, với nhân vật chỉ để sau đó quay có 5 phút hình.

Với hắn, cảnh chỉ đẹp khi có con người. Và không phải cứ có góc máy đẹp, ánh sáng đẹp là sẽ có cảnh quay đẹp mà nó còn phụ thuộc vào cảnh đó có cảm xúc hay không, có nhân văn hay không. Một cảnh đẹp chưa chắc đắt giá bằng một cảnh bình thường, sần sùi nhưng rung động. Thanh quan niệm nếu như điện ảnh cần đến yếu tố đẹp thì với quay phim truyền hình lại đề cao yếu tố thực. Hắn thường lắng nghe câu chuyện xung quanh, để câu chuyện ngấm vào mình, cảm nhận rung động một cách rõ nhất rồi mới đưa ống kính. Chẳng cần phải khai thác đâu xa, chỉ cần khai thác từ chính trái tim mình. Lúc thăng hoa nhất chính là lúc vác máy quay mà cứ… run run không biết làm gì.

 
   Mong muốn làm phim theo phong cách Discovery nhưng máy móc không đủ nên không ít lần Thanh và ê-kip nhịn ăn để dành tiền thuê thêm thiết bị. Hắn bảo, đi làm, ‘‘sướng’’ nhất là cả ê-kip hiểu và tôn trọng nhau. Biên tập làm lâu với hắn cũng hiểu hắn chẳng bao giờ có khái niệm ‘‘quay đủ hình’’ mà chỉ quan tâm là mình đã lột tả được hết sự việc hay chưa. Thường, biên tập chỉ cần trao đổi nội dung và đề tài trước với Thanh chứ ít khi phải đưa kịch bản chi tiết. Khi ra hiện trường, hắn hoàn toàn được chủ động trong các góc máy và chuyển thể ngôn ngữ thành hình ảnh. Phim của hắn cũng thường ít phải dùng lời bình, hầu như chỉ để hình ảnh và nhân vật lên tiếng.

Anh em trong giới truyền hình vẫn nói vui rằng quay phim không khác gì… cửu vạn, nên sức khỏe là tiêu chí hàng đầu để có thể hành nghề. Thanh kể, có những ngày mải mê đi và quay không biết mệt, chỉ đến khi tối về, đặt cái máy xuống mới biết bả vai đã bầm tím, đau nhức. Hay như lần đi làm chương trình ở Ý Tý - Lào Cai, cả đoàn đều đi xe máy, Thanh phải ôm máy quay ngồi quay lưng lại với người lái để ghi hình cả đoàn đi phía sau. Ðường núi hiểm trở, ngoằn nghèo, máy quay lại không hề nhẹ cân, nếu Thanh không có sức khỏe và chắc tay máy thì tất cả hình ảnh đã hỏng hết rồi.

Người ta nói, quay phim yêu máy quay còn hơn sinh mạng, cũng không điêu chút nào. Một lần, đi quay cảnh đàn cò, hắn hùng dũng ôm máy leo lên một cây cao chỉ để quay cảnh những con cò con đang nằm trong tổ. Thân cây dính đầy phân cò nên vừa hôi vừa trơn tuột, thế nhưng hắn vẫn dặn đi dặn lại anh em ở dưới là nếu hắn ngã thì cố gắng đỡ lấy cái máy quay còn người thì cứ… mặc kệ. Cũng may, cả người và máy đều xuống đất an toàn, mang theo toàn bộ dấu tích và mùi phân cò.

Phóng khoáng và khá bản năng nhưng Sỹ Thanh luôn ý thức được quay phim là một nghề đòi hỏi phải lao động nghiêm túc. Dẫu nói như ai đó thì nghề này có cái chất nghệ sĩ nhiều hơn, nhưng hắn biết nếu không đam mê, tìm tòi, rèn giũa và hết mình với nghề thì không thể thành công được.

 Đi tìm những khoảng lặng

Nước da đen giòn, tóc đầu đinh hầm hố, quần áo rằn ri như lính đặc nhiệm, lại thêm cả dáng người cao lớn và khuôn mặt “lạnh như tiền”, dễ khiến người ta có phần e dè khi đứng trước hắn. Nhưng chỉ cần hắn mỉm cười, thủ thỉ dăm câu ba điều thì mọi người lại… mê ngay. Hắn khiến bà cụ bán nước bên đường trìu mến, nắm tay gọi bằng “con”, hay những em nhỏ H’Mông rụt rè phải nở nụ cười tươi tắn. Hắn cũng có thể làm cho gương mặt thiếu nữ Thái phải e thẹn đỏ hồng…

 
   Còn nhớ lần đi Huế, trong lúc ghi hình hầu như Thanh chẳng nói năng gì, chỉ chăm chăm vào cảnh quay khiến cho khách du lịch đi qua cứ chỉ trỏ và tranh cãi xem cái anh chàng cầm máy quay kia là… người Indonesia hay Thái Lan (!). Cuộc tranh luận xôn xao đến nỗi khổ chủ cũng phải buồn cười quay sang bảo ‘‘Tôi là người Việt Nam!’’. Ðến lúc này mọi người mới ôm nhau cười nghiêng ngả. 

Khác với vẻ ngoài hầm hố, khi tiếp xúc với mọi người, Thanh rất thân thiện, vui vẻ. Ðôi khi còn khiến cho người dân cứ tưởng hắn cũng là người bản xứ. Mỗi lần đi làm chương trình, quay trở lại miền núi, hắn lại cảm thấy như được trở lại quê hương của mình, gặp lại những người dưng rất đỗi thân quen.

Ðã có thâm niên nhiều năm trong giới phượt Hà Thành nhưng Sỹ Thanh chỉ nghĩ đơn giản những chuyến đi của mình là để trải nghiệm và thỏa mãn cảm xúc. Không cần lịch trình, không cần bản đồ, cứ thích là hắn đi, một mình vẫn có thể xách xe đi. Ði đến đâu thì nghỉ đến đấy. Không có chỗ ngủ thì dựng xe lên mà căng lều. Nhiều người đi phượt để ngắm cảnh, chụp lại những khuôn hình đẹp nhưng Thanh thì có thói quen dừng chân ở đâu là tìm người dân để nói chuyện, tìm hiểu văn hóa vùng miền nơi ấy. Kinh nghiệm đi phượt của hắn cực kỳ đơn giản: thấy ngõ nào đông người ăn thì kéo vào. Những lần chui vào ngõ ngách như thế, hắn không những được ăn ngon và còn được tiếp xúc với người dân ở cự ly gần nhất. 

Nhờ kinh nghiệm đi phượt lâu năm nên hắn rất thành thạo các cung đường rừng núi. Và cũng nhờ có quãng thời gian ‘‘tiền trạm’’ hầu khắp mọi hang cùng ngõ hẻm trên mọi miền đất nước nên khi vác máy đi làm chương trình, ê-kip của Thanh không bị bỡ ngỡ nữa, ngược lại, nhờ nắm bắt văn hóa, tính cách người dân ở từng vùng nên tác nghiệp rất nhanh.

Thói quen mà hắn không bao giờ bỏ qua khi đi đến các vùng miền, đó là kiểu gì cũng phải chui vào… chợ và bar. Hắn nói, đó là 2 địa điểm mà bản chất con người bộc lộ một cách rõ nét nhất, phải vào để biết được người dân ở đó sống như thế nào.

Mê những chuyến đi nhưng Thanh lại rất dễ dãi trong việc chọn ‘‘ngựa chiến’’. Nếu như giới phượt thường thích rong ruổi trên những chiếc minkhơ, simson hay xe 3 càng… thì với hắn, xe gì cũng có thể lên đường, miễn là đi đến đâu cũng sửa được và có đồ để thay thế. 

Ngoài sở thích đi phượt, hắn còn có thói quen ngồi uống cafe một mình trong một góc quán vắng vẻ. Hắn thừa nhận rằng nghe thì hơi ‘‘sến’’ nhưng chính những lúc đấy mới thấy tâm hồn lắng lại và có thời gian để suy nghĩ nhiều thứ. Hắn luôn cố gắng để mỗi ngày dành ra 30 phút chỉ để ngồi như thế. Ngồi để lên những kế hoạch mới, những dự định mới. Ngồi để có khi lóe ra những ý tưởng xuất thần. Ngồi để chuẩn bị cho những chuyến đi. Với hắn, đi là được tận hưởng. Thế nên, mỗi lần được đi công tác, hắn luôn cảm thấy sảng khoái và tràn đầy sức sống. Ðợt nào không được đi là hắn cảm thấy cơ thể rã rời.

Giờ, biên tập trong kênh cũng đã có thói quen hễ đi quay miền núi là alô ngay cho Sỹ Thanh. Tất nhiên, chưa bao giờ hắn từ chối…

Thanh Hương

Bình luận
vtcnews.vn