Quân đội Trung Quốc chuyển trạng thái?

Thế giớiThứ Tư, 22/12/2010 12:18:00 +07:00

(VTC News) - Các lực lượng của quân đội Trung Quốc đóng tại khu vực gần bán đảo Triều Tiên đã bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

(VTC News) - Tờ Liên hợp buổi sáng của Singapore ngày 21/12 cho hay, trước tình hình căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên, các lực lượng của quân đội Trung Quốc đóng tại khu vực gần bán đảo Triều Tiên đã bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Các lực lượng quân đội Trung Quốc nằm gần bán đảo Triều Tiên gồm Quân khu Thẩm Dương, Quân khu Tế Nam, Hạm đội Bắc Hải và Lực lượng Pháo binh thứ hai (Lực lượng tên lửa chiến lược) gần đây đã bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Phía Trung Quốc đã chuẩn bị một số phương án, và căn cứ vào sự phát triển của tình hình để tăng cường cấp độ sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị quân đội có liên quan.

Sẵn sàng chiến đấu để ngăn chặn xung đột

Có học giả Bắc Kinh chỉ ra rằng, mục tiêu của Trung Quốc là ngăn chặn bán đảo Triều Tiên xảy ra cuộc xung đột quy mô lớn, chứ không phải là tham gia xung đột.

Tàu chiến của quân đội Hàn Quốc đậu ngoài khơi đảo Yeonpyeong (ảnh minh họa). 

Có đơn vị nâng cao cấp độ sẵn sàng chiến đấu là để ứng phó với cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên có thể tác động tiêu cực đến Trung Quốc, bao gồm cuộc khủng hoảng người tị nạn và chiến tranh có thể lan rộng đến biên giới Trung-Triều, điều này hoàn toàn không có nghĩa là Trung Quốc phải hỗ trợ Bắc Triều Tiên, càng không có nghĩa là Trung Quốc sẽ trực tiếp bị cuốn
vào cuộc xung đột.

Vị học giả này cho rằng, nếu bán đảo Triều Tiên bùng nổ chiến tranh, người gặp nạn trước tiên là nhân dân hai bên bán đảo, trên thực tế là cảnh báo hai miền Triều Tiên không nên manh động, đồng thời cũng ngầm gợi ý rằng Trung Quốc sẽ không trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột.

“Chiến tranh tâm lý” và “chiến tranh thể diện”

Mặc dù quan hệ hai miền Triều Tiên căng thẳng, nhưng các học giả Bắc Kinh cho rằng, nguy cơ nổ ra chiến tranh toàn diện giữa hai bên vẫn khá nhỏ, giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc chủ yếu là đang tiến hành "chiến tâm lý" và "chiến tranh thể diện".

Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Á, Đại học Nhân dân Trung Quốc, Hoàng Đại Huệ cho biết, đồng thời với việc “giương súng sẵn sàng” ở bề ngoài, hai miền Triều Tiên cũng ngụ ý thỏa hiệp để giảm bớt tình hình căng thẳng.

Chẳng hạn như Hàn Quốc mượn cớ vì nguyên nhân thời tiết để trì hoãn tập trận bắn đạn thật, thời gian bắn đạn thật ngày 20/12 ngắn hơn so với dự kiến.

Bắc Triều Tiên ngày 20/12 cũng kêu gọi toàn dân đoàn kết lại để “đập tan mưu đồ của các phần tử hiếu chiến”, và đồng ý có thể cho các thanh sát viên hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế quay trở lại Bắc Triều Tiên.

Điều này cho thấy, cả hai bên đều không muốn nhìn thấy xung đột tiếp tục mở rộng. Sau khi Hàn Quốc tổ chức tập trận bắn đạn thật ngày 20/12, Bắc Triều Tiên cho biết, họ không tiến hành trả đũa như đã nói trước đây, bởi vì “không đáng làm như vậy”.

Sơ đồ hoạt động tập trận của quân đội Hàn Quốc vừa tiến hành trong lúc căng thẳng Liên Triều gia tăng sau vụ đấu pháo trên đảo Yeonpyeong. 

Hoàng Đại Huệ cho rằng, mặc dù Trung Quốc, Mỹ và Nga không có lợi ích đồng đều ở bán đảo Triều Tiên, nhưng bán đảo Triều Tiên xảy ra chiến tranh
quy mô lớn không đáp ứng được lợi ích của bất kỳ bên nào.

Nếu tình hình thực sự ngoài tầm kiểm soát, Trung Quốc, Mỹ và Nga có thể sẽ cùng can thiệp để ngăn chặn xảy ra cuộc chiến tranh toàn diện như trước năm 60.

Việc phân định biên giới ở vùng biển phía tây bán đảo Triều Tiên giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc luôn tồn tại bất đồng. Hàn Quốc và Mỹ đã đơn phương thiết lập một "Giới tuyến phía Bắc", nhưng Bắc Triều Tiên luôn không công nhận. Giới tuyến quân sự trên biển do Bắc Triều Tiên thiết lập năm 1999, so với Giới tuyến phía Bắc, càng áp sát phía nam hơn.

Chuyên gia vấn đề Đông Á, Đại học Ngoại thương Trịnh Kiến Thành cũng cho rằng, khả năng xảy ra xung đột quân sự quy mô lớn ở bán đảo Triều Tiên là rất thấp.

Ông cho rằng, Bắc Triều Tiên luôn thực hiện chế độ thời chiến "chính trị lấy quân sự làm đầu", có thể nói trong nhiều thập niên qua đã không bao giờ nới lỏng việc chuẩn bị cho chiến tranh.

Nhưng trong bối cảnh lớn Trung Quốc và Nga đều phản đối bán đảo Triều Tiên xảy ra xung đột quân sự, một khi Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên nổ ra xung đột quân sự quy mô lớn, Bắc Triều Tiên không những chẳng được lợi lộc gì, mà ngược lại có thể rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.

Vì vậy, Bắc Triều Tiên sẽ không đi quá xa trong chính sách bên bờ vực chiến tranh. Trịnh Kiến Thành nói, về phía Hàn Quốc, sự cố tàu Cheonan tháng 3/2010 và sự kiện nã pháo đảo Yeonpyeong đã làm cho hình tượng của chính phủ Hàn Quốc bị suy giảm nghiêm trọng, người dân có thái độ phản đối kịch liệt.

Chính quyền Hàn Quốc đã khó có thể tiếp tục nhượng bộ, buộc phải thực hiện tập trận bắn đạn thật ở đảo Yeonpyeong, tuyên bố không sợ mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, mới có thể khôi phục lại thể diện cho chính phủ, giảm nhẹ sức ép của dư luận trong nước.

Hai bên phải ngồi vào bàn đàm phán

Ngày 22/12, quân đội Hàn Quốc tuyên bố sẽ tiến hành tập trận nã đạn thật trên biên giới Liên Triều. Động thái này có thể sẽ khiến tình hình khu vực càng thêm nghiêm trọng. 


Nhưng nếu
Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên nổ ra xung đột quy mô lớn, Hàn Quốc có thể phải đối mặt với tổn thất nặng nề về người, nền kinh tế cũng sẽ phải hứng chịu một đòn nặng, các quan chức và người dân Hàn Quốc khó có thể gánh được hậu quả này.

Vì vậy, sau khi bắn đạn thật ở đảo Yeonpyeong, dự kiến Hàn Quốc sẽ không tiếp tục kích động Bắc Triều Tiên, nhằm tránh gây ra một cuộc chiến tranh thật sự.

Hoàng Đại Huệ dự kiến, sau cuộc tập trận ở đảo Yeonpyeong, nếu CHDCND Triều Tiên không tiến hành đáp trả, tình hình bán đảo Triều Tiên sẽ dần dần ấm lên, các bên vẫn phải ngồi xuống đàm phán, mà bàn đàm phán tốt nhất là Hội đàm sáu bên.

Ông cho rằng, mặc dù hiện nay ba nước Hàn-Mỹ-Nhật có phản ứng lạnh nhạt với đề nghị của Trung Quốc về tổ chức đàm phán khẩn cấp các Trưởng đoàn Hội đàm sáu bên, nhưng muốn thực hiện hòa bình, ổn định ở bán đảo Triều Tiên, giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, thì ba nước Mỹ-Nhật-Hàn sẽ rất khó tìm được cơ chế đàm phán có hiệu quả hơn Hội đàm sáu bên.



Khánh Hưng(Theo Liên hợp Buổi sáng)

Bình luận
vtcnews.vn