Quan chức Quốc hội: 'Nhiều tín nhiệm thấp là mệt rồi'

Thời sựThứ Ba, 25/11/2014 08:11:00 +07:00

(VTC News) - "Nhiều tín nhiệm thấp là “mệt rồi”, là phải bỏ phiếu tín nhiệm rồi, nên không cần mức “không tín nhiệm”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.

(VTC News) - "Nhiều tín nhiệm thấp là “mệt rồi”, là phải bỏ phiếu tín nhiệm rồi, nên không cần mức “không tín nhiệm”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.

Chiều 28/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Ngày 24/11, bên hành lang Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc 
- Trong phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội đã đề nghị rất gay gắt chỉ nên có 2 mức tín nhiệm. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?


Vấn đề này cũng đang được bàn luận. Sau khi kết quả thảo luận, Thường vụ Quốc hội sẽ có giải trình thấu đáo về vấn đề này. Ý kiến trên hội trường là ý kiến của các đại biểu phát biểu, còn các đại biểu không phát biểu có thể có ý kiến khác.

- Có quan điểm cho rằng lấy phiếu 2 mức là vi hiến vì một đại biểu có thể vừa phải lấy phiếu vừa phải bỏ phiếu trong khi Hiến pháp chỉ quy định bỏ phiếu?

Trong Hiến pháp không quy định việc lấy phiếu. Không phải vi hiến mà khi lấy phiếu không đạt 2/3 thì sẽ tiến hành bỏ phiếu ngay kỳ họp đó. Còn nếu dưới 50% sang kỳ họp sau. Việc bỏ phiếu bất tín nhiệm là tùy mức độ tín nhiệm của đại biểu.

- Đa số đại biểu đánh giá cao việc lấy phiếu thì sao phải sửa Nghị quyết 35 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn., thưa ông?

Vì Nghị quyết 35 quy định lấy phiếu 1 năm/lần, nếu không sửa thì 2015 lại lấy phiếu tín nhiệm. Như vậy thì dày quá, nhiều quá, người được lấy phiếu tín nhiệm cũng không đủ thời gian, điều kiện khắc phục.

- Sau hai lần lấy phiếu và sau phiên thảo luận mà đa số ý kiến phát biểu đều đề nghị lấy phiếu tín nhiệm chỉ nên có hai mức, Thường vụ Quốc hội đã tổng kết được bao nhiêu phần trăm đại biểu đồng ý với 3 mức như cũ, bao nhiêu muốn thay đổi và lần này có lấy ý kiến thăm dò đại biểu không, thưa ông?

Việc này chúng tôi đang chờ ý kiến của Thường vụ Quốc hội.
lấy phiếu tín nhiệm
Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tháng 11/2014 
- Ý kiến cá nhân của ông về mức lấy phiếu tín nhiệm như thế nào?


Thiết kế 3 mức tín nhiệm là để phân biệt giữa lấy phiếu và bỏ phiếu. Lấy phiếu 3 mức để đánh giá tín nhiệm chứ không phải là hình thức bỏ phiếu. Nếu bỏ phiếu thì chỉ có hai mức thôi. Còn nếu lấy phiếu thì phải có tín nhiệm để giúp các cơ quan về mức độ đánh giá cán bộ

- Nhưng như vậy là mặc nhiên công nhận không có “không tín nhiệm”?

Nhiều tín nhiệm thấp là “mệt rồi”, là phải bỏ phiếu tín nhiệm rồi, nên không cần mức “không tín nhiệm”.

Bên cạnh đó, chọn mức tín nhiệm nào là thẩm quyền của đại biểu. Nếu đại biểu còn băn khoăn giữa hai mức tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp thì có thể chọn mức “tín nhiệm”.

 

Nhiều tín nhiệm thấp là mệt rồi, là phải bỏ phiếu tín nhiệm rồi, nên không cần mức không tín nhiệm
Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc
 
- Với thiết kế 3 mức. phải chăng là để phân biệt lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, thưa ông?


Đúng vậy. Đây là cách để phân biệt lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm.

- Nếu vậy khi lấy phiếu tín nhiệm và chỉ quy định 2 mức là trái với các quy định khác, thưa ông?

Không trái với quy định nào cả. Nếu bỏ phiếu thì mới theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội.  


- Kinh nghiệm thế giới thì như thế nào, thưa ông?


Các nước chỉ có bỏ phiếu thôi, chỉ có Việt Nam mới có lấy phiếu tín nhiệm.

Luật quy định khi có 20% đại biểu không tín nhiệm thì đề nghị bỏ phiếu nhưng là đề nghị chứ không phải là bỏ phiếu hay một ủy ban nào kiến nghị.

Nhưng để có được điều kiện đó thì rất khó nên quy định từ lâu nhưng chưa thực hiện bỏ phiếu nên lần này thiết kế quy định lấy phiếu nếu tín nhiệm. Nếu một chức danh nào có tín nhiệm thấp thì trên tinh thần chuyển sang bỏ phiếu.


Xin cảm ơn ông!

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn