Quái gở vùng đất ra ngõ gặp… 'thánh sống'

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 10/05/2015 06:41:00 +07:00

Nhẩm tính sơ sơ, cả xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh có đến hơn chục thầy xem bói.

Nhẩm tính sơ sơ, cả xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh có đến hơn chục thầy xem bói.


Kỳ 1: Có hay không long mạch phát “thánh nhân” giúp đời?

“Thầy ấy xem không hay, đến nhà thầy này, cô này,… xem hay và chính xác lắm”. Cứ thế, hỏi tên “thầy” này, chúng tôi lại được người dân nơi đây giới thiệu đến một “thầy” khác. Với những ai mê xem tương lai, hậu vận có lẽ cả tháng cũng không… “diện kiến hết thánh nhân”.

Hưởng “lộc thánh” phát hàng chục thầy bói chỉ là trò bịp bợm

Trao đổi với PV, cụ Đào Thị Lát (87 tuổi)- một cao niên trong làng chia sẻ: “Khoảng hơn chục năm nay, trong xã “phát” nghề thầy bói. Hầu hết mọi ngõ ngách đều có “thầy”. Chắc tại vùng đất này thiêng quá nên nhiều người được ăn lộc?”.

Cụ Lát cho biết, trong sử sách có ghi lại, Yên Phụ là vùng đất ôm gọn trong lòng mình bảy trái núi với cái tên “Thất Diệu Sơn” thiêng liêng và thần kỳ. Chính tại mảnh đất thiêng liêng “long bàn hổ cứ” này chứa đựng rất nhiều huyền thoại về nền văn hoá văn minh của các thời đại Hùng Vương, Thục An Dương Vương. Nơi đây, thờ rất nhiều các vị thần, trong đó nổi tiếng linh thiêng nhất là thần mẫu Bạch Khê, thờ ở Miếu Bạch Khê.

Cũng theo cụ Lát, Miếu Bạch Khê thờ một vị công chúa qua đời khi còn ít tuổi nên rất linh thiêng. Người dân nơi đây do thành tâm cúng cầu, tạ ơn nên được ăn lộc thánh, việc làm ăn, buôn bán rất thuận lợi và nghề thầy bói từ đó cũng phát triển theo?

Trao đổi với PV, chuyên gia nghiên cứu tâm linh Nguyễn Hồng Sơn cho biết: “Thực tế, cũng có những xã có long mạch phát thầy bói. Tuy nhiên, cũng chỉ được 1-2 người, không có chuyện nhiều “thầy” đến vậy. Và đa phần những người này để trở thành “thầy” đều phải trải qua những biến cố rất lớn trong cuộc đời như bị chó dại cắn, bị sét đánh, bị ốm “thập tử nhất sinh”,… Bên cạnh việc có duyên với nghề này, họ cũng phải chuyên tâm học hỏi, rèn luyện thì xem mới chính xác”.

Cũng theo ông Sơn, việc cả xã “phát” đến hàng chục thầy bói như vậy không phải do được hưởng lộc trời, lộc thánh gì mà chỉ có thể là việc làm bịp bợm, lừa lọc người khác? Thấy một số “thầy” ăn nên làm ra nên người dân trong làng a dua nhau, đua đòi làm “thầy”. “Trong tình trạng thật- giả lẫn lộn như vậy, mọi người nên đề cao cảnh giác và tốt nhất đừng mất tiền, mất của cho những ông thầy dởm đó”.

Nhà to đẹp là của… thầy bói


Theo chia sẻ của người dân và của cả lãnh đạo xã Yên Phụ, tình hình văn hóa - xã hội nơi đây rất phức tạp. Bởi vậy, trong xã “phát” nhiều thầy bói, với họ cũng là chuyện bình thường, thậm chí, họ cũng chẳng buồn để ý đến. Nơi đây nhiều thầy bói đến nỗi, trong chốc lát, người dân cũng không nhớ nổi hết tên của các “thầy”.

Chị Minh Hoa - một người bán hàng nước chia sẻ: “Cô C., cô H., cô L., cô L.I, cô X., cô B… Còn nhiều lắm, tôi chẳng nhớ hết được. Tôi không đi xem bao giờ nên cũng không biết thầy nào cao tay”. Thắc mắc về chuyện, các “thầy” trong làng toàn là nữ, cô Hoa giải thích: “Nữ hay nam đều có cả, có những “thầy” tuy gọi là “cô” nhưng thực ra là đàn ông, vì “ốp bóng” phụ nữ nên phải gọi như vậy”.

Đặc biệt, tìm đến bất kỳ nhà thầy bói nào trong làng, điều khiến chúng tôi kinh ngạc nhất là ngôi nhà của các thầy đều to như… biệt thự. Thầy nào cũng khẳng định rằng: “trên dương gian này, khổ thì không ai khổ bằng “thầy” nhưng nhờ được ơn trên ban lộc nên bây giờ các “thầy” mới sướng”.

Ngôi “biệt thự” của một thầy bói trong xã. 

Có lẽ, nhiều người sẽ nghĩ rằng, kinh tế nơi đây chắc phải phát triển mạnh lắm bởi nhà các “thầy” to đến thế cơ mà. Nhưng không, từ những ngôi trường trong làng đến những ngôi nhà dân bình thường khác, thậm chí đến cả trụ sở Uỷ ban nhân dân xã lại rất cũ kỹ, nghèo nàn và xuống cấp đến kỳ lạ.

Theo quan sát của PV, nằm trên con ngõ nhỏ dẫn vào những ngôi “biệt thự” của các “thầy” trong làng là trường tiểu học Yên Phụ. Ngõ chủ yếu là đường đất, mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì bụi mù mịt, đầy rẫy những ổ gà, ổ vịt. Chạy dài theo con ngõ là những bụi cỏ rậm rạp, hoang tàn, là con mương nước đục ngầu, đầy rác thải và ô nhiễm nghiêm trọng.

Ngôi trường thì cũ nát đến không ngờ. Những mảng rêu bám kín quanh các bức tường, đen kịt, ẩm thấp, mốc meo. Tấm biển đề tên trường ố vàng và xỉn màu. Nếu không nhìn kỹ, chắc hẳn ai cũng nghĩ đây là một cơ sở kinh doanh, sản xuất bỏ hoang, chứ không phải là nơi hàng ngày các em học sinh vẫn chăm chú, đều đặn đến học.

Đối diện với cổng trường là những ngôi nhà mái tôn sơ sài, bán một vài đồ ăn vặt cho học sinh. Có lẽ, khi lần đầu đến đây, nhiều người sẽ tưởng rằng mình đang ở một vùng miền núi hẻo lánh, nghèo nàn nào đó, chứ không phải một vùng quê với những ngôi “biệt thự” nguy nga, hoành tráng của các “thầy”.

Ấy vậy mà, trái ngược hoàn toàn với khung cảnh hoang tàn ấy, con đường dẫn vào nhà các “thầy” được phủ kín bê tông và rất sạch sẽ. Đặc biệt, nhà “thầy” nào cũng nguy nga, rực rỡ. Sự đối lập, tương phản, có phần bi hài, kệch cỡm ấy khiến những người “xứ lạ” như chúng tôi không khỏi xót xa, ngỡ ngàng.

Con đường huyết mạch dẫn vào xã Yên Phụ cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Dùng từ “cung đường khổ ải” cũng không đủ để diễn tả hết về mức độ bi đát của con đường này. Thế nhưng, chỉ điều đó thôi là chưa đủ để ngăn cản những dòng người tấp nập tìm đến nhà các “thầy”.

Một người dân trong làng niềm nở giới thiệu: “Các thầy ở đây “đa năng” lắm, việc “trên trời dưới biển” gì cũng có thể soi ra và hóa giải được. Các cô cứ đến tận nơi sẽ biết”, cụ Lát khẳng định.

Sau khi đi một vòng tìm hiểu cụ thể, chúng tôi cũng phải công nhận, các “thầy” tài thật. Từ những tai ương của kiếp này, đến vận mệnh, tình duyên hay những oan sai của kiếp trước như thế nào các “thầy” cũng soi được hết. “Thầy” thì xem tướng, xem bằng bài tây, “thầy” thì xem tay, soi tiền,… Có “thầy” cao tay còn tìm được cả những ngôi mộ đã thất lạc đến gần trăm năm?

“Thầy” nào cũng “khua môi múa mép” khẳng định mình rất tài giỏi, là số một tại đây. Ai đến xem, “thầy” cũng bảo đặt lễ tùy tâm. Nhưng, sự tùy tâm ấy cũng có quy định riêng. Đặt ít tiền “thầy” sẽ xem theo kiểu ít tiền, và tất nhiên sẽ không bao giờ có chuyện tùy tâm chỉ bằng nước lã và lời nói, tùy tâm theo kiểu “xem hai đặt lễ một”.

Bà Dương Thị Dung- Phó chủ tịch UBND xã Yên Phụ phủ nhận chuyện xã có nhiều thầy bói. 

Bi hài hơn thế, mỗi lần chúng tôi hỏi đường đến nhà các “thầy” ốp bóng phụ nữ để tìm hiểu, người dân trong làng đều tủm tỉm cười. Anh Đỗ Văn (45 tuổi) – người dân nơi đây cho biết: “Các “cô” ở đây xem hay và nhiệt tình lắm, đặc biệt là xem cho những cô gái xinh xắn và chưa chồng. Có những cô đến nhờ “thầy” xem, sau đó trở thành người yêu của “thầy” luôn?! Theo chia sẻ của anh Văn, người dân trong xã chẳng ai đến nhờ các “thầy” xem bói. Chẳng hiểu vì "bụt nhà không thiêng" hay vì đã biết quá rõ mánh lới lừa đảo của các "thầy"?”.

Trao đổi với PV, bà Dương Thị Dung – Phó chủ tịch UBND xã Yên Phụ khẳng định: “Tôi chưa từng nghe chuyện xã có long mạch phát nghề thầy bói. Cũng có thời gian, ở đây rầm rộ các “thầy” thật nhưng hiện nay đã không còn tình trạng này nữa. Trong xã chắc chắn cũng không có nhiều thầy bói?!”.

Cũng theo bà Dung, miếu Bạch Khê đúng là rất linh thiêng, rất nhiều lần, người dân đã đề nghị lên chính quyền cho phép làm lễ hầu đồng ở miếu. Tuy nhiên, vì lo sợ sẽ có nhiều người lợi dụng tâm linh để “buôn thần bán thánh” nên chính quyền kiên quyết không đồng ý. Bởi vậy, nếu như có chuyện mê tín dị đoan, chắc chắn chính quyền xã đã biết và dẹp bỏ?


Nguồn: Người đưa tin
Bình luận
vtcnews.vn