Quái gở chuyện vào tù để… kiếm sống

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 27/05/2011 06:30:00 +07:00

(VTC News) - Những ông muốn vào tù, nhưng không muốn bị mang tiếng hèn trộm cắp thì kiếm một người dân bất kỳ nào đó để… đánh.

(VTC News) - Xã Đại Hợp (Kiến Thụy, Hải Phòng) nổi tiếng cả nước với tình trạng vượt biên trái phép sang Hồng Kông từ thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ trước. Sau một thời gian tạm lắng, giờ đây lại nổi lên phong trào phụ nữ lấy chồng nước ngoài và đàn ông có HIV vượt biên trái phép sang Hồng Kông để... vào tù.

Kỳ 1: Mơ ước được làm… tù nhân

Những cuộc vượt biên lang bạt xứ người từ cuối thế kỷ trước đã rước họa HIV-AIDS về Đại Hợp với ít nhất 60 người nhiễm. Những người khỏe mạnh, có công ăn việc làm không còn tha thiết với chuyện vượt biên nữa, nhưng những người có HIV thì chỉ còn cách xuất ngoại mới hy vọng kéo dài sự sống và có tiền nuôi vợ con. Chuyện người có HIV, thậm chí đã chuyển sang AIDS vẫn xuất ngoại kiếm tiền nuôi thân, nuôi gia đình quả là khó tin, nhưng đó là một sự thật, vừa bi hài vừa có gì đó rất tủi nhục.

Vòng vèo mãi chúng tôi mới tìm thấy nhà anh Vũ Thanh Đoàn, ở thôn Đông Tác 2, nằm bên triền đê trước biển. Ngôi nhà mái bằng khá khang trang vẫn còn sáng màu sơn. Trước khi đến nhà anh, tôi được các cán bộ xã kể rằng, vợ chồng anh Đoàn đều có HIV, song vẫn xây được nhà mới vì Đoàn thường xuyên xuất ngoại... vào tù.

Anh Đoàn - người từng 3 lần xuất ngoại để được vào trại tị nạn và vào tù. 

Khi chúng tôi đến, anh Đoàn đang ngồi đan lưới. Trông Đoàn có vẻ hom hem lắm. Chị Phạm Thị Lượt, vợ Đoàn, đang nằm còng queo trên giường. Thấy chúng tôi, chị lổm ngổm bò dậy và ho sù sụ một tràng dài. Tuy nhiên, anh Đoàn bảo, anh đưa vợ đi kiểm tra máu mấy lần rồi, vẫn âm tính.

Anh Đoàn từng vượt biên trái phép sang Hồng Kông 3 lần, giờ sức khỏe yếu, không đi nổi nữa, nên đành ở nhà làm những việc nhẹ nhàng kiếm sống, rồi tham gia Câu lạc bộ Phòng chống HIV-AIDS tại địa phương do một tổ chức nước ngoài tài trợ.

Hiện tại, Câu lạc bộ Phòng chống HIV-AIDS, do chị Bùi Thị Út, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã Đại Hợp phụ trách, có 30 thành viên. Theo anh Đoàn, con số đó chỉ là bề nổi, còn khá nhiều người trong xã cũng có HIV mà anh biết, song họ không thừa nhận, sống khép kín nên không đưa họ vào con số thống kê được.

Giờ sức khỏe đã yếu, Đoàn ở nhà đan lưới kiếm sống. 

Trong số 30 trường hợp có HIV - AIDS hiện đang ở địa phương, phần lớn đều bị nhiễm do quá trình lang bạt kỳ hồ, kiếm sống ở nước ngoài, rồi tha về lây nhiễm cho vợ con. Những trường hợp hiện tại đang ở nhà đều đã yếu, không đủ sức khỏe để chịu được sóng gió nữa, nên không kiếm sống ngoài biển được.

Những trường hợp mới nhiễm, sức khỏe còn tốt, thì đều tìm mọi cách vượt biên sang Hồng Kông, cố tình gây án, thành tội phạm, vào tù, để được chăm sóc, được lao động kiếm tiền. Hiện tại, theo anh Đoàn, trong các trại tị nạn, trong các nhà tù ở Hồng Kông, hiện có vài trăm người Việt Nam, trong đó, ở Đại Hợp có 20 người và tất cả trong số họ đều có HIV. Anh Đoàn nắm rõ con số như vậy là bởi anh đã có 3 lần xuất ngoại sang Hồng Kông để vào trại tị nạn và vào tù.

Lần vượt biên trái phép đầu tiên của anh Đoàn là năm 1991. Đoàn người vượt biên gồm 40 người đi trên một con thuyền. Họ chuẩn bị những thùng mì tôm, lương khô, gạo, những can nước, rồi cứ thế lênh đênh dọc ven biển Trung Quốc bất kể ngày đêm. Mưa to gió lớn thì ghé vào các làng chài ven biển, hoặc các làng mạc kín đáo của Trung Quốc để trốn cảnh sát. Cứ đi như thế chừng 15 đến 20 ngày thì đến Hồng Kông.

Chỉ cần con thuyền nhỏ, họ có thể vượt biển sang tận Hồng Kông. 

Lần xuất ngoại đầu tiên và lần thứ hai Đoàn "được" vào trại tị nạn. Ở trại tị nạn cơm ăn ba bữa, nước uống cả ngày, lại có thể làm thêm kiếm sống, song chỉ được thời gian ngắn lại bị trục xuất về nước. Trong thời gian vào trại tị nạn lần thứ 2, người ta phát hiện ra Đoàn có HIV. Anh thừa nhận, trong quá trình lang bạt kiếm sống ở nước ngoài, bị bạn bè xấu rủ rê nên đã dính nghiện, chích choác, rồi nhiễm căn bệnh thế kỷ.

Khi có HIV, Đoàn được chuyển sang một trại riêng biệt. Tưởng rằng đời mình thế là hết. Nếu không bị thủ tiêu thì cũng chết trương chết thối vì mang căn bệnh mà xã hội nào cũng kinh sợ. Thế nhưng, cuộc đời anh lại biến đổi kể từ khi vào trại tị nạn. Anh cùng hàng trăm bệnh nhân có HIV-AIDS mang nhiều quốc tịch được các tổ chức quốc tế chăm sóc rất tận tình.

Ngoài việc được nuôi ăn, uống, chữa trị miễn phí bằng những loại thuốc tiên tiến nhất, được giúp đỡ cai nghiện, anh còn được phát lương hàng tháng để chi tiêu. Khi sức khỏe tiến triển tốt, anh được phát một bọc thuốc ARV to tướng, rồi được lên máy bay trở về nước.

Anh Đoàn trò chuyện với PV. 

Ở nhà một thời gian, không có công ăn việc làm, hết thuốc, mà bệnh tình thêm trầm trọng, sức khỏe suy giảm nhanh chóng, nên năm 2005, Đoàn lại cùng đoàn người có HIV lên thuyền vượt biên sang Hồng Kông.

Tuy nhiên, mấy năm nay, các trại tị nạn Hồng Kông đã bị dẹp hết. Những trường hợp nhập cảnh trái phép sẽ bị trục xuất ngay, do đó, để được sống ở xứ người, được trị bệnh, không còn cách nào khác là... vào tù.

Vì thế, khi Đoàn cùng đám người "ất ơ" này bước lên đất Hồng Kông, họ liền tìm cách gây án. Họ phải tính toán gây ra án gì để không bị tử hình hoặc ngồi tù ít quá. Thế là, những câu chuyện bi hài liên tiếp xảy ra. Họ đột nhập nhà dân, ngân hàng, siêu thị trộm cắp. Nếu không bị bắt thì kiếm được quả lớn, còn bị bắt thì được vào tù. Những ông muốn vào tù, nhưng không muốn bị mang tiếng hèn trộm cắp thì kiếm một người dân bất kỳ nào đó để gây gổ đánh nhau. Đánh đấm người ta trọng thương rồi đứng đó chờ... cảnh sát đến bắt tống vào ngục.

Gia đình hạnh phúc của Đoàn. 

Chuyến sang Hồng Kông năm 2005, Đoàn cũng được toại nguyện sau khi gây án. Ở trong tù, Đoàn cùng các đồng nghiệp có giường đệm nằm, có bác sĩ, y tá hàng ngày đến khám bệnh phát thuốc. Thi thoảng người ta còn bắt anh trèo lên cân để xem tăng hay giảm. Nếu tù nhân giảm cân, giám thì sẽ bị khiển trách, thậm chí bị phạt.

Đều đặn ngày ba bữa được phát cơm, thịt miễn phí. Nếu suất cơm có đùi gà, thì bán đùi gà cho đám tù ngoại quốc ăn khỏe, chỉ ăn cơm rau mắm cũng đủ no. Hoa quả tráng miệng sau bữa ăn cũng tích vào rồi đem bán. Mỗi tháng được phát một tút thuốc lá, cũng đem bán đi được 10 USD. Thuốc điều trị HIV được phát rất nhiều, song đám tù nhân này không uống hết, mà giấu đi một phần, sau này mang về nước bán rất được giá.

Khi sức khỏe được cải thiện thì xin giám thị cho được lao động kiếm tiền. Công việc trong tù cũng khá nhiều như may, dệt, mộc, đóng sách vở... Mỗi ngày chỉ làm 4 tiếng đã kiếm được kha khá, cộng với tiền lương 500 đô-la Hồng Kông nhà tù phát cho tù nhân tiêu vặt, số tiền kiếm được hàng tháng đủ để nuôi vợ con ở nhà.

Sau 3 năm ngồi tù, tháng 6-2008, Vũ Thanh Đoàn được ra trại. Lúc ra trại, lại được nhà tù cho một khoản tiền kha khá, rồi được một người áp giải lên máy bay về Nội Bài. Sau khi bước chân xuống sân bay Nội Bài, họ lại cho thêm vài trăm ngàn đồng để mua vé ô tô về nhà.

Thành tích học tập khá tốt của hai cô con gái. 
 

Số tiền tích cóp trong những ngày ở tù gửi về vợ con Đoàn sống khỏe re. Chị Lượt dùng tiền chồng gửi xây được ngôi nhà mái bằng khá khang trang.

Khi về nước, Đoàn còn mang về 30 triệu đồng nữa, sắm cả tivi, loa đài, đầu đĩa xịn tặng con gái vì thành tích học sinh giỏi.

Mặc dù Đoàn có HIV, song 2 cô con gái của anh đều an toàn. Tôi xem những tấm giấy khen bày kín trong tủ, thấy cháu lớn Vũ Thị Cúc 6 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi, còn cháu Vũ Thị Hồng tuy kém chị, nhưng năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.

Giờ đây, việc vượt biên trái phép rất khó, vả lại sức khỏe đã sa sút do bệnh tình nặng, nên Đoàn xác định không đi nữa, mà ở nhà làm lụng giúp vợ con, tham gia tuyên truyền cho thế hệ thanh niên tránh xa tệ nạn xã hội, đặc biệt là nghiện hút, quan hệ tình dục không an toàn...

Còn tiếp…

Lâm Thị Hương Giang - Phạm Hòa


Bình luận
vtcnews.vn