Quái chiêu lừa đảo của một cô giáo tiểu học

Pháp luậtChủ Nhật, 01/12/2013 07:42:00 +07:00

Có tới 20 người gồm người quen biết, họ hàng và đồng nghiệp đã trở thành nạn nhân của Phương với số tiền bị chiếm đoạt lên tới gần 2 tỷ đồng.

Có tới 20 người gồm người quen biết, họ hàng và đồng nghiệp đã trở thành nạn nhân của Phương với số tiền bị chiếm đoạt lên tới gần 2 tỷ đồng.

Những ngày cuối tháng 11/2013, vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Nguyễn Thị Phương (53 tuổi, trú tại tổ 6, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) thực hiện đi vào giai đoạn kết thúc. Trong vụ án này, có khoảng 20 trường hợp đều là những người quen biết, họ hàng và đồng nghiệp đã trở thành nạn nhân của Phương với số tiền bị chiếm đoạt lên tới gần 2 tỷ đồng.

Để chứng minh được hành vi phạm tội của đối tượng này, trước đó Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC 45) Công an tỉnh Yên Bái và Công an huyện Yên Bình đã tốn không ít công sức.

Điều tra viên Vũ Minh Tiến, cán bộ trực tiếp thụ lý vụ án kể lại: Khi bị triệu tập đến cơ quan Công an, Nguyễn Thị Phương từ chối hợp tác. Lúc đầu, Phương không trả lời các câu hỏi của cán bộ điều tra, sau đó thì khẳng định rằng việc nhận tiền chỉ là quan hệ dân sự.

Phương không nhận tiền để chạy việc, chạy học mà chỉ vay tiền của các cá nhân nêu trên. Phương khai báo rằng có một số cá nhân ngay ở lần đầu gặp đã cho Phương vay tiền…Đây thực chất chỉ là thủ đoạn Phương dùng để chiếm đoạt tiền của người bị hại và trốn tránh trách nhiệm hình sự. Vì thế, nhiệm vụ của các điều tra viên thụ lý vụ án là chứng minh được hành vi gian dối của Phương?.


Những người bị hại có liên quan đến vụ án, sau đó đã được triệu tập để lấy lời khai. Một trong số đó là trường hợp của bà Trần Thị Nga (trú tại xã Quy Mông, huyện Trấn Yên). Bà Nga có con gái là Bùi Thị Huyền, đã học xong trung cấp tiểu học nhưng chưa xin được việc làm. Qua Nguyễn Trường Giang, ở thôn 5, Quy Mông, Trấn Yên, Yên Bái giới thiệu, bà Nga đến nhà một người tên là Công (Công là cậu của Giang) nhờ xin việc.

Một ngày cuối tháng 10/2012, bà Nga cùng con gái là Huyền gặp Công tại xã Âu Lâu và đưa cho Công 20 triệu đồng… Sau đó, với lý do Huyền không có bảng điểm, không xin được việc, Công hứa sẽ xin việc cho Huyền làm việc ở Văn Yên (Yên Bái) với điều kiện phải đưa thêm 25 triệu đồng. Số tiền này, Huyền sau đó đã cùng bạn trai đưa tận tay cho Giang.

Lấy lời khai đối tượng Nguyễn Thị Phương. 
Khoảng một tháng sau đó, Huyền về Văn Yên gặp Công, theo lời của Công là để gặp sếp của đối tượng này. Tại Văn Yên, Huyền gặp Phương. Qua trao đổi, Phương cho biết chi phí xin việc là 70 triệu đồng. Sau đó, Phương liên lạc với bà Nga vào nộp số tiền còn lại là 30 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, Phương đã viết giấy xác nhận 70 triệu đồng và hứa sẽ xin cho Huyền làm ở huyện Trấn Yên.

Đến tháng 1/2013, Phương lại thông báo cho bà Nga sẽ xin cho Huyền dạy ở Hạ Hòa (Phú Thọ) đồng thời yêu cầu bà Nga nộp thêm 20 triệu đồng. Để làm tin cho người bị hại, Phương đưa bà Nga xuống trường Đông Sơn (Hạ Hòa) và giới thiệu rằng Huyền sẽ làm việc ở đây. Thời gian sau này, do nghi ngờ Phương lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bà Nga yêu cầu Phương trả tiền nhưng Phương nói rằng đã dùng tiền để chạy việc.


Ngoài trường hợp của Huyền, các điều tra viên Phòng PC45 Công an tỉnh Yên Bái cũng lấy lời khai của nhiều nạn nhân khác như anh Phạm Văn Hiển ở thôn 1, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên. Anh Hiển thông qua chị họ đã quen biết Phương. Biết anh Hiển muốn xin việc cho cháu, Phương chủ động gọi điện thoại cho Hiển nói sẽ xin được việc làm.

Tin vào lời hứa hẹn của Phương, anh Hiển đã đến nơi làm việc của Phương là trường Nguyễn Viết Xuân và đến nhà Phương bàn bạc việc xin việc cho cháu anh Hiển là Lan, học Cao đẳng Sư phạm vào dạy tại trường THCS xã Tân Đồng và Sơn, học Trung cấp Y vào làm tại trạm xá xã Tân Đồng với số tiền là 140 triệu đồng.


Đến ngày 1/3/2012, Lan được nhận vào làm giáo viên hợp đồng tại Trường THCS Tân Đồng với thời hạn đến ngày 30/5/2012. Sau khi hết hợp đồng này, Lan không được đi làm còn trường hợp của Sơn thì vào làm thử việc ở Trạm xá xã Tân Đồng 1 tháng thì nghỉ việc vì không có lương. Khi nhận tiền của các nạn nhân này, Phương đều hứa hẹn sẽ có biên chế và đưa cho anh Hiển một tờ trình  biên chế do ông Trần Quốc Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Đồng ký…

Theo điều tra viên Tiến thì trong vụ án này, các anh đã phải có mặt ở nhiều xã trong và ngoài tỉnh vì bị hại của Phương trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất lớn. Điểm nhấn quyết định dẫn đến thành công của vụ án là việc chứng minh được sự gian dối của Phương. Quá trình khám xét, cơ quan Công an thu giữ tang vật gồm hai quyển học bạ phổ thông của những người có nhu cầu xin việc. Từ đây, bộ mặt thật của Phương đã được phơi bầy.

Nguyễn Thị Phương, từng là giáo viên, Chủ tịch công đoàn Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân, thị trấn Yên Bình. Mặc dù không có khả năng xin việc nhưng với mục đích chiếm đoạt tài sản của người bị hại, Phương tự nhận là người có địa vị, uy tín trong cơ quan và xã hội có thể xin việc làm, xin đi học cho người khác. Do tin tưởng Phương nên trong khoảng thời gian từ tháng 8/2010 đến 1/2013 nhiều người đã gặp và giao tiền để Phương lo chạy việc làm... Sau khi nhận tiền, Phương không xin việc, chuyển công tác hay xin đi học cho ai mà chiếm đoạt tiền của họ, tiêu xài cá nhân.

Y án vũ sư giết người tình phi tang xác



Theo CAND
Bình luận
vtcnews.vn