PVN lại tố EVN 'chây ì' nợ

Kinh tếThứ Ba, 10/07/2012 06:12:00 +07:00

(VTC News) – Số nợ trên 10.000 tỷ đồng tới nay EVN vẫn chưa chi trả dù phía PVN liên tục thúc giục.

(VTC News) – Số nợ trên 10.000 tỷ đồng tới nay EVN vẫn chưa chi trả dù phía PVN liên tục thúc giục. Điều này cũng đã gây khó khăn cho các đơn vị thành viên của PVN trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết tại buổi họp báo tổng kết tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh Quý II của Tập đoàn chiều ngày 9/7

EVN” chây ì” nợ


Theo ông Lê Minh Hồng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), trong 6 tháng đầu năm, Tập đoàn đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra với tổng doanh thu của toàn bộ các đơn vị trong Tập đoàn đạt 380,6 nghìn tỷ đồng, bằng 121,5% kế hoạch 6 tháng và 57,6% kế hoạch năm.

Đặc biệt, trong đó doanh thu bán dầu 6 tháng đạt 7,45 tỷ USD, bằng 161% kế hoạch 6 tháng và bằng 75% kế hoạch năm. Từ nguồn tổng doanh thu này, Tập đoàn đã nộp ngân sách nhà nước đạt 81,2 nghìn tỷ đồng, bằng 129,1% kế hoạch 6 tháng và 60,2% kế hoạch năm.

Doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tăng lần lượt 20% và 10% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo của PVN, tổng doanh thu 6 tháng đạt 203 nghìn tỷ đồng, bằng 111% kế hoạch 6 tháng và 52% kế hoạch năm, tăng 20%  so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 30,1 nghìn tỷ đồng, bằng 112,5% kế hoạch 6 tháng và 51% kế hoạch năm, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2011.

PVN than EVN không chịu trả nợ 

Kết quả khả quan trên do giá dầu thô trung bình 6 tháng tăng 7% so với cùng kỳ năm 2011 (123 USD/thùng so với 115 USD/thùng). Trong đó đáng chú ý, doanh thu từ hoạt động của các đơn vị dịch vụ dầu khí tăng 15% so với cùng kỳ. Dự kiến các doanh nghiệp này sẽ đạt kết quả khả quan trong nửa đầu năm.


Duy nhất chỉ có sản xuất điện 6 tháng đầu năm không đạt kế hoạch khi mức sản xuất chỉ đạt 7,74 tỷ kwh, bằng 97% kế hoạch 6 tháng và 56% kế hoạch năm.

Lý giải điều này, người đứng đầu PVN chia sẻ, do mức huy động điện và nhu cầu điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) 6 tháng đầu năm đạt thấp dù các nhà máy điện của PVN vẫn hoạt động theo công suất bình thường.

“Những năm trước đây mức huy động điện thường tăng gấp đôi GDP, vào khoảng 6 - 8% nhưng năm nay thì lại rất thấp” –ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch HĐQT PVN cho biết thêm.

Đối với khoản nợ tiền mua điện của EVN đối với PVN, ông Thực cho hay số nợ trên 10.000 tỷ đồng tới nay EVN vẫn chưa chi trả dù phía PVN liên tục thúc giục. Điều này cũng đã gây khó khăn cho các đơn vị thành viên của PVN trong quá trình sản xuất kinh doanh.

PVN sẽ hoàn thành tái cấu trúc vào năm 2015

Liên quan đến Đề án tái cấu trúc tập đoàn, ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN cho biết, Tập đoàn đã hoàn thành đề án tái cấu trúc giai đoạn 2012 - 2015 trình Thủ tướng ngày 28/3/2012 và hiện nay đang tiếp thu ý kiến của các Bộ liên quan để Chính phủ phê duyệt làm cơ sở thực hiện.

Trong đề án, PVN đề nghị được sở hữu 20% vốn tại Tổng công ty tài chính cổ phần Dầu khí (PVF) và không coi đây là vốn đầu tư ngoài ngành do PVF đóng vai trò là đơn vị thu xếp vốn cho tập đoàn.

Ngoài ra, PVN cũng đề xuất được giữ lại 18% cổ phần tại Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí (PVI) do đây là đơn vị giúp Tập đoàn bảo hiểm những rủi ro trong quá trình khai thác dầu khí.

“Theo quy định, những doanh nghiệp không có ngành nghề kinh doanh chính là tài chính, bất động sản thì đến 2015 phải thoái vốn khỏi lĩnh vực này, tuy nhiên trừ một số trường hợp đặc biệt mà Chính phủ cho phép. Hiện PVN đang báo cáo Chính phủ về vấn đề này, nếu Chính phủ  không đồng ý thì PVN sẽ thực hiện đúng theo lộ trình thoái hoàn toàn 100%, nếu đồng ý thì PVN vẫn giữ vốn tại PVF và PVI”, ông Thực nói.

Theo lãnh đạo PVN, trong 6 tháng cuối năm, Tập đoàn cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện  Đề án tái cấu trúc tổng thể giai đoạn 2012-2015, đồng thời PVN cũng chú trọng làm việc với các nhà thầu  nhằm đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tiến độ phát triển các mỏ, theo đó đưa 7 công trình dầu khí mới vào khai thác (trong đó gồm 5 công trình trong nước và 2 công trình ở nước ngoài).

Về việc sáp nhập Nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau sau khi dự án Cà Mau đi vào hoạt động, theo ông Thực, PVN đang cân nhắc chọn 1 trong 2 phương án, theo đó, phải tuân thủ hợp nhất được phương án kinh doanh, hệ thống phân phối nhằm hạn chế chi phí quản lý hành chính.

Ngoài ra, Tập đoàn cũng sẽ thu xếp đủ vốn và tổ chức thực hiện đúng tiến độ các dự án trọng điểm, trong đó có dự án khởi công đóng mới giàn Tam Đảo 05 và ký kết khởi công hợp đồng  EPC dự án Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn vào quý III/2012.

Bài, ảnh: Châu Anh

Bình luận
vtcnews.vn